Truyền hơn 3 lít máu cứu sống bệnh nhân nguy kịch

Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch với hai vết thương xuyên thấu ngực-bụng gây rách động mạch và tĩnh mạch chủ bụng, đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật cứu sống nhờ chẩn đoán nhanh, chính xác và xử trí kịp thời.

12 giờ đêm ngày 16/12, bệnh nhân L.V.Đ (57 tuổi, trú tại phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh huyết áp thấp và 2 vết thương vùng thành ngực phải và bụng phải do dao đâm.
Ca trực ngay lập tức thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức, chụp cắt lớp lồng ngực - bụng và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ. Trên phim chụp phát hiện có hình ảnh tràn máu - khí màng phổi phải, tràn khí trung thất, nhiều dịch máu trong ổ bụng, đặc biệt là tụ máu lớn xung quanh động mạch và tĩnh mạch chủ bụng.
Nhận định đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, tiên lượng có thể tử vong ngay lập tức do tổn thương mạch máu lớn gây mất máu ồ ạt, vì vậy kíp phẫu thuật ổ bụng và mạch máu, kíp gây mê được triệu tập ngay trong đêm, đồng thời liên hệ khoa Huyết học chuẩn bị sẵn sàng máu truyền, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi.
Ca mổ diễn ra ngay trong đêm. (Ảnh: BVCC)
Sau khi gây mê, phẫu thuật viên tiến hành dẫn lưu màng phổi phải, mở bụng kiểm tra thấy trong ổ bụng có hơn 2 lít máu loãng và cục, khối máu tụ lớn đang đập và phun trào máu trước vùng động mạch chủ bụng.
Nghi ngờ vết thương xuyên sâu đã làm tổn thương động tĩnh mạch chủ bụng, kíp mổ lập tức bịt ép tạm thời vùng đang chảy máu, truyền máu hồi sức khẩn cấp, cẩn thận bộc lộ động tĩnh mạch chủ phía trên và dưới nơi tổn thương. Kíp gây mê phối hợp hạ huyết áp chủ động để phẫu thuật viên tiến hành bộc lộ tổn thương động mạch và tĩnh mạch chủ bằng cách cắt mở rộng các nhánh mạch xung quanh tổn thương.
Đoạn động mạch chủ bụng vị trí ngang tĩnh mạch thận có vết thương 0,5 cm, tĩnh mạch chủ bụng cũng có vết thương đứt gần rời. Phẫu thuật viên tiến hành khâu phục hồi các vết thương động mạch chủ và tĩnh mạch chủ, nối lại tĩnh mạch thận. Tiếp tục kiểm tra vết thương vùng bụng thấy tổn thương xuyên qua gan, qua túi mật rồi xử lý các tổn thương này.
Sau 2 giờ phẫu thuật với hơn 3 lít máu truyền, ca mổ cấp cứu phức tạp đã diễn ra thành công.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, vết mổ khô, dẫn lưu không ra máu, được tiếp tục chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân với 2 vết thương thấu ngực và bụng vô cùng nguy kịch đã được đưa đến viện kịp thời. May mắn là vết thương động mạch chủ được máu cục và tổ chức sau phúc mạc bịt tạm thời nên bệnh nhân sống sót khi đến viện. Với kinh nghiệm từng cấp cứu nhiều ca vết thương xuyên thấu ngực - bụng, chúng tôi đã tiên lượng và chuẩn bị mọi phương án để xử trí trong tình huống mất máu cấp bách. Các tổn thương được kíp mổ kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng và xử trí triệt để, vì vậy mà bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch và phục hồi tích cực. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân đã tỉnh táo và ăn uống được”.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với những trường hợp bị vật đâm xuyên ngực hoặc bụng thì cần băng cầm máu bên ngoài và cố định vật đâm rồi đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không tự ý rút ra khỏi cơ thể, vì có thể gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng, đồng thời việc này cũng giúp cho các bác sĩ có thể tiên lượng tổn thương đúng đắn hơn từ đường đi của vật đâm.
 
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 339 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước).

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 3 đến 10/5), thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13 trường hợp so với tuần trước đó.

Một bệnh nhân nam 22 tuổi, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội khởi phát bệnh với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt, có cơn rét run. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, co giật toàn thân, lơ mơ, cứng gáy... và được các bác sỹ chuẩn đoán là mắc não mô cầu.

Người đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu do nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu chỉ xuất hiện trong 3-42 ngày sau tiêm. Đây là khuyến cáo mà Bộ Y tế vừa đưa ra.

Dịch bệnh ho gà bùng phát mạnh ở Anh trong 4 tháng đầu năm, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) ghi nhận 5 trẻ tử vong.