Truy trách nhiệm vụ chung cư mini 8 tầng phải 'chống nạng' | Hà Nội tin mỗi chiều

Truy trách nhiệm vụ chung cư mini 8 tầng phải 'chống nạng'; Một tỷ người mắc bệnh béo phì trên toàn cầu... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Truy trách nhiệm vụ chung cư mini 8 tầng phải “chống nạng” 

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xác định rõ nguyên nhân sự cố, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chung cư mini có dấu hiệu không đảm bảo an toàn trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Theo đó, hai cột giữa tòa tòa chung cư mini 22 ngách 236/17 Khương Đình bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực. Ngoài ra, 4 cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng. So với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Ngoài ra, tiết diện của cột chống nhà nhỏ hơn so với bản thiết kế. Để khắc phục, tòa nhà đã được cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh.

Phần cột ở tầng gửi xe của tòa chung cư mini bị nứt toác, lực lượng chức năng đã gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt để chống đỡ. Ảnh: Quang Viễn/Tuổi trẻ

Theo UBND quận Thanh Xuân, chung cư mini “chống nạng” ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân được cấp giấy phép xây dựng công trình có quy mô 5 tầng và 1 tum. Không thực hiện như giấy phép, chủ đầu tư xây tòa chung cư mini này cao 8 tầng và 1 tum. Dù là nơi ở của gần 60 hộ dân, nhưng tòa chung cư mini này chỉ có một lối ra vào rộng hơn 1m. Cầu thang bộ từ tầng một lên tầng 8 được thiết kế chật hẹp, đi qua hầm để xe. Lối thoát nạn thứ hai được làm tạm bợ bằng sắt, gắn bên ngoài tòa nhà. Tòa chung cư ‘chống nạng’ nằm sâu trong ngõ ngách ở phường Hạ Đình, nếu không may xảy ra sự cố, sẽ khó tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn.

Không chỉ xây vượt số tầng được phép, so với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng ban Quản lý tòa nhà, cho biết hai cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực. Bốn cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, toàn bộ 60 hộ dân dã phải chuyển khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.

Ngày 1/3, UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Thanh Xuân rà soát lại hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý cấp phép và thi công xây dựng chung cư mini số 22 ngách 236/17 Khương Đình; yêu cầu quận Thanh Xuân xác định rõ nguyên nhân sự cố, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ trên toàn thành phố; đánh giá, phân tích kỹ tính chất pháp lý, việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, xử lý dứt điểm các công trình có vi phạm trật tự xây dựng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Trước đó, tại huyện Thạch Thất, phát hiện một chung cư mini xây vượt 6 tầng. Chủ tịch UBND xã Tân Xã bị đình chỉ công tác. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất phải chịu trách nhiệm do không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Và chắc hẳn bạn chưa quên vụ cháy chung cư mini làm 56 người thiệt mạng cũng tại quận Thanh Xuân có một phần nguyên nhân do những sai phạm về xây dựng đã tồn tại nhiều năm không được xử lý triệt để. Cụ thể, tháng 3/2015, quận Thanh Xuân cấp cho ông Nghiêm Quang Minh giấy phép xây tòa nhà này với chiều cao 6 tầng. Tuy nhiên, toà nhà này được xây thành chung cư mini 9 tầng, có 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini Khương Hạ.

Toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… Sau vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại quận Thanh Xuân, thành phố đã tổng rà soát loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ (tức là chung cư mini), nhà trọ để có đánh giá toàn diện, khắc phục những điểm lỗi. Tuy nhiên, một số vi phạm vẫn bị bỏ sót. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họp hội đồng nhân dân thành phố, những bức xúc và truy vấn trách nhiệm về thực trạng xây dựng nhà sai phép, vượt tầng đã được nêu ra. Nhưng rất nhiều công trình, dù xây dựng sai phép, dù người dân có ý kiến, các bước xử lý chỉ dừng ở "trạng thái" ra quyết định cưỡng chế nhưng thực tế vẫn tồn tại. Việc tồn tại của những công trình vi phạm, "nhùng nhằng" trong xử lý, theo ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân là có "thế lực chống lưng".

