Trước khi thành bà, ngoại cũng là người mẹ

Thuở bé, nghe câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, có một người luôn ao ước mình là một nàng công chúa được bà tiên hiền chúc phúc với cây đũa thần kì. Khi lớn dần lên, ước mơ đó của cô ấy đã trở thành sự thật mà chẳng cần tới một phép màu nhiệm. Bằng đôi bàn tay gầy guộc, bằng tấm lưng còng cõng cả nắng qua sông, ngoại thay thế bà tiên tạo nên mọi thứ cho cô. Có lẽ trong mắt ngoại, cô trước giờ vẫn luôn là một nàng công chúa.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe câu chuyện của Nguyễn Trúc, với những dòng ký ức yêu thương về ngoại của mình.

Tuổi thơ của tôi có những ngày nắng theo sau chân ngoại ra vườn cho gà ăn thóc, với những ngày mưa ngồi thu lu bên bếp lửa hồng trông chừng từng mẻ bánh xèo nóng hổi, với những đêm hè gối lên tay ngoại thiu thiu ngủ trong tiếng quạt lá lạo xạo. Ngoại hay bảo: “Trước khi thành bà, ngoại cũng là người mẹ. Sau khi có cháu, ngoại là mẹ của cả hai”. Tôi sinh ra, ngoại bế ẵm, bón từng thìa sữa. Khi tôi đi học, ngoại thay mẹ cha đến lớp họp phụ huynh.

Ảnh minh họa: Thanh Trần

Những năm Tiểu học, ngoại đưa tôi tới trường trên chiếc xe đạp cũ kĩ có từ thời mới giải phóng. Kí ức của tôi trôi qua êm ả trên những bánh xe đều đặn, cho đến ngày vòng quay ấy loạng choạng trật đường ray.

Trong một buổi chiều chập choạng, ngoại đột ngột bất tỉnh. Hoảng loạn, lo lắng và bất an - đủ mọi sắc thái cảm xúc lần lượt lộn nhào từng vòng trong trái tim non dại của tôi. Tôi không biết điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể dần lạnh đi của bà tiên có đôi mắt nhắm nghiền. Ôm ngoại gục bên vệ đường, tôi chỉ biết cố gắng đung đưa tay bà trong sự hốt hoảng và tuyệt vọng.

Những lần ngất xỉu của ngoại diễn ra thường xuyên hơn như một điềm báo trước. Nhưng với hiểu biết của một đứa trẻ, tôi vô tư chẳng thể nhận ra khoảng thời gian ở với bà đã dần ngắn đi theo dòng chảy ngược của chiếc đồng hồ cát. Thế rồi, Ngoại phải vào Sài Gòn chữa bệnh. Những lần hiếm hoi về thăm nhà của ngoại lúc nào cũng đầy ắp quà bánh cho tôi trong cái túi vải xô bạc màu và nhàu nhĩ.

Vừa tròn năm, bệnh viện trả ngoại về cùng cái lắc đầu: “Thật xin lỗi”. Tế bào ung thư đã di căn, chèn vào dây thần kinh não, làm tâm trí ngoại không còn minh mẫn. Chẳng còn thấy được nụ cười hiền móm mém từ người bà đã chăm bẵm mình từ thưở mới lọt lòng. Tim tôi thắt nghẹn tưởng chừng như không thở nổi.

Ảnh minh họa: Đinh Văn Linh

Một ngày nắng đẹp, ngoại đột nhiên bảo muốn ăn bánh cuốn. Chẳng kịp suy nghĩ, tôi vội vã chạy ra quán quen. Mua hai phần nóng hổi, tôi hy vọng bà có thể ăn nhiều hơn một chút. Ngoại ăn một phần, còn một phần thì đem cất kỹ trong cái túi vải xô quen thuộc. Khi tôi hỏi dò, ngoại vỗ về bọc bánh như một món quà cực kì quý giá: Cái này… là cho bé út! Lúc đó, tôi liền òa khóc như một đứa nhóc ham chơi quên đường về tổ ấm.

Từ khoảnh khắc bé xíu ấy, tôi chợt trưởng thành. Ngoại quên hết tất cả ký ức trước kia, nhưng luôn nhớ tới đứa cháu nhỏ. Còn tôi có lẽ cả đời này sẽ chẳng thể nào quên được bóng hình ngoại./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.

Tháng Tư, buổi sáng còn vương chút lành lạnh. Một đóa bằng lăng lặng lẽ xòe nở như ngọn đèn tím ở góc sân trường, dịu dàng quá đỗi. Tôi chợt sững người đứng lặng cuối hành lang… Loài hoa tím phơn phớt này, bao giờ cũng dễ khiến lòng người rưng rưng cảm xúc.