Ưu tiên chính sách trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Ông Putin tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga lần thứ 5

Vào lúc 16h chiều nay (7/5), theo giờ Việt Nam, Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga, bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm, từ năm 2024 đến năm 2030. Đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của ông Putin kể từ lần đầu tiên nắm giữ cương vị người đứng đầu nước Nga vào năm 1999. Trước đó, ông Putin, người tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập, đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra hồi tháng 3, khi nhận được hơn 87% số phiếu ủng hộ, vượt xa mọi kỷ lục của nước Nga hiện đại.

Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ mang lại nguồn lực chính trị lớn cho Tổng thống Putin, củng cố các lựa chọn chính sách gần đây của Nga về an ninh, đối ngoại và kinh tế.

Tổng thống Putin trong lễ nhậm chức ở Điện Kremlin.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra long trọng tại phòng khánh tiết Andreevsky, Cung điện Kremlin Lớn ở thủ đô Mátxcơva. Đây là lần thứ 5 ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga.

Đặt tay phải lên bản Hiến pháp Liên bang Nga, ông Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống: “tôi nguyện trong khi thực thi chức trách Tổng thống Liên bang Nga, tôn trọng và bảo vệ quyền và tự do con người và công dân, tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và sự thống nhất quốc gia, trung thành phục vụ nhân dân”.

Đặt tay phải lên bản Hiến pháp Liên bang Nga, ông Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Bản hiến pháp trong lễ tuyên thệ nhậm chức được dùng riêng cho lễ nhậm chức Tổng thống Nga từ năm 1996 đến nay. Văn bản tuyên thệ gồm 33 từ đã được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga.

Ngay sau khi ông Putin đọc xong lời tuyên thệ, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp tuyên bố ông Vladimir Putin đã chính thức trở thành Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 6 năm tới.

Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Putin, Chính phủ Nga sẽ từ chức và quá trình thành lập chính phủ mới sẽ bắt đầu. Theo truyền thông địa phương, Thủ tướng đương nhiệm Mikhail Mishustin, với thành công trong việc điều hành nền kinh tế Nga vượt qua bão trừng phạt của phương Tây, có thể sẽ được tái bổ nhiệm.

Tổng thống Vladimir Putin, 71 tuổi, sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga nhiệm kỳ thứ 5, lần này kéo dài 6 năm theo các sửa đổi hiến pháp được nước này thông qua năm 2020.

Ông Putin được bầu làm Tổng thống Nga lần đầu tiên vào năm 2000 và sau đó tái đắc cử nhiệm kỳ lãnh đạo chính phủ kéo dài 4 năm thêm 3 lần nữa, vào các năm 2004, 2012 và 2018. Ông không tham gia cuộc bầu cử năm 2008 vì hiến pháp không cho phép một người ra ứng cử 3 lần liên tiếp.

Tổng thống Vladimir Putin, 71 tuổi, sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga nhiệm kỳ thứ 5, lần này kéo dài 6 năm theo các sửa đổi hiến pháp được nước này thông qua năm 2020. Những cải cách pháp lý quan trọng đó cũng xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, đồng nghĩa ông Putin có thể chạy đua vào ghế lãnh đạo Điện Kremlin lần nữa vào năm 2030 và nếu tái đắc cử, ông sẽ cầm quyền đến năm 2036.

Đưa Nga vào top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo giới quan sát, trong suốt thời gian nắm quyền gần 25 năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn giành được tỷ lệ ủng hộ cao vì người dân Nga yêu thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán và kiên định, người đã chèo lái đưa nước Nga vượt qua hàng loạt khó khăn, khủng hoảng. Một nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm sẽ tạo điều kiện để ông Putin có thêm thời gian thực thi các cam kết và chương trình hành động của mình, nhằm củng cố di sản chính trị mà ông đã xây dựng suốt gần 25 năm qua. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cải thiện đời sống của người dân là những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông chủ Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt mục tiêu đưa Nga vào “top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới” vào năm 2030, đồng thời chỉ thị cho các bộ, ban ngành đẩy mạnh các chính sách và biện pháp nhằm đạt được tham vọng này.

