Ứng phó khẩn cấp với siêu bão Yagi để giảm thiểu thiệt hại | Hà Nội tin mỗi chiều

Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong vòng 20 năm trở lại đây và là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 với cường độ cấp 16, giật trên cấp 17.

Chỉ trong vòng 48 tiếng, bão số 3 đã đạt cấp độ siêu bão với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam.

Bão Yagi vẫn đang duy trì cấp siêu bão cấp 16 và tiến rất gần vào đất liền nước ta. Khi đổ bộ đất liền, bão có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Tại Philippines, siêu bão Yagi đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, gây ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng, khoảng 88.000 người phải sơ tán. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão Yagi gây ra ở Philippines khoảng 6 triệu USD.

Dự kiến cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền miền Nam Trung Quốc vào chiều 6/9, sau đó đi qua tỉnh Quảng Đông, mang theo những trận mưa lớn và lũ lụt ven biển.

Các video do truyền thông địa phương công bố cho thấy những con sóng cao ập vào bờ. Dự kiến sẽ có những con sóng cao tới 7 mét gần bờ biển Hải Nam và Quảng Đông từ chiều 6/9. Sức mạnh của bão Yagi đã tăng gấp đôi kể từ khi tàn phá Philippines.

Hình ảnh vị trí và đường đi của bão Yagi. Ảnh: TTDBKTTVQG.
Hình ảnh vị trí và đường đi của bão Yagi. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Các nhà khoa học nhận định đại dương nóng hơn do khủng hoảng khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn. Các cơ quan khí tượng đánh giá bão số 3 đang thiết lập nhiều kỷ lục mới cho đến thời điểm này.

Bão số 3 là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại, với cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Đây là lần thứ ba trong lịch sử, cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 màu đỏ được ban hành và lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở vịnh Bắc Bộ.

Giá trị khí áp tại tâm bão giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua trong lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm này siêu bão đã đạt trạng thái mạnh nhất của một cơn bão nhiệt đới.

Hình ảnh vệ tinh siêu bão số 3 (bão Yagi).

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai, cho biết bão Yagi có thể trở thành cơn bão lịch sử ở Việt Nam, với sức tàn phá vô cùng khó lường. Điều mà chúng ta hy vọng là tâm bão đi quá nhanh sẽ khiến nó không kịp tích lũy năng lượng, khiến các đĩa mây vành ngoài dễ bị tách rời tâm bão và vì vậy bán kính bão sẽ bị thu hẹp, sức mạnh của bão giảm đi. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình dự đoán bão uy tín đánh giá thấp dự đoán này, khi nhận định bão sẽ đổ bộ vào đất liền ở các tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh vẫn giữ cấp cuồng phong với vận tốc gió lên đến 140 km/h.

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tỉnh Nam Định trong sáng 6/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý: Khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, do đó, địa phương này tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão Yagi cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông nếu cần thiết, để đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tỉnh Nam Định.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho hay Bộ Quốc phòng sẵn sàng hơn 425 nghìn cán bộ, chiến sĩ và trên 4.000 tàu thuyền, máy bay cùng các phương tiện khác để ứng phó bão số 3.

Cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội và Thanh Hoá, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 - 350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng 7/9, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9.

Ông Hiệp lưu ý gió mạnh như vậy có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt với cường độ mưa lớn, các sông như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ với biên độ lũ 1 - 3 m. Sông Tích, sông Bùi có thể xuất hiện lũ báo động 3. Vùng trũng thấp tại Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu dài ngày như từng xảy ra do ảnh hưởng của bão số 2.

Trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3, sáng 6/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi không cần thiết.

Hiện tại, các công ty thoát nước của thành phố Hà Nội đã huy động hơn 2.400 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị sẵn sàng bơm hút chống ngập. Các công ty cây xanh đã cắt tỉa hạ thấp độ cao hơn 92.000 cây xanh, đồng thời lên phương án giải tỏa khi cây xanh bị gãy đổ. Các đơn vị quân đội, công an cũng đã huy động trên 10.700 cán bộ, chiến sĩ, 303 phương tiện tham gia công tác phòng chống, ứng phó và sẵn sàng khắc phục hậu quả bão số 3.

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 600 km đê từ cấp đặc biệt đến cấp 5 và gần 150 km đê chưa được phân cấp; gần 33.400 tuyến kênh; 110 hồ chứa.

