Ukraine toan tính gì khi tấn công xuyên biên giới vào Nga?

Xung đột Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn mới sau khi Kiev phát động tấn công vào khu vực Kursk của Nga. Đây là một trong những cuộc tấn công táo bạo nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2022.

Cuộc đột kích bất ngờ dường như là một “mũi tên trúng nhiều đích” nhằm khiến Nga phải chuyển hướng lực lượng khỏi các mặt trận quan trọng khác và khả năng giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, nhưng cũng đi kèm với những rủi ro lớn đối với quân đội Ukraine vốn đang thiếu hụt lực lượng dự bị và phải vật lộn để ngăn chặn những bước tiến của Nga ở khu vực Donetsk.

Mũi tên trúng nhiều đích?

Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào rạng sáng ngày 6/8, khoảng 1.000 binh sĩ và hàng chục thiết giáp Ukraine tràn sang biên giới Nga, tấn công tỉnh Kursk từ nhiều hướng. Đài RT dẫn lời quyền Tỉnh trưởng tỉnh Kursk - ông Aleksey Smirnov rằng Ukraine đã tấn công các trường học, bệnh viện và nhà dân ở Nga, khiến 5 dân thường thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.

Khoảng 1.000 binh sĩ và hàng chục thiết giáp Ukraine tràn sang biên giới Nga

Không giống các đợt xâm nhập trước thường do các đơn vị hoạt động ngầm hoặc nhóm vũ trang thân Ukraine thực hiện, đây là lần đầu tiên Kiev tấn công bằng lực lượng chính quy tinh nhuệ bên trong lãnh thổ Nga.

Được yểm trợ bởi các dàn máy bay không người lái, hỏa lực pháo hạng nặng và các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến, các đơn vị Ukraine đã di chuyển nhanh chóng để chiếm một phần lãnh thổ phía Tây của Nga bên cạnh biên giới, trong khi một số đơn vị khác đột nhập sâu hơn vào bên trong nước Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, tính đến ngày 9/8, quân đội Ukraine đã tiến sâu tới 35km vào lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk. Tuy nhiên, Kiev không kiểm soát được hoàn toàn khu vực này. Lực lượng Ukraine cũng đã chiếm một trạm đo khí đốt mà Nga sử dụng để giao dịch năng lượng với Hungary và Slovakia, làm gia tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.

Vệ binh Quốc gia Nga cũng đã tăng cường an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách Sudzha khoảng hơn 60 km về phía đông bắc. Việc giao tranh gần với cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy làm dấy lên lo ngại về những tác động rộng hơn của cuộc tấn công của Ukraine, đặc biệt là nếu xung đột leo thang hơn nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án cuộc đột kích của Ukraine sang lãnh thổ Nga.

Về phía Ukraine, phải đến tối 10/8, Tổng thống Volodymyr Zelensky mới lần đầu lên tiếng xác nhận về cuộc đột kích.

Cuộc tấn công bất ngờ đã đạt được những hiệu quả bước đầu như kỳ vọng của Ukraine, đó là đẩy quân Nga vào thế bị động. Sau nhiều tháng gia tăng áp lực về phía Pokrovsk và Sloviansk thuộc Ukraine, đây là lần đầu tiên, Nga vào thế khó khi phải củng cố tiền tuyến thiết yếu nhất của mình - biên giới giữa hai nước.

Mặt khác, trong bối cảnh Ukraine đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt binh lực và vũ khí trầm trọng, do thời gian giao tranh kéo dài, những khó khăn trong hoạt động tuyển quân cũng như sự chậm trễ trong việc tiếp nhận khí tài quân sự từ phương Tây, cuộc đột kích vào Kursk có thể hướng tới nhiều mục tiêu.

Theo chuyên gia nghiên cứu quân sự Chris Steven của tờ The Independent, một mặt, chiến dịch tấn công này có thể nâng cao tinh thần của binh sĩ Ukraine vốn đang ở mức thấp suốt nhiều tháng, do quân đội nước này liên tục ở thế bị dồn đuổi trong các cuộc giao tranh với Nga. Mặt khác, Moscow có lẽ sẽ phải phân tán lực lượng nhằm cản bước tiến của đối phương, trong khi phương Tây cũng sẽ suy nghĩ lại về việc tăng cường viện trợ.

Moscow có lẽ sẽ phải phân tán lực lượng nhằm cản bước tiến của đối phương, trong khi phương Tây cũng sẽ suy nghĩ lại về việc tăng cường viện trợ.

Nhiều học giả cũng chỉ ra rằng chiến dịch diễn ra vào thời điểm lần đầu tiên trong suốt hơn hai năm giao tranh, Nga và Ukraine đang cân nhắc nhiều hơn đến khả năng đàm phán. Nga có thể được mời tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo do Ukraine và các đồng minh tổ chức.

Tại Ukraine, gần một nửa người dân ủng hộ việc hai nước chấm dứt giao tranh thông qua đàm phán, trong khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt giao tranh, có khả năng đắc cử. Trong bối cảnh ấy, việc Ukraine kiểm soát lãnh thổ Nga có thể là một quân bài mặc cả mạnh mẽ.

Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cũng từng nói rằng bất kỳ hoạt động nào của Ukraine tại “các khu vực biên giới Nga” đều có “nguyên nhân gốc rễ” từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Các cuộc tấn công như vậy sẽ tác động đến xã hội Nga và cải thiện vị thế của Kiev tại các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Cuộc xung đột cũng đe dọa lan sang nước láng giềng Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 10/8 cho biết lực lượng phòng không nước này đã phá hủy “một số trong khoảng hàng chục” máy bay không người lái của Ukraine sau khi chúng xâm phạm không phận ở khu vực Mogilev phía Đông giáp với Nga.

Belarus, một đồng minh của Nga, cho biết họ sẽ tăng cường lực lượng để bảo vệ biên giới với Ukraine sau vụ việc. Bộ Ngoại giao Belarus cũng đưa ra lời cảnh báo rằng sự hiện diện ngoại giao của Ukraine tại Belarus sẽ gặp nguy hiểm nếu Kiev tiếp tục chính sách liều lĩnh đối với Minsk.

Nga phản công giảnh kết quả ấn tượng

Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng từ quan điểm quân sự, khi phát động cuộc đột kích vào vùng Kursk của Nga, Kiev đã chọn hướng đi tối ưu là tránh những khu vực đang có chiến sự, nơi chiến tuyến được củng cố và rất khó để vượt qua, đánh vào những nơi vốn dĩ đang yên ổn với hệ thống phòng thủ mỏng.

Kiev đã chọn hướng đi tối ưu là tránh những khu vực đang có chiến sự

Điều đó đã giúp Kiev đạt được những bước tiến nhanh. Tuy nhiên, quãng thời gian Kiev giành ưu thế trước Moscow không kéo dài. Cuộc tấn công của Ukraine đã bị chặn đứng sau khi Nga tái triển khai lực lượng dự bị cùng nhiều khí tài tới khu vực. Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov khẳng định, các lực lượng của Moscow đã ngăn chặn bước tiến sâu hơn của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga, đồng thời nhấn mạnh, chiến dịch ở Kursk sẽ kết thúc với việc đánh bại kẻ thù và tái lập biên giới quốc gia.

Alexander Kharchenko, phóng viên quân sự của hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 11/8 cho biết trên Telegram rằng trong nếu như quân đội Ukraine đã dễ dàng tiến vào các khu vực đông dân cư trong khu vực vài ngày trước đó, thì “bây giờ họ phải đối mặt với một rào cản dày đặc trước mỗi ngôi làng.”

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố các video ghi cảnh binh sĩ và vũ khí Nga rầm rập đổ về Kursk cho trận quyết chiến với Ukraine. Các loại vũ khí khí tài được vận chuyển, bao gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, pháo kéo, pháo tự hành, xe tăng, xe bánh xích hạng nặng cũng như các xe tải hạng nặng Ural và Kamaz.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện các trận chiến dữ dội đang tập trung xung quanh Malaya Loknya, Olgovka và Ivashkovskoye, các khu định cư cách biên giới Nga khoảng 10 - 20 km.

Hiện các trận chiến dữ dội đang tập trung xung quanh Malaya Loknya, Olgovka và Ivashkovskoye, các khu định cư cách biên giới Nga khoảng 10 - 20 km.

Để ứng phó với cuộc đột kích của Ukraine, Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại khu vực Kursk, trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền hạn hơn để nhanh chóng phối hợp ứng phó khẩn cấp. Nga cũng đồng thời tiến hành “chiến dịch chống khủng bố” tại ở Kursk và các khu vực Bryansk và Belgorod gần đó. Với quyết định này, các lực lượng chức năng Nga sẽ giúp bảo vệ an toàn cho người dân, hạn chế đi lại và có thể di dời người dân trong một số tình huống. Moscow cũng cho biết đã sơ tán 76 nghìn người khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Người đứng đầu Chechnya, ông Ramzan Kadyrov cho biết quân đội Nga đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp ở Kursk và đạt được kết quả “khá ấn tượng” với việc phá hủy các đoàn xe quân sự cùng binh sĩ của Ukraine cũng như chiếm được các thiết bị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Bộ Quốc phòng Nga, cho đến nay, Kiev đã mất tới 1.350 quân nhân và hơn 200 thiết bị, sau khi phát động cuộc đột kích tại Kursk.

"Canh bạc" đối với Ukraine

Bất chấp lơi thế ban đầu, cuộc đột kích xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk vẫn đi kèm những rủi ro nghiêm trọng. Trước mắt, cuộc tiến công nhanh chóng của Kiev đã kéo dài các tuyến tiếp tế của họ và có thể tạo ra các mắt xích yếu dễ bị Nga phản công. Nếu Nga đưa lực lượng đáng kể vào trước khi Ukraine có thể tổ chức phòng thủ vững chắc tại những địa điểm này, tuyến tiếp tế của quân đội Ukraine sẽ bị cắt đứt.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Ukraine đã đánh cược bằng cách triển khai lực lượng dự bị hạn chế của mình cho cuộc tấn công vào Kursk, thay vì tăng cường phòng thủ ở Tỉnh Donetsk, nơi mà những binh sỹ này có thể được sử dụng tốt hơn.

