Triều Tiên: Hé lộ cơ sở làm giàu uranium cấp vũ khí
Theo các bức ảnh do hãng thông tấn KCNA công bố, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm Viện Vũ khí hạt nhân và cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí của nước này, tuy nhiên nguồn tin không nêu cụ thể thời điểm chính xác.
Theo hãng KCNA, ông Kim Jong-un đã đi thị sát quanh phòng điều khiển của cơ sở làm giàu uranium và một công trường xây dựng sẽ mở rộng năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân.
KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh thúc đẩy việc đưa máy ly tâm loại mới hiện đã hoàn thiện vào sử dụng, đồng thời kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để tăng theo cấp số nhân số lượng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, ông Kim từng tuyên bố Triều Tiên cần có khả năng phòng thủ và tấn công phủ đầu mạnh mẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân do Mỹ đứng đầu.
Chuyến thăm của ông Kim có thể là một động thái nhằm phát thông điệp cảnh báo Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, những hình ảnh này cũng có thể hé lộ thêm những thông tin quý giá về năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn rất ít khi được công khai và khó kiểm chứng.
Chưa có dữ liệu chính xác khẳng định địa điểm này có nằm trong khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên hay không. Đây cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tiết lộ về một cơ sở làm giàu uranium kể từ khi họ giới thiệu một cơ sở tại Yongbyon cho các học giả Mỹ trong chuyến thăm vào năm 2010.
Trước đó, Triều Tiên đã lần đầu tiên công khai về một địa điểm làm giàu uranium ở Yongbyon vào tháng 11/2010, khi họ cho phép một phái đoàn học giả của Đại học Stanford do nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker dẫn đầu, đến tham quan các máy ly tâm.
Những bức ảnh Triều Tiên công bố ngày 13/9 cho thấy có khoảng 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân bí mật. Chuyên gia về kỹ thuật hạt nhân Lee Sang Kyu tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các máy ly tâm trong ảnh có vẻ nhỏ hơn và ngắn hơn so với các loại trước đây được cho là do Triều Tiên sử dụng, điều này cho thấy nước này đã phát triển máy ly tâm của riêng mình để tăng khả năng phân tách.
Trong khi đó, theo ông Yang Uk, một chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, khi hoạt động quanh năm, những tổ máy ly tâm này có thể sản xuất khoảng 20 - 25kg uranium làm giàu cao, đủ để chế tạo một quả bom duy nhất.
Ông Lee Choon Geun, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết, máy ly tâm kiểu mới mà ông Kim muốn giới thiệu có khả năng là loại máy ly tâm tiên tiến làm từ sợi carbon, có thể cho phép Triều Tiên sản xuất uranium làm giàu cao gấp 5 - 10 lần so với các loại hiện có.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên công bố cơ sở làm giàu uranium và phát biểu của ông Kim Jong-un về việc tăng cường năng lực hạt nhân. Một tuyên bố của Bộ này cũng nhấn mạnh việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân "bất hợp pháp", bất chấp lệnh cấm của Liên hợp quốc và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình quốc tế.
Giới nghiên cứu cho rằng Triều Tiên đang vận hành nhiều cơ sở làm giàu uranium. Hiệp hội Khoa học gia Mỹ (FAS) hồi tháng 7 công bố nghiên cứu ước tính Triều Tiên đã sản xuất đủ nguyên liệu cho khoảng 90 vũ khí hạt nhân, song có thể mới dùng một phần để chế tạo khoảng 50 đầu đạn.
Hình ảnh vệ tinh trong những năm gần đây cũng cho thấy Triều Tiên đang mở rộng một nhà máy làm giàu uranium tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Vũ khí hạt nhân có thể được chế tạo bằng uranium hoặc plutonium làm giàu cao. Triều Tiên có các cơ sở để sản xuất cả hai loại vũ khí này tại Yongbyon. Tuy nhiên, chưa rõ chính xác Triều Tiên có bao nhiêu plutonium cấp vũ khí hoặc uranium làm giàu cao được sản xuất tại Yongbyon và địa điểm lưu trữ chúng.
Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động thử vũ khí để mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa hạt nhân nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên có thể thực hiện các vụ nổ thử hạt nhân hoặc thử tên lửa tầm xa trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 với mục đích tác động đến kết quả và tăng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ.
Trái với phản ứng gay gắt của chính giới Israel cùng nhiều quốc gia đồng minh, nhiều quốc gia khu vực đã yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.
Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở dải Gaza, giới chức Israel đã lập tức lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt động thái của ICC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trong một video, tuyên bố Moscow đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu vượt âm tầm trung.
Thủ tướng Liban Najib Mikati cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền Nam Liban, trong bối cảnh xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hezbollah và Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz tuyên bố rút lui khỏi đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong thời gian rất ngắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tiếp có những quyết sách làm thay đổi căn bản mức độ và phạm vi Mỹ can dự gián tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
0