Tuyết lạnh đang phủ dày nhiều châu lục

Những ngày này, tuyết rơi dày đang phủ một màn trắng xóa ở khắp nước Mỹ, châu Âu, và nhiều nơi ở châu Á, gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt đã khiến nhiều người Mỹ mất nguồn cấp nước hoặc điện. Gần 100 trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết được báo cáo trên khắp nước Mỹ. Hơn 75% dân số Mỹ trải qua nhiệt độ dưới mức đóng băng trong bảy ngày.

Gián đoạn cuộc sống 

Các quốc gia Bắc Âu đã chứng kiến thời tiết cực lạnh trong vài ngày qua, với nhiệt độ thấp nhất trong 25 năm ở mức âm 44,3 C. Ở Phần Lan, hắt một xô nước sôi lên không trung, nước sẽ đóng băng ngay lập tức.

Tại Lulea, cách Stockholm khoảng 900 km về phía Bắc và cách Vành đai Bắc Cực khoảng 150 km về phía Nam, nhiệt độ ở mức âm 38 độ. Ngôi làng Kvikkjokk ở Bắc Cực đã ghi nhận nhiệt độ ban đêm là -43,6 độ C, lạnh nhất trong tháng 1 ở Thụy Điển trong 25 năm qua. Trên đường cao tốc E22 giữa Horby và Kristianstad ở miền nam Thụy Điển, quân đội đã huy động các phương tiện bánh xích để hỗ trợ việc sơ tán và mang thức ăn, nước uống đến cho những người lái xe bị mắc kẹt.

Tuyết rơi dày khác thường cũng làm gián đoạn giao thông ở Đức cũng như một số nước châu Âu khác. Sân bay Frankfurt đã hủy hơn 300 trong số gần 1.000 chuyến đến và đi theo kế hoạch vào buổi sáng. Nhân viên của sân bay cho biết mọi việc đã ổn định hơn và số lượt cất cánh và hạ cánh đang tăng trở lại sau khi trận mưa băng đã làm tê liệt sân bay lớn nhất nước Đức.

Tuyết rơi dày khác thường cũng làm gián đoạn giao thông nhiều nơi.

Ông Juergen Harrer - Người phát ngôn sân bay Frankfurt cho biết: "Bắt đầu từ 15h (14:00 GMT), sẽ không có máy bay nào có thể cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Frankfurt. Lý do là vì có mưa lạnh đáng kể vào khoảng giữa trưa, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải hủy bỏ quá trình làm tan băng trên máy bay. Và vì an toàn là trên hết nên chúng tôi đã dừng các chuyến bay và hạ cánh xuống sân bay Frankfurt từ 15:00”.

Khoảng 250 chuyến bay bị ảnh hưởng tại sân bay Munich. Sân bay Saarbruecken đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Dịch vụ đường sắt quốc gia, Deutsche Bahn cũng cảnh báo về sự chậm trễ và hủy chuyến tàu do thời tiết mùa đông và giảm tốc độ tối đa của các chuyến tàu ICE xuống 200 km/h (124 dặm/giờ) để đề phòng. Cơ quan Thời tiết Đức tuần trước đã cảnh báo nguy cơ băng đen cực kỳ cao ở phía Tây Nam. Dự kiến tuyết rơi dày vẫn sẽ xảy ra ở phía Tây và miền Trung nước Đức.

Nhiều chuyến bay cũng bị ảnh hưởng.

Các đơn vị quân đội đã được huy động để giúp đỡ khoảng 600 tài xế bị mắc kẹt trên đường cao tốc khi tuyết dày bao phủ nhiều vùng ở Tây Ban Nha. Tuyết rơi khiến những người lái xe bị mắc kẹt hàng giờ trên đường N-122 giữa Soria và Agreda ở miền Bắc Tây Ban Nha , buộc chính quyền phải điều động quân đội từ một căn cứ ở Zaragoza để giúp 600 lái xe bị mắc kẹt trên đường. Cơ quan dự báo thời tiết AEMET, cho biết nhiệt độ đã giảm xuống âm 13 độ C ở Soria.

Truyền thông địa phương đưa tin, những ngày này tuyết rơi dày đặc tại tỉnh Altay, khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc, đã gây ra hàng chục trận tuyết lở trên các đoạn đường cao tốc ở dãy núi Altay dẫn đến khu danh lam thắng cảnh Kanas. 6km đường cao tốc đã bị chôn vùi, khiến khách du lịch mắc kẹt. Máy xúc tuyết đã được triển khai.

