Vì sao động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) thiệt hại thấp?

Trận động đất mạnh 7,4 độ richter làm rung chuyển hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) sáng mùng 3/4 được cho là cơn địa chấn mạnh nhất tại Đài Loan trong 25 năm qua. Tính đến sáng 4/4 (theo giờ Việt Nam), trận động đất đã khiến 9 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, nhiều người vẫn còn bị mắc kẹt trong các đường hầm, hàng chục tòa nhà bị hư hại. Hiện công tác khắc phục hậu quả của trận động đất vẫn đang diễn ra khẩn trương. Trận động đất này mặc dù có cường độ lớn nhưng gây thiệt hại về người không nhiều như những trận động đất có cường độ tương tự. Vậy yếu tố nào giúp Đài Loan (Trung Quốc) giảm thiểu được thiệt hại do động đất?

Tiếp tục khắc phục hậu quả động đất

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, tâm chấn trận động đất này nằm cách thành phố Hoa Liên 18km về phía Nam, ở độ sâu 15,5km. Trận động đất đã khiến mọi người trên khắp Đài Loan cảm nhận được rung chấn. Truyền thông Trung Quốc cho biết, rung chấn từ trận động đất này cũng có thể cảm nhận được ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc đại lục.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở thành phố Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) sau trận động đất vào ngày 3/4 (Ảnh: Getty Images).

Tại Nhật Bản, đã ghi nhận sóng thần nhỏ, trong khi Phillippines đã ban bố cảnh báo sóng thần, nhưng sau đó đã gỡ cảnh báo. Theo phân tích của các chuyên gia trên trang Conversation, cứ khoảng 30 năm vùng Hoa Liên sẽ phải hứng chịu những trận động đất lớn hơn 7 độ. Trận động đất lớn nhất được ghi nhận gần đây trên đất liền Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra năm 1999. Trận này đo được với cường độ 7,6 ở khu vực Chi-Chi đã khiến hơn 2.400 người thiệt mạng.

Trận động đất đo được với cường độ 7,4 ngày 3/4 có khả năng sẽ tiếp tục gây ra các dư chấn trong nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần tới. Cũng không loại trừ khả năng trận động đất hôm nay chưa phải là trận lớn nhất trong chuỗi động đất. Dù vậy, khả năng xảy ra một trận động đất lớn hơn sẽ giảm dần theo thời gian.

Hoa Liên trải qua rất nhiều trận động đất, lớn có nhỏ có. Trận động đất này đặc biệt lớn, rung lắc dữ dội kéo dài khiến người dân ở đây rất lo lắng.

Anh Wang Hsi-Yun - Hướng dẫn viên du lịch.

Các cơn dư chấn của trận động đất này đã khiến hệ thống tàu điện ngầm ở một số địa phương trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) phải tạm thời đóng cửa. Trận động đất cũng gây ra lở đất diện rộng. Hãng thông tấn vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc dẫn lời các nhà chức trách cho biết, ít nhất 9 vụ đá và lở đất đã được báo cáo trên đường cao tốc Suhua và toàn bộ tuyến đường này đã bị đóng cửa. Hiện vẫn còn hàng chục người bị cô lập. Trong số đó, nhiều người đang mắc kẹt trong các đường hầm xuyên núi.

Lính cứu hỏa tìm kiếm người mắc kẹt trong nhà kho bị sập ở thành phố Tân Đài Bắc ngày 3/4 (Ảnh: CAN).

Theo Cơ quan cứu hỏa Đài Loan (Trung Quốc), trận động đất đã làm hư hại 125 tòa nhà trên khắp hòn đảo. Khoảng một nửa số tòa nhà bị hư hại nằm ở huyện Hoa Liên. Quan chức huyện Hoa Liên thông tin, 4 tòa nhà trong huyện đã bị sập một phần. Cư dân từ 3 tòa nhà đã được sơ tán an toàn, trong khi hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục tại tòa nhà.

Đến đêm 3/4, các công nhân đã bắt đầu tiến hành phá dỡ các tòa nhà bị sập sau khi đã sơ tán cả cư dân và doanh nghiệp khỏi các tòa nhà.

Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc phá dỡ trong thời gian hai ngày, có tổng cộng 4 tòa nhà. Các tòa nhà bị nghiêng và gây nguy hiểm về an ninh. Sau khi thảo luận với người dân và tắt đường ống nước, điện, chúng tôi bắt đầu phá dỡ.

Bà Hsu Chen-Wei - Thị trưởng thành phố Hoa Liên.

Sau trận động đất, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lập tức tổ chức cuộc họp tại Trung tâm điều hành khẩn cấp để bàn về vấn đề cứu hộ sau động đất. Bà cho biết quân đội sẽ hỗ trợ địa phương ứng phó để giảm thiểu tác động của thảm họa.