Theo giới quan sát, trong suốt thời gian nắm quyền gần 25 năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn giành được tỷ lệ ủng hộ cao.

Cụ thể, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu chính phủ cần nâng tổng giá trị gia tăng trong ngành chế tạo và sản xuất lên thêm ít nhất 40% vào năm 2030, so với mức của năm 2022. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng muốn giảm tỷ trọng của ngành nhập khẩu trong cơ cấu GDP xuống mức 17% và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng không thuộc ngành tài nguyên và năng lượng lên tối thiểu khoảng 66%.

Nga cũng sẽ khởi động năm dự án quốc gia đầy tham vọng, bao gồm “Gia đình,” “Cuộc sống lâu dài và năng động,” “Nhân sự,” “Kinh tế dữ liệu” và “Thanh niên Nga”. Đây được xem là chìa khóa giúp Nga củng cố sự ổn định trước áp lực trừng phạt.

Tổng thống Putin cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác với tất cả các quốc gia thân thiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lợi ích của nhau, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ đang là những đối tác quan trọng nhất để thúc đẩy thiết lập các chuỗi cung ứng, cơ chế hợp tác thương mại quốc tế phi phương Tây.

Dù là quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới, nhưng ngay cả trong tình huống khó khăn đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn vươn lên bứt phá với tốc độ tăng trưởng gây bất ngờ.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức khi giá hàng hóa, dịch vụ vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách do hoạt động quân sự đã vượt quá 3.000 tỷ ruble trong năm thứ hai liên tiếp. Lạm phát tại Nga vẫn ở mức cao (7,44% trong năm 2023) so với mục tiêu 4% đề ra của Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga vẫn đang đi đúng hướng.

Trong vòng hai năm, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022, Nga đã vượt qua cả Iran và Triều Tiên, trở thành quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới, nhưng ngay cả trong tình huống khó khăn đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn vươn lên bứt phá với tốc độ tăng trưởng gây bất ngờ ở mức 3,6% trong năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước phát triển.

Năm ngoái, nền kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn thế giới. Về lĩnh vực này, chúng tôi không chỉ vượt các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu mà còn vượt tất cả các quốc gia thuộc nhóm G7. Ngày nay, Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu về GDP tính theo sức mua, và đứng thứ năm trên thế giới. Tốc độ và chủ yếu là chất lượng tăng trưởng cho phép chúng ta sớm tiến thêm một bước nữa và trở thành một trong bốn cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Nga như Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục can thiệp tích cực để duy trì ổn định vĩ mô nền kinh tế trước các áp lực trừng phạt, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ của Nga chiếm lĩnh các ngách thị trường mà các doanh nghiệp phương Tây đã bỏ lại, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhằm phục vụ các dự án quốc gia mà Tổng thống Putin đã cam kết trong thông điệp liên bang.

Cải thiện đời sống người dân

Về xã hội, Tổng thống Putin cho biết sẽ cải thiện đời sống người dân: “đói nghèo vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 9% dân số. Trong nhóm gia đình lớn, tỷ lệ đói nghèo còn vượt 30%. Chúng ta cần nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng cuộc sống của các gia đình có con nhỏ và nâng tỷ lệ sinh”.

Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030.

Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030. Mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 19.000 rúp hiện nay (khoảng 207 USD) lên 35.000 rúp (hơn 380 USD) vào năm 2030. Ông cũng đã nêu ra hàng loạt sáng kiến khác giúp nâng tuổi thọ trung bình của người dân hiện khoảng 73 tuổi lên ít nhất 78 tuổi vào năm 2030. Dự kiến, trong vòng 6 năm tới, Nga sẽ phân bổ hơn 1.000 tỷ ruble để xây dựng, sửa chữa và trang bị các cơ sở y tế.

