UAV hữu tuyến của Nga vô hiệu hoá tác chiến điện tử

UAV hữu tuyến - một loại máy bay không người lái mới của Nga được cho là có khả năng xuyên thủng bất kỳ hàng rào tác chiến điện tử nào của đối phương vừa được thử nghiệm thành công trên chiến trường.

• Nga công bố video ghi hình lại từ một máy bay không người lái (UAV) mới được thử nghiệm trên chiến trường. UAV này được điều khiển và truyền dữ liệu bằng sợi cáp quang, có khả năng vượt qua hàng rào tác chiến điện tử của đối phương.

• Việc truyền dữ liệu và điều khiển UAV bằng cáp quang đã khắc phục được một trong những điểm yếu cốt tử của các dòng máy bay không người lái hiện tại trước hệ thống phòng không của đối phương, đồng thời tạo ra một loạt kỹ thuật tác chiến mới trong việc tổ chức các đợt tấn công bằng UAV.

• UAV hữu tuyến hiện cũng đang được Ukraine thử nghiệm với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp Đức. Rất có thể loại UAV này sẽ được sản xuất đại trà trong thời gian tới. 

Nga là quốc gia đầu tiên sử dụng UAV hữu tuyến trên chiến trường - thông tin được phóng viên David Hambling của Forbes công bố cách đây ít ngày. Loại UAV mới này được cho là có khả năng xuyên thủng hàng rào tác chiến điện tử của Ukraine để thực hiện một cuộc không kích tại Kursk – một tỉnh biên giới của Nga, nơi Ukraine bắt đầu tấn công và đưa quân chiếm đóng cách đây ba tuần nhằm thực hiện chiến thuật chuyển lửa ra khỏi biên giới, tạo vùng đệm đối phó với Nga.

David Hambling nhấn mạnh: “Đây là một tín hiệu cảnh báo về tốc độ phát triển công nghệ máy bay không người lái của Nga trong thời gian gần đây, đồng thời cũng là một lời nhắc nhở với quân đội các nước vốn đang lệ thuộc vào các hệ thống tác chiến điện tử cho mục đích vô hiệu hoá máy bay không người lái cũng như các hệ thống vũ khí điều khiển không dây của đối phương".

Trong một diễn biến khác, Ukraine được cho là đang nghiên cứu những máy bay không người lái tương tự và Công ty HIGHCAT của Đức cũng đang có kế hoạch ra mắt một loại máy bay hữu tuyến để ứng phó với các hệ thống tác chiến điện tử vốn đang được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh hiện đại.

UAV hiện đang được lực lượng vũ trang các quốc gia sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Trong những năm gần đây, UAV được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột vũ trang và trở thành một trong những hình mẫu chiến thuật tác chiến mới của chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng rất dễ bị nhận diện và tiêu diệt bởi các hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu và phá sóng không dây của đối phương.

UAV hữu tuyến là một loại thiết bị bay không người lái được điều khiển và truyền dữ liệu bằng sợi cáp quang để có thể “tàng hình” trước các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương khi tiếp cận mục tiêu. Loại máy bay không người lái này được sử dụng cho mục đích trinh sát, vận chuyển hoặc tấn công trên chiến trường.

Trên thực tế, việc sử dụng sợi quang để điều khiển các loại vũ khí tấn công không phải là điều mới mẻ. Trước đây, Israel đã từng sử dụng hệ thống truyền dữ liệu điều khiển bằng sợi quang trong biến thể Pulse-4 của hệ thống tên lửa chống tăng Spike (ATGM).

Cuộc đối đầu giữa UAV và các hệ thống tác chiến điện tử

Trong thời gian qua, thiết bị bay không người lái đã chứng minh được các tác dụng thực chiến trên chiến trường. Một số chuyên gia quân sự nhận định rằng trong thời gian tới, vai trò của FPV có thể giảm bớt. Tuy nhiên, thực tế xung đột tại các điểm nóng cũng như chương trình phát triển vũ khí của các cường quốc quân sự cho thấy hiện mới chỉ là điểm khởi đầu của cuộc cách mạng thiết bị bay không người lái trong quá trình hình thành các chiến thuật tấn công của chiến tranh hiện đại.

Các loại UAV truyền thống được điều khiển bằng tín hiệu không dây, rất dễ bị nhận diện và khống chế bởi các hệ thống tác chiến điện tử nếu hoạt động đơn lẻ và không được hỗ trợ bởi các công nghệ tự động hoá.

Để đối phó với các loại thiết bị bay không người lái, phòng không các nước đang sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu, phá sóng điều khiển để vô hiệu hoá hoặc dùng vũ khí phòng không để tiêu diệt trước khi các thiết bị này thâm nhập vào khu vực phòng không hoặc các mục tiêu quan trọng.

Việc tiêu diệt trực tiếp UAV bằng vũ khí chiến đấu sẽ phụ thuộc vào khả năng phát hiện mục tiêu của lực lượng phòng không bằng các thiết bị điện tử dò sóng không dây chuyên dụng. Quá trình tiêu diệt mục tiêu thường sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đối phương tổ chức các cuộc tấn công ồ ạt với hàng loạt thiết bị bay không người lái tấn công phối hợp.

Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đang chạy đua trong một cuộc chiến cạnh tranh giữa việc cải tiến hệ thống tác chiến điện tử nhận diện, khống chế mục tiêu bay hạng nhẹ với việc phát triển các thế hệ UAV thông minh có khả năng tàng hình và xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương.

