4 vấn đề của học sinh trên thế giới

Nhiều nước châu Âu cấm học sinh dùng điện thoại di động; Nỗ lực duy trì việc học cho trẻ em Gaza; Dịch bệnh ngăn trẻ đến trường; Anh triển khai AI trong trường học... là 4 vấn đề của học sinh khi năm học mới bắt đầu.

Nhiều nước châu Âu cấm học sinh dùng điện thoại di động

Theo quy định mới được một số quốc gia châu Âu ban hành, bắt đầu từ năm học này, học sinh sẽ không được giữ điện thoại di động bên mình trong suốt cả ngày học. Mục đích là để giảm thời gian sử dụng màn hình của các em và chống tình trạng bắt nạt trên mạng.

Khoảng 200 trường trung học cơ sở tại Pháp đã bắt đầu thử nghiệm "thời gian nghỉ kỹ thuật số". Đây là lệnh cấm hoàn toàn điện thoại di động trong lớp học. Nếu thử nghiệm thành công, lệnh cấm điện thoại sẽ được áp dụng tại tất cả các trường học tại Pháp bắt đầu từ tháng 1/2025. Trước đó, từ năm 2018, Pháp áp dụng cấm việc sử dụng điện thoại di động, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên lệnh cấm mới đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Theo đó, học sinh phải giao nộp điện thoại di động cho giáo viên khi tới trường hoặc cất chúng trong tủ đựng đồ. Thêm nữa, quy định này không chỉ áp dụng trong giờ học mà còn mở rộng đến các hoạt động ngoại khóa và các chuyến đi dã ngoại. Nhiều học sinh ở Pháp cũng bày tỏ đồng tình và thoải mái trước quy định mới.

Theo quy định mới được một số quốc gia châu Âu ban hành, bắt đầu từ năm học này, học sinh sẽ không được giữ điện thoại di động bên mình trong suốt cả ngày học.

Còn tại Bỉ, học sinh cũng không được phép mang điện thoại theo người, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại và chỉ có phụ huynh học sinh mới có thể tới trường xin lại. Tương tự như vậy, bắt đầu từ năm học mới này, học sinh tiểu học tại Hà Lan bị cấm sử dụng điện thoại di động, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại trường. Từ tháng 1 tới, việc cấm học sinh sử dụng thiết bị thông minh tại trường sẽ được áp dụng với tất cả các cấp học trên phạm vi toàn quốc.

Trong tuyên bố mới đưa ra, Chính phủ Hà Lan cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Học sinh tập trung kém hơn và hiệu suất học tập của các em bị ảnh hưởng.

Học sinh phải giao nộp điện thoại di động cho giáo viên khi tới trường hoặc cất chúng trong tủ đựng đồ.

Việc cấm điện thoại trong trường học được bàn luận từ lâu ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, học sinh thường chỉ bị cấm sử dụng chứ không phải nộp lại điện thoại cho giáo viên. Nhưng nay, nhiều quốc gia đang và sẽ áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn.  Năm ngoái, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Australia thắt chặt chính sách cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 10/9, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhấn mạnh tính cấp thiết cần có một chế tài quản lý việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em, nhằm bảo đảm cho trẻ em có một tuổi thơ phong phú, rời xa điện thoại và các mạng xã hội.

Theo đó, Chính phủ Australia đang xem xét và sẽ sớm thông qua dự luật cấm trẻ em tham gia và sử dụng mạng xã hội. Dự luật này dự kiến sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2024, buộc tất cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, X ... phải hạn chế và kiểm soát độ tuổi cho phép đăng ký sử dụng các mạng xã hội này.

Mục đích của việc cấm dùng điện thoại để giảm thời gian sử dụng màn hình của các em và chống tình trạng bắt nạt trên mạng.

Thủ tướng Australia nhấn mạnh mạng xã hội đang khiến trẻ em rời xa những trải nghiệm thực tế với bạn bè và gia đình, mắc chứng nghiện điện thoại và mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới sự an toàn cũng như sức khoẻ tinh thần và thể chất của các em. Mặc dù độ tuổi hạn chế chưa được công bố, nhưng trước đó vào tháng 5 năm 2024, Thủ tướng Albanese đã khẳng định ủng hộ chiến dịch nâng độ tuổi tối thiểu để đăng ký mạng xã hội lên 16 tuổi.

