Vì Hà Nội ngày mai
Hà Nội trong ký ức là chốn kinh kỳ tụ hội, là đất Long thành “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ”.
Năm 1010, Vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, tức Thăng Long. Đây là dấu mốc đã mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh Đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt với ý nghĩa là trung tâm chính trị - hành chính- quân sự, trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của cả nước.
Thăng Long - Hà Nội đã trở thành hình tượng tiêu biểu cho văn minh sông Hồng, là nơi gìn giữ khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi. Trải qua hơn ngàn năm, Hà Nội vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều, là Thủ đô văn hiến, anh hùng của cả nước, là bệ đỡ, quy tụ sức mạnh tổng hợp của Thủ đô trong thiên niên kỉ mới.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Hà Nội đã trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ.
Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đánh chiếm, quy hoạch, xây dựng lại Hà Nội với ý đồ biến Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu. Gần như toàn bộ hệ thống các di tích văn hóa, kiến trúc cổ đã bị phá bỏ. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi chế độ cai trị của thực dân Pháp song người dân Hà Nội vẫn nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hoá, truyền thống trong đời sống, sản xuất.
Ngày 10/10/1954, Thủ đô được giải phóng, cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cần xây dựng Hà Nội thành một “Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Sau đó, năm 1957, Người cũng chỉ rõ, “Phải có quy hoạch”, yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm, đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp… Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người, việc quy hoạch, xây dựng cải tạo Thủ đô đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.
Để phát triển Hà Nội xứng tầm là Thủ đô, rất cần xem xét đến việc mở rộng địa giới. Đảng, Nhà nước đã nhiều lần phân định, điều chỉnh địa giới hành chính các địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đó có thủ đô Hà Nội. Theo chủ trương của Đảng, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính, vào năm 1961, 1978, 1991 và 2008.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Hà Nội, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1081/QĐ-TTg, ngày 6/7/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030. Với định hướng chung là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Để Hà Nội giữ vững là đô thị lớn nhất cả nước và là một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới cần thiết phải có qui hoạch mới. Và chỉ sau hơn 2 năm nghiên cứu, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011. Tinh thần bao trùm của quy hoạch là: “Phát triển bền vững có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hài hoà giữa văn hoá, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, chú trọng đến kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh- quốc phòng. Xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại và Bền vững”. Trong quy hoạch có những đột phá, đó là phát triển các đô thị vệ tinh.
Quy hoạch Thủ đô năm 2011 là cơ sở pháp lý để từng bước hình thành Thủ đô hiện đại nhưng cũng có sự kiên định để gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc.
Những cung đường mới nối liền Hà Nội với Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, và các tỉnh lân cận, góp phần đưa giao thông liên tỉnh thông suốt và tăng cường liên kết kinh tế vùng.
Giao thông nội đô có thêm nhiều tuyến xe buýt nội thành, trong tương lai, xe buýt điện sẽ góp phần làm nên giao thông xanh cho Hà Nội. Các tuyến đường sắt đô thị đã, đang tạo nên những diện mạo và giá trị mới cho giao thông thủ đô. Hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 18,5%, thấp hơn nhiều so với các thủ đô phát triển. Ước tính thiệt hại do ùn tắc giao thông khoảng 1,2 tỷ USD/năm.
Những kết quả quy hoạch năm 2011 mang lại là rất lớn, song trong quá trình thực hiện, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đồ án chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô. Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư. Tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Ngoài ra, việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo ra những giới hạn phát triển…
Bên cạnh những khu đô thị mới hiện đại, việc phát triển đô thị theo vết dầu loang với nhiều dự án nhà ở thấp tầng dở dang gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; Những khu dân cư với mật độ xây dựng dầy đặc trong các ngõ ngách, mất an toàn PCCC, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Hà Nội trở thành trung tâm, động lực phát triển, có sức cạnh tranh cao, phấn đấu ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể là vô cùng cần thiết. Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là một quyết định mang sứ mệnh lịch sử, khẳng định ý chí, khát vọng, tầm nhìn, nguồn lực sẵn sàng để hướng tới một thủ đô ngày càng phát triển hiện đại và bền vững, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, thủ đô văn hiến, thủ đô sáng tạo và hoà bình.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/3/2022, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10, tháng 11/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố được thông qua nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể sau khi đơn vị chức năng đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan.
Ngày 12/4/2023, Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng đã họp, cho ý kiến, nhất trí tuyệt đối với nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể. Ngày 16/6/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg, phê duyệt “Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.