Các khu vực phía Tây New York gần thành phố Buffalo lại phải hứng chịu một đợt tuyết dày đặc khiến một số địa điểm lớp đã vượt quá 1,5m. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia, lượng tuyết rơi như vậy là điển hình ở phía Tây New York vào mùa đông, khi vùng nước không đóng băng của Ngũ Hồ trộn với không khí băng giá ở tầng khí quyển phía trên, tạo thành những đám mây nhanh chóng tạo ra tuyết.

Các khu vực phía Tây New York gần thành phố Buffalo lại phải hứng chịu một đợt tuyết dày.

Xa hơn về phía Tây, bang Nebraska đã hứng chịu một cơn bão tuyết di chuyển nhanh, sau trận bão tuyết trước đó đã buộc chính quyền phải đóng cửa 2.735km đường cao tốc. Một cơn bão tuyết khác đã tấn công vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, bao gồm Vancouver, British Columbia ở Canada và Spokane, Washington.

Một cơn bão mùa đông mang theo tuyết, băng và gió lớn đến các vùng Trung Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ đã làm hàng trăm nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh mất điện. Khoảng 150.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở Michigan không có điện.

Tại Iowa, tuyết và thời tiết cực lạnh đã buộc các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa phải hủy bỏ một số sự kiện trước cuộc họp kín của bang, chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào tháng 11. Tuyết dày và băng giá cũng gây ra các vấn đề về giao thông và mất điện ở Oregon, Idaho và Utah, bao gồm cả các khu vực đô thị Portland và Salt Lake City.

Cái lạnh cực độ cũng lần đầu tiên thử thách lưới điện vốn nổi tiếng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khắc nghiệt của bang Texas vào mùa đông này. Nhiệt độ giảm mạnh sẽ làm tăng nhu cầu điện trên lưới điện đến mức ERCOT, nhà điều hành lưới điện độc lập của bang cảnh báo về nhu cầu tăng vọt và lượng điện dự trữ giảm xuống. Vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và một số vùng phía Nam đã phải gánh chịu thời tiết mùa đông khắc nghiệt trong tuần qua. Các gia đình và cơ sở kinh doanh tiêu thụ lượng khí đốt tự nhiên kỷ lục để sưởi ấm và phát điện do giá lạnh khắc nghiệt.

Lợi ích kinh tế của băng tuyết

Mặc dù tuyết phủ trắng xóa gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho đời sống, nhưng cũng tạo nên những cảnh đẹp lãng mạn, trở thành thứ thu hút du khách. Tuyết dày cũng đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Nếu không có đủ lượng tuyết nhất định thì các sân trượt băng không thể hoạt động được. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học New Hampshire và Đại học bang Colorado, du lịch thể thao trên tuyết đóng góp khoảng 20 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm. Phần lớn chi tiêu đó dành cho các khu trượt tuyết. Trung Quốc cũng đang khai thác rất thành công lợi thế của các vùng có tuyết để phục vụ du lịch.

Tuyết dày cũng đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Vào mùa đông, một phần kênh đào Rideau đi qua trung tâm Thủ đô Ottawa, Canada đóng băng và trở thành sân trượt băng tự nhiên ngoài trời lớn nhất thế giới, với chiều dài 7,8km và có diện tích bề mặt tương đương 90 sân khúc côn cầu trên băng theo tiêu chuẩn Olympic. Ủy ban Thủ đô Quốc gia (NCC) cho biết, sân trượt băng tự nhiên lớn nhất thế giới, đã mở cửa cho hoạt động trượt băng vào sáng Chủ nhật (21/1) lần đầu tiên sau hai năm.

Đường trượt Rideau được mở cửa lần đầu tiên cách đây hơn 50 năm, và hiện là một phần của di sản thế giới Kênh đào Rideau đã được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây cũng là điểm thu hút hàng đầu đối với những người đam mê trượt băng muốn tìm kiếm cảm giác mạnh ngoài trời trong mùa đông lạnh giá của Canada.

Hai năm qua, nơi này đã không mở cửa phục vụ hoạt động trượt băng do thiếu băng. Đơn vị chịu trách nhiệm duy trì và vận hành đường trượt băng NCC cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ ở Canada ấm hơn, không tạo đủ lượng băng cần thiết để mở lại sân băng. NCC và Hội đồng Tiêu chuẩn Canada đã tiến hành đánh giá rủi ro để tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với đường trượt băng Rideau. Đại diện của NCC cũng cho biết thêm, họ chỉ có thể mở cửa sân băng khi băng ở đây đạt độ dày ít nhất 30 cm, mà để điều này xảy ra, phải có từ 10 đến 14 ngày liên tục nhiệt độ phải từ âm 20 độ C đến âm 10 độ C.