“Chúng tôi đang lắng nghe các bậc phụ huynh và cộng đồng. Tôi muốn thấy trẻ em rời xa các thiết bị điện tử và đến các sân bóng đá, hồ bơi và sân tennis. Chúng tôi muốn các em có những trải nghiệm thực tế với mọi người xung quanh vì chúng tôi biết rằng phương tiện truyền thông xã hội đang gây ra nhiều tác hại”

Thủ tướng Australia Anthony Albanese

Theo thông tin từ Chính phủ Australia, dự luật này sẽ được xây dựng kết hợp với quy định hiện hành của các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia, đồng thời sẽ được chính thức thông qua sau khi các biện pháp xác minh độ tuổi của người truy cập mạng xã hội được thử nghiệm thành công. Hiện hầu hết các nền tảng mạng xã hội chỉ yêu cầu người dùng đánh dấu vào ô xác nhận là đã đủ độ tuổi nhất định, nên không có tác dụng trong việc ngăn chặn trẻ em.

Việc đưa trẻ em thoát khỏi mạng xã hội là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi cả chính phủ, phụ huynh và gia đình và cả các nền tảng mạng xã hội đều phải chung tay thực hiện.

Theo Thủ hiến bang Nam Australia Peter Malinauskas, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc trẻ em sớm tiếp cận mạng xã hội đã gây nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại cả về thể chất và tinh thần cho các em. Chính vì vậy, việc đưa trẻ em thoát khỏi mạng xã hội là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi cả chính phủ, phụ huynh và gia đình và cả các nền tảng mạng xã hội đều phải chung tay thực hiện.

Nỗ lực duy trì việc học cho trẻ em Gaza

Năm học mới tại các vùng lãnh thổ của Palestine đã chính thức bắt đầu vào ngày 9/9, trong khi tất cả trường học ở Gaza vẫn đóng cửa sau 11 tháng xung đột và chưa có dấu hiệu ngừng bắn. Bộ Giáo dục Palestine cho biết tất cả các trường học ở Gaza đã đóng cửa và 90% trong số này đã bị phá hủy hoặc hư hại trong cuộc tấn công của Israel. Trước tình hình này, uớc mơ đến trường của trẻ em tại Gaza trở nên quá xa vời.

Trường học ở Gaza vẫn đóng cửa sau 11 tháng xung đột.

Vào ngày được cho là ngày đi học bình thường, Fatima, 12 tuổi, đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đến trường. Bước ra khỏi nơi trú ẩn tạm thời mà em phải gọi là nhà trong nhiều tháng qua, đi bộ trên những con phố với hai bên là những tòa nhà đổ nát, Fatima đến trường là một chiếc lều được sử dụng để dạy hơn 200 trẻ em trong khu vực.

Alaa Abu Mustafa, giáo viên người Palestine, đã thành lập lớp học này để tất cả những đứa trẻ trong độ tuổi đi học có thể duy trì việc học tập, quên đi sự nguy hiểm và khó khăn của cuộc xung đột và tìm thấy chút an ủi trong việc học.

Fatima đến lớp.

"Mọi thứ sẽ khác nếu chúng tôi ở trong một ngôi trường bình thường. Sẽ có bảng đen lớn, bút chì, bàn, ghế và quạt. Nhưng trong lớp học này, chúng tôi phải chịu đựng thời tiết nóng nực. Vì không đủ chỗ ngồi nên học sinh phải viết trên đùi. Bảng rất nhỏ, chúng tôi cũng thiếu đồ dùng học tập và sách vở. Đây là năm học thứ hai liên tiếp mà học sinh bị tước mất cơ hội giáo dục cơ bản nhất."

