Trung Quốc khắc phục thiệt hại của siêu bão Yagi

Siêu bão Yagi là cơn bão mùa thu mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc kể từ năm 1949, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời tác động đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

Hải Nam, Trung Quốc nỗ lực khắc phục hậu quả

Đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Để nhanh chóng khôi phục trật tự sau bão, 61.000 công nhân vệ sinh và 6.300 xe chở rác đã được huy động để dọn dẹp trên khắp Hải Nam.

14.000 tấn rác do bão gây ra đã được dọn sạch, khoảng 142.000 cây đổ được di dời. Hơn 300 tình nguyện viên đã được huy động để dọn sạch cây xanh bật gốc và giải quyết tình trạng ngập úng trên các con phố. Hệ thống giao thông công cộng, mạng lưới điện, sân bay... tại Hải Nam đã hoạt động trở lại.

Nhân viên vệ sinh dọn dẹp đường phố ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc

Chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết bão Yagi đã khiến 4 người thiệt mạng, 95 người bị thương và gây ảnh hưởng tới hơn 526.000 người. Bão gây thiệt hại 11,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,67 tỷ USD) cho ngành nông, ngư nghiệp tỉnh Hải Nam, trong đó hơn nửa là thiệt hại về ngành đánh bắt cá. Yagi còn gây thiệt hại mùa màng với phạm vi khoảng 94.200 ha.

Cảng Tanmen, tỉnh Hải Nam. Nguồn: Xinhua

Để hỗ trợ công tác cứu hộ và phục hồi ở các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có Hải Nam, ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc thông báo nước này đã phân bổ 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 28,2 triệu USD) từ ngân sách trung ương để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, bao gồm đường sá, cầu cống, cơ sở thủy lợi, trường học và bệnh viện, đồng thời tạo điều kiện khôi phục nhanh chóng điều kiện sống và làm việc bình thường của người dân.

Tình hình ngập lụt tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, mưa lớn đã xuất hiện tại nhiều khu vực ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam nước này. Đài quan sát khí tượng Vân Nam hiện đã ban bố cảnh báo mưa lớn cấp độ 2 – mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 cấp ở Trung Quốc.

Sạt lở đất ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nguồn: CCTV

Trong những ngày qua, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng giao thông. Hiện tượng sạt lở đất đã ảnh hưởng tới nhiều tuyến đường quan trọng ở các huyện Mã Quan, Quảng Nam, Phú Ninh. Theo số liệu thống kê, đã có 28 vụ sạt lở đường, nhiều cây xanh bị đổ. Chính quyền địa phương đã điều động hàng trăm nhân viên cứu hộ và nhiều máy móc, thiết bị để dọn dẹp, đảm bảo việc lưu thông trên các đường cao tốc.

Một số ngôi làng ở Vân Nam, Trung Quốc chìm trong nước lũ. Nguồn: CCTV

Do ảnh hưởng của mưa lớn, một số ngôi làng gần Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten cũng bị ngập lụt nghiêm trọng, khiến một số người dân mắc kẹt trên mái nhà. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hỏa và cứu hộ địa phương đã ngay lập tức được huy động đến thực hiện công tác cứu hộ. Chỗ ngập sâu nhất ở khu vực lên tới 1,5 mét. Hiện chính quyền Vân Nam dốc toàn lực để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão Yagi.

Trung Quốc phòng ngừa lũ ở Quảng Tây và Vân Nam

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo mực nước tại một số con sông ở các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam có thể vượt mức báo động do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi. Hiện bộ này tiếp tục duy trì mức ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với nguy cơ xảy ra lũ lụt ở Quảng Tây và Vân Nam để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống lũ lụt ở khu vực sông Châu Giang, tỉnh Quảng Tây.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã triển khai hàng loạt các biện pháp ứng phó với lũ lụt khi mực nước tại sông Châu Giang thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đang có xu hướng dâng cao. Bộ này dự báo mưa vừa và mưa to sẽ tiếp tục trút xuống các khu vực phía nam và phía tây của tỉnh Quảng Tây trong ba ngày tới. Mực nước sông Châu Giang và các nhánh của nó sẽ vượt quá mức cảnh báo do lượng mưa lớn.

Tại tỉnh Vân Nam, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng giao thông, gây sạt lở đất ở nhiều khu vực. Hiện một số ngôi làng gần Khu hợp tác kinh tế Mohan-Boten vẫn ngập sâu, khiến một số người dân mắc kẹt trên mái nhà. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ và hướng dẫn các sở, ban, ngành địa phương quản lý an toàn các đập và hồ chứa trên địa bàn.

Gián đoạn giao thông ở Trịnh Châu do mưa lớn

Ba năm sau khi hứng chịu trận lũ quét lịch sử, thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, lại một lần nữa chìm trong biển nước. Chiều qua, mưa lớn tiếp tục trút xuống thành phố 13 triệu dân này, gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nguồn: South China Morning

Mưa lớn đã khiến các tuyến dịch vụ xe buýt và tàu ngầm tạm ngừng hoạt động. Chính quyền địa phương đã tiến hành đóng cửa các điểm du lịch, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn. Máy bơm nước đã được triển khai để ngăn chặn tình trạng ngập lụt ở các đường hầm. Các lối vào tàu điện ngầm được chặn bằng bao cát và tấm kim loại. Lực lượng chức năng đã được huy động để hỗ trợ người dân mắc kẹt do ảnh hưởng của mưa bão.

Hồi năm 2021, lũ lụt kinh hoàng đã xảy ra ở thành phố Trịnh Châu, sau khi thành phố này phải hứng chịu lượng mưa trút xuống chỉ trong vài ngày tương đương với cả năm, điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ. Trận lũ lịch sử đã khiến 300 người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi sơ tán.

Để ngăn chặn thảm họa thiên tai tái diễn, chính quyền địa phương đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường nỗ lực phòng ngừa lũ, sạt lở đất ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Rạng sáng 17/9, bão Bebinca - cơn bão số 13 của Trung Quốc, đã di chuyển từ thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đến thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, với cường độ suy yếu dần và dự kiến sẽ trở thành áp thấp nhiệt đới vào đêm cùng ngày.

Cơ quan Thông tin thuộc Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar đã ghi nhận số nạn nhân thiệt mạng vì lũ lụt ở nước này đã tăng lên 226 người, ngoài ra vẫn còn 77 người khác đang mất tích. Đây được xem là một trong những trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối, ông Thierry Breton, đã bất ngờ đệ đơn từ chức lên Ủy ban châu Âu (EC).

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng nước này đã giành lại thêm hai ngôi làng tại tỉnh Kursk và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của Ukraine trong khu vực.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi các nước thành viên nên tự quyết định về việc nới lỏng các hạn chế đối với vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tổ chức Tết Trung thu để các em nhỏ được sống trong bầu không khí rộn ràng của Rằm tháng 8.