Triều Tiên phóng ICBM với mục đích gì?

Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quan sát vụ phóng và gọi đây là "hành động quân sự phù hợp" để thể hiện quyết tâm của Triều Tiên trong việc đáp trả các động thái nhằm đe dọa đến sự an toàn của Triều Tiên.

Màn hình TV hiển thị hình ảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong chương trình thời sự tại Ga xe lửa Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, thứ năm,
ngày 31/10/2024.

Ông Kim cho biết, "những cuộc diễn tập quân sự " nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực hạt nhân Triều Tiên. Ông còn khẳng định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách tăng cường lực lượng hạt nhân của mình.

Màn hình TV hiển thị hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chương trình thời sự tại Ga xe lửa Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, thứ năm, ngày 31/10/2024.

Triều Tiên kiên quyết lập luận rằng việc tăng cường năng lực hạt nhân là lựa chọn duy nhất để đối phó với việc mở rộng huấn luyện quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Mặc dù Washington và Seoul đã nhiều lần tuyên bố họ không có ý định tấn công Triều Tiên. Các chuyên gia cho biết, Triều Tiên sử dụng các cuộc tập trận của đối phương như một cái cớ để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhằm giành được sự nhượng bộ khi ngoại giao được nối lại.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra vài giờ sau khi các nước láng giềng cho biết, họ đã phát hiện vụ thử ICBM đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 12/2023 và lên án đây là hành động khiêu khích làm suy yếu hòa bình quốc tế.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể đã thử một tên lửa đạn đạo tầm xa nhiên liệu rắn mới với góc bắn cao. Tên lửa có nhiên liệu rắn tích hợp, dễ di chuyển, ẩn náu tốt hơn và có thể phóng nhanh hơn vũ khí nhiên liệu lỏng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đến văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào thứ năm, ngày 31/10/2024.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani nói với các phóng viên rằng thời gian bay của tên lửa là 86 phút và độ cao tối đa hơn 7.000 km (4.350 dặm) đã vượt quá dữ liệu tương ứng từ các cuộc thử tên lửa trước đây của Triều Tiên.

Việc một tên lửa bay cao hơn và trong thời gian dài hơn trước đây có nghĩa là lực đẩy của động cơ đã được cải thiện. Các chuyên gia cho biết, các cuộc thử nghiệm ICBM trước đây của Triều Tiên đã chứng minh rằng về mặt lý thuyết, chúng có thể vươn được tới lãnh thổ nước Mỹ, vụ phóng mới nhất có thể liên quan đến nỗ lực kiểm tra xem tên lửa có thể mang đầu đạn lớn hơn hay không.

Ông Jung Chang Wook, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Diễn đàn Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul cho biết có thể nói tên lửa trong vụ phóng hôm thứ Năm (31/10) có thể mang đầu đạn lớn nhất và có sức hủy diệt nhất của Triều Tiên. Ông cho biết, vụ phóng này cũng có khả năng được thiết kế để thử nghiệm các khía cạnh công nghệ khác mà Triều Tiên cần nắm vững để thúc đẩy hơn nữa chương trình ICBM của mình.

Triều Tiên đã có những bước tiến trong công nghệ tên lửa những năm gần đây. Nhưng nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng Triều Tiên vẫn chưa có được tên lửa hạt nhân có thể tấn công lại Mỹ. Họ nói rằng Triều Tiên có khả năng chỉ sở hữu tên lửa tầm ngắn, phạm vi có thể tấn công hạt nhân trên toàn bộ Hàn Quốc.

Hiện có lo ngại rằng Triều Tiên tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để hoàn thiện tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bằng việc Triều Tiên điều động hàng nghìn quân lính để hỗ trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 30/10 cho biết quân đội Triều Tiên mặc quân phục Nga và mang theo thiết bị của Nga đang tiến về phía Ukraine, trong những gì ông gọi là diễn biến nguy hiểm và gây bất ổn.

Ông Jung Chang Wook cho biết, ông suy đoán các chuyên gia Nga có thể đã đưa ra lời khuyên về công nghệ liên quan đến vụ phóng tên lửa kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Triều Tiên để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6.

Trong khi đó, ông Lee Choon Geun, nghiên cứu viên danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nhận định kết quả ban đầu của vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày 31/10 cho thấy, Nga có thể đã cung cấp một thành phần nhiên liệu chính có thể tăng lực đẩy của động cơ tên lửa. Ông cho biết lực đẩy cao hơn cho phép tên lửa mang tải trọng lớn hơn, bay ổn định hơn và bắn trúng mục tiêu chính xác hơn.