Cô Alaa Abu Mustafa, giáo viên tại Gaza

Fatima cùng gia đình đang sống tại nơi được gọi là "khu vực nhân đạo" ở Al-Mawasi, dải Gaza. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến em không được đến trường trong gần một năm. May mắn là em vẫn có thể duy trì việc học với lớp học trong lều nhỏ. Em bày tỏ quyết tâm tiếp tục đến lớp dù có mạo hiểm tính mạng.

"Hầu hết học sinh trên thế giới đều có thể đến trường một cách an toàn, nhưng chúng em chỉ có thể đến lớp học trong lều này giữa những trận ném bom. Nhưng dù vậy, chúng em vẫn sẽ tiếp tục đến lớp học"

Em Fatima, học sinh tại Gaza

Tháng trước, Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc đã triển khai chương trình quay trở lại trường học tại 45 nơi trú ẩn của mình, trong đó giáo viên tổ chức các trò chơi, kịch, nghệ thuật, âm nhạc và hoạt động thể thao để giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho các em.

Dịch bệnh ngăn trẻ đến trường

Châu Phi đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ cả về số ca nhiễm và số ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ gây ra. Các ca bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm 91% tổng số ca bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Congo và Burundi - quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ 2 - là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em phải nghỉ học trong một thời gian.

Châu Phi đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ cả về số ca nhiễm và số ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ gây ra.

Thành phố Goma ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng, từ tình trạng mất an ninh, đến dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh chóng, dẫn đến việc đóng cửa trường học thường xuyên, gây gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của các em học sinh.

Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu đã chứng kiến làn sóng người tị nạn tìm đến đây do tránh xung đột ở những nơi khác, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, điều kiện vệ sinh kém. Môi trường này tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

"Chúng tôi lo ngại rằng nhiều trẻ em đến từ các nơi khác nhau cùng với gia đình của chúng và do đó chúng tôi không biết từng trẻ, chúng tôi không biết chúng sống với ai và chúng đã tiếp xúc với ai. Chúng tôi yêu cầu chính phủ cung cấp cho chúng tôi dụng cụ y tế để các giáo viên được bảo vệ trước dịch đậu mùa khỉ".

Ông Bahala Innocent, Chủ tịch Công đoàn giáo viên Goma

Một bệnh nhân bị đậu mùa khỉ.

Sự lây lan của virus đậu mùa khỉ đã làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có do xung đột và khủng hoảng nhân đạo, với trẻ em chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh trong khu vực. Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay làm trầm trọng thêm tình hình, khiến cuộc sống của hàng chục nghìn người dân Congo ở Goma và các khu vực lân cận trở nên khó khăn hơn.

Anh triển khai AI trong trường học

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nhiều quốc gia phát triển áp dụng vào các lĩnh vực quan trọng, trong đó có giáo dục. Tháng 9 này, David Game College, một trường tư thục ở London (Anh), mở khóa học GCSE (chứng chỉ giáo dục THPT) cho 20 học sinh. Điều đặc biệt, lớp học này không có giáo viên. Thay vào đó, các học sinh sẽ học bằng cách sử dụng hỗn hợp các nền tảng AI trên máy tính và tai nghe thực tế ảo.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nhiều quốc gia phát triển áp dụng vào các lĩnh vực quan trọng, trong đó có giáo dục.

Các nền tảng này sẽ tìm hiểu xem các em cần thêm sự trợ giúp gì để sau đó điều chỉnh chương trình trong học kỳ. Cụ thể, các chủ đề khó sẽ được chuyển đến cuối học kỳ để có thể xem xét lại, trong khi các chủ đề dễ sẽ được giải quyết ngay, thậm chí kế hoạch học tập được thiết kế phù hợp với khả năng của từng học sinh.

"Có rất nhiều giáo viên xuất sắc ngoài kia, nhưng chúng tôi đều dễ mắc lỗi. Tôi nghĩ rằng rất khó để đạt được mức độ chính xác như AI - chúng được đánh giá liên tục. Đặc biệt, nếu bạn thực sự muốn biết chính xác tại sao một đứa trẻ không học được, tôi nghĩ hệ thống AI có thể xác định điều đó hiệu quả hơn".

