Ukraine mất thêm tới 4 tiêm kích F-16?

4 máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine mới được các đối tác phương Tây chuyển giao được cho đã bị phá huỷ trong một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga vào sân bay Starokonstantinov ở vùng Khmelnitsky.

Tin do truyền thông Nga đưa ra ngày 26/9 từ một số nguồn tin chưa được xác thực.  Kênh Telegram Russian Weapon ngày 26/9 cho biết, một cuộc không kích quy mô lớn của Nga nhằm vào sân bay Starokonstantinov của Ukraine đã khiến 4 máy bay chiến đấu F-16 bị phá hủy. Hai trong 4 máy bay này đã bị tấn công khi đang trên đường băng, trong khi 2 chiếc khác được đặt trong kho chứa.

Blogger người Ukraine Anatoly Shariy cùng ngày cũng đã đưa tin về việc 4 máy bay chiến đấu F-16 ở Ukraine bị phá hủy. Viết trên kênh Telegram của mình, blogger Shariy cho biết: “Họ báo cáo rằng do một cuộc tấn công bất ngờ, số lượng F-16 bị thiếu hụt khoảng 4 chiếc”.

Máy bay chiến đấu F-16

Trang news.ru của Nga dẫn lời các sĩ quan quân đội nước này cho biết Lực lượng vũ trang Nga đã tấn công sân bay Zhulyany ở thủ đô Kiev và sân bay quân sự Starokonstantinov ở vùng Khmelnitsky, nơi đặt các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

“Khoảng một giờ trước, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công khác vào sân bay Starokonstantinov ở vùng Khmelnitsky - lần này họ đã bắn vào đó không dưới bốn tên lửa đạn đạo Kinzhal. Cơ sở này là một trong những nơi đồn trú chính của các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được chuyển giao cho Ukraine. Điều này chủ yếu là do căn cứ có các công trình bê tông cốt thép từ thời Liên Xô, giúp mang lại khả năng tàng hình và an ninh tốt hơn cho máy bay,” kênh Rybar - một nhóm nhà phân tích quân sự ủng hộ Nga - viết.

Theo các tác giả của kênh, mặc dù có báo cáo khác nhau về việc một số máy bay F-16 bị phá hủy tại Starokonstantinov, nhưng hiệu quả của cuộc đột kích có thể được đánh giá sau khi xuất hiện các hình ảnh vệ tinh và các bằng chứng khác.

“Một cuộc tấn công mới vào sân bay cho thấy sự nhất quán trong việc phá hủy cơ sở hạ tầng làm căn cứ cho máy bay chiến đấu của Mỹ. Số lượng công trình bê tông cốt thép của Liên Xô tại các sân bay Ukraine vẫn còn hạn chế và khi chúng bị phá hủy, việc giấu F-16 sẽ khó khăn hơn nhiều”, Rybar cho biết thêm.

Phóng viên quân sự Alexander Kots viết: Các trang công khai của Ukraine đã đưa tin về những đợt đổ bộ mạnh mẽ vào sân bay ở Starokonstantinov sau khi cảnh báo tên lửa được công bố.

“Các cơ quan giám sát đã báo cáo về việc tiêm kích MiG-31 của Nga cất cánh, điều đó có nghĩa là khả năng cao cuộc tấn công được thực hiện bởi các tên lửa Kinzhal. Các máy bay Su-24 của Ukraine theo truyền thống được đặt tại sân bay này để phóng các tên lửa Storm Shadows và Scalps mà phương Tây cung cấp. Nhà chứa máy bay bằng bê tông dùng để cất giữ máy bay đã được trang bị ở đây từ thời Liên Xô. Có thể chính vì điều này mà sân bay được chọn làm địa điểm đồn trú của F-16. Một số nguồn tin Ukraine đưa tin có tới 4 chiến đấu cơ của Mỹ bị phá huỷ trong cuộc tấn công”.

Còn theo kênh Telegram Military Affairs, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã bắn trúng 2 máy bay F-16 của Ukraine khi đang cất cánh từ sân bay. Cuộc tấn công được cho là do bốn chiếc MiG-31K với tổ hợp siêu thanh Kinzhal thực hiện.

Win/Win cũng đưa tin, tại sân bay Starokonstantinov, hai máy bay chiến đấu F-16 do Hà Lan tài trợ cho Ukraine đã bị hư hại khi đang chuẩn bị cất cánh. Ngoài ra, một chiếc Su-24, được nâng cấp để phóng tên lửa Storm Shadow, cũng bị phá hủy.