Sau khi động đất xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc) sau khi vùng lãnh thổ này này hứng chịu trận động đất mạnh 7,4 độ richter. Thủ tướng Kishida đăng trên X rằng: “Đài Loan, người bạn quan trọng của chúng tôi, chúng tôi chân thành đánh giá cao sự giúp đỡ hết lần này đến lần khác. Giờ đây, hòn đảo láng giềng của chúng tôi đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan với bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào”. Bắc Kinh cũng đề nghị hỗ trợ cứu trợ sau trận động đất ở Đài Loan (Trung Quốc).

Các phương tiện di chuyển trước một tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 4/4 (Ảnh: Bloomberg/GettY).

Bờ biển phía Đông của Đài Loan (Trung Quốc) có địa hình hiểm trở và là một điểm thu hút khách du lịch lớn, nhờ những biến động địa chất bên dưới. Hòn đảo này nằm ở nơi mảng biển Philippines gặp mảng Á-Âu rộng lớn. Kết quả là một hòn đảo hình giọt nước với dãy núi cao chót vót và bờ biển phía Đông thường xuyên bị động đất. Phía Tây của Đài Loan (Trung Quốc) là nơi tập trung phần lớn dân số. Ở đây có các thành phố lớn nhất, mạng lưới tàu cao tốc rộng khắp và phần lớn khu trung tâm công nghiệp. Ngược lại, bờ biển phía Đông có ít dân cư và chủ yếu là vùng nông thôn. Những con đường quanh co và đường tàu bám vào những vách đá dựng đứng và phải đi qua hàng chục đường hầm. Bản thân thành phố Hoa Liên là cửa ngõ dẫn đến nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng bao gồm: Hẻm núi Tarako nổi tiếng; Vách đá Qingshui, một vách đá dựng đứng dài 21 km có độ cao trung bình hơn 800m.

Những yếu tố giúp giảm thiểu thiệt hại của động đất

Trận động đất cường độ 7,4 độ richter được cho là khá mạnh. Nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) xếp hạng trận động đất này thuộc "cấp 6" - cấp độ cao thứ hai trên thang đo từ 1 đến 7.

Ngoài ra, đã có tới 13 dư chấn mạnh khoảng 5 độ trong khoảng 3 tiếng sau trận động đất đầu tiên. Tất cả các dư chấn này đều đủ lớn để khiến mặt đất rung chuyển trên khắp Đài Loan. Tuy nhiên, so với các trận động đất cùng cấp độ, như trận động đất mạnh 7,8 độ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 năm ngoái đã khiến 50.000 người thiệt mạng thì trận động đất này tại Đài Loan (Trung Quốc) mặc dù khiến một số tòa nhà sụp đổ, nhưng thiệt hại về người thấp hơn nhiều. Vậy yếu tố nào giúp Đài Loan có thể giảm thiểu hậu quả của động đất, đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại về người?

Học sinh tại một trường tiểu học ở quận Lujhou, thành phố Tân Đài Bắc sơ tán đến sân chơi sau trận động đất ngày 3/4 (Ảnh: CAN).

Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố được cho là giúp Đài Loan (Trung Quốc) giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra. Tiến sĩ Stephen Gao - Chuyên gia về động đất tại trường Đại học khoa học kỹ thuật Missouri, Mỹ cho rằng: “Công tác ứng phó với động đất của Đài Loan (Trung Quốc) là tốt nhất thế giới. Trên đảo này có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, hệ thống cảnh báo động đất hàng đầu thế giới và hoạt động giáo dục ý thức về an toàn động đất cho người dân được triển khai rộng rãi”.

Thứ nhất là về chất lượng xây dựng. Nhiều hình ảnh về trận động đất được đăng tải trên truyền thông cho thấy các tòa nhà cao tầng ở Đài Loan sau khi bị rung lắc thì không đổ sụp hoàn toàn mà chỉ bị nghiêng sang một bên, ngay cả ở những nơi chịu thiệt hại nặng như Hoa Liên. Điều này có nghĩa là người dân nếu còn kẹt trong tòa nhà vẫn có cơ hội sống sót cao hơn so với trường hợp bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Điều này cũng cho thấy chất lượng xây dựng đóng vai trò quan trọng góp phần giữ an toàn cho người dân ở bên trong tòa nhà khi tai họa xảy ra.

Lều ở tạm dành cho người dân địa phương sơ tán sau trận động đất ở Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc), ngày 4 tháng 4 (Ảnh: AFP/Getty).

Ông Konstantinos Tsavdaridis - Giáo sư kỹ thuật kết cấu tại Đại học London cho biết, nhiều tòa nhà ở Đài Loan (Trung Quốc) hầu hết được xây dựng từ bê tông cốt thép.

