Tương lai nào cho Tổng thống Yoon Suk Yeol?
Lệnh thiết quân luật, chỉ kéo dài trong 6 giờ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị và gây xáo trộn nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này. Tình hình chính trị trong nước tiếp tục biến động với hàng loạt quan chức cấp cao xin từ chức hoặc phải đối mặt với các vấn đề pháp lý do phe đối lập đề xuất. Trong khi đó, đảng cầm quyền vẫn chưa thực sự tìm ra được một giải pháp hợp lý để giải quyết được khủng hoảng chính trị hiện nay.
Những lời buộc tội chống lại Tổng thống Yoon Suk Yeol
Các cuộc điều tra về Tổng thống Yoon Suk Yeol tập trung vào việc triển khai quân đội vũ trang đến Quốc hội ngay sau khi ông tuyên bố thiết quân luật vào đêm 3/12. Phe đối lập cho biết, ông Yoon đã phạm tội nổi loạn khi ông điều quân đội đến ngăn cản các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại lệnh thiết quân luật, vì đó là quyền của họ theo Hiến pháp của đất nước.
Đại tá Kim Hyun-tae, sĩ quan chỉ huy của Đơn vị đặc nhiệm số 707 cho biết, ông đã nhận được lệnh ngăn cản các nhà lập pháp vào phòng họp để chặn việc bỏ phiếu dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp.
Luật hình sự của Hàn Quốc định nghĩa nổi loạn là bất kỳ nỗ lực nào nhằm "lật đổ các cơ quan chính phủ được thành lập theo Hiến pháp hoặc dùng vũ lực để ngăn cản việc thực hiện chức năng của các cơ quan này".
Nếu ông Yoon bị kết tội nổi loạn và tòa án phán quyết rằng ông là người cầm đầu, ông có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc tù chung thân.
Trong số các quan chức dưới quyền của Tổng thống Yoon thì ông Kim Yong Hyun - cựu Bộ trưởng Quốc phòng, là người đầu tiên đã bị cơ quan công tố bắt giữ do liên quan đến vụ thiết quân luật. Ông Kim được xác định là người đã đề xuất cho Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật, trong bối cảnh những bế tắc chính trị ngày càng gia tăng với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát thực hiện.
Sáng 11/12, cảnh sát Hàn Quốc bất ngờ khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol, văn phòng Cảnh sát thủ đô Seoul, cũng như văn phòng của lực lượng Cảnh sát Quốc hội, liên quan đến lệnh thiết quân luật.
Vì sao Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật?
Trong phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm 7/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nói rằng, ông tuyên bố thiết quân luật vì "tuyệt vọng" trước việc phe đối lập đã sử dụng thế đa số trong Quốc hội để "làm tê liệt" Chính phủ của ông. Ông Yoon đã chỉ trích phe đối lập vì đã cắt giảm một số ngân sách Chính phủ của ông được lên kế hoạch cho năm tới, cũng như những nỗ lực thường xuyên của phe này nhằm luận tội những người được ông bổ nhiệm.
Nhưng những lý do như vậy không thể là căn cứ để tuyên bố thiết quân luật, Kim Young Hoon, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc cho biết. Ông Yoon cũng không thông báo ngay cho Quốc hội về tuyên bố thiết quân luật của mình.
“Rõ ràng là tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon đã không đáp ứng được các yêu cầu do Hiến pháp đặt ra”, ông Kim cho biết.
Cho Ji-ho, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã phát biểu trước quốc hội vào ngày 9/12 rằng, khi thiết quân luật được áp dụng trong thời gian ngắn, quân đội đã yêu cầu cảnh sát giúp họ xác định vị trí và bắt giữ 15 người, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của các đảng phái chính trị lớn nhất.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian thiết quân luật, Tổng thống không có quyền bắt giữ các nhà lập pháp trừ khi họ bị bắt quả tang phạm tội.
Trong sáng sớm 11/12, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ ông Cho Ji-ho và ông Kim Bong-sik, cảnh sát trưởng Seoul, với cáo buộc nổi loạn do liên quan đến lệnh thiết quân luật.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị bắt giữ?