“Tại sân bay Starokonstantinov, một chiếc Su-24 được nâng cấp để phóng tên lửa Storm Shadow, cũng đã bị phá hủy. Một kho chứa 12 tên lửa Storm Shadow cũng có thể đã bị phá hủy. Hiện vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại của chiếc F16 đó, nhưng vỏ và phần thân máy bay đã bị hư hại trong quá trình cất cánh. Chúng không thể cất cánh, nhưng hạ cánh bình thường. Chiếc Su-24 bị cháy”, nguồn tin cho biết thêm.

Trong khi đó, blogger nổi tiếng người Ukraine Anatoly Shariy cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất 4 chiếc F-16 cùng một lúc trong một cuộc tấn công bất ngờ của Nga.

“Từ một cuộc phục kích trên không, 4 chiếc MiG-31K của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tổ hợp siêu thanh Kinzhal vào sân bay của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở Starokonstantinov. Trước đó, trong cuộc tấn công bất ngờ, 3 máy bay F-16 đã bị bắn trúng. Đúng một giờ sau, có cuộc tấn công thứ hai bằng ba tên lửa. Lần này, có một cuộc tấn công vào cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của sân bay”, INSIDER-T đưa tin.

Hiện, phía Ukraine vẫn chưa bình luận về các thông tin trên. Trước đó, cùng ngày, truyền thông Ukraine đưa tin về các vụ nổ ở các vùng Kiev, Ivano-Frankivsk và Khmelnitsky.

Tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K của Nga

Tên lửa Kinzhal – mối đe doạ đối với các sân bay và chiến đấu cơ Ukraine

Báo cáo về việc F-16 bị phá hủy được đưa ra sau khi Nga thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal nhằm vào sân bay Starokonstantinov trong đêm ngày 25, rạng sáng 26/9. Những tên lửa này được đánh giá có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại, khiến chúng trở thành công cụ mạnh mẽ để tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Tên lửa Kinzhal được lắp đặt trên tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: ITN

Căn cứ không quân Starokonstantinov là một trong những địa điểm chiến lược quan trọng đối với Không quân Ukraine, đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tấn công đường không. Đáng chú ý, sân bay này được cho là nơi đồn trú các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, Starokonstantinov cũng là nơi cất cánh của máy bay Su-24 được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và SCALP.

F-16 là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bố trí ở tuyến đầu và không quân nhiều nước trên thế giới lựa chọn trong 50 năm qua.

F-16 được thiết kế để thực hiện cả vai trò chiến đấu không đối không và không đối đất trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Máy bay được trang bị một động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.

Kinzhal là tên lửa siêu thanh được thiết kế để phóng từ trên không và có thể đạt tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Truyền thông Nga cho biết, tên lửa cực kỳ khó bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có nào trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Việc Nga sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch này có thể cho thấy ý định của Moscow là thực hiện một cuộc tấn công nhanh chóng và hiệu quả.

Bí ẩn xung quanh vụ rơi máy bay F-16 đầu tiên của Ukraine

Ukraine đã nhận được những chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8, một năm sau khi các đồng minh của nước này thành lập liên minh máy bay chiến đấu để cung cấp máy bay và đào tạo phi công cho Ukraine.

Theo các cam kết, Ukraine sẽ nhận được ít nhất 79 chiến đấu cơ F-16 từ Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ. Theo báo The Economist của Anh, đến nay Ukraine đã nhận được 10 chiếc trong số đó.

Tuy nhiên, Ukraine đã mất chiếc F-16 đầu tiên vào ngày 26/8, tức chỉ vài tuần sau khi những chiến đấu cơ này được chuyển giao cho Kiev, khi chiếc F-16 do phi công Oleksiy Mes, bí danh Moonfish, điều khiển được triển khai cùng với các đơn vị tên lửa phòng không để chống lại cuộc tấn công của hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái Nga.

Vụ việc khiến tiêm kích F-16 bị rơi còn Moonfish thiệt mạng. Viên phi công hàng đầu này đã vận động hành lang mạnh mẽ để Ukraine có thể sở hữu F-16. Đến nay, nguyên nhân vụ việc vẫn là điều bí ẩn.

Phi công F-16 người Ukraine Oleksiy Mes - được biết đến với bí danh "Moonfish" thiệt mạng trong vụ rơi máy bay F-16 tại Ukraine hôm 26/8

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sa thải người đứng đầu Không quân nước này và cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc, bao gồm cả khả năng mà một quan chức phương Tây đã nêu ra hôm 30/8, là F-16 bị bắn rơi do “hỏa lực thân thiện” từ một tổ hợp tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, theo hai quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, hỏa lực thân thiện có thể không phải là nguyên nhân khiến máy bay F-16 bị rơi. Các nhà điều tra của Mỹ cũng như Ukraine đang xem xét nhiều khả năng khác nhau, trong đó bao gồm cả hỏng hóc cơ học và lỗi của phi công.