Ukraine đã đánh cược bằng cách triển khai lực lượng dự bị hạn chế của mình cho cuộc tấn công vào Kursk

Nga hiện đang tiến về phía thành phố Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng. Quân đội Nga cũng đã đến vùng ngoại ô Torestsk và đang cố gắng tiến sâu hơn vào Chasov Yar. Tốc độ tiến công của Nga đã tăng nhanh trong những tuần gần đây, chủ yếu là do Kiev thiếu nhân lực. Đây vốn là khó khăn chính đối với quân đội Ukraine kể từ năm ngoái.

Một số người suy đoán rằng mục tiêu của Kiev tại Kursk có thể là chiếm Nhà máy điện hạt nhân. Đó sẽ là một phần thưởng lớn và rủi ro về bụi phóng xạ sẽ cản trở nghiêm trọng các nỗ lực của Nga nhằm giành lại nhà máy. Tuy nhiên, trên thực tế Ukraine hiện đang chiến đấu cách nhà máy khoảng 40km khiến mục tiêu này gần như chắc chắn trở nên ngoài tầm với.

Kịch bản tệ nhất đối với Ukraine là Nga có thể đẩy lui và làm suy yếu nghiêm trọng các đơn vị Ukraine ở Kursk mà không khiến vị thế của mình trên các mặt trận khác bị suy yếu đáng kể. Với lợi thế về lực lượng của Nga, điều đó không phải là không thể. Ngay cả khi Ukraine có thể giữ được lãnh thổ ở Kursk, những lực lượng đó sẽ không thể được triển khai ở nơi khác. Chiến dịch này có thể sẽ khiến Kiev phải dành nhiều nguồn lực hơn dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết kể từ khi Ukraine phát động cuộc đột kích vào Kursk, quân đội Nga không có dấu hiệu thay đổi đà tấn công trên tiền tuyến ở miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga ở khu vực Donetsk đã giành được nhiều thắng lợi, tiến sâu khoảng 16 km về hướng Pokrovsk.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga ở khu vực Donetsk đã giành được nhiều thắng lợi, tiến sâu khoảng 16 km về hướng Pokrovsk.

Trong bối cảnh ấy, Đại tá Alexander Khodakovsky, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Vệ binh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) nhận định rằng giới lãnh đạo Ukraine đã đi một nước cờ sai lầm nghiêm trọng khi phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga.

Các nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Anh còn tin rằng, ngoài nhiệm vụ tiêu diệt các nhóm quân Ukraine trong lãnh thổ Nga, Điện Kremlin đã quyết định thành lập một vùng đệm ở khu vực Sumy của Ukraine, giáp với vùng Kursk, đồng nghĩa với việc một mặt trận mới sẽ được mở ở phía đông bắc Ukraine.

Một số nhà quân sự ở Kiev và phương Tây cũng chỉ trích rằng, cuộc tấn công này sẽ không đạt được bất cứ mục đích gì khác ngoài việc sẽ mang tới những tổn thất cho Lực lượng Vũ trang Ukraine và có thể trở thành bước ngoặt dẫn tới sự thất bại toàn diện của cả cuộc chiến.

Theo giới quan sát, cuộc đột kích của Ukraine vào vùng Kursk của Nga có thể là một bước leo thang nhưng sẽ không đủ khả năng thay đổi tình hình trên thực địa. Do nguồn lực hạn chế, Ukraine ít khả năng duy trì được chiến dịch lâu dài, cũng không đủ khả năng để mở một mặt trận mới trong lãnh thổ Nga. Mặt khác, việc Ukraine táo bạo đánh chiếm lãnh thổ Nga khó có thể khiến Tổng thống Nga Putin thỏa hiệp. Ukraine mất gì từ cuộc đột kích này, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời rõ nhất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hãng tin Tass ngày 21/12 cho biết, chuyên gia quân sự Andrey Marochko đã nói với hãng tin này rằng lực lượng Nga đang kiểm soát hơn một nửa thành phố Chasov Yar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk .

Quân đội Israel thừa nhận đã không thể đánh chặn một "vật thể bay" được phóng từ Yemen tới Tel Aviv, làm ít nhất 16 người bị thương.

Phe đối lập Syria tuyên bố muốn đóng góp vào hòa bình khu vực sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Ahmed al-Sharaa và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Damascus.

Một đoàn gồm 120 binh sĩ Pháp đã rời Chad vào ngày 20/12, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc rút quân của Pháp khỏi một trong những thuộc địa cuối cùng mà Pháp vẫn duy trì sự hiện diện quân sự.

Theo một tuyên bố từ quân đội Iraq, nước này đã gửi gần 2.000 binh lính Syria trở về quê hương vào ngày 19/12, sau khi họ tìm kiếm nơi trú ẩn tại Iraq trong cuộc tấn công của các lực lượng đối lập nhằm lật đổ cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào đầu tháng này.

Ngày 19/12, phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Sarea tuyên bố, lực lượng này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài với Israel.