Trẻ hôn mê do ngộ độc dung dịch thuốc lá điện tử

Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống phải dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Cháu bé có tiền sử khoẻ mạnh. Sau khi tình cờ nhặt được và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thuỷ tinh của thuốc lá điện tử, mười lăm phút sau đó người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi các bác sĩ thăm khám và hỏi bệnh, nghi ngờ cháu bị ngộ độc các thành phần chứa trong dung dịch thuốc lá điện tử. Tuy nhiên các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ không giải thích được hết tình trạng ngộ độc do nicotine – chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử.

Chính vì vậy, các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống nhanh chóng được xét nghiệm và phát hiện ra dương tính ma tuý tổng hợp mới ADB-BUTINACA.

Mặc dù tình trạng ban đầu trẻ bị tổn thương thần kinh nặng đến mức co giật, hôn mê, suy hô hấp nhưng sau thời gian điều trị tích cực hai ngày, cháu bé đã may mắn hồi phục tỉnh lại và đang được tiếp tục theo dõi các biến chứng lâu dài.

Đây là trường hợp thứ hai trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị trẻ bị ngộ độc liên quan đến thuốc lá điện tử. Tuy nhiên vấn đề đáng chú ý là dụng cụ thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường mà lại là vỏ bọc nguỵ trang của người lớn sử dụng ma tuý tổng hợp.

"Qua sự việc này chúng tôi đưa ra một số cảnh báo về việc ngộ độc ma tuý tổng hợp mới ở trẻ em qua dụng cụ thuốc lá điện tử với các đồng nghiệp, nhằm giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như giúp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cảnh giác đề phòng." - ThS. BS Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa khuyến cáo.

Các thành phần có trong thuốc là điện tử có thể dẫn tới ngộ độc cho trẻ (Ảnh minh họa : Internet)

ThS. BS Trần Đăng Xoay cho biết trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, gần đây tội phạm ma tuý đã chế tạo những chất ma tuý mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép.
Các chất ma tuý mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA.

Các chất ma tuý này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm. Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.

Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. Chúng ta cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất chúng vẫn có.

Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.

Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.

Thuốc lá điện tử được sản xuất với rất nhiều hình dạng và kích cỡ, hoặc chúng được sản xuất giống thuốc lá thông thường, xì gà, hoặc ống hút, hoặc gần giống vật dụng hàng ngày gây tò mò và hấp dẫn người sử dụng. Nếu như bạn chưa từng hút hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá cũng như thuốc lá điện tử thì đừng nên thử.

"Chính vì các tai nạn gây ra gần đây cho trẻ em liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt là ngộ độc các chất ma tuý mới, chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc các cháu. Không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử." - BS Xoay đặc biệt lưu ý. 

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận điều trị một bé gái 2 tháng tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ, bị ho gà với diễn biến nặng.

Bộ Y tế vừa có Công văn gửi các bệnh viện về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng - an toàn người bệnh, khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa.

Liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh sốt rét đều có tiền sử trở về từ các quốc gia châu Phi. Điều này cho thấy nguy cơ sốt rét quay trở lại Việt Nam vẫn hiện hữu.

Sau khi tiếp nhận 13.000 liều vaccine "5 trong 1" từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phân bổ vaccine này về toàn bộ 22 trung tâm y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức, sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho trẻ em.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị tổ chức bán thuốc ban đêm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Khoảng 30-40% người Việt mắc căn bệnh trĩ. Trong số các lý do dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân ngồi lâu, sử dụng điện thoại liên tục nhiều giờ.