Ai được, ai mất khi Ukraine 'khóa van' khí đốt Nga?

Từ ngày 1/1/2025, Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine. Một câu hỏi được đặt ra là việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine dừng lại, đâu sẽ là những bên được, bên mất?

Dòng chảy khí đốt từ Nga vào châu Âu bị “khóa van”

Theo giới chuyên gia, trong ngắn hạn, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động không lớn đối với thị trường năng lượng châu Âu, bởi hầu hết các nước EU đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế kể từ năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài, việc mất nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga có thể sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với một loạt các thách thức như suy thoái kinh tế, khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm, lạm phát gia tăng cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao ở nhiều nước EU.

Sau hơn 40 năm, dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức đã dừng chảy từ ngày 1/1/2025 sau khi Tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển được ký kết năm 2019 với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Trong thông báo được hãng thông tấn TASS đăng tải vào ngày 1/1, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nêu rõ, việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận đã buộc tập đoàn này phải dừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu từ 8 giờ sáng cùng ngày (theo giờ Moscow).

Theo Bộ Năng lượng Ukraine, nước này chấm dứt thỏa thuận trên vì lợi ích an ninh quốc gia.

“Chúng tôi đã dừng trung chuyển khí đốt Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường và sẽ phải chịu tổn thất tài chính”.

Ông German Galushchenko - Bộ trưởng Năng lượng Ukraine

Theo giới qaun sát, Ukraine đã từ chối gia hạn hợp đồng thương mại vận chuyển khí đốt với Nga vì muốn làm suy yếu khả năng của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời hạn chế việc Nga sử dụng năng lượng làm đòn bẩy ở châu Âu.

Tuy nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà còn tác động mạnh đến chính Ukraine. Theo tính toán của Reuters, Ukraine sẽ mất khoảng 800 triệu - 1 tỷ USD phí trung chuyển hàng năm, trong khi Gazprom dự kiến thất thu khoảng 5 tỷ USD doanh thu từ thị trường châu Âu.

Tuyến đường ống vận chuyển khí đốt qua Ukraine chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga sang châu Âu. Sau khi tuyến đường ống này bị đóng, Nga vẫn xuất khẩu khí đốt qua đường ống TurkStream dưới đáy Biển Đen. TurkStream có hai tuyến - một tuyến cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng Trung Âu bao gồm Hungary và Serbia.

Hôm 19/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Kiev có thể cân nhắc cho phép tiếp tục vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này nếu việc thanh toán được tạm hoãn cho tới khi giao tranh giữa hai nước kết thúc.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng không còn đủ thời gian để ký một thỏa thuận mới.

“Bây giờ, khi chúng ta đang nói chuyện, chúng ta không có hợp đồng. Không thể ký trong 3-4 ngày. Sẽ không có hợp đồng nào cả. Vì vậy, giá cả sẽ tăng. Nhưng chúng tôi không kích động điều này. Đó là chính sách của Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trước khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và châu Âu là thị trường quan trọng nhất của Moscow. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong khi các vụ tấn công chưa được làm rõ vào đường ống Dòng chảy phương Bắc đã làm giảm nguồn cung từ Nga.

Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, lượng nhiên liệu hóa thạch mà EU nhập khẩu từ Nga khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng vào cuối năm 2023, giảm so với mức 16 tỷ USD mỗi tháng vào đầu năm 2022.

Năm 2023, Nga chiếm 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, đứng sau Na Uy (30%) và Mỹ (19%), nhưng vẫn đứng trước các nước Bắc Phi (14%). Phần lớn lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu chảy qua các đường ống qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Những khách hàng chính bao gồm Áo, Slovakia và Hungary. Ngoài ra, các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và Hà Lan vẫn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga bằng tàu chở dầu.

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, bất chấp những nỗ lực của EU nhằm từ bỏ khí đốt Nga, Moscow vẫn xuất khẩu hơn 50 tỷ m³ khí đốt đường ống và LNG sang các nước châu Âu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2024, tăng 18 - 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Ai được - Ai mất?

Đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế kể từ năm 2022. Nỗ lực này của EU khiến Gazprom ghi nhận khoản lỗ lên tới 7 tỷ USD (6,73 tỷ euro) vào 2022, lần đầu tiên sau hơn 25 năm. Mặc dù vậy, một số quốc gia Đông Âu vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga và việc ngừng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine vẫn làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đặc biệt trong mùa đông khi nhu cầu năng lượng tăng cao. Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là: nếu việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine dừng lại, ai sẽ là bên được, bên mất?

Theo Sputnik, được hưởng lợi từ việc Nga ngừng trung chuyển khí đốt đến châu Âu qua Ukraine chính là các nhà sản xuất LNG của Mỹ. Việc Nga dừng cung cấp khí đốt sẽ làm tăng thị phần của Mỹ và giảm sự cạnh tranh trên thị trường EU. Vào tháng 12/2022, Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và các vụ tấn công phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga.

Trong khi đó, đối với Ukraine, bên cạnh việc mất gần 1 tỷ USD/năm phí trung chuyển khí đốt Nga, Kiev có khả năng phải trả nhiều tiền hơn cho LNG của Mỹ đi qua trạm LNG Revithoussa so với khí đốt qua đường ống từ Nga.

Ngoài ra, một số quốc gia Đông Âu từ lâu đã phụ thuộc vào việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định. Dừng nhận khí đốt từ Nga đồng nghĩa các nước này sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn LNG nhập khẩu để bù đắp. Chi phí nhập khẩu cao hơn cùng với độ tin cậy thấp hơn của LNG so với khí đốt Nga sẽ càng làm gia tăng gánh nặng lên các ngành công nghiệp và người tiêu dùng.

Giới quan sát thị trường không lo ngại các quốc gia châu Âu hết khí đốt, mà lưu ý việc cung cấp năng lượng sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Viện chính sách kinh tế Bruegel, Bỉ, cho biết giá các loại năng lượng ở EU đang cao hơn hầu hết các nền kinh tế công nghiệp khác, trung bình gấp gần 5 lần so với ở Mỹ.

“Tác động thực sự mà tôi thấy là sẽ tốn kém hơn để có được nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho các quốc gia như Slovakia, Áo và Cộng hòa Séc”.

Bà Natasha Fielding, Giám đốc định giá khí đốt châu Âu tại Argus Media

Hungary được cho là ít chịu ảnh hưởng từ động thái này do phần lớn khí đốt của nước này được cung cấp thông qua đường ống TurkStream. Trong khi đó, Áo nhận được phần lớn khí đốt từ Nga thông qua Ukraine, còn Slovakia nhận được khoảng 3 tỷ m³, tương đương khoảng ⅔ nhu cầu của nước này. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu khác ngoài EU nhận khí đốt của Nga qua Ukraine như Moldova cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn khi đường ống qua Ukraine dừng hoạt động. Theo hãng tin Reuters, Transnistria, một khu vực ly khai của Moldova, đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình sau khi thỏa thuận quá cảnh hết hạn.

Hệ luỵ đối với châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) cũng là một trong các bên chịu tổn thất khi việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine dừng lại. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, giá khí đốt tăng vọt, đôi khi gấp hơn 20 lần, đã buộc một số nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Mặc dù giá khí đốt đã giảm kể từ đó nhưng hiện vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng, khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trở nên kém cạnh tranh hơn. Trong bối cảnh ấy, việc Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tăng giá năng lượng và tác động của quyết định này đối với dư luận châu Âu liên quan đến việc ủng hộ Ukraine.

Một ngày sau khi hợp đồng vận chuyển lâu dài giữa Nga và Ukraine hết hạn, giá khí đốt bán buôn đã tăng 4,3%, lên mức cao nhất trong hơn một năm. Việc dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức đã dừng chảy không chỉ có nguy cơ làm tăng chi phí ở các quốc gia châu Âu vốn phụ thuộc lâu dài vào khí đốt Nga mà còn gây ra hậu quả rộng hơn cho toàn bộ lục địa.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc đóng cửa đường ống này có thể đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu lên cao, dẫn đến chi phí sinh hoạt và chi phí sản xuất tăng cao, cuối cùng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu.

“Có những giải pháp thay thế, nhưng chúng có xu hướng đắt hơn một chút so với khí đốt qua đường ống của Nga. Tác động sẽ đặc biệt được cảm nhận ở Áo, Hungary và Slovakia, nơi giá khí đốt có khả năng tăng. Và điều này không chỉ tác động đến giá tiêu dùng, chi phí sinh hoạt, mà còn đến giá cả của các ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh của các ngành này”.

