Về nhà sau lũ

Sau 10 ngày bị nước lũ bủa vây, nhiều gia đình ở huyện Chương Mỹ đang tất bật dọn dẹp, khắc phục hậu quả với mong muốn sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều khu vực trên địa bàn xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nước đã rút dần.

Ngay sau khi nước rút, các lực lượng chức năng như quân đội, công an, y tế, thanh niên, dân quân cùng người dân bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn. Nước rút đến đâu, người dân nhanh chóng dọn dẹp đến đấy, mong trở về cuộc sống bình thường.

Ngay sau khi nước rút, các lực lượng chức năng cùng người dân bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh.

Tân Tiến có 6 thôn, thì 5 thôn với hơn 500 hộ bị ngập trong lũ. Sau khi nước rút, xã Tân Tiến đã huy động tổng lực dân quân tự vệ và các đoàn thể tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, hỗ trợ những gia đình neo người dọn dẹp, kê lại đồ dùng.

Đến hôm nay, mọi sinh hoạt của người dân vùng lũ huyện Chương Mỹ gần như trở lại bình thường.

Đội dân quân tự vệ hỗ trợ những gia đình neo người dọn dẹp, kê lại đồ dùng.

167 hộ tại thôn Việt An bị ngập trong nước khoảng 10 ngày nay. Nhà bà Đỗ Thị Mây cũng bị nước ngập, sau khoảng một tuần là bắt đầu rút. Nước rút đến đâu, bà tranh thủ dọn dẹp, lau rửa đến đó.

Hôm nay, toàn thôn tổng vệ sinh, trưởng thôn đã huy động lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ trong xã đến hỗ trợ bà kê dọn bàn ghế, vệ sinh sân vườn, rắc vôi bột khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.

Ngay khi nước rút, lực lượng chức năng đã khẩn trương phun khử khuẩn.

Bà Đỗ Thị Mây (thôn Việt An, xã Tân Tiến) cho hay: “ Nước ngập vào, đã được cán bộ quan tâm đến gia đình, tặng nước uống, mì tôm vào lúc khó khăn. Sau khi nước rút, gia đình tôi đã dọn dẹp sạch sẽ”.

Tại thôn Tiến Tiên, đến hôm nay nước vừa rút ở các trục đường chính. Nhà bà Nguyễn Thị Xã ngập tràn rác thải. Nhà chỉ có hai ông bà già, khó lòng tự xử lý được khối lượng công việc khổng lồ. Xã đã huy động thanh niên, phụ nữ cùng tham gia dọn dẹp với phương châm "nhanh, gọn, sạch và vệ sinh".

Toàn xã đã thu gom khoảng 50 tấn rác.

Sau một ngày huy động tổng lực, toàn xã đã thu gom khoảng 50 tấn rác, rắc 5 tấn vôi bột và phun thuốc tiêu độc khử trùng đảm bảo môi trường sạch sau khi lũ rút.

Đời sống người dân xã Tân Tiến đang trở lại bình thường. Xã đang đánh giá những thiệt hại do lũ gây ra để hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất.

Cuộc sống dần ổn định tại các xã vùng lũ 

Sau hơn hai tuần bị ảnh hưởng bởi bão số 2, mực nước sông Bùi còn 5,95 m, dưới báo động 1, đã giảm hơn 3 m so với trước. Nước ngập tại các huyện ngoại thành đang rút nhanh. Nước rút tới đâu, lực lượng đoàn viên thanh niên của xã Nam Phương Tiến đã huy động các phương tiện máy xúc, xe thu gom, hỗ trợ bà con vận chuyển rác. Đồng thời chung tay vệ sinh môi trường, dọn dẹp cho đường làng ngõ xóm, nhà cửa quang đãng, gọn gàng trở lại.

Tới thời tiết nắng ráo, đây là thời điểm thuận lợi để người dân trong vùng ngập lụt dọn về nhà, dần ổn định cuộc sống. Bà Lê Thị Thuỷ hôm nay phấn khởi bởi việc buôn bán đã trở lại. Nay nước rút, bà mở lại sạp rau.

Bà Lê Thị Thuỷ (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) phấn khởi: “Hôm nay thời tiết nắng, tôi dọn dẹp hàng quay trở lại bán hàng, tôi rất vui”.

Bà Lê Thị Thuỷ vui mừng mở hàng.

