Trung Quốc tăng tốc chuyển đổi xanh
Triển khai các mục tiêu xanh một cách hệ thống
Từ cách đây hàng thập kỷ, Trung Quốc đã xác định phát triển kinh tế và xã hội xanh là mắt xích quan trọng để đạt được sự phát triển chất lượng cao.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã ban hành một bộ tài liệu “Hướng dẫn về đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh toàn diện trong phát triển kinh tế và xã hội”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra văn bản đột phá để triển khai những mục tiêu xanh và giảm carbon một cách có hệ thống.
Hướng dẫn này bao gồm 33 điểm, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước này ban hành. Trong đó, xác định những mục tiêu chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, các khu vực trọng điểm kinh tế xã hội sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi xanh, hướng đến năm 2035 thiết lập một nền kinh tế phát triển xanh, ít carbon và tuần hoàn, lượng khí thải carbon cơ bản đạt đỉnh và sau đó giảm dần, thực hiện mục tiêu Trung Quốc tươi đẹp.
Để đạt được các mục tiêu này, hướng dẫn lần đầu tiên đề xuất xây dựng "các cụm công nghiệp xanh và ít carbon đẳng cấp thế giới" tại Vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao (GBA) và khu vực đồng bằng sông Dương Tử, hai trong số những trung tâm kinh tế của Trung Quốc.
Hiện có các cụm công nghiệp xanh và ít carbon, chẳng hạn như các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp xe năng lượng mới và ngành công nghiệp năng lượng sạch. Với một nền tảng công nghiệp vững chắc, chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh và nền kinh tế hướng đến xuất khẩu riêng biệt, các vùng này nên phát huy thế mạnh của mình và phát triển hơn nữa các cụm công nghiệp.
Ông Liu Qiong - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Hướng dẫn nhấn mạnh Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet công nghiệp trong hệ thống điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh được hỗ trợ bởi công nghệ số.
Các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các công nghệ xanh và thông minh để chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống. Hướng dẫn cũng lập kế hoạch có hệ thống để thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Theo đó, chính sách mua sắm của chính phủ sẽ được cải thiện để bao gồm nhiều sản phẩm xanh hơn. Các tỉnh và doanh nghiệp được khuyến khích đưa ra nhiều ưu đãi hơn để thúc đẩy các chương trình trao đổi và bán các sản phẩm xanh.
Về phía cung, thiết kế xanh, vật liệu xanh, sản xuất xanh, bao bì xanh, hậu cần xanh và tái chế sẽ được các ngành công nghiệp ủng hộ để giảm tiêu thụ năng lượng và vật liệu, từ đó giảm thiểu tác động sinh thái.
Các chuyên gia cho rằng hướng dẫn rộng rãi này sẽ củng cố hơn nữa vai trò đi đầu của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi xanh và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nước này trong việc thực hiện các cam kết quốc gia về giảm phát thải carbon.
Tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo
Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lịch sử trong phát triển xanh và ít carbon. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, Trung Quốc đang củng cố vị thế dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Hiện nước này đang xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng tái tạo điện gió và mặt trời gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến cuối tháng 6 năm 2024, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đã đạt 1653 tỷ kilowatt, chiếm 53,8% tổng công suất lắp đặt. Với việc chuyển sang năng lượng tái tạo, mức tiêu thụ năng lượng và cường độ phát thải carbon trên một đơn vị GDP của Trung Quốc vào năm 2023 lần lượt giảm hơn 26% và 35% so với năm 2012, chất lượng môi trường tiếp tục được cải thiện.
Sản lượng mô đun quang điện của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới trong 16 năm liên tiếp, cung cấp 70% mô đun quang điện và 60 % thiết bị điện gió cho thế giới. Trong nửa đầu năm 2024, tỷ lệ thâm nhập thị trường xe năng lượng mới của Trung Quốc đạt 35,2 %, đứng đầu trong số các nền kinh tế lớn.
Ông Zhao Chenxin, Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Một nhà máy điện mặt trời rộng lớn bao phủ hàng nghìn mẫu ở Sa mạc Kubuqi, miền Bắc Trung Quốc đang dẫn đầu trong nỗ lực hướng tới tương lai xanh hơn của nước này, giúp hồi sinh cảnh quan từng cằn cỗi và chống lại biến đổi khí hậu.
