Vị ngọt lòng bà
Chiều nay, mời bạn xuôi theo những dòng ký ức của bạn Nguyễn Trúc
Ngày nhỏ, mỗi độ nắng cuối tháng hai chớm hửng, đường quê lại xập xình mấy chuyến xe tải chất đầy mía tươi. Xe chở nặng, xóc nảy, phía sau rơi ra vài ba cây mía. Lũ trẻ thường chờ xe đi khuất rồi lò dò ra nhặt.
Mía tươi cầm chắc tay, trên thân còn phủ lớp phấn trắng. Mấy đứa lớn ngồi chồm hổm bên lề đường, dùng răng gặm mía. Đứa nhỏ hơn thì đem về cho bà, cho mẹ lấy dao bổ ra thành khúc. Tôi cũng chạy theo “mót” vài cây tròn lẳn đặt trước hiên, chộn rộn chờ ngoại về làm một món mật mía.
Cái thời mà đồ ăn nhanh là thứ gì đó xa xỉ, mật mía trở thành thức quà vặt khoái khẩu. Những cây nhặt về, ngoại chặt bỏ các mắt và phần ngọn để dành ăn riêng, phần thân gốc thì mang ra chỗ xe ép mía gần chợ để ép. Ngoại bảo phần gốc chứa nhiều đường, khi ép ra sẽ có màu vàng tươi đẹp mắt mà lại ngọt thanh. Còn phần ngọn lượng đường thấp hơn, ép ra sẽ ít ngọt và dễ chuyển sang màu vàng lục.
Nước mía ép về được ngoại chưng trong chiếc nồi gang trên lửa than tầm 10 tiếng. Ngoại bắc cái ghế đẩu cạnh bếp, dùng chiếc muỗng khuấy đều, vừa vớt bọt liên tục để mật được trong, vừa kể mấy câu chuyện thời kháng chiến ngày ngoại còn ở thanh niên xung phong. Ngoại bảo thời ấy khổ lắm, thành ra cái gì cũng phải tự làm, như mật mía, hay mấy thứ bánh bò, bánh in... Tôi tựa bên vai ngoại, nhìn bàn tay gân guốc đã lấm tấm đồi mồi thoăn thoắt khuấy mật. Chảo mật mía sôi bọt kêu ùng ục. Hương mật lẫn vào không khí, ướp cái vị ngọt lên chút nắng nhẹ ngoài thềm, hun nức mũi.
Sau khi chưng xong, Ngoại dùng tấm vải mỏng để lóng mật, bỏ bớt cặn bẩn. Thành phẩm được ngoại đong vào các lọ thủy tinh. Mật có dạng siro như mật ong, màu vàng óng và mang vị ngọt thanh đặc trưng. Chúng tôi thường quệt mật mía lên bánh tráng nướng để ăn lót dạ mỗi lần chờ cơm hoặc ăn kèm những ngày thiếu món.
Mật mía dùng để nấu chè thay đường, vừa thanh lại không gắt, làm những người không ham ngọt như ba cũng phải gật gù ăn cạn một chén đầy. Mật mía nhiều đường, nên giúp giảm đói. Ngày mà chỉ cần hai quả trứng luộc dầm trong tô nước mắm cũng đủ một bữa cho cả đại gia đình, thì mật mía của ngoại làm đã trở thành thức quà độ nhật. Nó là một món ăn tuổi thơ, là đốm hồng trong kí ức của chúng tôi.
Ngày chưa đủ lớn nhưng luôn cố tỏ ra trưởng thành, mấy món đồ ăn đóng gói dần thay thế mật mía thủ công, tôi không còn thích ngọt, cũng chẳng lò cò chạy sau xe tải nhặt mía trong những trưa chang nắng. Tới khi đủ lớn để mong bé lại, nếm qua đắng chát của cuộc đời, mới thấy trân trọng mùi vị ngọt ngào từ tay ngoại. Có lẽ đúng như nhiều người từng nói, bản chất của những kẻ hay mơ mộng là luôn thấy hoài niệm về những điều xưa cũ mình lỡ bỏ quên tại góc nhỏ nào đó trên đường đời. Tôi cứ hoang hoải đợi được tìm về ngày thơ bé, nhớ nhung cái mùi vị ngọt thanh từ mật mía ngoại làm tới cồn cào, bứt rứt.
Mật mía loãng hương trong kí ức của tôi ngót nghét mười lăm năm, cũng là ngần ấy thời gian vắng bóng lưng còng của ngoại trong những trưa đổ nắng. Đôi lúc thấy vài loại mật mía làm sẵn, tôi cũng háo hức mua về. Thế nhưng, chắc là cái bóng của ngoại trong tôi lớn quá, nên dù cùng công thức ấy, nhưng thứ ngọt ngào tôi nhớ nhung ngày nhỏ đã chẳng cách nào được nếm lại dù chỉ một lần.
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...
Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.
Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…
0