Văn phòng của USAID tại Mỹ bị đóng cửa

Văn phòng trụ sở chính của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại thủ đô Washington D.C đã bất ngờ đóng cửa vào sáng ngày 3/2 theo giờ địa phương. Trước đó, các nhân viên làm việc tại cơ quan này đã nhận được thư điện tử thông báo rằng họ không nên đến làm việc.

Hãng CNN đưa tin, nội dung thư điện tử được gửi đi vào rạng sáng 3/2 tới các nhân viên làm việc tại trụ sở chính của USAID có đoạn viết: "Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo cơ quan, trụ sở USAID tại tòa nhà Ronald Reagan ở Washington D.C. sẽ đóng cửa đối với nhân viên cơ quan vào thứ Hai, ngày 3/2/2025. Nhân viên được phân công làm việc tại trụ sở USAID sẽ làm việc từ xa vào ngày mai, ngoại trừ những nhân viên có chức năng bảo trì tại chỗ và khu nhà thiết yếu được ban lãnh đạo cấp cao liên hệ riêng".

Trụ sở USAID tại Washington D.C, Mỹ (Ảnh: CNN)

Đây là dấu hiệu đáng ngại mới nhất đối với cơ quan viện trợ quốc tế lâu đời này của Mỹ, sau khi họ trở thành mục tiêu trong nỗ lực cải cách chính phủ liên bang của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk. Ông Trump và các đồng minh của ông cáo buộc rằng, USAID, tổ chức được Quốc hội Mỹ thành lập như một cơ quan độc lập, có khuynh hướng thiên vị và có lợi cho đảng Dân chủ.

Trước đó, trong một cuộc trò chuyện trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk cho biết ông Trump đã đồng ý rằng USAID cần phải "đóng cửa". Tuyên bố trên được đưa ra sau nhiều ngày xuất hiện đồn đoán về tương lai của USAID sau khi nguồn tài trợ của cơ quan này bị đóng băng và hàng chục nhân viên của họ đã bị cho nghỉ việc. Elon Musk cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Trump "một vài lần" và ông Trump xác nhận rằng ông muốn đóng cửa cơ quan vốn đang chịu trách nhiệm phân phối hàng tỷ đô la Mỹ viện trợ nhân đạo và tài trợ phát triển hàng năm trên thế giới.

Cuối tuần vừa qua, hai quan chức an ninh hàng đầu tại USAID đã bị cho nghỉ vì từ chối cho các thành viên của Bộ Hiệu quả Chính phủ do ông Elon Musk đứng đầu được tiếp cận các hệ thống tại cơ quan này. Hãng tin CNN dẫn 3 nguồn tin cho biết, hiện tại Bộ Hiệu quả Chính phủ đã được tiếp cận những thông tin mật tại USAID mà chỉ những người có quyền truy cập an ninh và nhu cầu cụ thể mới được phép.

Một số nguồn tin khác cho CNN biết rằng các biểu tượng và hình ảnh của USAID về công việc liên quan đến hỗ trợ nhân đạo mà cơ quan này thực hiện trên toàn cầu đã bị gỡ bỏ khỏi các văn phòng của họ vào tuần trước.

Khoảng 60 nhân viên cấp cao của USAID đã bị cho nghỉ việc vào tuần trước vì bị cáo buộc cố gắng "lách" lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về việc đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Hôm 1/2, trang web của USAID đã bị tắt và một trang mới dành cho cơ quan này đã xuất hiện trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tài khoản X của USAID cũng ngừng hoạt động cùng ngày.

USAID được thành lập vào năm 1961 dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Hàng năm, tổ chức này phân phối hàng tỷ đô la trên toàn thế giới trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, điều trị bệnh tật, ứng phó với nạn đói và thiên tai. Tổ chức này cũng thúc đẩy xây dựng và hỗ trợ phát triển các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và các sáng kiến ​​xã hội. USAID được coi là công cụ quyền lực mềm quan trọng của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ với các cộng đồng trên toàn thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đặc phái viên Steve Witkoff đã tham gia cuộc hội đàm cấp cao với các quan chức Ukraine và châu Âu tại Thủ đô Paris, Pháp, thảo luận về những nỗ lực tìm kiếm hòa bình trong cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 cho biết, Ukraine và Mỹ có thể ký một thỏa thuận khoáng sản vào tuần tới.

Lực lượng Hamas vừa tuyên bố bác bỏ đề xuất ngừng bắn tạm thời của Israel, khẳng định chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện bao gồm chấm dứt chiến sự, trao đổi tù nhân và tái thiết Gaza.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 17/4 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, tập trung vào tình hình Ukraine và các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra tại châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 cho biết Trung Quốc đã chủ động liên lạc để nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau khi Washington áp mức thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

5 năm sau đại dịch bệnh Covid-19 và qua quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, dự thảo hiệp ước về phòng chống và ứng phó đại dịch bệnh đã được các nhà thương thảo của 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí với nhau.