Theo Viện Nghiên cứu thực nghiệm Đài Loan (NARLabs), để đảm bảo chất lượng, tất cả dự án xây dựng ở Đài Loan cần phải tuân thủ các quy định do chính quyền đưa ra. Đánh giá và điều chỉnh các quy định an toàn đối phó địa chấn cho các tòa nhà là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao khả năng chống động đất.

Từ năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng động đất Đài Loan chịu trách nhiệm hỗ trợ Cơ quan Nội chính Đài Loan đánh giá và điều chỉnh quy định an toàn chống động đất cho các tòa nhà. Sau hai lần sửa đổi vào năm 2006 và 2011, tiêu chuẩn thiết kế chống chịu động đất đã chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2022.

Tôi nghĩ rằng những thay đổi và thực thi quy tắc xây dựng cũng như việc tăng cường khả năng chống chịu với động đất đối với các cấu trúc bê tông hoặc những công trình cũ là yếu tố giúp giảm hậu quả của trận động đất.

Ông Kit Miyamoto - Tổ chức kỹ thuật kết cấu và giảm thiểu rủi ro thiên tai Miyamoto International.

Một yếu tố quan trọng giúp khắc phục hậu quả động đất là hệ thống cảnh báo sớm của Đài Loan. Hòn đảo này đã phát triển hệ thống cảnh báo sớm và giảm tác hại của động đất cũng như các thảm họa khác trong vòng nhiều năm qua.

Trận động đất khiến các công tác cứu hộ, phòng chống thiên tai của Đài Loan một lần nữa được chú ý. Hệ thống này phát hiện sự rung chuyển khi địa chấn xảy ra ở khu vực tâm chấn và ngay lập tức gửi cảnh báo với tốc độ truyền đi nhanh hơn năng lượng địa chấn. Vì thế, hệ thống này có thể cung cấp những giây phút cảnh báo quan trọng cho người sống xa tâm chấn để kịp thời ứng phó. Bằng cách tích hợp các công cụ giám sát với công nghệ khác, khi phát hiện sóng địa chấn, hệ thống có thể ước tính nhanh chóng phạm vi khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sức tàn phá của trận động đất, sau đó đưa ra cảnh báo, cho mọi người thêm thời gian có biện pháp thích hợp, trước khi rung chuyển lan đến chỗ họ.

Tòa nhà bị sập một phần sau trận động đất mạnh xảy ra ở thành phố Hoa Liên, phía đông Đài Loan (Trung Quốc).

Trên trang web của Sở Khí tượng thuộc Cơ quan Giao thông Đài Loan cũng có các thông tin chi tiết về việc cài đặt ứng dụng cảnh báo động đất. Ứng dụng có các tính năng như cảnh báo sớm thiên tai, thông báo sẽ được gửi đến những người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng mức cường độ trên 3 khi có động đất.

Thứ ba là ý thức của người dân. Đài Loan nằm trong hành lang bão Tây Bắc Thái Bình Dương và trên vành đai lửa có hoạt động địa chấn mạnh, Đài Loan hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới và động đất. Theo Cơ quan chức năng Đài Loan, bão là thảm họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên nhất ở đây trong 50 năm qua, tiếp theo là lũ lụt và động đất. Vì vậy người Đài Loan đã quá quen thuộc với các thảm họa thiên nhiên. Các trận động đất và bão nhiệt đới xảy ra hàng năm chính là bài học giúp hòn đảo này có thêm những kinh nghiệm quý báu trong phòng chống thảm họa thiên tai.

Kể từ trận động đất năm 1999, chính quyền đang cố gắng nâng cao nhận thức của người dân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự bảo vệ và huy động nguồn lực từ nhiều cơ quan chức năng khác nhau để hỗ trợ nỗ lực này.

Bà Hsu Chen-Wei - Thị trưởng thành phố Hoa Liên.

Từ nhỏ, các học sinh đã được học các kỹ năng sinh tồn khi xảy ra động đất. Trong các gia đình cũng luôn chuẩn bị các vật dụng cần thiết để ứng phó khi có động đất. Vì vậy, khi động đất xảy ra, họ lập tức có các phản xạ như mở cửa và chạy ra khỏi các tòa nhà cao tầng.

Mặc dù Cơ quan Thời tiết Đài Loan (Trung Quốc) cho biết tâm chấn trận động đất này tương đối nông, chỉ khoảng 15km. Một trận động đất nông thường sẽ làm mặt đất rung chuyển mạnh hơn, có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn với các tòa nhà. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng tại Đài Loan được xây dựng chắc chắn, hệ thống cảnh báo sớm và ý thức của người dân về ứng phó với động đất, nên đã giúp giảm thiểu những hậu quả về người và của do trận động đất gây ra. Từ đó, có thể thấy nếu con người có những sự chuẩn bị tốt thì sẽ có thể khắc phục được những hậu quả mà thiên tai gây ra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.