Ngay sau khi nước lũ rút, gia đình anh Phùng Văn Lượng nhanh chóng di chuyển đàn vịt hơn 2.000 con về trang trại nhà mình, mà trước đó do ngập lụt phải mang đi sơ tán ở khu vực khác. Số lượng gia cầm thất thoát không hề nhỏ. Những ngày tới, anh Lượng hy vọng sớm vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định công việc chăn nuôi.

Anh Phùng Văn Lượng (thôn Nhân Lý) chia sẻ: “Nước rút rồi, gia đình vệ sinh sạch sẽ chuồng trại để mua con giống tái đàn”.

Anh Phùng Văn Lượng nhanh chóng di chuyển đàn vịt hơn 2.000 con về trang trại nhà mình.

Nước rút đến đâu tổ chức dọn vệ sinh, vớt rác đến đó, Huyện Đoàn tiếp tục huy động đoàn viên thanh niên tham gia tổng vệ sinh môi trường. Theo kế hoạch, lực lượng thanh niên sẽ dọn vệ sinh môi trường liên tục từ nay đến 10/8.

Nỗi lo đời sống

Sau khi nước rút dần, ông Trịnh Văn Bốn ở xã Nam Phương Tiến đã có thể nhặt rau ở khoảng sân thân thuộc để nấu bữa trưa cho gia đình. Tuy chưa hẳn đã ổn định, nhưng đã khắc phục tạm thời để có thể sinh hoạt, nấu ăn, duy trì cuộc sống hằng ngày.

Ông Trịnh Văn Bốn chia sẻ: “Hiện nay nước đã rút ra cổng, gia đình đã khắc phục được chỗ bếp để sinh hoạt ăn uống bình thường lại”.

Ông Trịnh Văn Bốn đã có thể nhặt rau ở khoảng sân thân thuộc để nấu bữa trưa cho gia đình.

Nỗi lo về cuộc sống khi nước rút là trăn trở của bà Doãn Thị Tài khi còn lại con bò và vườn rau. Nước ngập sâu khiến cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn suốt hơn 10 ngày qua. Đến nay, dù mực nước đã rút nhưng một số nơi vẫn ngập sâu.

Bà Doãn Thị Tài cho hay: “Bây giờ thì phải khắc phục thôi. Bên ngoài có một ít rơm, cỏ không có thì tôi phải mua cám cho bò ăn. Nay mai mà nước cạn thì lại đi kiếm cỏ. Cả ba sào cỏ tôi trồng đều mất hết. Bây giờ nhà tôi đi ra ngoài nước vẫn ngập ngang ngực”.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đoàn kết của người dân xã Nam Phương Tiến, mọi thứ đang được khắc phục từ từ.

Theo thống kê sơ bộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Nam Phương Tiến đã thiệt hại hơn 20.000 con gia cầm, 21 con gia súc, 135 ha thủy sản, 70 ha lúa.

Ông Lê Văn Lanh – Phó Chủ tịch xã Nam Phương Tiến, cho biết: “Hiện nay nước đang rút dần nên bên cạnh việc tổng vệ sinh, khử trùng, chúng tôi huy động lực lượng địa phương hỗ trợ bà con trong quá trình di chuyển tài sản trở lại, di chuyển vật nuôi ra chuồng trại để bà con tiếp tục tái sản xuất.

Đối với những hộ bị thiệt hại gia súc, gia cầm do lũ cuốn trôi, chúng tôi đang tiến hành rà soát nhằm đề nghị cấp trên hỗ trợ. Bên cạnh đó, khuyến khích, khuyến cáo các hộ tiếp tục tái đàn. Hiện nay đối với địa phương, chúng tôi có kế hoạch xuất kinh phí hỗ trợ bà con vật tư, giống cây trồng để bà con tái sản xuất”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đã tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng 300 người dân liên tổ dân phố 32 và 33, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, vào tối 11/11.

Chiều 12/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024, tại khu dân cư thôn Muôn, xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai).

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 12/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tổ dân phố số 3, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Cùng dự có Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại địa bàn dân cư số 17, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, vào tối 11/11.

Pickleball là môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam. Bộ môn này phát triển khá nhanh, thu hút đông đảo người chơi vì dễ tiếp cận, kết hợp nhiều đặc điểm của quần vợt, bóng bàn và cầu lông, phù hợp cho mọi lứa tuổi thử sức.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Tây Thăng Long là trục giao thông chính kết nối khu vực Tây hồ Tây và phía Bắc cầu Thăng Long với Khu đô thị Sơn Tây.