Vì sao nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ tụt hạng?
Nguyên nhân khiến Nhật Bản mất vị trí thứ ba
Nền kinh tế Nhật Bản vốn được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và thứ hai châu Á trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vừa thông báo nền kinh tế nước này bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm ngoái. Các số liệu mới nhất cho thấy Nhật Bản đã mất vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức trong năm 2023. Một phần nguyên nhân được cho là do tác động của đồng yên yếu, nhu cầu trong nước suy giảm và dân số già đi. Việc tụt hạng về kinh tế sẽ đặt ra những thách thức đối vớichính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trước việc thay đổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã duy trì hơn một thập kỷ qua.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,4% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023 sau khi sụt giảm 3,3% trong quý trước.
Ông Hideo Kumano - Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “GDP của Nhật Bản cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản rất yếu. Chúng ta có hai quý suy giảm liên tiếp vào tháng 10 đến tháng 12 và tháng 7 đến tháng 9. Trước đây, chúng ta đã từng có những đợt suy thoái vào năm 2018 và 2012 và những năm đó có hai lần suy thoái."
Hai quý suy thoái liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Các nhà phân tích cho rằng, yếu tố chính đằng sau sự tụt hạng của nền kinh tế Nhật Bản là do biến động tiền tệ, chứ không hẳn do nền kinh tế Đức vượt trội so với kinh tế Nhật Bản. Sự giảm giá của đồng yên đang thu hẹp quy mô của nền kinh tế Nhật Bản. Đồng yên đã giảm gần 1/5 giá trị so với đồng USD trong năm 2022 và 2023, một phần do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất âm, trái với các ngân hàng trung ương lớn khác.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tính theo đồng USD, quy mô nền kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 6,3 nghìn tỷ USD vào năm 2012 xuống còn khoảng 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023 . Trong khi đó, Đức vượt lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi GDP sơ bộ của Berlin trong năm qua là gần 4,5 nghìn tỷ USD, với dân số Đức chỉ bằng khoảng 2/3 của Nhật Bản.
Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,9% trong năm 2023 nhưng hiện tại vẫn nhỏ hơn Đức. Nhìn vào xu hướng dài hạn của đồng nội tệ, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản chậm hơn Đức, phản ánh năng suất thấp của nền kinh tế Nhật Bản.
Một lý do nữa khiến kinh tế Nhật Bản suy thoái là do xu hướng tiêu dùng giảm khi giá cả ngày càng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) ở nước này năm 2023 tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, do chi phí thực phẩm tăng và đồng yên yếu hơn khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.
CPI ở Nhật Bản trong tháng 12 /2023 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ số này thấp hơn mức 2,5% trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 21 liên tiếp.
Trong quý 4 năm 2023, tiêu dùng cá nhân của người dân Nhật Bản giảm 0,9% và đầu tư doanh nghiệp giảm 0,3%. Xuất khẩu tăng 11%, trong khi nhập khẩu tăng 7%.
Tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế, giảm 0,2%, đánh dấu quý giảm thứ ba liên tiếp, do các hộ gia đình phải chật vật với chi phí sinh hoạt tăng cao và tiền lương thực tế giảm.
Cả hai nền kinh tế Đức và Nhật Bản đều phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và có nhiều vấn đề nhưng Nhật Bản chịu tổn thất lớn hơn Đức do thiếu lao động bởi dân số giảm. Dân số Nhật Bản đã giảm liên tục kể từ khoảng năm 2010. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động có kinh nghiệm và tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn do tỷ lệ sinh vẫn thấp.
Dự báo về triển vọng kinh tế Nhật Bản, nhà kinh tế trưởng Hideo Kumano cho rằng GDP trong quý 1 năm nay của Nhật Bản cũng sẽ yếu. Một là do trận động đất ở bán đảo Noto xảy ra vào đầu năm nay sẽ có tác động nhất định đến du lịch nội địa. Hai là do ngành sản xuất và xuất khẩu, trong đó chủ yếu là xuất khẩu ô tô đang chứng kiến sự sụt giảm. Điều này nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm quý thứ 3 liên tiếp.
Kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách tiền tệ
Hơn một thập kỷ qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ đã trung thành với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo với lãi suất cực thấp, liên tục bơm tiền vào nền kinh tế, phát hành trái phiếu chính phủ. Chính sách này phát huy tác dụng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, lạm phát của Nhật Bản ngày càng tăng và cao hơn mức mục tiêu của BOJ. Giá cả tăng đã dẫn đến chi phí sinh hoạt cao, cản trở tăng trưởng tiêu dùng. Ngày càng có nhiều lời kiến nghị BOJ nên sớm bình thường hóa chính sách tiền tệ. Việc kinh tế Nhật Bản mất vị trí thứ 3 thế giới có thể sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải xem xét lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của mình.
Các số liệu mới công bố về sự suy thoái kinh tế có thể là một cú hích để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hành động chấm dứt lãi suất lỏng lẻo và chuyển sang chính sách tăng lãi suất.
Các nhà kinh tế dự đoán vào thời điểm tiền lương thực tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu mua sắm không còn cao, BOJ sẽ tiến tới chấm dứt việc kiểm soát đường cong lợi suất và chương trình mua tài sản quy mô lớn,chấm dứt chính sách lãi suất âm vào mùa xuân này như mong đợi của thị trường tài chính.
Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất, tuy nhiên, để tránh làm đảo lộn thị trường toàn cầu thì ngân hàng này nên tăng lãi suất một cách từ từ và cung cấp thông tin rõ ràng trong quá trình này.
Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF chia sẻ: “Tiến trình tự nhiên là thoát khỏi kiểm soát đường cong lợi suất và chấm dứt việc nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính, sau đó tăng dần lãi suất ngắn hạn, nhưng phải thực hiện dần dần. Bất kể thực hiện lần tăng đầu tiên sau hai tháng hay ba tháng, điều quan trọng là tăng nhưng tăng chậm trong vài năm, như vậy sẽ không có tác động quá lớn."
Bà Gopinath nhận định rằng việc chấm dứt chính sách lãi suất âm, một động thái mà thị trường cho là sẽ xảy ra vào tháng 4, cũng có thể sẽ diễn ra suôn sẻ vì các nhà đầu tư nhận thấy rõ ràng rằng chi phí đi vay thực tế được điều chỉnh theo lạm phát sẽ vẫn rất thấp.
Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nhật Bản Yoshitaka Shindo nhấn mạnh việc Nhật Bản bị Đức vượt qua cho thấy nước này cần phải thúc đẩy cải cách cơ cấu và tạo ra một giai đoạn mới cho tăng trưởng.
Phản ứng trước việc Nhật Bản mất vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu, nhiều người tiêu dùng Nhật Bản tỏ ra thất vọng. Người dân vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu kéo dài của đồng yên, khiến chi phí nhập khẩu từ nhiên liệu đến các mặt hàng thiết yếu tăng cao, cho biết họ sẽ cắt giảm việc mua sắm và ăn uống bên ngoài để tiết kiệm tiền khi đất nước rơi vào suy thoái.
Đức khó giữ vững vị trí thứ ba
Mặc dù vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới, nhưng bức tranh kinh tế của Đức chủ yếu vẫn là màu xám, khiến cho việc nâng hạng kinh tế của Đức trở nên không ổn định. Cơ quan Thống kê Liên bang nước này công bố báo cáo thống kê sơ bộ cho biết trong năm 2023, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nhẹ. Trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 0,3% so với năm 2022.
Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu suy yếu là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức suy giảm. Lạm phát cao làm giảm sức mua của các hộ gia đình, do đó kìm hãm tiêu dùng - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Để ứng phó lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần tăng lãi suất, đưa mức lãi suất lên cao nhất trong lịch sử. Điều này ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng. Nhu cầu mua nhà của người dân Đức sụt giảm mạnh do chi phí tài chính đắt đỏ.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu của Đức bị ảnh hưởng lớn do nền kinh tế toàn cầu yếu. Nhu cầu của thế giới về hàng hóa Đức giảm, gây áp lực lớn đối với các nhà sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2024 được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng yếu chỉ 0,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo 1,3% trước đó của chính phủ Đức.
Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức cũng đã công bố báo cáo hàng tháng, cho biết các yếu tố tiêu cực như nhu cầu bên ngoài yếu, căng thẳng địa chính trị và sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng có thể khiến quá trình phục hồi kinh tế nước này dự kiến sẽ bị trì hoãn một lần nữa.
Kinh tế Ấn Độ có khả năng vượt Đức và Nhật Bản
Trong bối cảnh nền kinh tế Đức và Nhật Bản có triển vọng không mấy sáng sủa thì một nền kinh tế ở châu Á đang vươn lên thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới, đó là Ấn Độ. Dự báo, nền kinh tế Ấn Độ có triển vọng vượt qua cả hai nền kinh tế Đức và Nhật Bản trong vài năm tới. Theo số liệu của IMF, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và vượt Đức vào năm 2027.
Dân số Ấn Độ đã vượt qua hơn 1 tỷ người vào năm ngoái và quốc gia này dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.
Với hơn 2/3 số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), Ấn Độ được kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ, trái ngược với nhiều quốc gia châu Á khác đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng già hoá và giảm đi.
Số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý III/ 2023 tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ có được sự tăng trưởng kinh tế như vậy là nhờ sự khởi sắc của lĩnh vực sản xuất, một chỉ số vô cùng quan trọng thể hiện sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh lãi suất chung toàn cầu vẫn ở mức cao.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cung cấp các ưu đãi tài chính trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất trong nước và biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu toàn cầu.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế của năm tài khoá 2024 của Ấn Độ là 6,3%, còn Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) kỳ vọng con số này có thể đạt 6,5%.
Sự hoán đổi vị trí giữa hai nền kinh tế Đức và Nhật Bản với những yếu tố không chắc chắn, cho thấy hai nền kinh tế này đang chịu tác động lớn từ những vấn đề chung như lạm phát, xung đột địa chính trị, dân số giảm. Trong khi đó, Ấn Độ với mô hình tăng trưởng mới đang tăng tốc để vươn lên trở thành một điểm sáng của châu Á. Mặc dù để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, Ấn Độ vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức, nhưng đây là một minh chứng cho thấy trật tự thế giới đang thay đổi, dần chuyển sang đa cực, đa trung tâm. Điều này được dự đoán sẽ tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế thế giới và hệ thống quốc tế.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0