10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024

Năm 2024 là một năm đầy biến động, khi thế giới chứng kiến nhiều sự kiện được đánh giá là chấn động, góp phần thay đổi trật tự thế giới. Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2024 do Đài Hà Nội bình chọn.

1. Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2024 đã chứng kiến thay đổi lớn trên chính trường nước này. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris, đắc cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa đã giành thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, điều này tạo cơ hội cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện các chương trình nghị tham vọng như thuế quan, nhập cư và thương mại. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ thay đổi sâu sắc nước Mỹ và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu.

Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach ở Florida rạng sáng 6/11/2024. Ảnh: Reuters.

Đáng chú ý, cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 ghi nhận một số nỗ lực ám sát bất thành nhắm vào ông Trump, làm dấy lên nhiều lo ngại về bạo lực chính trị tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông cũng được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm.

2. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang

So với năm 2023, diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine năm 2024 có chiều hướng quyết liệt hơn. Ngày 6/8, Ukraine lần đầu tiên tấn công vào lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang. Ảnh: NY Times

Đến tháng 11, chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và các đồng minh là Anh và Pháp bất ngờ cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Để đáp trả động thái của phương Tây, Nga cũng lần đầu tiên triển khai tên lửa siêu vượt âm Oreshnik. Tính đến nay, cuộc xung đột Ukraine đã sắp tròn 3 năm và đã trở thành cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị cho phần còn lại của thế giới.

3. Chảo lửa Trung Đông không ngừng tăng nhiệt

Xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza đã bước sang năm thứ hai, với các cuộc tấn công qua lại gây thương vong lớn cho cả hai bên. Tình hình leo thang kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi người dân Gaza đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Tang lễ những người đã thiệt mạng trong vụ nổ máy nhắn tin tại thủ đô Beirut, Lebanon hôm 18/9. Ảnh: Reuters

Song song với chiến dịch ở Gaza, Israel đã tấn công lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Liban. Israel đã thực hiện các vụ nổ đồng loạt nhằm máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah, hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah vào tháng 9 và tiếp theo là giết chết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.

Israel và Hezbollah đã đạt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày vào cuối tháng 11, trong khi đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin tại Gaza có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, hy vọng bạo lực ở khu vực này có thể chấm dứt vào năm tới vẫn là bài toán khó giải đáp.

4. Chính phủ Syria sụp đổ

Chính phủ cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm 2024, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Syria sau nhiều năm nội chiến. Tuy nhiên, hòa bình vẫn chưa thể trở lại ngay với quốc gia được mệnh danh là “trái tim của Trung Đông”.

Các lực lượng nổi dậy Syria diễu hành trên đường phố Hama của nước này ngày 6/12. Ảnh: AFP.

Các phe phái chính trị và các nhóm tôn giáo khác nhau tiếp tục đấu đá và xung đột nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ chiến lược, trong khi sự can thiệp từ các cường quốc khu vực và quốc tế càng làm tình hình trở nên rối ren. Với khoảng trống quyền lực chưa được định hình rõ ràng, Syria được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ bất ổn kéo dài.

5. Năm kỷ lục về các cuộc bầu cử trên toàn thế giới

Năm 2024, hơn một nửa dân số trên toàn hành tinh ở hơn 60 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu, đã đi bỏ phiếu. Từ Mỹ, Nga, nghị viện châu Âu, Ấn Độ, Mexico, hàng loạt các cuộc bầu cử quan trọng đã được tổ chức, định hình bức tranh chính trị thế giới trong năm 2024 và nhiều năm tiếp theo.

Cử tri Nga bỏ phiếu ở thành phố Novosibirsk, Siberia ngày 15/3. Ảnh: AFP.

Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5, với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 3. Ông đã nhậm chức vào ngày 7/5/2024, với kỳ vọng về một nước Nga hùng mạnh, độc lập, củng cố lực lượng vũ trang và tăng cường khả năng phòng thủ. Năm nay, nước Nga đã mở rộng hợp tác đặc biệt với Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều nước Nam bán cầu.

