Trung Quốc trang bị gì cho cuộc chiến thương mại 2.0
Thương mại Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Trump 2.0
Trong năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng quản lý mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước để trấn an thế giới rằng, căng thẳng giữa các siêu cường sẽ không leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có nguy cơ sẽ làm đảo lộn sự cân bằng mong manh đó. Nội các được đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ có rất nhiều người được gọi là "diều hâu" Trung Quốc, những người đã thể hiện rõ tham vọng đối đầu với đối thủ siêu cường đang lên của nước Mỹ trong hầu hết mọi lĩnh vực chính sách, từ kinh tế đến an ninh. Nhưng không giống như nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump cách đây 8 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không bị bất ngờ trước một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn. Thay vào đó, các chuyên gia nhận định, lần này Bắc Kinh đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với một cuộc chiến thương mại 2.0 tiềm năng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ áp mức thuế hơn 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Và khi chỉ còn hơn một tháng là tới ngày nhậm chức, ông Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, tổng thống đắc cử Mỹ đã công bố kế hoạch áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc ngoài các mức thuế hiện hành.
Theo giới quan sát, mục tiêu của ông Trump là thúc đẩy tăng trưởng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo việc làm. Hiện tại, thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc dao động ở mức khoảng 560 tỷ USD - phần lớn có lợi cho Bắc Kinh, với hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ. Tuy vậy, một số nhà quan sát ở Trung Quốc tin rằng dù thế nào, cuối cùng tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn muốn đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Về phần mình, phản ứng của Trung Quốc đối với các đề xuất về thuế quan của ông Trump vẫn ở mức hạn chế. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong ban đầu đã đưa ra những tuyên bố sắc bén rằng, việc áp đặt thêm thuế quan tùy tiện đối với các đối tác thương mại không thể giải quyết được vấn đề của chính nước Mỹ. Nhưng chỉ trong vài ngày sau đó, Bắc Kinh đã mở rộng chính sách có lợi cho một số doanh nghiệp Mỹ khi gia hạn miễn thuế đối với việc nhập khẩu một số sản phẩm của Mỹ cho đến ngày 28/2 năm sau.
Trước đó, tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ, duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và quản lý các khác biệt để phấn đấu cho một sự chuyển đổi ổn định trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đa dạng hoá thương mại, đầu tư
Theo giới quan sát, Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump chắc chắn sẽ có tác động đến kinh tế Trung Quốc. Mặc dù vậy, nhờ hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, lần này giới lãnh đạo Trung Quốc đã được trang bị tốt hơn để đối phó với với một cuộc chiến thương mại 2.0. Những loại “vũ khí” mà Bắc Kinh có, được xây dựng thông qua sự kết hợp giữa đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu đối với Mỹ và hỗ trợ tiêu dùng trong nước.
Nước Mỹ giờ đây ít quan trọng hơn nhiều đối với mạng lưới thương mại của Trung Quốc. Mới đây, vào năm 2022, thương mại song phương Mỹ - Trung đã đạt mức cao kỷ lục. Nhưng năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu vào Mỹ. Trung Quốc đã giữ vững vị trí đó trong 20 năm trước khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 20% xuống còn 427 tỷ USD vào năm ngoái.
Nghiên cứu của Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ - một nhóm nghiên cứu chính sách công cũng cho thấy, sau khi đạt đỉnh 53 tỷ USD vào năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong năm ngoái đã giảm xuống còn 1,8 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2006, ngoại trừ năm 2020, khi đầu tư của Trung Quốc là 1,7 tỷ USD.
Khi không còn đầu tư vào Mỹ, Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác với các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình. BRI là một trong những dự án quan trọng nhất dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hơn 140 quốc gia đã ký kết tham gia chương trình này, với nhóm lớn nhất ở khu vực châu Phi cận Sahara. Một thống kê cho thấy, trong năm 2023, khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường đã tăng 2,8%. Đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia BRI cũng tăng 22,6%. Điều này khá quan trọng vì các quốc gia BRI hiện chiếm hơn 20% tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có chuyến công du tới khu vực Nam Mỹ để tham dự hội nghị cấp cao APEC tại Peru và hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil. Tại Peru, ông Tập Cận Bình cùng Tổng thống nước chủ nhà Dina Boluarte khánh thành một cảng nước sâu khổng lồ được xây dựng với khoản đầu tư 1,3 tỷ USD từ Bắc Kinh. Hai nước cũng đã nhất trí nâng cấp hiệp định thương mại tự do và cùng thúc đẩy hợp tác thông qua BRI.
