Và tôi đã yêu anh

Cuộc sống nhiều khi không như ý. Khi có một người yêu ta, ta lại không yêu người. Đến khi ta yêu một người, thì người đó lại không thể yêu ta. Vì vậy, một khi duyên phận đã mang đến cho ta một người tri kỷ để bầu bạn, cả hai đều yêu thương nhau, thì đó là điều đáng quý nhất trong cuộc đời.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe câu chuyện của bạn Lan Quy gửi về từ Bình Định.

Ngày ấy, khi bắt đầu có cảm giác chờ đợi những dòng tin nhắn hỏi thăm sức khoẻ buổi tối, lời chào ngày mới vào mỗi sáng từ anh, tôi không còn cô đơn và trống vắng sau những tổn thương của cuộc hôn nhân cũ. Giật mình tự hỏi lòng, không biết có phải mình đã yêu anh?

Tôi yêu văn chương, thích viết lách nhưng chẳng viết gì ra hồn, anh sửa dùm tôi vài tản văn, bài thơ rồi gửi hộ tới một tờ báo nào đó. Có những tư liệu hay, anh muốn sử dụng trong bài viết, tôi cũng sẵn lòng tặng cho. Một ngày nọ, anh vào rừng để lấy tin vì anh làm báo. Trong rừng không sóng wifi, nên không zalo, không tin nhắn. Cứ một lát, tôi lại nhìn vào điện thoại, không thấy tín hiệu đèn xanh từ anh hiện lên. Hai giờ, ba giờ, bốn giờ… một ngày, rồi anh cũng về nhà…Tín hiệu truy cập điện thoại của anh bừng sáng. Tôi nhận tin nhắn của anh mà vô cùng mừng rỡ, hạnh phúc làm trái tim đập rộn ràng. Từ giây phút ấy, tôi biết, có lẽ tôi đã yêu anh!

Tôi mong ngóng anh từng ngày, sống trong nỗi nhớ cồn cào mỗi khi xa anh. Dù vậy, lúc ấy, tôi tự nhủ lòng, chắc đó chỉ là cảm xúc nhất thời mà thôi. Anh ở xa xôi thế, lại là một người đàn ông có chút địa vị, tiếng tăm, với nét phong trần, lịch lãm và nụ cười thật quyến rũ kia, thiếu gì các cô gái yêu anh. Mà tôi lại chỉ là một cô gái bình thường, chân chất, với nhan sắc không nổi bật. Tôi quyết định quên anh và rời quê vào Nam sinh sống, để có thể quên đi những thứ cần quên, để biết ngoài kia còn có nhiều điều khác. Cách mà người ta vẫn thường làm khi muốn thay đổi điều gì đó lớn lao trong đời. Trùng hợp thế nào, anh lại có việc vào Nam và tôi gặp lại anh giữa Sài Gòn.

Giữa lòng thành phố đông người, phút giây nhìn thấy anh, không kìm được lòng, tôi lao tới, ôm anh thật chặt. Còn anh, vừa vuốt tóc tôi vừa nói anh nhớ tôi, nhớ mái tóc, nhớ đôi mắt đẹp, nhớ nụ cười duyên và nhớ mùi hương của riêng tôi. Tôi tưởng mình có thể quên anh, nhưng hóa ra không phải. Ngọn lửa tình yêu bị tôi cố tình vùi lấp, chỉ đợi một cơn gió thổi, lại bùng lên. Có lẽ, tình yêu đã xoá nhoà tất cả những khoảng cách, dù anh hơn tôi rất nhiều về tuổi tác. Hết công việc anh lại bay ra Bắc, để lại trong tôi nỗi nhớ mênh mông. Mỗi ngày tan sở trở về căn phòng trống trải chỉ còn mình tôi, không có tiếng cười, không có ánh mắt yêu thương và giọng nói ấm áp của anh, trái tim tôi như muốn vỡ tan. Một lần nữa, tôi lại ép lòng mình phải xa anh.

