Ukraine trong thế kẹt trên bàn cờ Nga và Mỹ

Mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trở nên căng thẳng trong vài ngày qua, khi ông Trump ngày càng chỉ trích mạnh ông Zelensky.

Một câu hỏi được đặt ra là sự rạn nứt này sẽ dập tắt hy vọng về một nền hòa bình do Mỹ làm trung gian hay có thể thúc đẩy quá trình hòa bình?

48 giờ Tổng thống Trump quay lưng lại với ông Zelensky

Ngày 19/2, Tổng thống Trump đã đăng tải một thông điệp chỉ trích mạnh mẽ ông Zelensky trên mạng xã hội, gọi ông là “nhà độc tài không qua bầu cử”, đồng thời chỉ trích việc Ukraine ép Mỹ chi hàng trăm tỷ đô la cho một cuộc chiến “không thể thắng”.

Cuộc khẩu chiến này tiếp tục kéo dài suốt cả ngày và càng căng thẳng hơn khi ông Trump phát biểu tại Miami vào tối cùng ngày, tuyên bố: “Ông Zelensky cần hành động nhanh chóng. Nếu không, ông ấy sẽ không còn đất nước để lãnh đạo”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

Các cáo buộc của Tổng thống Trump được cho là lặp lại quan điểm lâu nay của Nga về cuộc xung đột Ukraine, khi Tổng thống Zelensky ban hành thiết quân luật và ngừng các cuộc bầu cử theo kế hoạch.

Đáng chú ý, bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump hôm 19/2 không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ công khai chỉ trích ông Zelensky. Trong nhiều năm qua, ông Trump luôn hoài nghi về ông Zelensky, thường xuyên đặt câu hỏi về các quyết định của nhà lãnh đạo Ukraine.

Đặc biệt, trong vụ luận tội đầu tiên của mình, ông Trump từng thúc giục ông Zelensky mở cuộc điều tra nhằm vào đối thủ chính trị Joe Biden. Ông Trump thậm chí đã kết hợp những chỉ trích nhắm vào cả Tổng thống Zelensky và người tiền nhiệm – cựu Tổng thống Mỹ Biden.

Phát biểu tại Miami, ông Trump bóng gió rằng Tổng thống Ukraine đã nhận được “lợi ích không cân xứng” từ Mỹ dưới thời chính quyền Biden. "Nếu các bạn có chính quyền Biden thêm một năm nữa", ông Trump nói, "bạn sẽ ở trong Thế chiến thứ III, nhưng bây giờ điều đó sẽ không xảy ra”.

Chỉ 1 ngày trước, ông Trump cho rằng tỷ lệ ủng hộ của ông Zelensky rất thấp, kêu gọi Ukraine bầu cử và thậm chí đi xa hơn khi tuyên bố Kiev là bên khơi mào xung đột. “Đã lâu rồi chúng ta chưa có một cuộc bầu cử ở Ukraine. Nhà lãnh đạo ở Ukraine, tôi ghét phải nói điều này, nhưng ông ấy chỉ đạt tỷ lệ ủng hộ 4%”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida vào thứ ba, Ảnh: AFP

Các trợ lý của Tổng thống Trump gần đây đã theo dõi sát sao những tuyên bố công khai của ông Zelensky, đặc biệt là lời chỉ trích của nhà lãnh đạo Ukraine về việc Washington loại Kiev khỏi các cuộc đàm phán với Nga tại Saudi Arabia trong tuần này. Căng thẳng đã bùng nổ sau khi ông Zelensky nói với các phóng viên ở Kiev rằng ông Trump đang sống trong một “không gian thông tin sai lệch”.

Ông Trump, trong một cuộc trò chuyện riêng với các phụ tá tại bang Florida, cho biết ông muốn phản ứng trực tiếp. Điều này dẫn đến bài đăng đầy giận dữ trên mạng xã hội Truth Social và sau đó là những phát biểu trước hàng trăm khán giả tại hội nghị đầu tư ở Miami, do quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia tài trợ.

Một quan chức Nhà Trắng khác chia sẻ với CNN: "Thật thất vọng. Có một cảm giác mạnh mẽ và chính đáng rằng cuộc chiến này phải chấm dứt, nhưng con đường này đang bị thu hẹp thông qua các tuyên bố công khai của ông Zelensky".

Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổng thống Zelensky, cái kết của cuộc xung đột mà Tổng thống Mỹ Trump đang hình dung có vẻ rất giống với những gì Nga mong muốn. Các thành viên trong chính quyền Trump đã loại trừ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ không can thiệp để bảo vệ an ninh của Ukraine khi chiến sự kết thúc. Vì vậy, ông Zelensky cho biết ông không thể im lặng trước những quan điểm này.

Trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Zelensky đã cố gắng tránh rạn nứt hoàn toàn với ông Trump, người nổi tiếng với tính khí nóng nảy. Ông đã tổ chức cuộc gặp với ông Trump trước cuộc bầu cử năm ngoái để làm dịu những nghi ngờ về sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột. Họ gặp nhau tại Trump Tower ở Manhattan, nơi ông Trump cho biết ông có “mối quan hệ rất tốt” với ông Zelensky, nhưng cũng đồng thời khẳng định ông có "mối quan hệ rất tốt" với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Một quân nhân Ukraine bắn lựu pháo về phía quân đội Nga ở khu vực Zaporizhzhia vào ngày 11 tháng 1. Ảnh: Stringer/Reuters

Báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ

Rất ít nhà lãnh đạo nước ngoài có thể ứng phó với sự thay đổi tâm trạng của Tổng thống Trump, điều này từng dẫn đến việc hủy bỏ các chuyến công du, các cuộc gọi điện thoại đột ngột bị cắt ngang và các quyết định thuế quan cứng rắn. Tuy nhiên, cho đến nay, sự thất vọng của ông Trump vẫn chưa dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù vẫn duy trì quan hệ với các đồng minh lâu năm ở châu Âu, nhưng ông Trump lại có xu hướng gần gũi hơn với Nga.

Nhiều người ủng hộ ông Trump cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lẽ ra phải hiểu được phản ứng mạnh mẽ của ông. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong cuộc trò chuyện với tờ Daily Mail, chia sẻ rằng nếu ông Zelensky nghĩ rằng việc chỉ trích Tổng thống Trump trên các phương tiện truyền thông có thể thay đổi suy nghĩ của ông, thì đó là chiến lược sai lầm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Miami. Ảnh: Reuters

Giải thích về những tuyên bố công khai của ông Trump, các quan chức Nhà Trắng khẳng định mục tiêu chính của ông chủ Nhà Trắng là chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, cuộc xung đột mà ông cho là được chính quyền tiền nhiệm quản lý yếu kém. Theo họ, sau nhiều năm chiến sự, đã đến lúc phải tìm cách kết thúc cuộc xung đột. Ông Trump cũng nói rõ mục tiêu duy nhất của ông là cứu sống hàng triệu người: "Tôi chỉ quan tâm đến việc làm sao để hàng triệu người không còn phải chết nữa".

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào khi ông tiếp tục chỉ trích ông Zelensky và có vẻ đồng tình với quan điểm của Nga.

Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump ở Washington hôm 19/2 cho rằng Tổng thống có thể đang chuẩn bị cho một kế hoạch lớn. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, John Thune, cho biết ông tin rằng ông Trump và đội ngũ cố vấn đang nỗ lực đạt được hòa bình và "cần cho họ một chút không gian". Thượng nghị sĩ Kevin Cramer cho rằng ông Trump có thể đang "chuẩn bị cho một cuộc đàm phán" với Tổng thống Putin thông qua những phát ngôn về nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky.

Tuy nhiên, để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào chấm dứt cuộc xung đột, ông Trump vẫn cần sự hợp tác từ ông Zelensky. Nếu ông Trump thực sự muốn tránh sự tham gia của quân đội Mỹ, nhà lãnh đạo này sẽ phải kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của chính họ - điều mà một số quốc gia đã từng đề xuất.

Một số cố vấn của ông Trump nhận định có chiến lược đằng sau những lời chỉ trích của ông. Một người thân cận với ông Trump chia sẻ rằng mục đích của việc chỉ trích Ukraine là để gây áp lực lên châu Âu, yêu cầu họ chi nhiều tiền hơn cho việc bảo vệ Ukraine. Một cố vấn khác đồng tình, cho rằng nếu các quốc gia châu Âu phản ứng mạnh mẽ như Đan Mạch, đó sẽ là một chiến thắng lớn.

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người từng có quan hệ gần gũi với ông Trump, đã lên tiếng bác bỏ một số tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Johnson nhấn mạnh rằng Ukraine không phải là bên khơi mào cuộc chiến và không thể tổ chức bầu cử khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, giống như Vương quốc Anh trong Thế chiến thứ II.