Nhà máy điện mặt trời nằm ở Dalad Banner, một khu vực hành chính Nội Mông, có 196.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt theo hình con ngựa phi nước đại khi nhìn từ trên cao. Nhà máy này chỉ là một phần của một trang trại năng lượng mặt trời lớn hơn có khả năng cung cấp đủ điện sạch cho hơn 300.000 người mỗi năm. Trang trại này cùng với bốn trang trại năng lượng mặt trời tương tự khác trải dài khắp phía Tây Nội Mông tạo thành “Vạn Lý Trường Thành pin mặt trời” của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, "Vạn Lý Trường Thành pin mặt trời" thế kỷ XXI này sẽ dài 400 km và rộng trung bình 5 km, dự kiến sẽ đóng góp vào việc quản lý sinh thái 9 triệu mẫu sa mạc, đồng thời hỗ trợ 10 gigawatt công suất năng lượng mới.
Một trang trại năng lượng mặt trời như thế này giảm được 680.000 tấn than tiêu chuẩn hàng năm và giảm 1,65 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Ngoài việc cung cấp năng lượng sạch, những tấm pin mặt trời này đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại cát sa mạc thổi vào sông Hoàng Hà, bảo vệ chất lượng nước và môi trường ở khu vực này.
Các tấm pin mặt trời này đóng vai trò quan trọng trong việc chống sa mạc hóa bằng cách cho phép thảm thực vật phát triển bên dưới chúng. Bóng râm của các tấm pin mặt trời tạo ra vi khí hậu bên dưới, giúp giữ độ ẩm của đất dưới ánh mặt trời gay gắt của Nội Mông.
Bên cạnh năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng là lĩnh vực được Trung Quốc tập trung đầu tư. Một dự án lưu trữ năng lượng và phát điện gió lớn nhất thế giới đã được khởi công tại thành phố Nagqu thuộc Khu tự trị Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với tổng công suất lắp đặt là 100 megawatt, các tua bin gió tại đây sẽ được xây dựng tại các địa điểm có độ cao trung bình là 5.000 m. Hệ thống lưu trữ năng lượng của dự án sẽ có thể liên tục cung cấp 80.000 kilowatt điện trong bốn giờ.
Ở khu vực Nam Tân Cương, một trang trại điện gió nằm ở độ cao trung bình 3.100 m so với mực nước biển cũng vừa đi vào hoạt động. Lô 20 tua bin gió đầu tiên dự kiến sẽ tạo ra khoảng 270 triệu kilowatt điện mỗi năm, cung cấp năng lượng sạch cho khu vực địa phương đồng thời cung cấp kinh nghiệm quý báu để xây dựng các trang trại gió ở độ cao lớn, tốc độ gió thấp.
Khi tất cả 38 tua bin gió của trang trại gió đi vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt của trang trại sẽ đạt 200.000 kilowatt. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào cuối năm nay, sản lượng điện hàng năm của dự án sẽ đạt khoảng 540 triệu kilowatt, có khả năng đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của khoảng 300.000 hộ gia đình, qua đó tối ưu hóa hơn nữa cơ cấu năng lượng tại địa phương.
Việc đưa vào hoạt động các dự án điện gió này đánh dấu bước đột phá của Trung Quốc trong việc phát triển năng lượng gió ở các khu vực có độ cao lớn.
Hướng tới giao thông xanh
Các thành phố lớn của Trung Quốc gần đây đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh bằng cách thay thế các phương tiện động cơ đốt trong bằng các phương tiện năng lượng mới. Để thúc đẩy người dân chuyển sang các phương tiện năng lượng mới, chính quyền đã đưa ra các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký và hỗ trợ thuế cho người mua xe năng lượng mới.
Quá trình chuyển đổi xanh hệ thống giao thông đô thị đang diễn ra tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến.
Thành phố Thượng Hải dự kiến sẽ loại bỏ taxi, xe bus thải ra carbon dioxide và các chất gây ô nhiễm khác vào cuối năm 2027. Thủ đô Bắc Kinh cũng đang hướng tới mục tiêu tăng số lượng xe bus, xe hơi và xe tải chạy bằng năng lượng mới lên ít nhất 2 triệu phương tiện vào năm 2025.