“Tôi nghĩ rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình có tầm quan trọng đặc biệt vì APEC 2024 diễn ra ở Peru và G20 diễn ra ở Brazil. Cả hai quốc gia đều nằm ở khu vực Mỹ Latinh và Trung Quốc có nhiều hợp tác, đặc biệt là về kinh tế với khu vực này. Họ có các thỏa thuận hợp tác song phương với Peru và với Brazil, hai nền kinh tế chính trong khu vực. Vì vậy, điều này sẽ khuyến khích tăng trưởng trong khu vực”.
Ông Stephen Ndegwa, Giám đốc điều hành đối thoại Nam-Nam
Chuyến thăm Nam Mỹ của ông Tập Cận Bình diễn ra vào đúng thời điểm ông Donald mới tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ hai nước láng giềng là Canada và Mexico. Vì vậy, các nước Mỹ Latinh - vốn thường được Mỹ coi là sân sau của mình - có thể bắt đầu coi thái độ này là tín hiệu để tìm kiếm nguồn đầu tư và thương mại ở nơi khác.
Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với các quốc gia Nam Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây còn có cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Anh sau 6 năm và ông đã nói rất nhiều về mối quan hệ của Trung Quốc với Australia. Đây có thể là điềm báo trước cho những gì sắp xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Trump. Nếu giống như nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump rút Mỹ ra khỏi các liên minh và thỏa thuận quốc tế, thì điều đó có thể mở ra cánh cửa để Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí mà Mỹ để lại, đặc biệt là về thương mại.
Trả đũa có mục tiêu
Giới quan sát nhận định, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ không chỉ trả đũa đơn giản về thuế quan. Thay vào đó, phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ có mục tiêu hơn và không đối xứng. Các biện pháp trả đũa thương mại vốn đã được Trung Quốc áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump và mới đây nhất là lệnh cấm vận chuyển các vật liệu quan trọng dùng để sản xuất chất bán dẫn đến Mỹ nhằm đáp trả làn sóng trừng phạt thứ ba từ chính quyền Joe Biden với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Mỹ đã công bố lệnh hạn chế bán hàng cho 140 công ty, bao gồm các công ty chip Trung Quốc là Piotech và SiCarrier, mở rộng nỗ lực hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc. Các quy định mới của Mỹ bao gồm biện pháp kiểm soát đối với hơn hai chục loại thiết bị sản xuất chip và ba loại công cụ phần mềm để phát triển hoặc sản xuất chất bán dẫn.
Ngay sau Mỹ áp dụng quy định mới, Trung Quốc cho rằng Mỹ đã “chính trị hóa, vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ”.
“Những hành động này làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, gây mất ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tổn hại đến lợi ích của cả các công ty Trung Quốc và Mỹ, cũng như ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Nếu Mỹ kiên quyết tăng cường các biện pháp kiểm soát, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Ông He Yadong, Người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc
Trong một tuyên bố trích dẫn những lo ngại về “an ninh quốc gia”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong số các vật liệu bị cấm xuất khẩu có kim loại gali, antimon và germani. Ngoài ra, xuất khẩu than chì - thành phần khác trong chất bán dẫn sẽ phải chịu “các đợt đánh giá chặt chẽ hơn về người dùng và mục đích sử dụng”.
Gali và germani được sử dụng trong chất bán dẫn, germani cũng được sử dụng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang và pin mặt trời. Antimon được sử dụng trong đạn và các loại vũ khí khác, trong khi than chì là thành phần lớn nhất theo thể tích của pin xe điện.
Trung Quốc chiếm 94% sản lượng gali và 83% sản lượng germani của thế giới. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy không có lô hàng germani hoặc gali gia công và chưa gia công nào đến Mỹ trong năm nay, tính đến tháng 10. Trong khi đó, một năm trước, Mỹ là thị trường lớn thứ tư và thứ năm về loại khoáng sản này của Trung Quốc. Tương tự, tổng lượng hàng xuất khẩu antimon của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 97% so với tháng 9 sau khi động thái hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh có hiệu lực.
Elon Musk - cầu nối thương mại Mỹ - Trung?
