Ukraine tiến gần hơn đến mục tiêu gắn kết với EU
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 2 năm ngoái và được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6 cùng năm. Thông báo của EU mở ra các cuộc đàm phán để Ukraine gia nhập liên minh được đưa ra sau hơn 8 giờ đàm phán căng thẳng ở Brussels đã mang lại một chiến thắng chính trị quan trọng cho Kiev.
Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm lịch sử và nó cho thấy uy tín của Liên minh châu Âu, sức mạnh của Liên minh châu Âu. Chúng tôi muốn hỗ trợ Ukraine. Đó là một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ, một quyết định chính trị rất mạnh mẽ.”
Theo hãng tin Reuters của Anh, việc “bật đèn xanh” bất ngờ cho các cuộc đàm phán đã diễn ra khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người trong nhiều tuần nói rằng ông sẽ ngăn chặn một thỏa thuận như vậy - đồng ý rời khỏi phòng họp, trong khi các nhà lãnh đạo khác tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu.
Ngay sau khi quyết định của EU được công bố, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng đây là chiến thắng cho Ukraine và toàn bộ châu Âu.
Ông khẳng định: “Đây là một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh. Tôi biết ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng tôi và thực hiện chính xác những gì chúng tôi đã thỏa thuận. Tôi cũng biết ơn tất cả người dân Ukraine và nhóm của chúng tôi, những người đã làm mọi thứ cần thiết.”
Vẫn còn nhiều thách thức
GDP bình quân đầu người của Ukraine hiện thấp hơn 1/3 mức trung bình của Liên minh châu Âu. Việc Ukraine trở thành thành viên EU có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của mình.
Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy, nếu Ukraine là thành viên trong khối, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối. Tuy nhiên, để chính thức được kết nạp vào EU, vẫn còn một con đường dài phía trước với rất nhiều thách thức mà Ukraine cần phải trải qua.
Theo giới quan sát, Ukraine sẽ không được phép bỏ qua quá trình mà mọi quốc gia đều phải trải qua trước khi gia nhập EU. Theo đó, Kiev cần phải đáp ứng các điều kiện của Bộ ba Tiêu chí Copenhagen, bao gồm việc xây dựng được các thể chế ổn định và dân chủ cũng như hình thành được nền kinh tế thị trường tự do được vận hành tốt, những lĩnh vực mà EU đã chỉ ra rằng Ukraine còn nhiều yếu kém.
Tiếp đó, sau khi đáp ứng Tiêu chí Copenhagen, các quan chức EU và Ukraine có thể sẽ bắt đầu đàm phán theo bộ quy chuẩn gồm 35 Chương, trong đó đưa ra các điều kiện gia nhập liên minh. Để một quốc gia chính thức trở thành thành viên EU, tất cả các chương đàm phán phải được khép lại hoàn toàn, được mọi quốc gia thành viên EU ủng hộ, sau đó được quốc hội EU phê chuẩn.
Theo Giáo sư Adriaan Schout - Đại học Radboud, Hà Lan, có rất nhiều trở ngại, toàn bộ quy trình có khoảng gần 40 chương. Trong đó, có rất nhiều chương về pháp quyền, kinh tế, luật thị trường, chấp nhận luật pháp châu Âu, tôn trọng quyền của người thiểu số, đối với một số quốc gia đó là một vấn đề lớn.
Các thủ tục phức tạp của EU đồng nghĩa quá trình kết nạp thành viên có thể kéo dài hàng thập kỷ và đòi hỏi xung đột phải kết thúc, bằng cách này hay cách khác. Điều đó có nghĩa là một Ukraine đang xảy ra xung đột sẽ không bao giờ thực sự được hưởng lợi từ tư cách thành viên EU, bất kể thập kỷ tới có diễn ra như thế nào.
Không chỉ vậy, quá trình gia nhập vốn rất khó khăn còn có thể bị cản trở bất kỳ lúc nào bởi một quốc gia thành viên. Chỉ vài giờ sau khi Ukraine và những người ủng hộ nước này ăn mừng việc EU nhất trí bắt đầu đàm phán tư cách thành viên cho Kiev, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chặn gói viện trợ 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine. Lý giải cho quyết định của mình, ông Orban lập luận rằng, Ukraine không nên nhận số tiền lớn như vậy từ ngân sách EU vì nước này không phải thành viên.
Phát biểu với Đài phát thanh nhà nước Hungary sau đó, ông Orban cũng chỉ trích việc EU mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, đồng thời khẳng định, Hungary vẫn có thể tạm dừng, thậm chí ngừng quá trình này nếu cần thiết.