6. Hàn Quốc áp đặt thiết quân luật, tổng thống bị luận tội

Chính trường Hàn Quốc rung chuyển trong năm 2024, khi ngày 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật, với cáo buộc đảng đối lập nước này thân Triều Tiên và có “hoạt động chống phá nhà nước”.

Ông Yoon Suk Yeol. Ảnh: Reuters.

Quyết định này ngay lập tức gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận và chính trường. Tổng thống, quyền tổng thống bị luận tội vì trách nhiệm liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol và các đồng minh thân cận sẽ được hé lộ trong năm tới.

7. Phe cực hữu trỗi dậy ở châu Âu

Năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu tại Nghị viện châu Âu, cũng như trong các cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. Nước Pháp có đến ba thủ tướng mới được bổ nhiệm trong năm qua.

Biểu tình phản đối phe cực hữu tại Paris (Pháp) hôm 15/6. Ảnh: Reuters

Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cũng không thể vượt qua được bỏ phiếu bất tín nhiệm và một cuộc bỏ phiếu sớm dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm sau. Xu hướng này làm gia tăng sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu, đe dọa các giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ.

8. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng chưa ổn định

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất chấp những rủi ro từ các cuộc xung đột địa chính trị, tranh chấp thương mại, kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp và chưa ổn định. Các nền kinh tế lớn có xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng. Năm 2024 ghi nhận những đợt tăng giá kỷ lục của vàng, tiền điện tử và chứng khoán. Xu hướng được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025.

Nền kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu rất lạc quan. Ảnh: Getty Images.

9. Năm 2024 là năm nóng nhất lịch sử

Năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là năm diễn ra những cơn bão mạnh bất thường, gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm, khiến hàng trăm người chết và thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới các thảm họa thời tiết. Tại Hội nghị COP29  tại Baku, Azerbaijan, một thỏa thuận tài chính khí hậu đột phá được thông qua, cam kết tài trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các tranh cãi về nguồn tài trợ và tính khả thi vẫn là rào cản lớn.

Năm 2024 nóng nhất trong lịch sử thế giới. Ảnh: Flickr/Kevin Gould.

10. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển vượt bậc

Năm 2024, trí tuệ nhân tạo tiếp tục tác động sâu rộng đến các lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến quốc phòng và công nghiệp. Các công nghệ AI tiên tiến nâng cao hiệu suất lao động và thúc đẩy sự đổi mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về đạo đức, an ninh thông tin và quản lý. Vấn đề này đã buộc các chính phủ và tổ chức quốc tế nhanh chóng đưa ra các quy định để kiểm soát việc sử dụng AI, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ từ công nghệ này.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng thế giới vẫn kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong năm mới, để năm 2025 trở thành điểm “khởi đầu mới” cho tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình, gắn kết và yêu thương.

Ảnh minh hoạ: Internet.
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã phóng tám tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh biên giới Belgorod và tám tên lửa này trên đều đã bị bắn hạ.

Bộ Nội vụ Ba Lan vừa thông báo cơ quan này đang soạn thảo các quy tắc và quy định để sơ tán dân thường và di sản văn hóa quốc gia trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên hoặc đe dọa quân sự.

Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria đối lập, ông Hadi Al-Bahra đã bày tỏ hy vọng rằng hội nghị đối thoại quốc gia sắp tới ở Syria sẽ đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, bởi hội nghị sẽ có sự tham gia của đại diện tất cả các thành phần và tầng lớp người dân Syria.

Sương mù dày đặc bao phủ toàn miền Bắc Ấn Độ, trong đó có vùng thủ đô New Delhi. Giới chức địa phương phải ban hành cảnh báo nguy cơ gián đoạn các chuyến bay trong bối cảnh chất lượng không khí xấu khiến tầm nhìn giảm xuống bằng 0 tại một số khu vực.

Các cuộc không kích của Israel tại Gaza ba ngày qua đã khiến ít nhất 140 người thiệt mạng, trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas chưa có tín hiệu tích cực.