Ông Kwon Yong Soo, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể đã thử nghiệm một hệ thống đầu đạn đa năng cho ICBM hiện có. "Không có lý do gì để Triều Tiên phát triển một ICBM mới khác khi họ đã có một số hệ thống có tầm bắn lên tới 10.000 - 15.000 km có thể vươn tới bất kỳ vị trí nào trên Trái Đất", ông Kwon cho biết.

Triều Tiên đã nhanh chóng xác nhận vụ phóng ICBM, ngay sau khi quân đội Hàn Quốc ra thông báo. Bình Nhưỡng gọi đây là "một cuộc thử nghiệm rất quan trọng". Bình Nhưỡng thường xác nhận các cuộc thử nghiệm vũ khí của mình ngay vào ngày hôm sau, sau khi tiến hành thử nghiệm.

Yang Uk, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc, cho biết “Vụ phóng có thể được coi là một cuộc trình diễn để chứng minh khả năng của Triều Tiên, bất kể việc điều động quân đội hay các động thái khác”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Sean Savett gọi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo là "vi phạm trắng trợn" nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", gây gia tăng căng thẳng không cần thiết và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực". Ông Savett cho biết Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, cho rằng hành động này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhắc lại lời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và thiết lập môi trường đối thoại và nối lại đàm phán. "Cam kết ngoại giao vẫn là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được trên Bán đảo Triều Tiên", người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết.

Người phát ngôn quân đội Hàn Quốc Lee Sung Joon cho biết, tên lửa của Triều Tiên có thể đã được phóng từ một bệ phóng 12 trục, bệ phóng di động lớn nhất của Triều Tiên. Việc tiết lộ bệ phóng mới vào tháng 9 đã làm dấy lên suy đoán rằng Triều Tiên có thể đang phát triển một ICBM lớn hơn những ICBM hiện có.

Cơ quan tình báo quân sự Hàn Quốc ngày 30/10 đã lên tiếng cảnh báo với các nhà lập pháp rằng, Triều Tiên có thể đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ bảy. Cơ quan này cho biết Triều Tiên đã gần thử nghiệm ICBM.

Trong hai năm qua, ông Kim Jong-un đã lợi dụng cuộc xung đột giữa Ukraine Nga như một cửa sổ để tăng cường thử nghiệm vũ khí; đồng thời mở rộng hợp tác quân sự với Nga. Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác cho biết Triều Tiên đã vận chuyển pháo binh, tên lửa và các loại vũ khí đối lưu khác để bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt của Nga.

Sự tham gia có thể có của Triều Tiên vào cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đánh dấu một sự leo thang nghiêm trọng. Bên cạnh công nghệ hạt nhân và tên lửa của Nga, các chuyên gia cho biết ông Kim Jong-un cũng có thể hy vọng Nga giúp xây dựng một hệ thống giám sát không gian đáng tin cậy và hiện đại hóa vũ khí thông thường của Triều Tiên. Họ nói rằng ông Kim có thể sẽ nhận được hàng trăm triệu USD từ Nga cho tiền lương của binh lính nếu họ đồn trú tại Nga trong một năm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phó phát ngôn viên chính quyền Taliban Hamdullah Fitrat ngày 25/12 cáo buộc tiêm kích Pakistan ném bom vào miền đông Afghanistan, khiến 46 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 25/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ gia hạn cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh có xuất xứ từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 3 tháng, ít hơn so với thời gian gia hạn tối đa theo hướng dẫn trước đó.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/12 cáo buộc NATO đang cố gắng biến Moldova thành một trung tâm hậu cần để cung cấp cho quân đội Ukraine và tìm cách đưa cơ sở hạ tầng quân sự của nước này đến gần Nga hơn.

Ngày 25/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng phản đối quyết định chuyển một tỷ USD từ tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát biểu đầu tiên về vụ rơi chiếc máy bay có hành trình từ Azerbaijan đến Nga ở Kazakhstan ngày 25/12.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine và các quan chức địa phương xác nhận, quân đội Nga đã tấn công hệ thống năng lượng và các thành phố phía đông của Ukraine bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo rạng sáng 25/12. Trong khi Ukraine tấn công Belgorod của Nga bằng hơn 50 UAV.