Ông John Dalton, Đồng Hiệu trưởng của David Game College

20 học sinh này sẽ trả khoảng 27.000 bảng Anh (khoảng 880 triệu đồng) học phí mỗi năm. Joseph, một học sinh của trường đã thử nghiệm hệ thống giảng dạy này, nhận định một giáo viên không thực sự biết khuyết điểm của từng học sinh vì có quá nhiều học trò. Trong khi đó, AI sẽ tìm ra khuyết điểm của từng học sinh và giúp các em cải thiện kết quả học tập.

Bên cạnh đó, 3 huấn luyện viên học tập sẽ có mặt để giám sát hành vi của học sinh và cung cấp hỗ trợ. Họ cũng sẽ dạy các môn học mà AI gặp khó khăn, như Nghệ thuật và Giáo dục giới tính.

AI sẽ tìm ra khuyết điểm của từng học sinh và giúp các em cải thiện kết quả học tập.

Tuy nhiên, ý tưởng giao phó giáo dục trẻ em cho AI đang gây tranh cãi. Ông Chris McGovern, một hiệu trưởng đã nghỉ hưu, từng là cố vấn cho nhóm quyết sách trong Chính phủ Anh, ghi nhận vai trò của AI trong lớp học, nhưng để nó thay thế giáo viên là điều đi quá xa.

David Game College phủ nhận việc dùng AI rẻ hơn so với việc giảng dạy truyền thống. Thậm chí, trường phải thuê thêm nhân viên để điều hành khóa học.

Chính phủ Anh đã công bố một dự án mới giúp giáo viên sử dụng AI trong giảng dạy.

Thực tế, AI đã được sử dụng trong các lớp học trên khắp nước Anh. Chúng giúp đưa các môn học vào cuộc sống hay hỗ trợ lập kế hoạch giảng dạy.

Mới đây, Chính phủ Anh đã công bố một dự án mới giúp giáo viên sử dụng AI trong giảng dạy, cụ thể là việc chấm bài tập về nhà và lập kế hoạch giảng dạy cho các lớp học. Đây là dự án đầu tiên sử dụng dữ liệu của Chính phủ Anh để đào tạo AI trong lĩnh vực giáo dục với mức đầu tư lên tới 4 triệu Bảng. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ cung cấp cho các công ty AI tài liệu hướng dẫn về chương trình giảng dạy, giáo án và các tiêu chuẩn đánh giá học sinh, để các công ty này nâng cấp công nghệ, từ đó soạn ra các giáo án, bài tập có nội dung chính xác và chất lượng cao.

Một viễn cảnh AI đồng hành cùng các thầy cô, các nhà giáo dục trên giảng đường không còn là điều phi lý, thậm chí tại một số quốc gia đây còn là giải pháp tình thế khá hiệu quả khi số lượng giáo viên không đủ đáp ứng. Mặc dù vậy, trí tuệ nhân tạo không phải lúc nào cũng tạo nên mặt tích cực trong mắt các chuyên gia giáo dục. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng lạm dụng công nghệ sai cách có thể gây ra những hệ quả phản giáo dục.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi ong của Tunisia. Nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài đang đe dọa quần thể ong và sản lượng mật ong của nước này.

Phạm Trường Sơn là tiến sĩ hóa dược Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Hungary công nhận. Sinh năm 1980, anh nổi tiếng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.

Hãng công nghệ SpaceX (Mỹ) vừa phóng thành công tên lửa Falcon 9 từ Trung tâm Không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Tên lửa mang theo sứ mệnh Galileo L13 của Ủy ban châu Âu lên không gian.

Ngày 18/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hàn - Trung, Kim Tae-nyeon tại thủ đô Bắc Kinh.

Nhà sản xuất thiết bị vô tuyến của Nhật Bản Icom ngày 19/9 cho biết, họ đang điều tra thông tin liên quan đến các bộ đàm mang logo của hãng này phát nổ ở Liban.

Chính quyền Nigeria đã cảnh báo về khả năng xảy ra lũ lụt ở 11 tiểu bang sau khi nước láng giềng Cameroon cho biết sẽ bắt đầu xả lũ theo quy định từ đập Lagdo.