Ukraine tự gây ra thảm kịch và đổ lỗi cho Nga?

Báo New York Times của Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy vụ tấn công bằng tên lửa vào khu chợ sầm uất ở Kostyantynivka - phía đông Ukraine, khiến 15 người thiệt mạng, là do chính Ukraine bắn nhầm.
 
Ngày 6/9 vừa qua, một vụ tấn công bằng tên lửa đã xảy ra tại thành phố Kostiantynivka ở miền đông Ukraine, khiến ít nhất 15 dân thường thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở nước này trong nhiều tháng. Chưa đầy hai giờ sau, Tổng thống Volodymir Zelensky đổ lỗi cho Nga gây ra vụ tấn công. Tuy nhiên, bằng chứng được báo New York Times thu thập và phân tích, bao gồm các mảnh tên lửa, hình ảnh vệ tinh, lời kể của nhân chứng và nhiều bài đăng trên mạng xã hội, cho thấy rõ ràng cuộc tấn công thảm khốc này là hậu quả của một vụ phóng tên lửa bằng hệ thống Buk của Ukraine gây ra.

Vụ tai nạn bi thảm

Vụ tấn công có vẻ là một tai nạn bi thảm. Theo các chuyên gia phòng không, loại tên lửa bắn vào khu chợ có thể bay chệch hướng vì nhiều lý do, như trục trặc hệ thống điện tử hay cánh dẫn hướng bị hỏng.

Sự cố tên lửa xảy ra trong bối cảnh giao tranh diễn ra liên tục ở khu vực gần thành phố Kostiantynivka. Lực lượng Nga pháo kích vào thành phố trong đêm hôm trước. Một nhóm đăng trên Telegram địa phương nói về cuộc tấn công bằng hoả lực pháo binh Ukraine từ thành phố này chỉ vài phút trước khi khu chợ trúng tên lửa. Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, cơ quan an ninh nước này đang điều tra vụ việc nên không thể bình luận gì thêm.

Chính quyền Ukraine ban đầu cố gắng ngăn cản phóng viên của New York Times tiếp cận các mảnh vỡ tên lửa và khu vực trúng tên lửa ngay sau cuộc tấn công. Nhưng cuối cùng, nhóm phóng viên vẫn có thể vào hiện trường, phỏng vấn các nhân chứng và thu thập tàn tích của vũ khí.

Tên lửa được phóng đi từ đâu?

Đoạn video từ camera an ninh cho thấy tên lửa bay vào Kostiantynivka từ hướng lãnh thổ do Ukraine nắm giữ chứ không phải từ phía sau phòng tuyến của Nga.

Khi nghe thấy âm thanh của tên lửa bay đến gần, ít nhất bốn người đi bộ gần như đồng thời quay đầu về phía có tiếng ồn. Một lúc trước khi tên lửa rơi vào khu chợ, người dân ở đây nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của tên lửa khi nó bay qua 2 chiếc ô tô đang đỗ, cho thấy nó bay đến từ hướng tây bắc.

Đầu đạn của tên lửa phát nổ cách mặt đất vài mét ngay trước khi va chạm, làm văng các mảnh kim loại ra xung quanh. Theo một chuyên gia về chất nổ và phân tích của New York Times, miệng hố và mức độ tàn phá từ khi tên lửa phát nổ cho thấy vũ khí này bay đến từ hướng tây bắc.

Những bằng chứng khác cho thấy, vài phút trước cuộc tấn công, quân đội Ukraine đã phóng 2 tên lửa đất đối không từ thị trấn Druzhkivka về phía tiền tuyến của Nga. Druzhkivka cách Kostiantynivka 16 km về phía tây bắc.

Các phóng viên của New York Times đang ở Druzhkivka thì nghe thấy tiếng phóng tên lửa lúc 2 giờ chiều, âm thanh từ tên lửa thứ hai vang lên sau đó vài phút. Tình cờ, một thành viên trong nhóm đã ghi được âm thanh vụ phóng đầu tiên trong tin nhắn thoại.

Cư dân ở Druzhkivka cũng bàn tán về một vụ phóng tên lửa vào thời điểm đó trên một nhóm Telegram. “Thêm một lần nữa”, một bài đăng lúc 2h03 chiều viết về vụ phóng tên lửa thứ hai.