UBND thành phố đã chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo yêu cầu các trường không tổ chức học kể cả học thêm vào thứ Bảy ngày 7/9. Công an thành phố cũng đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn thành phố đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Nội Bài các cảng hàng không khác ở phía Bắc là Vân Đồn, Cát Bi, và Thọ Xuân sẽ tạm dừng khai thác trong các khung giờ để phòng ngừa ảnh hưởng của bão Yagi.

Theo cập nhật tại sân bay Nội Bài, đơn vị khai thác cảng đã cho khơi thông cống rãnh, mương thoát nước để phòng ngập úng. Trước khi bão vào, các máy bay và phương tiện trên sân đỗ sẽ được chằng néo, đảm bảo an toàn trước gió lớn.

Đám mây kéo thành dải dài hàng km, hình thù giống cơn “sóng thần”. Ảnh: VTC.

Từ sáng 6/9, tại Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết, trên bầu trời xuất hiện một dải mây lớn, hình vòng cung, di chuyển theo hướng Bắc - Nam, vòng ra biển. Dải mây đen bao phủ một vùng rộng lớn. Hình ảnh về đám mây được ví như sóng thần cũng được người dân liên tục cập nhật trên mạng xã hội và một số diễn đàn.

Nhiều người bày tỏ sự lo lắng trước cơn bão Yagi dù Nghệ An, Hà Tĩnh được dự báo nằm ngoài tâm bão. Theo ông Lê Đức Cương, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, hình ảnh về dải mây vừa nêu là dải mây dông trước bão. Đây chính là những đám mây đối lưu thuộc hoàn lưu rìa xa cơn bão, có thể gây mưa, dông sét trước và sau cơn bão.

Yagi được đánh giá là siêu bão mạnh nhất thế giới trong năm nay. Theo các chuyên gia, từ sáng 7/9, người dân chỉ nên ra khỏi nhà khi có việc thật cần thiết vì dự báo bán kính hoàn lưu của bão Yagi rất rộng, gây nguy hiểm.

Tại các khu đô thị, hoàn lưu bão có thể cộng hưởng với các yếu tố địa hình, nhà cao tầng tạo nên luồng gió rất mạnh khiến việc di chuyển ở ngoài đường gặp nhiều nguy hiểm. Bão số 3 được dự báo có sức tàn phá lớn. Do đó, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Hà Nội và các tỉnh thành được dự báo chịu ảnh hưởng đang ứng phó khẩn cấp với siêu bão Yagi. Không chỉ là trận cuồng phong mà sau bão sẽ là lũ lụt, sạt lở đất. Nhiều chuyên gia nhận định, hoàn lưu bão thậm chí còn gây ra những thiệt hại lớn hơn cả khi bão đổ bộ. Sự chủ quan, lơ là sẽ khiến cái giá phải trả sau siêu bão sẽ rất đắt!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh quý III; Giá vàng hạ nhiệt; Ông Trump mất hơn 2,4 tỷ USD trong 3 ngày... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hà Nội sẽ có thêm xe điện kết nối đường sắt đô thị; Đề xuất tăng tiền phạt khi vi phạm luật giao thông; Nhiều xe đạp vẫn ngang nhiên đi vào làn cao tốc; Tuyến buýt 87 - Kết nối sự thân thiện... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Có lẽ mỗi người đều có những quy chuẩn đại diện riêng cho cá nhân mình. Nên việc đề xuất khởi động chọn quốc phục Việt Nam đã trở nên “nóng” đến vậy.

Chúng ta đều hiểu rằng mối quan hệ giữa Người sử dụng lao động - Người lao động là mối quan hệ ràng buộc và phức tạp. Khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt khi có thiệt hại do người lao động gây ra thì vấn đề bồi thường như thế nào cho đúng quy định pháp luật?

Giao kết hợp đồng lao động là việc người sử dụng lao động và người lao động bày tỏ ý chí, thống nhất với nhau về việc xác lập hợp đồng lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Vậy ai trong cơ quan, doanh nghiệp là người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động?

Vở kịch Khoảng trống là câu chuyện về cuộc tình tay ba đầy giông bão, oan nghiệt của những nhân vật thuộc tầng lớp tri thức. Để giữ thanh danh và sự bình yên cho bản thân, cho gia đình nên họ vẫn nén lòng để chấp nhận nhau, tôn trọng nhau… chấp nhận thứ hạnh phúc chơi vơi, tính toán, đầy giả dối. Sau hơn 20 năm kể từ ngày công diễn lần đầu tiên, đạo diễn NSND Trung Hiếu đã phục dựng và mang đến đời sống mới giàu sáng tạo và sức hấp dẫn cho vở kịch.