Trở ra Bắc, anh vẫn liên lạc với tôi. Anh bảo anh nhớ tôi, không thể nào quên tôi được. Anh cần tôi cũng giống như tôi cần anh. Và sau bao trắc trở, hợp tan, khi chúng tôi quyết định làm theo sự mách bảo của con tim, lại một lần nữa, tôi gặp phải rào cản từ gia đình. Ba má tôi buồn, khi biết tôi quyết định gắn bó với người đàn ông chênh lệch tuổi tác quá lớn, đã từng đứt gánh giữa đường và có con riêng. Những người thân của tôi kịch liệt phản đối. Tôi biết, ba má, em gái tôi và những người thân thích ruột thịt cũng chỉ vì muốn tốt cho tôi.

Những chuỗi ngày không có anh, người đàn bà cô đơn như tôi đã thấm thía nỗi buồn không có người mình yêu bên cạnh. Sau bao lần chạy trốn tình yêu, dù không được gia đình đồng ý, chúng tôi vẫn quyết định lặng lẽ đến bên nhau. Rồi một ngày, anh đã cho tôi hạnh phúc được làm mẹ.

Anh đưa tôi ra Bắc, chăm sóc tôi hết mực. Những tháng thai kỳ, tôi đau mỏi, liên tục bị chuột rút, anh thức thâu đêm xoa bóp cho tôi... Hằng đêm, anh đều lắng nghe tiếng con đạp trong bụng mẹ, trò chuyện cùng em bé. Những tháng đầu của thai kì, vì tôi lớn tuổi mới mang thai, nội tiết tố thiếu hụt, doạ sảy liên tục, anh không cho tôi làm việc gì, bắt tôi nằm im trên giường còn anh làm hết việc nhà. Cuối cùng, sự chân tình của anh đã được đền đáp. Gia đình tôi sau bao năm phản đối, cũng chấp nhận anh một người con rể, dù hàng xóm xung quanh vẫn còn không ít lời xì xào bàn tán, người thương thì ít, người ghét thì nhiều. Có cả những lời dèm pha khó chịu đôi lần đến tai. Anh động viên tôi: “Miệng lưỡi thế gian, kệ họ. Mình đến với nhau bằng tình yêu chân thành, có gì đâu phải sợ.”

Sinh con xong, chúng tôi quyết định ở quê ngoại làm ăn sinh sống. Hằng ngày, anh viết lách kiếm tiền nhuận bút. Tôi chăn nuôi trồng trọt cũng đủ qua ngày. Thế rồi, bốn năm trước, không may anh bị đột quỵ. Nghe tin anh đổ bệnh, các con anh ngoài quê đòi đón anh về chăm sóc vì sợ tôi thấy anh bệnh sẽ bỏ rơi anh. Anh muốn ở bên tôi, còn tôi nhất quyết không cho anh đi. Cuối cùng, gia đình tôi cũng đã vượt qua sóng gió.

Bốn năm trôi qua, dù anh vẫn còn phải thuốc thang mỗi ngày, vợ chồng không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, nhưng gia đình tôi không thiếu đi nụ cười, và sau tất cả, chúng tôi vẫn có nhau. Tôi, anh và con là một khối không thể tách rời nhau, dù phải trải qua nhiều sóng gió, chúng tôi đã bên nhau được bảy năm.

Trong cuộc đời này, tôi không thể nói trước sẽ ở bên nhau bao lâu, bởi cuộc sống vốn dĩ vô thường, không ai có thể biết trước được ngày mai sẽ ra sao. Vì thế, khi còn bên nhau, tôi luôn trân trọng từng giây phút. Tôi luôn muốn nói với anh: “Cảm ơn anh đã cùng em đồng hành, đã cho em cuộc đời của một người đàn bà đúng nghĩa. Cho em một đứa con gái xinh xắn giống anh như đúc. Một tổ ấm với bữa cơm do chính tay em nấu. Một vòng tay ấm áp của một người đàn ông có trách nhiệm, bản lĩnh và giàu tình cảm. Mong anh luôn khoẻ mạnh, bên mẹ con em lâu lâu nữa nhé. Mãi yêu anh!”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.