Ươm một mầm dịu dàng

Mẹ đã cầm tay dạy tôi gieo xuống mảnh vườn gai góc nơi đáy lòng một hạt giống. Để bốn mùa luân chuyển, mưa nắng thay phiên, hạt giống ấy nảy mầm nở thành đóa hoa mang tên 'dịu dàng'.

Chiều nay, mời bạn nghe câu chuyện mà Thùy Linh gửi về cho Hường.

Hiền quá hóa nhu nhược - bà nội vẫn hay chép miệng mỗi khi nói về mẹ tôi. Được bà nuôi nấng từ nhỏ, tôi nghiễm nhiên cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều và từng phiến diện tin rằng mẹ là tuýp người yếu đuối, bất lực. Mẹ không có cái uy khiến người khác nể sợ và vì thế mà hay rước phần thiệt thòi về mình.

Mẹ tôi không ăn chay cũng chẳng tu Phật nhưng lại có tấm lòng của Bồ Tát. Tấm lòng ấy mềm như bông, rộng tựa biển, tưởng như có thể bao dung cho hết thảy những xấu xa và lỗi lầm, những toan tính và vụ lợi của muôn người. Có lẽ vì vậy mà xung quanh mẹ thường lởn vởn những kẻ xấu, những mối quan hệ tiềm ẩn lưới chăng bẫy sập mà người hiền lành nhẫn chịu như mẹ sẽ luôn nhận điều thua lẽ thiệt. Nhưng mẹ dường như chẳng biết tủi với buồn. Tôi chưa từng thấy mẹ than thân trách phận hay oán giận người này, nguyền rủa kẻ nọ, cũng chưa từng thấy mẹ mất đi niềm tin vào cuộc sống.

Chỉ là mẹ càng mạnh mẽ và bình thản, người ta lại càng được nước làm tới mà gian dối, lợi dụng mẹ. Tôi thấy chẳng đáng và cũng sốt ruột vì mẹ. Thậm chí, tôi đã từng oán trách mẹ khi chỉ biết nhịn nhường mà không biết đấu tranh, để thành ra tôi làm con cái cũng phải chịu thiệt thòi theo. Những lúc ấy, mẹ chỉ cười hiền nói với tôi rằng tôi đã hiểu sai, chứ mẹ không nhu nhược, mà mẹ chỉ chọn làm người dịu dàng.

Ảnh minh họa

Rốt cuộc thì dịu dàng là gì? Trong cuốn tản văn Đời là những niềm vui bé nhỏ, Hạ Dữ Chí dành hẳn một chương chỉ để giãi bày về cái dịu dàng của một người: “Những người dịu dàng đều rất hiền hậu, nội tâm họ mạnh mẽ, bình thản, điềm tĩnh, khéo léo mà không mưu mô, biết lễ nghĩa, hiểu nhân tình, không vờ vĩnh, không kiểu cách, không nhu nhược cũng chẳng nhát gan, tâm lý tinh tế, cũng hào sảng, thông tuệ”.

Thật nhiều mỹ từ chỉ để gói trọn trong hai chữ dịu dàng. Tôi không chắc liệu kiểu dịu dàng của mẹ tôi có phải là kiểu dịu dàng như Hạ Dữ Chí mô tả này không? Nhưng mẹ tôi từng bị người chị em thân thiết lừa đảo và sử dụng danh tính để vay nặng lãi. Số tiền bị lừa không lớn nhưng niềm tin thì nát tan, chưa kể hàng loạt rắc rối để lại đằng sau. Thế mà mẹ chỉ buồn một ngày. Với mẹ tôi, dịu dàng là dù bị lừa dối hay phản bội cũng chẳng đáng để ghim sâu oán giận vào lòng. Tha thứ cho người tức là tha thứ cho mình, ta cứ nhẹ nhàng buông, thảnh thơi như vừa bước chân khỏi một lớp học trường đời. Đó không gọi là hèn yếu, nhẫn nhịn mà là rộng lượng, bao dung.

Mẹ tôi bán buôn nơi phố chợ, nơi mà mỗi ngày đều đầy rẫy thói thị phi và lời ong tiếng ve. Nhưng chẳng bao giờ thấy mẹ vận dụng thứ lề thói ăn miếng trả miếng mà giở thói chợ búa văng tục chửi bậy, dẫu mắc kẹt trong những cuộc cãi cọ. Với mẹ dịu dàng là dù có tranh chấp đôi co nơi cửa miệng cũng chẳng đáng để đánh mất lý trí và phẩm giá. Người ta nói giận quá mất khôn, nếu chỉ vì giận quá mà mất đi sự khôn ngoan, điềm tĩnh, thấu suốt để ăn nói không lựa lời thì sự tổn thương chẳng ai khác ngoài chính mình.

Ba tôi đi sớm, mẹ tần tảo với tiệm vải con con, một mình lo cho tôi ăn học chẳng thua bạn kém bè. Tôi từng thử đặt mình vào vị trí của mẹ mà mường tượng, chỉ mới nghĩ thôi đã thấy lòng quặn lên một nỗi bế tắc. Nhưng mẹ lại chưa từng gục ngã hay bỏ cuộc, thậm chí còn mạnh mẽ thay cả phần tôi. Với mẹ dịu dàng là dù bộn bề lo toan, dù khó khăn nhọc mệt cũng chẳng đáng để gạt bỏ niềm vui sống vốn chẳng nhiều nhặn. Cuộc đời có thể cho ta nhiều nước mắt hơn niềm vui, nhưng ta tuyệt đối không thể gieo rắc thêm u sầu cho bản thân mình mà phải thật rạng rỡ, phải sống tích cực, lạc quan gấp bội.

