Ai là kẻ chủ mưu vụ khủng bố đẫm máu ở Nga?

Cho đến nay, vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại trung tâm thương mại Crocus ở ngoại ô Moscow đã khiến gần 140 người thiệt mạng. Vụ tấn công được đánh giá là một trong những vụ khủng bố nguy hiểm nhất nhằm vào nước Nga trong nhiều thập kỷ. Trong khi các cơ quan chức năng Nga vẫn đang gấp rút điều tra vụ việc, những câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là ai đã gây ra vụ tấn công và động cơ là gì?

Những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ

Các nhà điều tra Nga đã bắt giữ ít nhất 11 nghi phạm, trong đó có 4 kẻ trực tiếp tham gia vụ xả súng. Theo Bộ Nội vụ Nga, cả 4 tay súng đều là người nước ngoài và có thông tin là người Tajikistan.

Một ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông Rahmon đã lên án những kẻ thực hiện vụ tấn công và tuyên bố những kẻ khủng bố không có quốc tịch, không có tôn giáo.

Cuối ngày 24/3, một tòa án ở Moscow đã triệu tập các nghi phạm để nghe các công tố viên yêu cầu giam giữ trước khi tiến hành xét xử đối với họ. Tại toà, các nghi phạm đã bị buộc tội khủng bố và sẽ bị kết án chung thân nếu bị kết tội. Ba trong số bốn nghi phạm đã nhận tội.

Nghi phạm tấn công buổi hòa nhạc ở Moscow Muhammadsobir Fayzov xuất hiện trước tòa.

Một trong những nghi phạm khai với nhân viên thực thi pháp luật rằng hắn đã phạm tội “vì tiền”. Đối tượng đã được hứa thưởng 500.000 rúp (5.418 USD) và một nửa số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của hắn trước vụ tấn công. Khi bị hỏi thêm về những gì đã làm tại Crocus City Hall, người đàn ông nói rằng hắn chỉ được giao nhiệm vụ giết người và việc giết ai không thành vấn đề.

Nghi phạm vụ tấn công buổi hòa nhạc ở Moscow Saidakrami Murodali Rachabalizoda xuất hiện trước tòa.

Không lâu sau khi vụ tấn công xảy ra, trên mạng xã hội, một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan, được gọi là ISIS-Khorasan hoặc ISIS-K đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm. Ngày 24/3, nhóm này đã công bố một đoạn video được chính máy quay gắn trên người một trong các tay súng ghi lại về vụ tấn công khủng bố phòng hòa nhạc Crocus City Hall. Theo Times Now, đoạn video dài 1,5 phút ghi cận cảnh các tay súng la hét và tấn công nạn nhân khi tiến vào sảnh tòa nhà Crocus City Hall.

Tuy vậy, theo các nhà điều tra Nga, sau khi bị bắt, không ai trong số các nghi phạm cam kết trung thành rõ ràng với bất kỳ nhóm cực đoan nào trong cuộc thẩm vấn được công khai. Vụ tấn công có phải do ISISS-K thực hiện hay không vẫn chưa được nhà chức trách Nga xác nhận.

Một số nhà phân tích cho rằng vụ tấn công này đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và chuyên nghiệp.

Một số nhà phân tích cho rằng vụ tấn công này đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và chuyên nghiệp. Về địa điểm, những kẻ khủng bố đã chọn phòng hòa nhạc ở ngoại ô Moscow để thực hiện vụ tấn công nhằm tránh các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn ở trung tâm thành phố và có cơ hội trốn thoát cao hơn. Về thời gian, chúng chọn thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Nga vừa kết thúc và một số biện pháp an ninh từng được áp dụng để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ đã được dỡ bỏ. Điều này có thể dẫn đến việc lơ là cảnh giác và những kẻ khủng bố đã lợi dụng thời điểm này để phát động cuộc tấn công.

Dường như có nhiều cá nhân liên quan ở đây. Chúng sử dụng súng, nhưng cũng có cả chất nổ hoặc ít nhất là chất gây cháy. Vậy nên, chúng có thể đã được huấn luyện. Chúng tấn công mục tiêu một cách phối hợp, có lẽ đã phải lên kế hoạch cho việc này ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng đây là một mục tiêu không được bảo vệ. Chúng không tấn công một căn cứ quân sự hay những người có thể bắn trả mà chọn một mục tiêu tương đối dễ dàng, và đã làm điều đó theo cách có vẻ có phối hợp.

Ông Dan Byman, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế

Ông Colin Clarke, nhà phân tích khủng bố của trung tâm Soufan, cũng cho biết có bằng chứng cho thấy 4 tay súng đều có kinh nghiệm và được đào tạo.

