Trục lợi từ tín ngưỡng: Chấn chỉnh cách nào? | Hà Nội tin mỗi chiều

Trục lợi từ tín ngưỡng, cần kịp thời chấn chỉnh; Phương án giải quyết rác thải tồn đọng ở ngoại thành Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Trục lợi từ tín ngưỡng - cần kịp thời chấn chỉnh 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa họp xem xét kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh (tục danh Vũ Minh Hiếu) trụ trì chùa Ba Vàng, Quảng Ninh vì trực tiếp liên quan việc tổ chức trưng bày vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" cung thỉnh từ Myanmar về chùa Ba Vàng. Đây là thông tin đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tại cuộc họp, Hội đồng Trị sự đã xem xét sự việc từ ngày 23/12 - 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức lễ rước; cung cấp, sản xuất thông tin tạo sự hiếu kỳ, liên quan một vật thể được cho là “xá lợi tóc Đức Phật”, thỉnh từ Myanmar về chùa Ba Vàng trưng bày. Dư luận xã hội lên tiếng, nghi ngờ về nguồn gốc và tính chân thực của vật thể này. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang.

Chùa Ba Vàng tổ chức thỉnh vật thể được cho là “xá lợi tóc Đức Phật” từ Myanmar về chùa Ba Vàng trưng bày. Ảnh: Vietnamnet

Liên quan biện pháp kỷ luật, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết Giáo hội chấp nhận lời sám hối của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm. Tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng theo đúng quy định của Giáo hội và pháp luật.

Từ hiện tượng chùa Ba Vàng có thể thấy, từ hoạt động tôn giáo tín ngưỡng đến hành vi phi tín ngưỡng tôn giáo và trục lợi là một ranh giới khá mong manh. Do những tác hại rất lớn của việc trục lợi tín ngưỡng, hành vi này bị nghiêm cấm theo Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thực tế, không chỉ có sự việc ở chùa Ba Vàng và không chỉ có vụ gọi là “xá lị tóc đức Phật”. Thời gian qua xảy ra nhiều câu chuyện vô lý, thiếu căn cứ nhuốm màu mê tín, thần bí. Một bộ phận dân chúng đặt niềm tin một cách mù quáng, tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những chuyện nhảm nhí. Giữa thời đại minh, trí tuệ nhân tạo phát triển từng ngày từng giờ mà một bộ phận con người vẫn u mê trong cõi hỗn mang khiến nghề buôn thần bán thánh có cơ phát đạt.

Về những căn cứ để xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hiện tại chúng ta có Luật Di sản Văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí là Luật Hình sự, Luật an ninh mạng. Tuy vậy, trong thực tế vẫn có khoảng cách lớn từ luật pháp đến thực thi. Khoảng trống pháp lý khiến tăng thêm những nghi ngại về hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo.

Tiến sĩ Hoàng Văn Chung – Trưởng phòng Lý luận và Chính sách tôn giáo, Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng, để có thể kịp thời ngăn chặn các hành vi trục lợi từ tín ngưỡng, tôn giáo cần phải dựa vào những người đã được đào tạo, có trách nhiệm quản lý trên không gian số và dựa vào Luật An ninh mạng đã được thông qua. Tuy nhiên lực lượng này còn rất mỏng. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về những hành vi, dấu hiệu trục lợi tín ngưỡng tôn giáo của các đối tượng. Và một điều quan trọng là về phía người dân cũng cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật của đạo Phật, tránh việc thực hành theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để không sa vào mê tín, mù quáng. Sự trục lợi tôn giáo không thể đến nếu chúng ta thực sự hiểu chân lý của những chính đạo.

Chiều 3/1, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, nội dung xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng được nhấn mạnh. Chấn chỉnh lại những hoạt động không phù hợp, những hành vi không đúng với những giá trị sống trong giáo lý đạo Phật, không đúng hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều cần làm ngay.

Phương án giải quyết rác thải tồn đọng ở ngoại thành Hà Nội

Hiện nay, việc thu gom rác ở nội thành đã tạm ổn nhưng tại một số khu vực nông thôn ở các huyện ngoại thành Hà Nội, vấn đề tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là tại địa bàn làng nghề chế biến gỗ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường thông tin, trung bình mỗi ngày, người dân trong xã phát sinh 10-12 tấn rác thải sinh hoạt và hàng tấn chất thải làng nghề. Từ nhiều năm nay, cánh đồng phía cuối xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất bất đắc dĩ đã trở thành nơi tập kết rác thải các loại. Theo người dân địa phương, trước đây bãi rác chỉ rộng khoảng vài trăm m2 nhưng càng ngày càng mở rộng. Hiện khối lượng ước tính đã lên đến hơn 4.000 tấn gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sống xung quanh bãi rác. Người dân rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm giải tỏa hết số rác tồn đọng trả lại mặt bằng.

Người dân ngang nhiên đổ trộm rác phế thải tại bãi rác Hữu Bằng. Ảnh: Kinhtedothi

Theo phương án phân luồng của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, toàn bộ rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Thạch Thất sẽ vận chuyển về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn ở Sơn Tây. Tuy vậy từ tháng 2/2023, do khu xử lý tạm dừng nên rác thải trong huyện phải chuyển về bãi rác Nam Sơn. Chặng đường vận chuyển dài gấp ba lần nên đơn vị thu gom chỉ đạt 90% lượng rác hàng ngày. Hơn nữa, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường còn thấp, chưa hợp lý. Nhiều gói thầu có khối lượng đăng ký công việc thấp hơn khối lượng thực tế, dẫn đến phát sinh khối lượng và kinh phí phải chi trả. Việc phối hợp giữa đơn vị duy trì vệ sinh môi trường với chính quyền các xã để thu phí dịch vụ chưa tốt, dẫn đến mất cân đối nguồn kinh phí. Số lượng điểm tập kết rác thải tại các xã còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp.

Trong bối cảnh rác thải ngập ngụa ở nhiều huyện ngoại thành, thì Nhà máy Xử lý và Chế biến rác Phương Đình (huyện Đan Phượng) xử lý rác trị giá hàng trăm tỉ đồng lại đang "đắp chiếu" nhiều năm, gây lãng phí. Nhà máy có công suất giai đoạn I đạt 200 tấn rác thải/ngày, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận như Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai và rác thải công nghiệp không nguy hại của các làng nghề, khu công nghiệp… trên địa bàn thành phố. Nhà máy này đi vào hoạt động chính thức từ tháng 4/2016. Hai năm sau phải tạm ngưng để sửa chữa kết hợp nâng cấp hệ thống khí thải. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa cũng không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp nên nhà máy đã dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác từ đó đến nay.

Trước thực trạng ùn ứ rác thải vừa nêu, chính quyền huyện Thạch Thất đưa ra giải pháp trước mắt là gom ra điểm tập kết, không để tồn đọng trong khu dân cư. Rác cũ sẽ chuyển đi trước, rác mới chuyển đi sau. Địa phương cũng báo cáo UBND TP Hà Nội để tìm hướng xử lý lượng lớn rác thải tồn đọng trên địa bàn.

Hiện tại, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, đơn vị trúng thầu hiện đang tăng cường phương tiện, nhân công để triển khai phương án thu gom, vận chuyển rác đến nơi xử lý. Dự kiến đến 20/1 năm nay, sẽ xử lý hết số lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ lâu dài vẫn cần tính đến việc sớm đưa các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động hiệu quả, tăng số lượng điểm tập kết rác và cân đối việc thu phí vệ sinh môi trường một cách hợp lý./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.