Các hệ thống tác chiến điện tử mới liên tục cập nhật công nghệ làm nhiễu tần số điều khiển và truyền tín hiệu của UAV. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị bay không người lái đang nỗ lực nâng cao khả năng chống nhiễu bằng cách sử dụng các tần số không dây lệch chuẩn, liên tục đổi tần số cũng như phát triển các công nghệ tự động hoá, khoá mục tiêu định hướng và tấn công ngay cả khi mất liên lạc điều khiển.

Tổ hợp tác chiến điện tử "Bukovel-AD" của Ukraine

UAV hữu tuyến - cuộc thử nghiệm của quân đội Nga tại Kursk

Ngày 13/8/2024, ông Andrei Nikitin - Thống đốc vùng Novgorod cho biết, một máy bay không người lái chống tác chiến điện tử có biệt danh “Hoàng tử phá hoại Novgorod” - sản phẩm do Trung tâm Khoa học và Công nghiệp Ushkuynik tại Novgorod phát triển, đã được sử dụng để tấn công vào những chiếc xe trinh sát BRT-4 của Ukraine đang hoạt động tại Kursk.

Theo chia sẻ của Thống đốc Nikitin, video được truyền từ UAV hữu tuyến của Nga có chất lượng cao, cho phép quân đội giám sát và thực hiện cuộc tấn công một cách chính xác sau khi thiết bị này xuyên thủng hàng rào tác chiến điện tử của đối phương.

Một cuộn cáp quang được gắn vào máy bay không người lái. Sợi quang này sẽ bung ra khi thiết bị bay được kích hoạt. Việc điều khiển UAV và truyền tín hiệu video ghi nhận từ UAV được thực hiện thông qua sợi cáp quang và hàng rào tác chiến điện tử của đối phương đã bị vô hiệu hoá trong việc nhận diện mục tiêu

Eduard Bagdasaryan, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất thiết bị bay không người lái của Nga khẳng định và cung cấp thêm thông tin rằng UAV hữu tuyến của Nga hiện có phạm vi hoạt động lên tới 15 km.

Một ngày trước đó (12/8/2024), Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố đoạn video ghi lại hoạt động chiến đấu của các đội bay không người lái thuộc lực lượng dù của Dnepr tấn công vào các mục tiêu đóng quân của Ukraine.

Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov của Nga bình luận loại UAV hữu tuyến này được điều khiển qua sợi quang và độc đáo ở chỗ chúng gần như không thể bị phát hiện và khống chế bởi hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Đơn giản vì nó không gắn với bất kỳ loại sóng vô tuyến nào khi hoạt động.

Ông cũng cho biết, loại UAV hữu tuyến này của Nga được trang bị công nghệ nhận diện và bám mục tiêu bằng hình thức quang điện tử. Để khống chế hiệu quả các UAV này, đối phương phải sử dụng hệ thống vũ khí laser để triệt tiêu. Mà các hệ thống tối tân đó, hiện chỉ có Mỹ và Nga đang sở hữu. Do đó loại UAV này sẽ gần như an toàn tuyệt đối trước các hệ thống phòng không mà Ukraine đang sử dụng.

Ukraine đang phát triển UAV hữu tuyến dưới sự hỗ trợ của phương Tây?

Một số nguồn tin mở đã cung cấp dữ liệu cho thấy một thiết bị bay không người lái có hệ thống điều khiển hữu tuyến mang mã NSKh được HIGHCAT - một doanh nghiệp của Đức phát triển đã xuất hiện tại Ukraine.

Một thiết bị UAV hữu tuyến mang mã NSKh được phát triển bởi công ty HIGHCAT (Đức) được cho là đang được thử nghiệm tại Ukraine.

Phạm vi bay của NSKh đạt tới 20 km, tín hiệu truyền dẫn qua cáp quang có băng thông cao. UAV này có thể bay trên địa hình phức tạp với nhiều chướng ngại vật. Nếu các cuộc thử nghiệm ở Ukraine thành công, doanh nghiệp này sẽ triển khai kế hoạch sản xuất đồng loạt với sản lượng  3.000 UAV NSKh mỗi tháng.

UAV NSKh hiện mới chỉ được sử dụng thử nghiệm cho mục đích trinh sát. Tuy nhiên, khối lượng sản xuất theo kế hoạch là 3.000 chiếc mỗi tháng cho thấy NSKh rất có thể sẽ trở thành một loại vũ khí tấn công quan trọng mà lực lượng vũ trang Ukraine sẽ đưa vào sử dụng trong cuộc xung đột với Nga trong thời gian tới.

Hình ảnh rò rỉ về ngoại hình UAV mang mã NSKh do một số nguồn tin quân sự cung cấp cho thấy loại máy bay không người lái này có gắn một cuộn dây cáp quang truyền tín hiệu điều khiển.

Trước đó, vào tháng 5/2024, một số nguồn tin từ Ukraine đã công bố về sự xuất hiện của một loại máy bay không người lái FPV điều khiển bằng sợi quang có tên “Banderik-Strichka”. Thiết bị này có thể mang trọng tải lên tới 3 kg và có thời gian bay 15 phút. Bán kính chiến thuật của thiết bị bay không người lái này là 1 km.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.

Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.

Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.