Lịch sử EU cho thấy, quá trình đàm phán để kết nạp một ứng cử viên chưa bao giờ diễn ra thuận lợi, không chỉ mất nhiều năm mà thậm chí còn có thể bị đảo ngược. Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn gia nhập EU vào năm 1987 nhưng đến nay vẫn đang là một ứng cử viên. Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia, Albania và Bosnia đều đã tham gia các cuộc đàm phán thành viên với EU trong nhiều năm nhưng đến giờ vẫn trong trạng thái chờ đợi để được bước qua cánh cổng của EU.
Thách thức đặt ra đối với EU
Đối với Liên minh châu Âu, việc nhanh chóng kết nạp Ukraine cũng đặt ra không ít thách thức. Theo kết quả thăm dò dư luận do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu tiến hành mới đây, phần lớn công dân EU vẫn hoài nghi về việc mở rộng của khối trong tương lai. Ngoài ra, nhiều người dân châu Âu nói rằng họ không thấy có bất kỳ lợi ích kinh tế nào nếu EU kết nạp Ukraine.
Theo các chuyên gia, nếu Ukraine trở thành thành viên EU và nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ, điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia hiện nhận tiền ròng của EU sẽ trở thành người đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của EU.
Bên cạnh đó, Ukraine là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp nước này đang được EU nhập khẩu. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên EU, Ukraine sẽ trở thành một phần của thị trường chung EU, không bị vướng thuế quan hay hạn ngạch và hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới. Điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo sức ép lớn lên các chính phủ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây khi trả lời báo giới việc liệu việc kết nạp Ukraine có đe dọa sinh kế của nông dân Pháp - những người sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh được với sản phẩm rẻ hơn từ các đối tác Ukraine, đã nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi còn rất xa mới kết nạp Ukraine. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, việc mở rộng, bất kể là gì, sẽ đòi hỏi một cuộc cải cách sâu rộng các quy tắc của EU”.
Tờ Financial Times hồi tháng 10 cho biết, việc Kiev gia nhập EU sẽ khiến trợ cấp nông nghiệp cho các nước thành viên hiện tại bị cắt giảm 20%. Ngoài vấn đề trợ cấp, việc Ukraine trở thành thành viên cũng mở cửa toàn bộ thị trường lao động EU cho hàng triệu nhân công Ukraine. Điều này làm gợi nhớ đến bài học một lượng lớn người Ba Lan đến Anh sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004 – trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến Brexit.
Cuộc biểu tình của tài xế xe tải Ba Lan kéo dài hơn một tháng qua gây tắc nghẽn ở biên giới với Ukraine chính là một lời cảnh báo sớm. Các tài xế Ba Lan nói rằng, họ đã mất đi công ăn việc làm do những chính sách ưu đãi mà EU dành cho Kiev. Việc EU không buộc các xe tải Ukraine phải mất tiền xin giấy thông hành khi di chuyển vào khối đã giúp các hãng vận tải từ Ukraine được hưởng lợi từ cạnh tranh không công bằng.
Anh Tomek Borkowski, tài xế xe tải người Ba Lan cho biết: “Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, các công ty Ba Lan chiếm 40% thị phần vận tải đến Ukraine. Nhưng giờ đây, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%. Chúng tôi đã bị Ukraine đẩy hoàn toàn ra khỏi thị trường.”
Về an ninh, các hiệp ước của EU bắt buộc các thành viên phải giúp đỡ "bằng mọi cách trong khả năng của mình" khi một quốc gia thành viên bị xâm phạm lãnh thổ. Nếu Ukraine trở thành thành viên EU khi Kiev vẫn đang trong cuộc xung đột với Nga thì Liên minh châu Âu sẽ phải thực thi hiệp ước trên.
Ngoài ra, nếu đồng ý kết nạp Ukraine, EU sẽ có một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, điều này có thể tác động mạnh tới tình hình an ninh, di cư và quốc phòng của toàn khối.
Phản ứng trước quyết định của EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, Nga nhận định điều này sẽ gây bất ổn cho liên minh.
Theo ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn điện Kremlin: “Các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. EU luôn có những tiêu chí gia nhập khá khắt khe. Rõ ràng, hiện tại cả Ukraine và Moldova đều không đáp ứng được các tiêu chí này. Đây là một quyết định hoàn toàn bị chính trị hóa, đó là ý chí của EU để thể hiện sự hỗ trợ đối với các quốc gia này. Trên thực tế, những thành viên mới như vậy có thể gây bất ổn cho EU.”
