Ấn Độ cùng tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
Ấn Độ trên đà trở thành siêu cường kinh tế
Ấn Độ đang trên đà trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI, là sự lựa chọn của các nhà đầu tư lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ có thể sẽ đạt mức 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, qua đó vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, sớm hơn một năm so với các dự báo trước đó.
IMF còn cho rằng, Ấn Độ có thể tiếp tục vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Theo các chuyên gia, mức tăng trưởng thần tốc của Ấn Độ là nhờ lực đẩy của tiêu dùng, đầu tư đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước và xuất khẩu.
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng 55% trong giai đoạn năm 2014 - 2023, ghi nhận mức tăng trưởng GDP nhanh nhất so với các nền kinh tế lớn khác. Thành tích này đã giúp quốc gia Nam Á tăng hạng từ vị trí thứ 9 lên thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới vào năm 2022.
Trong năm tài chính 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã chạm mốc 3,75 nghìn tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng New Delhi hoàn toàn có thể hướng tới đạt mốc 5 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2026 nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7% trong những năm tới.
Ấn Độ đã mất 67 năm để GDP đạt mốc nghìn tỷ đầu tiên, 8 năm để đạt được nghìn tỷ thứ hai, và đạt thêm nghìn tỷ thứ ba chỉ trong 5 năm qua. 2/3 GDP của Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và hiện cầu đang vượt quá cung.
Ông Deepak Bagla, Giám đốc quản lý, điều hành Cục xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Ấn Độ.
Tăng trưởng của Ấn Độ phản ánh khả năng phục hồi và tiềm năng của nước này khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang phải vật lộn để ứng phó với tình trạng suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch và rủi ro địa chính trị.
Theo giới phân tích, các chính sách và cải cách cơ cấu hiệu quả là yếu tố giúp kinh tế Ấn Độ “lội ngược dòng” ngoạn mục.
Trước tiên phải kể đến một loạt sáng kiến mà Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đưa ra nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp non trẻ của quốc gia và tạo ra nhiều việc làm bền vững. Sáng kiến “Make in India”, hay còn là "Sản xuất tại Ấn Độ", được công bố vào tháng 9/2014, như một phần của loạt hành động xây dựng quốc gia để biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất.
Tỷ trọng GDP sản xuất kể từ đó đã tăng từ 15% lên 25%. Tiếp đó, sáng kiến “Digital India”, còn gọi là "Ấn Độ số", ra mắt vào tháng 7/2015, là một chương trình hàng đầu với tầm nhìn biến Ấn Độ thành một xã hội kỹ thuật số và là nền kinh tế tri thức.
Sáng kiến “Skill India”, tạm dịch là "Kỹ năng Ấn Độ" triển khai vào tháng 7/2015, nhằm mục đích nâng cao trình độ, kỹ năng và tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.
Từ chất bán dẫn đến sản xuất điện tử, từ hydro xanh đến xe điện, cùng với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ sẽ viết nên một chương mới cho sự phát triển của thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Để kiểm soát hiệu quả chi phí sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, New Delhi đã thông qua "Khuôn khổ Lạm phát linh hoạt" vào tháng 2/2015, ủy quyền cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ giám sát, với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong phạm vi từ 2 - 6%. Nhờ triển khai khuôn khổ này, dù lạm phát tại Ấn Độ trong thời kỳ hậu Covid-19 tăng vọt lên 7,79% vào tháng 4/2022, nhưng sau đó đã quay trở lại mức 4,25% hồi tháng 5 vừa qua.
Nhằm hạn chế giao dịch đen và tiền giả trong lưu thông, tháng 11/2022, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã cho ra mắt tiền kỹ thuật số, nhằm giảm chi phí và cải thiện việc quản lý tiền tệ. Cuối cùng là nhiều quy định mới để kiểm soát các lĩnh vực nóng của nền kinh tế, chẳng hạn như đạo luật Phát triển và Quản lý Bất động sản năm 2016 đã giúp quá trình mua nhà tại Ấn Độ trở nên minh bạch hơn.
Đạo luật Thuế Dịch vụ và Hàng hóa (GST) năm 2017 giúp tránh thất thoát cho nhà nước, bao gồm sự ra đời của hóa đơn điện tử, hệ thống phân tích dữ liệu và kiểm toán. Kết quả, nguồn thu này đã tăng từ 11,7 nghìn tỷ rupee trong giai đoạn 2018 - 2019 lên 18,10 nghìn tỷ rupee vào năm 2022 - 2023.