Ngày 4/12, phe đối lập với tổng cộng 191 nghị sĩ do đảng Dân chủ (DP) đối lập chính dẫn đầu đã đã đệ trình dự luật luận tội Tổng thống Yoon trong phiên họp Quốc hội. Tuy nhiên vào chiều 7/12, do không đạt đủ số phiếu cần thiết khi đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu nên Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik thông báo dự luật luận tội Tổng thống Yoon đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, các hành động pháp lý vẫn tiếp tục nhắm tới Tổng thống Yoon. Ngày 9/12, Tổng thống Yoon đã bị cấm xuất cảnh trong thời gian chờ điều tra về các cáo buộc phản quốc và các tội danh khác liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật. Lệnh cấm được Bộ Tư pháp ban hành ngay sau khi Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với Quan chức Cấp cao (CIO) thông báo đã đệ trình yêu cầu ra lệnh này.
Tiếp đó vào chiều ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát đã thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và các quan chức cấp cao liên quan đến việc ban bố thiết quân luật. Đáng chú ý, ngoài các nghĩ sĩ đảng đối lập thì có khoảng 20 nghị sĩ đảng cầm quyền của ông Yoon cũng đã bỏ phiếu thuận. Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc phải đối mặt với mối đe dọa luận tội. Nhưng đây là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm có thể bị bắt. Trong trường hợp của cựu tổng thống Park Geun-hye, bà đã bị bắt và bị kết tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực sau khi bị cách chức vào năm 2017.
Hiến pháp Hàn Quốc không nêu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống bị bắt. Hiến pháp nêu rằng khi Tổng thống "không thể thực hiện nhiệm vụ của mình vì bất kỳ lý do gì", Thủ tướng sẽ thay thế với tư cách là nhà lãnh đạo tạm quyền.
Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) xử lý cuộc khủng hoảng như thế nào?
Trong tuyên bố công khai cuối cùng của mình, tổng thống Yoon cho biết vào ngày 7/12 rằng, ông sẽ để đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của mình quyết định ông sẽ tại vị bao lâu và chính phủ nên được điều hành như thế nào.
Chủ tịch PPP Han Dong-hoon cho biết, tuyên bố của ông Yoon có nghĩa là tổng thống đã bị "loại trừ" khỏi mọi công việc nhà nước, bao gồm cả ngoại giao. Thủ tướng sẽ điều hành chính phủ với PPP.
Ngày 9/12, PPP tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp, bao gồm phiên họp Hội đồng Tối cao và cuộc họp của các nhà lập pháp cấp cao. Đảng cũng thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thảo luận các biện pháp ổn định tình hình, bao gồm cả phương án từ chức sớm của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, người phát ngôn Kwak Kyu Taek cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và chưa có chi tiết cụ thể được công bố.
Các nhà lập pháp PPP hiện chia rẽ về thời điểm và cách thức từ chức. Một số ủng hộ việc từ chức trong vòng 6 tháng, điều này sẽ dẫn tới một cuộc bầu cử Tổng thống trong vòng 60 ngày. Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol lại đề xuất một lộ trình chậm rãi hơn, thậm chí xem xét sửa đổi hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ, kéo dài thời gian từ chức đến năm 2026. Hiện tại, PPP đang đối mặt với bài toán khó về việc làm thế nào để thống nhất nội bộ và đáp ứng được yêu cầu của công chúng, trong khi vẫn bảo vệ lợi ích chính trị trước các động thái mạnh mẽ từ phe đối lập.
Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga tiếp tục cuộc tấn công, kiểm soát các khu định cư Daryino và Plyokhovo ở Khu vực Kursk, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 200 quân ở khu vực Kursk trong ngày qua.
Giới chức Sudan cho biết đã có ít nhất 176 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự trên khắp lãnh thổ nước này.
Các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xóa tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa nêu nhận định về thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra, khi Warsaw chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2025.
Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.
Cơ quan quản lý cải tạo Hàn Quốc cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử tại cơ sở giam giữ ở phía đông Seoul nhưng bất thành.
0