Ông Philipp Lausberg - Trung tâm chính sách châu Âu

Liên minh châu Âu đã hạ thấp tác động của việc mất nguồn cung cấp khí đốt của Nga đối với khối 27 thành viên này, cho biết họ làm việc trong hơn một năm để chuẩn bị cho kịch bản không có khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp tại lục địa này đang phải vật lộn để duy trì hoạt động, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.

Tại Ba Lan, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quốc gia này đã phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát trung bình lần lượt là 14,4% vào năm 2022 và và 11,4% vào năm 2023. Mặc dù con số này đã giảm xuống còn khoảng 5% vào năm 2024, nhưng giá cả tăng cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp và cư dân địa phương.

“Mọi thứ đang ngày càng khó khăn hơn. Nhiều tiệm bánh đã đóng cửa vì khó kiếm được tiền. Khí đốt tự nhiên và điện ngày càng đắt đỏ, chi phí ngày càng tăng. Do đó, biên lợi nhuận của chúng tôi, những nhà sản xuất, ngày càng thấp hơn”.

Ông Pitol - Chủ tiệm bánh ở Wroclaw, Ba Lan

Theo ông Jakub Rybacki, người đứng đầu nhóm kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Ba Lan, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, giá năng lượng của Ba Lan đã tăng trung bình khoảng 20%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người mới đây đã có chuyến thăm Nga với mong muốn tiếp tục mua khí đốt từ Nga, cho rằng quyết định ngừng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine không chỉ đẩy giá khí đốt tăng cao mà còn khiến Slovakia chịu chi phí thêm 177 triệu euro để sử dụng các tuyến thay thế. Không chỉ vậy, tổng thiệt hại cho EU do quyết định này có thể lên tới 120 tỷ euro trong giai đoạn 2025-2026.

“Chúng ta thấy ngày nay khi việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine bị dừng lại, điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến tất cả chúng ta trong Liên minh châu Âu, chứ không phải Liên bang Nga”.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc đình chỉ đường ống trung chuyển khí đốt của Ukraine được coi là “bất ổn chính” đối với châu Âu vào mùa đông năm nay, khi mùa đông dài và mùa sưởi ấm đang đến gần, một số quốc gia châu Âu sẽ gặp khó khăn với giá năng lượng tăng cao và sự bất mãn của công chúng. Hơn nữa, động thái quyết đoán của Ukraine nhằm “đóng cửa” với khí đốt Nga đã làm dấy lên sự bất mãn trong cộng đồng dân cư châu Âu, thúc đẩy lập trường chỉ trích nhiều hơn đối với việc ủng hộ Ukraine.

“Tôi cho rằng sẽ có những cuộc tranh luận xung quanh việc Ukraine không tiếp tục hợp đồng trung chuyển. Điều này có thể khiến một số cộng đồng dân cư chỉ trích hơn nữa việc ủng hộ Ukraine”.

Ông Philipp Lausberg - Trung tâm chính sách châu Âu

Một cuộc khảo sát do YouGov tiến hành vào tháng 12/2024 của tại Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch và Anh cho thấy, sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine cho đến khi nước này giành chiến thắng đã giảm mạnh ở cả 7 quốc gia Tây Âu trong 12 tháng qua. Thủ tướng Slovakia mới đây cũng cảnh báo các biện pháp đáp trả Ukraine, cho biết ông sẵn sàng ủng hộ quyết định ngừng cung cấp điện cho Ukraine và cắt giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine ở Slovakia.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trung Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm các bệnh hô hấp liên quan đến virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện dịch Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác.

Trung Quốc mới đây đã ra mắt chiếc ô tô điện vừa chạy vừa bay đầu tiên mang tên "Dongda Kunpeng-1" do nhóm nghiên cứu của Đại học Đông Nam phát triển.

Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas đã nối lại tại Qatar về việc thả các con tin bị bắt trong các vụ tấn công tháng 10/2023.

Cụ bà Tomiko Itooka người Nhật Bản, được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người sống lâu nhất thế giới, đã qua đời tại nước này, thọ 116 tuổi.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã phóng tám tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh biên giới Belgorod và tám tên lửa này trên đều đã bị bắn hạ.