Thị trường chứng khoán ở Ấn Độ cũng là một trong những thị trường chứng khoán lớn và phát triển nhất thế giới với quy mô hàng trăm công ty niêm yết và hàng ngàn công ty đang giao dịch cổ phiếu.
Giá trị của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Ấn Độ đã vượt 4.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Hồi tháng 1/2024, sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ đã vượt qua cả sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 6 thế giới.
Xu hướng tìm việc làm trong các cơ quan nhà nước
Bên cạnh những điểm sáng về tốc độ tăng trưởng, kinh tế Ấn Độ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về thị trường lao động.
Với độ tuổi trung bình là 29 tuổi, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, nhưng nước này vẫn chưa thể khai thác được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ của mình.
Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Ấn Độ tính tới đầu tháng 7 vừa qua ở mức 9,2%, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Tình trạng thiếu hụt việc làm nghiêm trọng đến mức khiến nhiều thanh niên và sinh viên Ấn Độ đổ xô đi thi tuyển công chức, với hy vọng có được một công việc trong các cơ quan nhà nước, bất chấp nền kinh tế nước này đang phát triển bùng nổ.
Hình ảnh chen chúc trong các lò luyện thi công chức đã trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên Ấn Độ. Đối với họ, một công việc trong các cơ quan nhà nước đồng nghĩa với sự an toàn ổn định, phúc lợi y tế, lương hưu và nhà ở, những thứ mà họ khó có được khi làm việc ở khu vực tư nhân.
Anh Sunil Kumar, 30 tuổi đã dành suốt 9 năm để theo đuổi một công việc trong Chính phủ Ấn Độ. Chen chúc cùng rất nhiều học sinh lớn tuổi khác trong những lớp học tạm bợ dưới mái tôn, hầu như không có đủ ánh sáng và không khí ngột ngạt, anh Kumar đã mất rất nhiều năm làm nhiều bài kiểm tra khác nhau, bao gồm cả kỳ thi công chức cần thiết để có được một công việc trong chính phủ liên bang.
Anh Kumar cũng đã thử sức cho một vị trí công vụ cấp tỉnh và hai cuộc thi khác cho các công việc nhà nước cấp thấp hơn. Trong 9 năm qua, anh Kumar đã thất bại 13 lần. Là cư dân của bang Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ, anh Kumar chia sẻ rằng anh sẽ tiếp tục cố gắng tìm được một công việc trong chính phủ cho đến năm 32 tuổi. Anh còn ba năm nữa để thực hiện mong muốn.
Theo số liệu của chính phủ, 220 triệu người đã nộp đơn xin việc vào các vị trí nhà nước trong giai đoạn 2014 - 2022, trong đó 722.000 người đã được tuyển dụng. Hiện vẫn có hàng chục triệu thanh niên Ấn Độ theo đuổi mơ ước làm việc trong khu vực nhà nước mỗi năm mặc dù nền kinh tế tư nhân đang rộng mở.
Xu hướng này phần nào phản ánh được những lo lắng về văn hóa và kinh tế mà nhiều người Ấn Độ đang phải đối mặt. Mặc dù Ấn Độ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng thị trường việc làm tại quốc gia này vẫn có nhiều biến động. Nhiều người dân vẫn rất khó khăn để có thể tìm được một công việc phù hợp, đảm bảo thu nhập và càng khó hơn để duy trì công việc đó ổn định.
Do dân số tăng nên số lượng đơn xin việc cũng tăng mạnh. Gần đây, đã có khoảng 5 triệu sinh viên xin ứng tuyển vào đơn vị cảnh sát tại bang Uttar Pradesh. Chỉ tiêu rất hạn chế, nhưng số lượng người mong muốn việc làm ở đây lại rất cao. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây.
Ông Maroof Ahmed, Quản lý Trung tâm luyện thi, thành phố Prayagraj, Ấn Độ.
Theo một số nhà quan sát, những khó khăn trong nỗ lực tìm việc làm của người dân là một trong những nguyên nhân khiến Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi không giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua.
Dữ liệu từ chính phủ công bố cho thấy kể từ tài khóa 2017 - 2018, mỗi năm có 20 triệu cơ hội việc làm mới tại Ấn Độ, nhưng các nhà kinh tế tư nhân cho biết phần lớn trong số này là từ hoạt động kinh doanh tự do và thuê mướn tạm thời thay vì các công việc chính thức với mức lương cố định.
Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura nhận định chính phủ có thể thúc đẩy tạo việc làm bằng cách đưa ra chương trình ưu đãi thuế cho các cơ sở sản xuất mới cũng như khuyến khích mua sắm địa phương trong các lĩnh vực như quốc phòng. Tuy nhiên, những biện pháp này sẽ mất thời gian để tạo nguồn việc làm mới.