Một thông tin đáng chú ý là ngay sau thảm kịch xảy ra, khi phòng hoà nhạc Crocus City Hall vẫn còn bốc cháy, Mỹ đã cho biết họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự liên quan của Ukraine và người Ukraine trong vụ việc. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay lập tức đặt câu hỏi rằng dựa trên cơ sở nào mà giới chức Washington rút ra kết luận như vậy? Và nếu có bất kỳ dữ liệu cụ thể nào ở đó, hãy giao ngay cho Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những bình luận công khai đầu tiên về vụ tấn công khủng bố gây chấn động cả nước, gợi ý rằng Kiev có thể liên quan đến vụ tấn công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay: “Tất cả 4 kẻ thực hiện hành động khủng bố, tất cả những kẻ thực hiện hành động bắn chết người đều bị phát hiện và giam giữ. Chúng cố gắng lẩn trốn và đang di chuyển về phía Ukraine.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi ý rằng Kiev có thể liên quan đến vụ tấn công.

Về phần mình, ngay sau vụ tấn công, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định “Ukraine hoàn toàn không liên quan gì đến những sự kiện này” và rằng “Ukraine không bao giờ dùng đến các phương thức khủng bố vì tấn công khủng bố không giải quyết được gì.”

Hiện công tác điều tra về vụ tấn công vẫn đang được tiến hành khẩn trương và các nhà chức trách Nga hy vọng sẽ sớm có được câu trả lời cuối cùng dựa trên những chứng cứ xác thực.

Ông Gennady Stepanovich Bezdetko - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam chia sẻ: “Bây giờ các cơ quan hữu quan đang điều tra. Những tội phạm thì đã bị bắt rồi. Tôi chắc chắn trong tương lai gần, chúng tôi sẽ biết được sự thật.”

Bóng ma khủng bố đe doạ thế giới

Đến nay, Nga vẫn chưa phản hồi trước tuyên bố nhận trách nhiệm của ISIS-K và cũng chưa công bố thủ phạm đứng sau vụ tấn công khủng bố ở ngoại ô Moscow. Theo giới quan sát, cho dù cuối cùng ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu tại Nga, thì đây vẫn là lời nhắc nhở nước Nga nói riêng và cả thế giới nói chung rằng chủ nghĩa khủng bố vẫn luôn là mối đe doạ đối với an ninh toàn cầu và các nỗ lực chống khủng bố quốc tế vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Nhóm ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố gần đây vào phòng hòa nhạc ở Nga là một trong những tổ chức cực đoan quốc tế hoạt động tích cực nhất. Sự trỗi dậy của nhóm này được cho là có liên quan đến chiến lược địa chính trị của Mỹ và phương Tây. Sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào năm 2021, Washington đã thiết lập trọng tâm chiến lược mới vào cạnh tranh với các cường quốc. Việc Mỹ vội vàng rút quân khỏi Afghanistan đã tạo điều kiện cho ISIS-K nhanh chóng lợi dụng tình hình an ninh khu vực đầy biến động, tái chiếm không gian hoạt động và trở thành mối đe dọa an ninh lớn ở Nam Á, Trung Á và Nga.

Chủ nghĩa khủng bố vẫn luôn là mối đe doạ đối với an ninh toàn cầu.

Trong vụ tấn công nhằm vào Nga, việc các phần tử cực đoan tính toán rất kỹ lưỡng kế hoạch tấn công là minh chứng cho thấy hoạt động khủng bố quốc tế đã có một số thay đổi, khiến nỗ lực chống khủng bố quốc tế có thể bước vào một giai đoạn mới. Một ví dụ là các tổ chức cực đoan khu vực như ISIS-K đã bắt đầu vượt ra ngoài các khu vực hoạt động truyền thống của chúng và giờ đây đang cho thấy sự hiếu chiến và tham vọng thực hiện các cuộc tấn công xa hơn.

ISIS đã gia tăng các cuộc tấn công ở Iraq và Syria vào đầu năm nay và nguy cơ tấn công bắt nguồn từ Afghanistan đang gia tăng. Tôi đánh giá ISIS-K vẫn có khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài chỉ trong vòng sáu tháng mà không cần cảnh báo trước.