Tổng rà soát, tìm ra nguyên nhân, "bịt lỗ hổng" trong quản lý xây dựng nói chung, chung cư mini nói riêng là việc cấp bách phải thực hiện. Phải điều tra từ khâu cấp phép xây dựng tòa nhà. Để không tiếp tục xảy ra thảm họa, phải kiên quyết “cắt ngọn” công trình sai phép. Còn nếu phạt cho tồn tại thì cán bộ phụ trách sẽ có cớ không cưỡng chế.

Một tỷ người mắc bệnh béo phì trên toàn cầu

Ngày Béo phì thế giới (4/3), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa gióng lên hồi chuông báo động: Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu hiện đang mắc bệnh béo phì. Con số này đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1990. Theo nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, "dịch bệnh" đặc biệt tấn công các nước nghèo, tốc độ gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên nhanh hơn người lớn. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn.

Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc dinh dưỡng sức khỏe của WHO cho biết, sự thay đổi lối sống nhanh chóng ở các nước thu nhập thấp và trung bình là nguyên nhân gây ra tỷ lệ người béo phì tăng nhanh ở những nước này. Trước đây chúng ta có xu hướng coi béo phì là vấn đề của người giàu, nhưng giờ là vấn đề của thế giới… Sự chuyển đổi quá nhanh chóng của hệ thống thực phẩm không phải là điều tốt hơn.

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường, lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường. Điều đáng báo động là hiện nay đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Các chuyên gia khuyến cáo một người chỉ nên tiêu thụ mỗi ngày khoảng với nam giới là 150 calo (khoảng 37,5 g hoặc 9 muỗng cà phê đường), với phụ nữ là 100 calo (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê đường). Mà mỗi lon nước ngọt loại phổ thông đã chứa khoảng 36gram đường tự do.

Theo WHO, béo phì có thể trở thành "dịch bệnh" khi xã hội ngày càng phát triển. Béo phì vốn không được gọi là bệnh, nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Theo thống kê của Quỹ tim mạch Anh BHF, số người tử vong vì bệnh tim liên quan đến béo phì là 31 nghìn người/năm, cao hơn cả số người tử vong do mắc các bệnh tim mạch liên quan đến thuốc lá.

Béo phì tác động tới 1/8 dân số thế giới. Ảnh minh họa: bionity

Theo các chuyên gia, chúng ta cần ngăn ngừa béo phì từ khi còn nhỏ bằng cách kiểm soát chế độ ăn uống, hoạt động thể chất. Chìa khóa để ngăn ngừa béo phì là hành động sớm, lý tưởng nhất là ngay cả trước khi một em bé được thụ thai.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, để đạt được các mục tiêu toàn cầu về cắt giảm tỷ lệ béo phì “cần có sự hợp tác của khu vực tư nhân, khu vực này phải chịu trách nhiệm về những tác động sức khỏe do sản phẩm của họ gây ra”. WHO đã hỗ trợ đánh thuế đồ uống có đường, hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em và tăng trợ cấp cho thực phẩm lành mạnh.

Các quốc gia cần làm việc cùng nhau để tạo ra một “môi trường thực phẩm tốt hơn” cho mọi người. Cụ thể là hạn chế tiếp thị cho trẻ em thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường và muối; đánh thuế đồ uống có đường; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng cho người dân.

Mỗi thành phố, mỗi địa phương cần lưu tâm tạo không gian cho việc đi bộ, đi xe đạp và các hoạt động giải trí an toàn. Giáo dục trong nhà trường cần giúp phụ huynh dạy trẻ những thói quen lành mạnh ngay từ sớm./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội có 38 tuyến xe buýt đã thí điểm hệ thống vé điện tử; Lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm; Học sinh vi phạm ATGT sẽ bị gửi thông báo về nhà trường... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.