Hà Nội trong tương lai theo quy hoạch tầm nhìn 2050, xác định 4 yếu tố trọng tâm: văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội là tư tưởng, triết lý xuyên suốt trong phát triển Thủ đô. Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước.
Quy hoạch Thủ đô kế thừa giá trị kết tinh của ngàn năm lịch sử và khơi dậy những tiềm năng thế mạnh, khơi thông nguồn lực, khắc phục những điểm nghẽn, tạo lập các không gian mới. Đi đầu cả nước trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; Là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; Hệ thống Y tế tiên tiến, hiện đại; an sinh xã hội được bảo đảm toàn diện.
Đến 2050 có trình độ phát triển hàng đầu khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; Là thành phố toàn cầu, phát triển "Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng".
Là một trong hai cực tăng trưởng dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, Hà Nội sẽ là trung tâm đi đầu về nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới. Các thương hiệu hàng đầu thế giới và Việt Nam về công nghệ sẽ tụ hội ở Hà Nội, làm nên giá trị kinh tế thu hút đầu tư và phát triển tầm quốc tế cho thủ đô.
Trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại, có nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư sản xuất trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, sản phẩm cho ngành ô tô điện, máy nông nghiệp, linh kiện điện tử và hàng không, máy bay không người lái… với công nghệ cao hướng tới sản phẩm chip bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu.
Trung tâm phát triển nông nghiệp bền vững với những vùng trồng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, mang tới giá trị nông nghiệp an toàn, bảo đảm sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trung tâm văn hoá, du lịch, ẩm thực với những giá trị truyền thống kết nối với sáng tạo, đổi mới. Các sản phẩm văn hoá, du lịch giàu bản sắc nhưng cũng hội tụ các xu hướng mới toàn cầu. Hà Nội sẽ đón những nghệ sĩ nổi tiếng, tổ chức những lễ hội quy mô quốc tế, trở thành điểm đến của thế giới.
Hà Nội sẽ thực sự là thành phố của những dòng sông. Quy hoạch sông Hồng là trục trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hoá, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô, đồng thời hỗ trợ kinh tế đô thị, kinh tế đêm phát triển.
Để Hà Nội sạch hơn, an toàn hơn, việc xử lý môi trường và ô nhiễm của các dòng sông, hồ nước cũng như vấn đề rác thải, không khí, ngập lụt của Hà Nội sẽ được đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch đô thị.
Xác định 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Các Quy hoạch của Thủ đô được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", Kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển", "văn hoá và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô"; xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài theo đúng tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2024 về 2 Quy hoạch của Thủ đô.
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng; phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế. Phát triển hệ thống giao thông công cộng gắn với chuyển đổi giao thông xanh, thông minh, hiện đại, phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Mở rộng, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu thành lập thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và khu vực miền Bắc; chuyển sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm thành sân bay lưỡng dụng.
Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.
Tất cả vì một Hà Nội tráng lệ, nơi hội tụ, lan toả những giá trị văn hoá của dân tộc, của đồng bằng Bắc Bộ đặc biệt với nét văn hoá tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội là nền tảng cho sự phát triển bền vững, để thủ đô ngàn năm văn hiến vững tin hướng tới ngày mai.
Thủ đô Hà Nội, trong tương lai, sẽ thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Xây dựng người Hà Nội "thanh lịch, hào hoa - phát triển hài hoà - thanh bình, thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc - Kết nối toàn cầu", nơi "đáng đến và lưu lại"; "đáng sống và cống hiến"!
Cách đây đúng một năm, bờ vở sông Hồng còn là một bãi rác phía sau thành phố, chứa khoảng 200 tấn rác thải, cỏ dại mọc um tùm. Nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, bãi đất hoang đầy rác 9.000m² đã thay da đổi thịt thành không gian xanh.
Khu dân cư mới và Khu đất dịch vụ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, khu vực này bị để hoang hóa, rác thải, phế thải đổ bừa bãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường.
Dự án cải tạo nâng cấp Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Phúc Thọ là công trình trọng điểm, Ban Quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng huyện xác định đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công phải được đặt lên hàng đầu.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai, triển lãm lần này có chủ đề “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”, sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn lần thứ nhất, diễn ra nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 310 về việc phát triển, nâng cấp, triển khai mở rộng nền tảng Công dân Thủ đô số - iHanoi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025 – 2026.
Triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2024, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Ai Cập và Nam Phi từ ngày 24/10 đến 1/11.
0