Tuy nhiên, ông Johnson cho rằng mặc dù những phát ngôn của ông Trump không chính xác về mặt lịch sử, nhưng chúng lại truyền đạt một thông điệp lớn hơn. Cụ thể, ông Trump muốn gây sốc để thúc đẩy hành động từ phía châu Âu. "Khi nào người châu Âu mới ngừng chỉ trích Tổng thống Donald Trump và bắt đầu giúp ông ấy chấm dứt cuộc chiến này?", ông Johnson viết trên mạng xã hội X.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu họp báo ở Kiev. Ảnh: AFP

Hội nghị khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris tuần này, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, cho thấy các phát biểu của ông Trump đang thu hút sự chú ý. Tổng thống Macron cảnh báo rằng Nga có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với châu Âu và không thể coi thường những kịch bản xấu nhất. Tuy nhiên, ông Macron vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ ông Trump. Nhà lãnh đạo Pháp sẽ đến Washington vào tuần tới để gặp ông Trump, cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer, người sẵn sàng gửi quân đội để làm lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine.

Cả hai nhà lãnh đạo đã liên lạc với Tổng thống Zelensky sau những lời chỉ trích của ông Trump. Thủ tướng Anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Zelensky, nhấn mạnh việc hoãn bầu cử trong thời gian chiến tranh là hợp lý, giống như Anh đã làm trong Thế chiến thứ II.

Ông Trump dường như đang tự coi mình là người trung gian hòa bình, dù phải chấp nhận những cái giá đắt, bỏ qua các liên minh phương Tây và những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông tự tin tuyên bố:  "Chúng tôi đang đàm phán thành công để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, điều mà ai cũng biết chỉ có tôi mới làm được".

"Trong chính quyền Trump, chúng ta sẽ làm được điều đó. Tôi nghĩ Tổng thống Putin thậm chí cũng thừa nhận điều đó", ông Trump khẳng định.

Ukraine tiến thoái lưỡng nan

Ukraine hiện đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa tổng thống thời chiến và Mỹ - quốc gia hậu thuẫn chính của nước này. Viện trợ tài chính từ chính quyền Trump - yếu tố sống còn của Ukraine - hiện đang bị đe dọa. Ông Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng viện trợ cho Ukraine đang “mất hút” và rằng ông Zelensky đang “đòi hỏi quá mức”. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm viện trợ, tạo ra thêm khó khăn cho Ukraine.

Cuộc đàm phán ngày 19/2 tại Saudi Arabia là lần đầu tiên các quan chức Mỹ và Nga gặp nhau sau 3 năm, để thảo luận về các cách thức chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ảnh: AP

Vậy tại sao ông Zelensky không kêu gọi bầu cử để chấm dứt tranh cãi về tính chính danh của mình? Các cuộc bầu cử ở Ukraine luôn gặp khó khăn, ngay cả trong thời bình. Theo các nhà phân tích, nếu tình trạng không có cải thiện, kết quả sẽ khó cứu vãn.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi sau cuộc điện đàm hôm 12/2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, phái đoàn ngoại giao hai nước đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Riyadh, Saudi Arabia, nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine. Điều này phản ánh sự vội vã của ông Trump nhằm tìm kiếm một kết thúc cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng cũng dấy lên lo ngại rằng một thỏa thuận hòa bình có thể làm suy yếu an ninh của Ukraine và châu Âu, đồng thời thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu.

Theo dòng sự kiện

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

0

Mỹ đã tiến hành đợt không kích mới nhắm vào hơn 40 địa điểm do lực lượng Houthi kiểm soát tại Yemen, trong đó có thủ đô Sanaa.

Lực lượng cứu hộ tại Bangkok (Thái Lan) đang khẩn trương tìm kiếm người mắc kẹt sau vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước do ảnh hưởng từ trận động đất ở Myanmar.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nga từ đầu tuần sau, nhằm trao đổi về quan hệ Trung-Nga trong giai đoạn tới.

Tổng thống Mexico đã gặp Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem để bàn về hợp tác song phương trong vấn đề di cư và an ninh.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã thăm Greenland và chỉ trích Đan Mạch về vấn đề an ninh cho vùng lãnh thổ Greenland trước các mối đe dọa tiềm tàng.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã thông báo gửi hỗ trợ đến Myanmar để khắc phục hậu quả của trận động đất.