Trong Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2024, một quan chức của Tổ chức Du lịch Quốc gia Thụy Sĩ bày tỏ sẵn sàng học hỏi từ Trung Quốc về cách thúc đẩy kinh tế từ loại hình du lịch trải nghiệm băng tuyết và cách thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc.

Cơn sốt du lịch băng tuyết đang bùng nổ của Trung Quốc đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường du lịch toàn cầu.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ: “Theo khảo sát của Học viện Du lịch Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ có hơn 400 triệu chuyến đi tham gia các hoạt động giải trí trên băng và tuyết trong mùa băng tuyết từ năm 2023 đến năm 2024, đây là mùa băng tuyết thứ hai sau Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và thu nhập quốc gia từ du lịch băng tuyết dự kiến sẽ đạt 550 tỷ nhân dân tệ (khoảng 76,4 tỷ đô la Mỹ)”.

Một phần nhờ sự đóng góp của ngành du lịch băng tuyết đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Liêu Ninh trong ba quý đầu năm 2023 đã vượt qua mức trung bình toàn quốc lần đầu tiên sau mười năm. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 5,8% trong ba quý đầu năm 2023, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với mức trung bình quốc gia. Nền kinh tế băng tuyết đã được coi là một trong số các lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa bước đột phá mới trong quá trình hồi sinh toàn diện vùng Đông Bắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.

Diễn biến đáng lo ngại ở Bắc Cực

Biến đổi khí hậu đang làm cho việc dự báo thời tiết trở nên khó khăn hơn. Các nhà khoa học tin rằng Trái đất sẽ trải qua thời tiết khắc nghiệt, thảm khốc hơn khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu đang làm cho việc dự báo thời tiết trở nên khó khăn hơn.

Không khí Bắc Cực đang ngày càng tiến sâu xuống phía Nam và kết quả là mùa đông ở Bắc Mỹ có thể sẽ khắc nghiệt hơn. Đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố năm 2017 trên tạp chí Nature Geoscience. Báo cáo cho thấy mối liên hệ giữa nhiệt độ Bắc Cực ấm hơn và mùa đông lạnh hơn ở Bắc Mỹ.

Trung bình, Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn bốn lần so với phần còn lại của hành tinh. Hiệu ứng này được gọi là khuếch đại Bắc Cực. Các nhà khoa học cho rằng tốc độ ấm lên không đồng đều này đang làm suy yếu dải không khí bao quanh Bắc Cực. Dải này có vai trò giữ không khí Bắc Cực ở các khu vực phía Bắc – nay dải không khí này yếu đi, dễ dàng để không khí lạnh di chuyển vào phía Nam hơn.

Một ví dụ là Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã phá kỷ lục về số giờ nhiệt độ xuống dưới 0 trong tháng 12, tính từ năm 1951, sau khi một đợt không khí lạnh quét qua nhiều vùng của nước này và gây ra bão tuyết, đẩy nhiệt độ xuống mức thấp lịch sử. Các khu vực phía Bắc và Đông Bắc của đất nước đã trải qua đợt lạnh kỷ lục, trong đó một số khu vực ở phía Đông Bắc có nhiệt độ lên tới âm 40 độ C do không khí lạnh buốt giá tràn xuống từ Bắc Cực.

Một đài quan sát thời tiết ở Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 300 giờ nhiệt độ dưới mức đóng băng kể từ ngày 11/12, mức cao nhất trong tháng kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1951. Thủ đô cũng đã phải chịu đựng 9 ngày liên tiếp nhiệt độ dưới âm 10 độ C trong giai đoạn này.

Nhiệt độ lạnh kỷ lục và bão tuyết không phải là những kiểu thời tiết khắc nghiệt duy nhất có thể xảy ra. Khi dòng chảy chậm lại, lũ lụt có thể kéo dài hơn và hạn hán có thể kéo dài hơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances năm 2019 dự đoán các hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết người có thể tăng tới 50% vào năm 2100. Các nhà khoa học cho rằng thời tiết có sức tàn phá kỷ lục mà chúng ta trải qua trong những năm gần đây, đăc biệt là trong năm 2023 chỉ là khởi đầu của quá trình đó, nếu con người thật sự không sớm có những giải pháp cần thiết và hữu hiệu trong công cuộc chống lai biến đổi khí hậu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.