Trung Quốc, một quốc gia với dân số 1,4 tỷ người, cũng có một thị trường tiêu dùng trong nước khổng lồ mà họ có thể hướng đến, giúp giảm tác động trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang nắm trong tay một “lá bài” đặc biệt có thể giúp họ tìm ra các kênh tiếp cận với ông Donald Trump. Đó là tỷ phú, CEO của Tesla Elon Musk.
Tỷ phú Musk đã chi 119 triệu USD cho cuộc vận động tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024 của ông Trump. Ngay từ trước thềm bầu cử Mỹ, mối quan hệ giữa tỷ phú Musk và ông Trump đã thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh do Tesla đang vận hành một siêu nhà máy tại Trung Quốc. Vào năm 2018, Tesla là nhà sản xuất ô tô hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên ở quốc gia tỷ dân.
Theo các nhà phân tích, tỷ phú Musk được coi là doanh nhân am hiểu cả Trung Quốc và Mỹ. Yếu tố này có thể giúp ông tác động đến mức tăng thuế quan khắt khe mà Tổng thống đắc cử Trump đã cảnh báo áp dụng đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
“Chính phủ Trung Quốc có mối quan hệ làm việc cực kỳ tốt với ông Elon Musk vì thỏa thuận họ đã thực hiện liên quan đến nhà máy lớn ở Thượng Hải cho Tesla. Tôi nghĩ họ vẫn tin rằng họ có thể tạo nên phép màu với Elon Musk. Và nếu tôi đúng, cho đến nay, ông Musk có xu hướng chứng minh rằng Elon Musk trước hết và quan trọng nhất là vì Elon Musk. Và do đó, chính phủ Trung Quốc có nhiều phạm vi hơn để cố gắng sử dụng Elon Musk như một tiếng nói thân thiện trong chính quyền của ông Trump để điều chỉnh chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc”.
Ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Soas Trung Quốc
Tỷ phú Musk từng bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đồng thời chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden khi tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100% vào đầu năm nay. Đáng chú ý, vào ngày 12/11, ông Trump đã chọn ông Elon Musk và và cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy lãnh đạo một cơ quan mới có tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ. Nhiệm vụ chính của bộ này là thúc đẩy cải cách quy mô lớn mang tính cấu trúc, đồng thời xây dựng cách tiếp cận mới theo hướng doanh nghiệp mà Chính phủ Mỹ chưa từng thấy trước đây.
Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh thương mại đến vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức về bất động sản, nợ công và giảm phát. Và việc giảm thiểu tác động của nó theo bất kỳ cách nào có thể là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo rằng, đòn thuế mới 10% mà ông ông Trump đe dọa áp thêm đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ làm giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc tới 1%. Tuy nhiên, mức thuế mới và các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại cũng có thể gây tác động ngược đối với kinh tế Mỹ. Theo Deutsche Bank, nếu kế hoạch của ông Trump được thực hiện, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng mạnh, với chỉ số giá tiêu dùng năm 2025 dự kiến tăng từ 2,6% lên 3,7%, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Suy cho cùng, trong một cuộc chiến tranh thương mại, không ai là người chiến thắng.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul cho biết chính phủ của ông đang tìm cách khôi phục lại “vị thế toàn cầu” và uy tín của mình sau tuyên bố thiết quân luật sai lầm của Tổng thống Yoon Suk Yeol dẫn đến việc ông bị luận tội.
Cơ quan điều tra Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov ở thủ đô Moscow. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm là một công dân Uzbekistan sinh năm 1995.
Sân bay bận rộn nhất thế giới Hartsfield-Jackson ở Atlanta, Mỹ, đã tổ chức sự kiện chào đón Giáng sinh với việc thắp sáng cây thông và biểu diễn hòa nhạc để lan tỏa niềm vui kỳ nghỉ tới hàng triệu hành khách trong mùa lễ này.
Thủ đô Paris của nước Pháp đã mở cửa trở lại sân băng trong nhà khổng lồ để những người yêu thích trượt băng có thể vui chơi trong mùa Giáng sinh này. Với diện tích 3.000m², đây là sân băng trong nhà tạm thời lớn nhất thế giới.
Tài xế, người đang đợi để đưa Trung tướng Kirillov đến cuộc họp, đã thoát chết trong vụ nổ khiến vị tướng và phụ tá của ông thiệt mạng ở Moscow, Nga,
Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Ukraine - hiện đang cố thủ tại một vùng đất biệt lập ở khu vực Kursk của Nga, đồng thời gia tăng áp lực ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine.
0