Tướng Michael Kurilla - Người đứng đầu Bộ tư lệnh trung tâm của Mỹ

Theo kết quả điều tra được phía Nga công bố, phương thức tấn công lần này của những kẻ khủng bố không hề tập trung vào các cuộc tấn công tự sát mà thay vào đó là sự chuyển hướng tuyển mộ thành viên thông qua mạng lưới tổ chức cực đoan, sử dụng tiền làm phương tiện thay vì chỉ dựa vào niềm tin cực đoan để thu hút “lính đánh thuê”. Những thay đổi này trong các cuộc tấn công khủng bố, được thực hiện với chi phí thấp để thu hút sự chú ý của quốc tế, đòi hỏi các cơ chế hợp tác chống khủng bố quốc tế đã được nhiều quốc gia thiết lập trước đây cần phải điều chỉnh về nhân sự, kinh phí và phương pháp đối phó, từ đó đặt ra những thách thức và áp lực lớn hơn cho các nỗ lực chống khủng bố quốc tế.

Khi đau thương hoá thành sức mạnh

Vụ tấn công khủng bố tại phòng hoà nhạc ở ngoại ô Moscow đã một lần nữa phủ bóng đen lên cuộc sống của người dân Nga. Nhưng đúng như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định trong thông điệp chia buồn gửi tới người dân rằng nước Nga luôn trở nên mạnh mẽ hơn khi trải qua những thử thách khó khăn nhất, người dân Nga vừa thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết qua cuộc bầu cử tổng thống thì nay, một lần nữa, sự thống nhất, gắn kết và sẻ chia lại nổi bật qua những việc làm cao đẹp.

Vụ tấn công khủng bố tại phòng hoà nhạc ở ngoại ô Moscow đã một lần nữa phủ bóng đen lên cuộc sống của người dân Nga.

Tính cách Nga không chỉ được thể hiện qua việc làm của các nhân viên cứu hỏa, lực lượng tình trạng khẩn cấp, bác sỹ, hay nhân viên Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, liên tục nỗ lực để nhanh chóng khắc phục thảm họa này. Ngay trong đêm 22/3, tất cả những người bị kẹt trong tòa nhà khi thoát ra ngoài đã được đưa bằng taxi miễn phí về nhà. Hàng loạt các ngân hàng Nga đã tuyên bố sẵn sàng xóa toàn bộ các khoản nợ cho những người thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công khủng bố.

Và ngay từ sáng sớm 23/3, dòng người xếp hàng hiến máu tại các cơ sở y tế ở Thủ đô Moscow đã kéo dài hàng trăm mét, thậm chí có nơi dài tới 1km. Bất chấp trời mưa rét, dòng người đến để hiến máu cứ dài thêm. Những người xếp hàng chờ đợi cho biết họ đi hiến máu một cách tự nguyện, vì muốn thể hiện sự ủng hộ, đoàn kết sau vụ tấn công khủng bố thương tâm.

Người dân Nga xếp hàng hiến máu tại các cơ sở y tế ở Thủ đô Moscow.

Ngày 24/3, khi nước Nga đã tổ chức quốc tang, tưởng nhớ gần 140 người đã vĩnh viễn ra đi sau trong vụ tấn công khủng bố man rợ ở Moscow, rất nhiều hoa, nến và thú bông đã được đặt tại khu vực nhà hát Crocus City Hall để tưởng nhớ những người đã mất và thể hiện tinh thần Nga bất diệt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 24/3, nước Nga đã tổ chức quốc tang, tưởng nhớ gần 140 người đã vĩnh viễn ra đi sau trong vụ tấn công khủng bố man rợ ở Moscow.

Để đối phó với các mối đe doạ khủng bố, năm 1998, Nga đã lần đầu tiên thông qua Luật chống khủng bố, sau đó là hàng loạt dự luật nhằm nâng cao hiệu quả chống khủng bố. Năm 2006, Nga lập Uỷ ban Quốc gia chống khủng bố vào tháng 10 năm 2009, Tổng thống Putin phê chuẩn định hướng cơ bản đấu tranh chống khủng bố được triển khai cho đến nay. Nga cũng có hợp tác rộng rãi với các quốc gia trên thế giới để chống khủng bố. Dự kiến sau vụ tấn công mới nhất này, Nga sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn thảm hoạ tái diễn.

Lịch sử đã chứng minh, dù cho phải trải qua những nỗi đau đến tận cùng, nhưng người Nga vẫn không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết, tất cả thủ phạm, những đối tượng tổ chức và tài trợ cho vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall sẽ bị trừng trị thích đáng. Hiện nhiều quan chức Nga đã kêu gọi tái áp dụng án tử hình, sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Vụ tấn công tại Nga cũng là cơ hội hiếm hoi để các đối tác lẫn đối thủ địa chính trị của Nga cùng thể hiện tiếng nói chung trước một thách thức của thời đại. Bởi dù sao, chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là nhằm vào người dân vô tội, đáng bị lên án trên toàn thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.