Ấn Độ hỗ trợ giáo dục và thúc đẩy tạo việc làm
Để phát huy lợi thế đặc biệt về nhân khẩu học và góp phần phát triển kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tạo việc làm là nội dung trọng tâm trong kế hoạch ngân sách của năm tài khóa 2024 - 2025.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội khóa mới, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, New Delhi sẽ chi 24 tỷ USD cho các nỗ lực tạo việc làm cho 41 triệu thanh niên trong 5 năm tới và 15 tỷ USD cho các hoạt động giáo dục, phát triển kỹ năng.
Bà Nirmala bày tỏ hy vọng kế hoạch này sẽ không chỉ góp phần tận dụng nguồn lao động dồi dào của đất nước, mà còn thúc đẩy năng suất cao hơn, tăng thu nhập khả dụng và tiêu dùng cá nhân, từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng chung của nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã công bố một loạt sáng kiến khuyến khích việc làm nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, những người lần đầu tham gia lực lượng lao động sẽ được hỗ trợ một tháng lương, tối đa là 15.000 ruppee. Bà Sitharaman cho biết sáng kiến chuyển khoản trợ cấp trực tiếp này sẽ mang lại lợi ích cho 2,1 triệu thanh niên.
Ngoài ra, bà Sitharaman cũng thông báo kế hoạch thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Kế hoạch này được thiết kế để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng các nhân viên lần đầu làm việc, với nhiều ưu đãi.
Người sử dụng lao động có thể nhận khoản hoàn trả lên tới 3.000 rupppee mỗi tháng trong thời gian hai năm cho mỗi nhân viên mới được tuyển dụng. Mục tiêu bao trùm của chương trình này là thúc đẩy việc tuyển dụng thêm 5 triệu lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và triển vọng việc làm.
Trong ngân sách của năm tài khóa mới, chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc làm, kỹ năng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tầng lớp trung lưu. Tôi vui mừng thông báo gói 5 kế hoạch và sáng kiến của thủ tướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm, kỹ năng và các lĩnh vực khác nhằm tạo cơ hội cho các thanh niên.
Bà Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, một khoản ngân sách đáng kể khác, khoảng 14,8 triệu ruppee, sẽ được dành cho các sáng kiến kỹ năng, với mục tiêu đào tạo nghề cho 2 triệu thanh niên trong 5 năm tới.
Cùng với đó, 1.000 cơ sở đào tạo sẽ được tân trang, cải tạo hiện đại để trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp gia tăng, chính phủ cũng sẽ cung cấp cơ hội thực tập có lương trong 12 tháng cho 10 triệu thanh niên tại 500 công ty hàng đầu Ấn Độ trong thời gian 5 năm. Chi phí đào tạo sẽ do các công ty chịu.
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, ngân sách bao gồm các điều khoản để xây dựng nhà tập thể dành cho phụ nữ, phối hợp với các ban ngành liên quan thành lập nhà trẻ hỗ trợ phụ nữ theo đuổi công việc.
Để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, ngân sách phân bổ hơn 3 triệu ruppee cho các chương trình mang lại lợi ích cho phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích trao quyền kinh tế và xã hội nhiều hơn. Một cải cách đáng chú ý khác là Chính phủ Ấn Độ sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các khoản vay giáo dục đại học lên tới 100.000 ruppee cho sinh viên theo học ở các cơ sở giáo dục trong nước, và 10.000 ruppee cho sinh viên tham gia đào tạo từ xa.
Ấn Độ đang kiên trì giữ mối quan hệ hợp tác với hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới. Mỹ coi Ấn Độ là “đồng minh quan trọng nhất” trong thế kỷ tới. Việc Ấn Độ vẫn duy trì quan hệ với Nga và Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị phức tạp cũng giúp nền kinh tế nước này được hưởng lợi.
Vị thế đi sau của Ấn Độ giúp họ rút ra được nhiều bài học kinh tế trong một thế giới cạnh tranh gay gắt. Sự vươn lên của Ấn Độ là bài học ý nghĩa và quan trọng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn đang chững lại. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay cùng các chính sách khéo léo và hiệu quả, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới trong những thập kỷ tới.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
Người đứng đầu lực lượng phòng thủ hạt nhân của Nga Igor Kirillov và trợ lý của ông đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở phía đông nam Moscow vào sáng thứ Ba. Người phát ngôn của Ủy ban điều tra Nga Svetlana Petrenko cho biết: Vụ nổ là do một thiết bị nổ được giấu bên trong một chiếc xe máy điện.
0