Trở về hôn trường xưa sau 70 năm của 'cô dâu Điện Biên'

'Cô dâu Điện Biên' là danh gọi thân thương mà nhiều người nhắc về Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y tổ chức đám cưới ngay tại mặt trận sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đám cưới nổi tiếng giữa cô dâu Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh, đại đoàn quân Tiên phong được tổ chức tại hầm Đờ Cát. 70 năm trôi qua, câu chuyện của cô dâu ngày ấy khi trở lại thăm chiến trường xưa, hôn trường xưa đã truyền cảm hứng mạnh cho thế hệ mai sau.

Vào dịp sinh nhật lần thứ 94, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản -  nhân chứng Điện Biên Phủ đã thực hiện được nguyện vọng về thăm nơi đã diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước. Bà là vợ của vị tướng lẫy lừng - Trung tướng Cao Văn Khánh, Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông bà từng có một "đám cưới nổi tiếng" vì diễn ra tại hầm Đờ Cát ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày.

Ảnh cưới của bà Toản được chụp trên chiếc xe tăng bị bắn cháy. Ảnh tư liệu

Vượt hơn 1.800 km từ TP Hồ Chí Minh, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Toản đặt chân đến Điện Biên trong những ngày cả nước đang hướng về mảnh đất lịch sử. Bà nghẹn ngào xúc động khi đã thắp hương tưởng niệm những đồng đội đã nằm lại tại nghĩa trang liệt sỹ đồi A1.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm Đờ Cát, nơi tổ chức lễ thành hôn của mình năm xưa.

Chuyến thăm Điện Biên lần này trở nên ý nghĩa hơn, khi bà thăm lại hầm Đờ Cát, nơi diễn ra đám cưới của mình vào ngày 22/5/1954, tức là hai tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Đám cưới đặc biệt diễn ra giữa ông Cao Văn Khánh (từng là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh trận đồi Độc Lập, bao vây sân bay Mường Thanh) với cô dâu khi đó là y tá Đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lễ cưới được tổ chức sau khi được sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gọi là lễ cưới, nhưng bà hầu như không chuẩn bị được gì. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu chỉ kịp vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Vậy là trên chiến trường vừa dứt tiếng bom đạn, vẫn vương mùi thuốc súng và tàn tích chiến tranh, một lễ cưới đầm ấm, giản dị đã diễn ra như một minh chứng cho sự khởi đầu mới – hòa bình và hạnh phúc.

Nữ quân y năm xưa tham quan mô hình tái hiện công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Baodienbienphu

Sau 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ, cô dâu Ngọc Toản nay tóc đã bạc trắng, phải dùng xe lăn để đi lại thuận tiện hơn trong hành trình dài từ thành phố Hồ Chí Minh đến với Điện Biên Phủ. Ông Cao Quý Bảo - con trai GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản cho biết, dù sức khỏe đã yếu nhưng với ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên của mẹ, cả gia đình đã cố gắng đưa bà lên thăm lại chiến trường trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bà Toản tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Baodienbienphu

Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết, những câu chuyện được chính cô dâu kể lại khiến rất nhiều người xúc động. Trong đám cưới ấy, căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ Cát có bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho 40 – 50 khách mời. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy với nội dung: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954”. Bên nhà gái là các cán bộ quân y, bên nhà trai là cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Giản đơn nhưng đám cưới ngập tràn những nụ cười và lời chúc phúc trong niềm vui chiến thắng vẫn ngập tràn.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Toản - Cao Văn Khánh. Ảnh tư liệu

70 năm trôi qua, những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của đám cưới đặc biệt ấy đã được trao tặng lại cho Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên. Hình ảnh hai Chiến sĩ Điện Biên làm lễ cưới khi chiến trường vẫn còn vương khói bom là một trong những biểu tượng khát vọng xây dựng hòa bình của người Việt Nam./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ, để lại nhiều đau thương, mất mát. Lắng nghe những ký ức được kể bằng kỷ vật thời chiến là một cách để mỗi người thêm hiểu, thêm trân trọng sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bộ Công an đang nâng cấp ứng dụng VNeID để tích hợp tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng. Ngay trong tháng 4, khi người dân dùng tài khoản định danh mức độ 2 truy cập, đã có thể nhìn thấy mục này trên ứng dụng. Để chi trả được tiền, ứng dụng sẽ tích hợp tài khoản thanh toán cho những người thuộc diện được hỗ trợ.

Hiện nay, hầu hết các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang tổ chức thi công xuyên lễ. Dù dưới tiết trời 40 độ C nhưng trên mỗi công trường, những người công nhân vẫn miệt mài thi công với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo công trình về đích đúng hạn.

Những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa bồi hồi xúc động chia sẻ kỷ niệm với những người bạn chiến đấu, nhớ về một thời oanh liệt.

Dịp nghỉ lễ này, đông đảo đồng bào, kiều bào từ khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là đồng bào miền Nam đã tìm về Hà Nội, viếng lăng Bác Hồ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng, nhớ về nguồn cội. Mặc dù sáng 30/4, thời tiết khá nóng nhưng cũng rất đông người dân đã đến Quảng trường Ba Đình, xếp hàng lần lượt vào thăm Bác, thể hiện sự thành kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.