Mẹ tôi dịu dàng như thế. Mẹ chẳng bao giờ để nỗi buồn vương lâu nơi đáy mắt, chẳng bao giờ ôm giữ những tâm tư tiêu cực, càng chẳng bao giờ để niềm vui vắng mặt trên môi cười. Cũng chính mẹ, với tất cả sự dịu dàng của mình đã dạy tôi bớt chấp nhặt, nhỏ nhen, bớt lãnh đạm, ích kỷ, bớt nóng nảy, gay gắt. Mẹ chỉ cho tôi tổn thương có thể chữa lành, mọi thứ trên đời đều có lý do và ý nghĩa tồn tại dù là may mắn hay bất hạnh. Và đức năng sẽ thắng số, vận mệnh nằm gọn trong lòng bàn tay cũng như cách ta mỉm cười hay cau mày với đời. Nhìn cách mẹ sống và thử sống như mẹ, tôi bỗng thấy gian nan trở nên dễ dàng và tổn thương cũng nhẹ nhàng hơn. Khi ta đối tốt với thế giới, thế giới sẽ đối tốt lại với ta. Đó chính là sức mạnh của sự dịu dàng.

Những hạt giống được gieo xuống mảnh vườn gai góc nơi đáy lòng, nảy mầm và nở thành đóa hoa mang tên “dịu dàng". Ảnh minh họa

Nhưng trở thành người dịu dàng chẳng dễ chút nào, bởi dịu dàng chưa bao giờ là tính cách sinh ra đã có. Đó là thái độ sống mà nếu không đủ kiên trì và mạnh mẽ, ta sẽ chẳng thể rèn giũa nổi. Ta sẽ phải nhịn đau mà cày xới cho tơi lớp đất cứng rắn nơi đáy lòng, gieo xuống đó hạt giống dịu dàng. Ngày lại tuần, tuần lại tháng, tháng lại năm, chăm bón cho nó nảy mầm, đơm hoa. So với việc khoác lên mình tấm áo tua tủa gai nhọn cùng chiếc mặt nạ lạnh lùng hay sống khép kín, vị kỷ và hung hăng với cả thế giới, việc vun trồng một đóa dịu dàng để dâng tặng cuộc đời lắm khắc nghiệt này mới thực sự là thiên nan vạn khó.

Mẹ đã cầm tay dạy tôi gieo xuống mảnh vườn gai góc nơi đáy lòng một hạt giống. Hạt giống "dịu dàng" bén rễ nơi đó và cố gắng lớn lên từng ngày. Mong rằng những năm tháng sau này, mầm non ấy trưởng thành sẽ cho tôi sức mạnh và niềm tin để có thể làm một người dịu dàng, như cái cách mà mẹ tôi đã luôn dịu dàng với mình, với người và thế giới./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Lòng người đôi khi như suối cạn/Chỉ còn sỏi đá trơ ra". Chẳng nhớ tôi đã đi dọc con suối cạn sau nhà bao nhiêu lần. Mỗi lần đi, lại một lần suy tư về con suối mà mình chưa biết tuổi.

Đã vài lần trong vội vã dòng đời đầy biến động, cảm thấy ngột ngạt giữa những gánh nặng mưu sinh, tôi mong muốn tìm đến chốn bình yên để nương náu. Những lần mệt nhoài ấy, tôi thường chạy xe ra ngoại ô thành phố để ghé thăm ngôi chùa làng cổ kính thân quen. Ngôi chùa có cổng tam quan nhuốm màu rêu phong, ở nơi đó có gốc cây Bồ đề đã già đứng sừng sững ngay cổng chùa.

Chúng ta đã đi qua bốn mùa như thời gian đi qua màu lá. Bốn mùa như lá, bốn mùa như cây. Bốn mùa nối chúng ta gắn bó với cuộc đời, còn lá nối chúng ta với một tình yêu thiên nhiên tha thiết.

Tình yêu đẹp nhất và trong sáng nhất đó là tình cảm học trò. Thứ tình cảm thi vị và đẹp như trăng 16. Chiều nay, Hường kể bạn nghe câu chuyện của Ngọc Trâm về một tình yêu đầu đời đẹp lung linh.

Nếu có ai hỏi thanh âm nào neo lại trong tôi khi xa Việt Nam, thì khắc khoải nhất chính là những lời rao. Những lời rao dung dị nhớ thương ấy cất lên từ chất giọng của một bà người Bắc, một chị miền Trung hay có khi của một anh miền Nam. Lời rao như len lỏi cả vào trong giấc ngủ, ngang qua những giấc mơ chập chờn nhớ thương.

Lướt trên mạng nhìn thấy tấm ảnh cơm nấu nồi gang, chiếc đũa cả đang đặt một bên, bếp củi rừng rực lửa, khiến tôi chợt nhớ tới ngày xưa.