Một tuần tồi tệ với Ukraine
Trong khi Tổng thống Ukraine Zelensky ca ngợi việc EU mở các cuộc đàm phán gia nhập với nước này, thì theo giới quan sát, đây chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, một kế hoạch của các nước phương Tây nhằm bù đắp cho Kiev sau khi không thể kết nạp nước này vào NATO, đồng thời che giấu sự mệt mỏi khi không còn khả năng cũng như ý chí để cung cấp nhiều hỗ trợ về kinh phí và đạn dược như trước.
Tuần qua có thể coi là một tuần tồi tệ đối với Ukraine khi tình hình trên chiến trường bế tắc còn Tổng thống Ukraine chỉ trong vòng 4 ngày đã thất bại trong cả hai nỗ lực nhằm nhận được các gói viện trợ của Mỹ và châu Âu.
Trên chiến trường, quân đội Nga đang đẩy mạnh tấn công thành phố Avdiivka, miền đông Ukraine. Dọc theo chiến tuyến Zaporizhzhia, nơi Ukraine từng tập trung phản công nhưng không đạt được kết quả như mong đợi, các đơn vị Nga đã chuyển từ phòng thủ sang tấn công và việc phòng thủ khiến Ukraine đang phải trả giá đắt. Đến nay, Kiev mới chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ khi liều lĩnh vượt sông Dnipro nhưng đã phải hứng chịu thương vong rất lớn, trong khi tuyến đường tiếp tế của họ gặp khó khăn và triển vọng mờ mịt.
Các quan chức Ukraine cho biết, Kiev cũng đang phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga gần như hàng đêm. Đến nay, hầu hết các cuộc tấn công đều được lực lượng phòng không ngăn chặn. Nhưng theo chính phủ Mỹ, hệ thống phòng không của Ukraine có thể bị ảnh hưởng đầu tiên khi nguồn viện trợ của Mỹ dành cho Kiev cạn kiệt.
Trong bối cảnh ấy, chuyến đi tới Mỹ mới đây của Tổng thống Ukraine Zelensky có thể coi là thất bại. Thay vì nhắc lại cam kết sẽ ủng hộ Ukraine đến “chừng nào còn cần thiết”, lần này Tổng thống Joe Biden chỉ cam kết, Mỹ sẽ cung cấp cho Kiev những vũ khí và thiết bị quan trọng “miễn là chúng tôi có thể”.
Sự thay đổi lặng lẽ trong ngôn ngữ dường như thừa nhận một thực tế là sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine không phải là một sự đảm bảo hay một cam kết mở.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã gặp các nghị sĩ Mỹ, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang bế tắc về gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Trong khi đảng Dân chủ ủng hộ gói viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế trị giá 61 tỷ USD, thì các nghị sỹ Cộng hòa lại yêu cầu Nhà Trắng nhượng bộ trong vấn đề nhập cư và an ninh dọc biên giới với Mexico để đổi lấy việc tán thành gói viện trợ.
Tuy nhiên, phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau cuộc gặp với ông Zelensky là dấu hiệu cho thấy, ngay cả khi vấn đề nhập cư được giải quyết, chưa chắc gói viện trợ cho Ukraine sẽ được phê duyệt ngay lập tức.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa, đặc biệt là những người có liên hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump, đã bắt đầu chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của ông Zelensky và nói rằng, cuối cùng Kiev sẽ phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga.
Ông J.D. Vance - Thượng nghị sĩ bang Ohio nhấn mạnh: “Nếu bạn nhìn vào sự chênh lệch giữa quân đội, thực sự không có con đường dẫn đến hòa bình nào mà không thông qua đàm phán. Tôi không nói đó là điều tốt, nhưng họ không đạt được tiến bộ đáng kể nào dù đã chi hàng trăm tỷ đô la viện trợ của Mỹ.”
Trong khi đó, đến nay Tổng thống Ukraine Zelensky vẫn bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ.
Mặc dù Thượng viện Mỹ đã thông báo sẽ hoãn kỳ nghỉ từ tối 15/12 và làm việc trở lại vào ngày 18/12, còn các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp lại vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2024 để tiếp tục bàn về vấn đề viện trợ cho Kiev, nhưng những gì diễn ra thời gian qua đã cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn tại các nước này về cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, với những hậu quả kinh tế và chính trị ngày một rõ rệt.
Trong năm tới, khó khăn đối với Kiev sẽ càng lớn hơn khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Mỹ và trên khắp châu Âu. Khi đó, có thể sẽ có thêm những tiếng nói yêu cầu giải quyết cuộc xung đột bằng giải pháp ngoại giao./.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0