Ngoài ra, hai nhân chứng cho biết họ nhìn thấy tên lửa được bắn từ Druzhkivka về hướng tiền tuyến của Nga vào khoảng thời gian xảy ra vụ tấn công. Một người trong số đó nói rằng anh ta đã nhìn thấy tên lửa đi về phía Kostiantynivka. Một người lính Ukraine đóng quân ở Druzhkivka, được yêu cầu giấu tên, cũng cho biết đã nghe thấy hai vụ phóng tên lửa cùng lúc.

Một trong những nhân chứng cũng cho biết tên lửa đã được phóng từ cánh đồng ở ngoại ô thị trấn, nơi theo người dân địa phương, vẫn được quân đội Ukraine sử dụng để phóng tên lửa phòng không.

Các phóng viên của New York Times đã trực tiếp đến địa điểm này và nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy gần đây nó đã được quân đội sử dụng, với các chiến hào, hố rác và đường ray rộng phù hợp với một phương tiện quân sự cỡ lớn.

Một dấu hiệu quan trọng khác là các vết cháy sém. Tên lửa phòng không thường được phóng đi từ một phương tiện cỡ lớn và khu vực xung quanh sau khi chúng được bắn đi thường bị cháy. Phân tích hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy những vết cháy mới xung quanh chiến hào vào ngày xảy ra vụ tấn công, có thể cho thấy địa điểm này đã được sử dụng để phóng tên lửa.

Loại tên lửa nào đã được sử dụng?

Sau vụ nổ ở khu chợ, chính quyền Ukraine nói rằng lực lượng Nga đã bắn tên lửa bằng hệ thống phòng không S-300, vẫn thường được Moscow sử dụng để đánh chặn máy bay của Ukraine đồng thời tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Tuy nhiên, tên lửa S-300 mang đầu đạn khác với tên lửa phát nổ ở Kostiantynivka.

Mặt tiền ốp kim loại của các tòa nhà gần vụ nổ nhất bị thủng hàng trăm lỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật, có thể do các mảnh hình khối bắn từ tên lửa gây ra.

Kích thước của các lỗ này và các mảnh vỡ được tìm thấy tại hiện trường phù hợp với tên lửa 9M38, loại được phóng từ xe phòng không di động Buk.

Một số lỗ có chiều rộng dưới 10 mm, trong khi những lỗ khác lớn hơn một chút, trong khi tên lửa 9M38 chứa hai khối kim loại rắn có kích thước lần lượt là 8 mm và 13 mm.

Hai chuyên gia xử lý bom quân sự độc lập cũng đưa ra kết luận tương tự, rằng các mảnh vỡ và thiệt hại tại địa điểm tấn công tương thích nhất với một quả 9M38.

Một số nhân chứng đã nghe hoặc nhìn thấy lực lượng Ukraine bắn tên lửa đất đối không từ Druzhkivka về phía Kostiantynivka vào thời điểm xảy ra vụ tấn công nhằm vào khu chợ. Và bằng chứng thu thập được ở chợ cũng cho thấy tên lửa xuất phát từ hướng đó.

Chưa biết lý do gì khiến tên lửa có tầm bắn tối đa hơn 43km lại trúng vào Kostiantynivka, dù nó có thể gặp trục trặc và rơi trước khi trúng mục tiêu dự kiến. Trong trường hợp này, khi rơi ở khoảng cách dưới 16km, tên lửa có thể vẫn còn nhiên liệu chưa sử dụng hết trong động cơ, khiến động cơ tên lửa phát nổ hoặc bốc cháy khi va chạm. Kịch bản này là cách giải thích hợp lý cho những vết cháy lan rộng ở khu chợ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại Pakistan, nhiều tay súng đã tấn công đoàn xe chở người Hồi giáo dòng Shiite, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đang dần tiến tới những giờ đàm phán cuối cùng, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn là tài chính khí hậu.

Tại cuộc họp báo ngày 21/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận, Mỹ đã thông báo trước cho Ukraine và các đồng minh về kế hoạch phóng tên lửa tầm trung của Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi ban lãnh đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bằng cách sa thải giám đốc hiện tại và đưa một cựu đặc vụ giàu kinh nghiệm và trung thành với chương trình Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông vào vị trí đứng đầu cơ quan này.

Ngày 22/11, một người đàn ông đã tử vong và một người khác phải nhập viện sau khi một chiếc trực thăng rơi ở một vùng xa xôi của Australia.

Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.