Các nhà phân tích quân sự Ukraine cho biết vẫn còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng các hệ thống phòng không phương Tây và máy bay chiến đấu F-16 chưa bao giờ hoạt động cùng nhau trong những điều kiện phức tạp như hoàn cảnh ở Ukraine hôm 26/8. Cùng lúc Đại tá Mes đang truy đuổi tên lửa của Nga, các đội điều khiển 3 hệ thống phòng không khác nhau, bao gồm Patriot, các nhóm cơ động với tên lửa Stinger và tên lửa Starstreak của Anh, đều đang nỗ lực đánh chặn 127 tên lửa và 109 UAV của đối phương.

“Nhiều thứ có thể dẫn đến việc mất chiếc F-16, bao gồm tình trạng kỹ thuật của máy bay, lỗi của phi công hay các yếu tố bên ngoài”, ông Khrapchynskyi, cựu quan chức Không quân Ukraine cho biết. Theo ông, cũng có khả năng các mảnh vỡ của một tên lửa bị đánh chặn đã văng trúng một bộ phận quan trọng của máy bay.

F-16 không phải "viên đạn bạc"

Ukraine đã phải chờ đợi rất lâu để có được máy bay chiến đấu F-16 mặc dù Tổng thống nước này Zelensky đã yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu ngay từ khi xung đột với Nga nổ ra.

Nhưng cũng giống như các thiết bị khác, các nước phương Tây đã do dự trước khi cuối cùng đồng ý cung cấp F-16 cho Kiev. Vào đầu mùa hè năm 2023, Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết sẽ cung cấp những chiến đấu cơ này cho Ukraine, nhưng phải vài tuần sau đó Mỹ mới bật đèn xanh cho việc chuyển giao.

Khi những chiếc F-16 đầu tiên đến Ukraine vào đầu mùa hè này, Tổng thống Zelensky cho biết ông và chính phủ của mình đã tổ chức “hàng trăm cuộc họp và đàm phán” để đảm bảo Kiev nhận được loại chiến đấu cơ này.

Ngày 4/8/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo về sự xuất hiện của lô máy bay phản lực chiến đấu F-16 đầu tiên của Ukraine. Các báo cáo cho biết lô F-16 đầu tiên mà Kiev dự kiến ​​sẽ nhận được, là những chiếc F-16 cũ của Hà Lan.

Trước đó, một nhóm phi công Ukraine đã bắt đầu khóa đào tạo điều khiển F-16 tại Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Trong khi phải mất nhiều năm để được đào tạo đầy đủ để lái máy bay, các phi công của Ukraine đã phải làm điều đó chỉ trong 6 tháng.

Ukraine hy vọng F-16 sẽ mang lại cho họ động lực cần thiết trong cuộc xung đột. Các máy bay phản lực này có nhiều chức năng: chúng có thể cung cấp sự yểm trợ trên không cho quân đội, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tấn công máy bay đối phương và đánh chặn tên lửa. Với vũ khí phù hợp, F-16 có thể ngăn chặn các máy bay ném bom chiến đấu của Nga tiếp cận chiến trường.

Tuy nhiên, F-16 không phải là giải pháp hoàn hảo. Ukraine có thể sử dụng chúng để ngăn chặn Nga kiểm soát bầu trời. Nhưng các chuyên gia cho biết khả năng của chúng kém hơn so với các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga như Su-35S và Su-30SM2, và trong trường hợp xảy ra không chiến, các máy bay thế hệ 4+ của Nga có ưu thế giành chiến thắng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz tuyên bố rút lui khỏi đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trong thời gian rất ngắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tiếp có những quyết sách làm thay đổi căn bản mức độ và phạm vi Mỹ can dự gián tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/11 xác nhận quân đội Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung mới vào Ukraine, để đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Nga trong tuần này.

Chính phủ Australia vừa đưa ra dự luật mới, phạt lên đến 50 triệu đô la Australia (khoảng 32,5 triệu USD) nếu các nền tảng mạng xã hội không có biện pháp ngăn chặn trẻ dưới 16 tuổi truy cập vào nền tảng của họ.

Thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban, ông Naim Qassem cho biết lực lượng này sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào vi phạm chủ quyền của Liban, trong khi Israel yêu cầu được tự do hành động chống lại phong trào này trong trường hợp đạt được thỏa thuận.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm sâu sắc thêm liên minh song phương lâu đời, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.