Tổng thống Putin cũng yêu cầu khởi động một chương trình toàn diện mới để bảo vệ quyền làm mẹ và bảo vệ sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Chính phủ Nga sẽ phân bổ hơn 400 tỷ ruble cho các dự án đại tu trường học và nhà trẻ dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Cùng với đó là dự án hỗ trợ thanh niên Nga phát triển tương lai, chính sách nhân lực cho các lĩnh vực chuyên môn, giáo dục và đào tạo.

Quyết tâm hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt

Theo giới quan sát, một ưu tiên khác không kém phần quan trọng trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin là hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong bối cảnh ấy, cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Cuộc xung đột ở Ukraine, nơi Nga đang liên tiếp giành được những thắng lợi trên chiến trường, sẽ là vấn đề được Tổng thống Nga Putin quan tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ mới và không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ thay đổi mục tiêu

Cuộc chiến ở Ukraine là trọng tâm trong mục tiêu chính trị hiện tại của ông ấy và tôi không thấy điều gì cho thấy điều đó sẽ thay đổi.

Giáo sư Brian Taylor - Đại học Syracuse.

Trong thông điệp liên bang hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ hoàn thành các mục tiêu của Moscow ở Ukraine và làm bất cứ điều gì cần thiết để “bảo vệ chủ quyền và an ninh” của công dân Nga.

Theo giới quan sát, một ưu tiên khác không kém phần quan trọng trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin là hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông cũng cho biết, cơ cấu chính phủ tương lai của Nga sẽ bao gồm những người đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khẳng định luôn ủng hộ đàm phán hoà bình với Ukraine, miễn là các đối thủ nghiêm túc trong việc thiết lập quan hệ láng giềng tốt đẹp lâu dài chứ không chỉ vì họ “đã hết đạn”. Ông cũng nói thêm rằng Nga sẵn sàng xem xét các kịch bản khác nhau về cuộc xung đột, miễn là chúng phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga.

Đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, ông Putin nói rằng “bất cứ điều gì đều có thể xảy ra trong thế giới hiện đại” và cảnh báo rằng điều đó “sẽ chỉ kém một bước so với một Thế chiến 3 toàn diện”.

Đáng chú ý, ông Putin đã đề cập đến ý tưởng thiết lập một vùng đệm đủ rộng để ngăn cản Ukraine pháo kích vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp. Ông cũng nhận định khả năng chiến đấu của các lực lượng Nga đã tăng lên nhiều lần và khẳng định Nga sẽ phải nâng cao chất lượng trong việc trang bị vũ khí cho quân đội.

Củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ

Về chính sách đối ngoại, theo giới quan sát, Tổng thống Putin sẽ không đưa ra những thay đổi bất ngờ trong nhiệm kỳ mới. Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin có thể sẽ áp dụng chính sách cứng rắn hơn nữa với phương Tây, trong khi nâng quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nga đặc biệt coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thăm Trung Quốc ngay sau lễ nhậm chức là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Trước đó, phát biểu về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sau khi tái đắc cử, ông Putin cho rằng hai nước có nhiều điểm chung về kinh tế và chính sách đối ngoại, khẳng định mối quan hệ Nga - Trung đã hình thành trong hai thập kỷ qua, bền chặt và bổ sung cho nhau, sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đại dịch vào tháng 3 năm ngoái, ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba. Hai nhà lãnh đạo thường ca ngợi tình bạn cá nhân thân thiết và đã gặp nhau hơn 40 lần.

Ông Putin khẳng định mối quan hệ Nga - Trung đã hình thành trong hai thập kỷ qua, bền chặt và bổ sung cho nhau, sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa.

Phát biểu tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: “việc Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử sẽ đảm bảo sự thành công trong mối quan hệ của hai nước, vốn hướng tới sự phát triển hơn nữa trong mọi lĩnh vực”.