Số liệu của Trung Quốc cho thấy, doanh số bán xe năng lượng mới tháng 7/2024 của nước này đạt 878.000 chiếc, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2023. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao vì hầu hết các xe năng lượng mới nội địa đều rẻ và được sản xuất với công nghệ tiên tiến.
Để giảm lượng phát thải carbon, ngoài việc thúc đẩy sử dụng xe năng lượng mới, việc điều chỉnh cơ cấu giao thông và sử dụng các phương thức vận chuyển ít carbon hơn chắc chắn là một chìa khóa khác để giảm carbon cho giao thông xanh.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng cộng 306 tuyến đường sắt đô thị đã được mở tại 55 thành phố trên cả nước, với quãng đường hoạt động hơn 10.000 km. Tỷ trọng vận tải đường thủy và đường sắt ít carbon đã tăng lên đang kể. Ngoài ra, hệ thống taxi bay cũng là một loại hình vận tải mới góp phần làm giảm khí thải carbon. Trung Quốc đang có kể hoạch đưa taxi bay vào vận hành thương mại vào năm 2025.
Ngân hàng điểm carbon thúc đẩy người dân sống xanh
Để thu hút công chúng tham gia vào việc giảm lượng khí thải carbon, Trung Quốc đưa ra một mô hình sáng tạo là Ngân hàng carbon. Hệ thống này cho phép mọi người ghi lại các hành động thân thiện với môi trường, như phân loại rác thải và du lịch xanh, trong "tài khoản điểm carbon cá nhân", và có thể dùng chúng để đổi thành phần thưởng. Sáng kiến này nhằm mục đích giúp hoạt động bảo vệ môi trường trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn, thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các hoạt động bền vững.
Tại Bắc Kinh, Zhuanzhuan - một nền tảng thương mại điện tử chuyên kinh doanh đồ cũ - đã hợp tác với Ngân hàng CITIC của Trung Quốc để triển khai mô hình “tài khoản điểm carbon”. Khách hàng có tài khoản điểm carbon khi mua hàng tại đây được đổi điểm carbon đã tích được trên tài khoản của mình thành tiền để mua hàng.
Mỗi lần có hoạt động giảm carbon như đi xe buýt hay sạc xe năng lượng mới, người dùng sẽ được tích 5 điểm vào tài khoản điểm carbon.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mức tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng hai phần ba lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Vì vậy, việc giảm lượng carbon ở cấp độ người tiêu dùng sẽ đem lại tiềm năng lớn trong mục tiêu giảm khí thải nhà kính tổng thể.
Tài khoản Carbon CITIC là tài khoản giảm lượng carbon cá nhân đầu tiên do ngân hàng đưa ra, sử dụng nền tảng ứng dụng thẻ tín dụng và ngân hàng di động của CITIC. Tài khoản này sử dụng các phương pháp đo lường khoa học để theo dõi lượng giảm carbon của từng cá nhân, cung cấp các dịch vụ như thiết lập tài khoản, tính toán, tích lũy, tra cứu và đổi thưởng. Hệ thống này thực sự đóng vai trò là tài khoản xanh cho người dùng.
Bà Jessica Li - Ngân hàng CITIC Trung Quốc.
Một hệ thống sẽ sử dụng ứng dụng thẻ tín dụng ngân hàng CITIC để tự động thu thập dữ liệu về hành vi cá nhân giảm carbon trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, qua đó tạo ra hồ sơ lối sống xanh được cá nhân hóa.
Từ khi được triển khai từ năm 2022 đến nay, số lượng khí thải carbon được cắt giảm thông qua sáng kiến này đã lên tới 90.000 tấn. Dữ liệu từ cho thấy vào năm 2023, người dùng đã đổi điểm carbon hơn 11 triệu lần, tiếp tục thu hút người dùng tham gia vào các hành vi giảm lượng carbon.
Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học thường xuyên và liên tục đạt được những tiến bộ trong chuyển đổi xanh. Trung Quốc cũng đã tiên phong trong việc tạo ra các tiêu chuẩn mới cho đổi mới công nghệ trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, xe năng lượng mới, pin mặt trời, tuabin gió, máy bay không người lái tiên tiến hàng đầu thế giới. Nước này cũng kêu gọi người dân hình thành lối sống xanh, thói quen tiêu dùng xanh, từ đó góp phần phát triển một nền kinh tế xã hội chất lượng cao và bền vững.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0