Moscow và Bắc Kinh đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” vào năm 2022. Thương mại song phương đạt kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023, gấp đôi so với 108 tỷ USD hồi năm 2020, được thúc đẩy nhờ việc Nga xuất khẩu dầu và nhập khẩu nhiều mặt hàng điện tử, thiết bị công nghiệp và ô tô từ Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Nga vẫn sẽ duy trì mối quan hệ tích cực mạnh mẽ với Ấn Độ. Cuộc chiến tại Ukraine không ảnh hưởng đến mối quan hệ Ấn - Nga và mối quan hệ này dự kiến sẽ vẫn thân thiện trong thời gian tới.

Nga cũng đang định vị nước này là "bộ mặt của Nam bán cầu" gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á.

Ngoài Trung Quốc, Nga sẽ duy trì mối quan hệ tích cực mạnh mẽ với Ấn Độ.

Trong khi đó, Mỹ vẫn được xem là "đối thủ đáng gờm" nhất của Nga khi cung cấp hàng tỷ USD viện trợ, vũ khí và thông tin tình báo để hỗ trợ Ukraine. Theo India TV News, mặc dù sự cạnh tranh của Nga sẽ không biến mất khi Mỹ thay đổi tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump trong 4 năm tới tại Nhà Trắng có thể làm dịu đi căng thẳng giữa hai cường quốc.

Ông Trump đã nhiều lần ca ngợi ông Putin và từng tuyên bố nếu quay lại nắm quyền, ông có thể kết thúc cuộc chiến Ukraine trong một ngày. Về phần mình, ông Putin đã chỉ trích các cáo buộc hình sự chống lại ông Trump, gọi đây là hành động "có động cơ chính trị".

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1999, trong giai đoạn nước Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bằng tầm nhìn của một nhà cải cách và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đưa “con tàu” nước Nga vượt qua “sóng cả”.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga công bố ngày 3/5 cho thấy 80,8% người dân Nga đã bày tỏ tin tưởng Tổng thống Putin, tăng 1,3% so với khảo sát một tuần trước đó. Niềm tin của người dân Nga vào nhà lãnh đạo của họ đã và sẽ tạo động lực cho chặng đường mới của Tổng thống Putin với nước Nga vững vàng trước những biến động lớn của thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cải tổ nội các. Trong khi giữ lại hầu hết các vị trí bộ trưởng quan trọng, nhà lãnh đạo Nga đã đề cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belusov làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, thay cho ông Sergei Shoigu.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trên chiến trường, nhiều quốc gia đã đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí chuyên dụng để khắc chế UAV. Hệ thống Leonidas của Mỹ là một trong số đó. Leonidas được xem là khắc tinh của UAV, bởi hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các đợt tấn công quy mô lớn của các UAV cỡ nhỏ.

Trong tuần qua, xe tăng của quân đội Israel đã tiến vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Việc Israel mở rộng tấn công vào thành phố đông dân này được cảnh báo sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tại Gaza, đẩy Israel vào thế bị cô lập trên chính trường quốc tế, đồng thời khiến mối quan hệ với đồng minh Mỹ ngày càng rạn nứt sâu sắc.

Tình trạng nghèo đói và xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia châu Mỹ đã khiến số người di cư tăng mạnh. Đây là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực.

Ngọn đuốc Olympic 2024 đã đến thành phố Marseille, chính thức khởi đầu một mùa Thế vận hội sôi động mà Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng sẽ thể hiện sự huy hoàng của nước Pháp. Kể từ đây, ngọn đuốc sẽ trải qua hành trình dài 12.000km trên khắp nước Pháp, tới cả các lãnh thổ hải ngoại xa xôi ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

10h sáng 9/5 theo giờ Matxcơva, tức 14h chiều theo giờ Việt Nam, lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày chiến thắng phát xít đã diễn ra trên Quảng Trường Đỏ của Nga. Kể từ năm 2000, các cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng đã trở thành màn trình diễn hàng năm không chỉ của các lực lượng quân sự mà còn của các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất của Nga. Những màn trình diễn này cho thấy tiềm lực quốc phòng to lớn của nước này.