APEC 2024: Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bao trùm

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Ứng phó với các thách thức 

Tuần lễ cấp cao APEC 2024, với các Hội nghị bên lề và các Hội nghị cấp cao toàn thể, đã tập trung trao đổi về việc thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bao trùm và thực hiện tầm nhìn và các kế hoạch hành động của APEC, dựa trên ba ưu tiên là thương mại và đầu tư, đổi mới sáng tạo và số hóa, tăng trưởng mạnh mẽ, an toàn, bền vững và toàn diện.

Theo Tổng thống Peru Dina Boluarte: “Ba ưu tiên cho năm 2024 là thiết yếu để hoàn thành các mục tiêu của APEC – thương mại toàn diện và kết nối, chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu và tăng trưởng bền vững cho sự phát triển bền vững”.

Tại Hội nghị, các lãnh đạo APEC đánh giá ảnh hưởng kinh tế nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện các cam kết kinh tế, bao gồm thuế nhập khẩu 10% lên toàn bộ hàng hóa, và áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ phải tính đến cách điều hướng các mối quan hệ mới dưới thời ông Donald Trump.

"Những gì mà tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất là những câu hỏi đang ảnh hưởng sâu sắc đến Mỹ và đó là điều mà công dân Mỹ đang lo lắng. Nhưng tất cả chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh và chúng tôi chắc chắn rằng khi chúng ta ngồi lại và nói chuyện với các đồng nghiệp người Mỹ, chúng ta sẽ tìm ra các phương tiện và giải pháp làm hài lòng cả hai quốc gia, như chúng ta đã làm vào năm 2017, khi ông Trump làm tổng thống".

Ông Elmer Schialer - Bộ trưởng Ngoại giao Peru

Diễn đàn APEC phải đối mặt với những thách thức trong việc hội nhập các nền kinh tế thành viên và đạt được thỏa thuận trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời đảm bảo rằng châu Á - Thái Bình Dương vẫn là nền kinh tế khu vực năng động và kết nối nhất thế giới.

Điều cấp bách và quan trọng nhất là cần đạt được sự đồng thuận về tầm quan trọng của việc duy trì các quy tắc và chức năng hoạt động của các tổ chức thương mại và hợp tác kinh tế đa phương hiện có, nhằm tạo ra một hệ thống thương mại đa phương có trật tự và hoạt động hiệu quả.

“Muốn đạt được sự tăng trưởng, chúng ta cần đảm bảo rằng 'cùng có lợi', không chỉ giữa hai quốc gia liên quan, hoặc nhiều quốc gia liên quan khi chúng ta đã ký các thỏa thuận thương mại lớn, mà còn tác động đến người dân. Sự bất ổn trong tất cả các nền kinh tế xảy ra khi người dân không thấy có các thể chế, tầm nhìn, hoặc thậm chí các thỏa thuận thương mại để hỗ trợ họ. Điều đó tạo ra sự bất ổn, khiến họ rút lại sự ủng hộ đối với thương mại”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Diễn đàn là cơ hội để các nền kinh tế đối thoại về các giải pháp cho những thách thức và xung đột hiện tại, cùng nhau thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và tăng cường trao đổi khoa học và công nghệ để thúc đẩy sự thịnh vượng của các nền kinh tế.

Trước những thách thức hiện nay, các thành viên APEC cần tìm ra một con đường độc lập hướng tới sự tiến bộ và thịnh vượng, mang đến hy vọng và các giải pháp thay thế khả thi cho các quốc gia đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển mà không ảnh hưởng đến quyền tự chủ.

Đổi mới và số hóa

Diễn đàn APEC đến nay đã mở rộng thành một nền tảng thúc đẩy trao đổi và hợp tác khoa học và công nghệ, chia sẻ quyền năng kỹ thuật số, bản sắc kỹ thuật số của doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đây cũng là một trong những chủ đề chính của diễn đàn APEC năm nay.

Nhóm công tác đổi mới kỹ thuật số (DITF) của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) đã công bố báo cáo về thúc đẩy kinh tế số, nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu.

Tình trạng kinh tế phi chính thức là một thách thức lâu dài ở nhiều nền kinh tế, chiếm 13,4% GDP chung của APEC, con số này ở Peru là 59 %. Tình trạng phi chính thức hạn chế tiềm năng kinh tế và kìm hãm các cơ hội tốt hơn cho hàng triệu người. Báo cáo của Nhóm công tác đổi mới kỹ thuật số cung cấp một cái nhìn mới về các giải pháp kỹ thuật số thiết thực đang có tác động tới kinh tế phi chính thức.

"Chúng tôi tập trung nhiều vào các vấn đề không biên giới và cần giải pháp. Vì vậy, nền kinh tế kỹ thuật số là một ví dụ thực sự tốt. Một trong những điều chúng tôi phát hiện ra trong năm nay là AI và blockchain đang được triển khai nhiều hơn, các trung tâm dữ liệu là một vấn đề lớn. Câu hỏi là làm thế nào để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu và làm thế nào để cung cấp năng lượng bền vững cho chúng?".

Bà Janet De Silva - Chủ tịch nhóm công tác đổi mới kỹ thuật số ABAC

Dự báo, trong thập kỷ tới, các nền tảng kỹ thuật số sẽ thúc đẩy 70% giá trị toàn cầu mới, tăng tiềm năng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nền kinh tế kỹ thuật số chính thức. Bằng cách giải quyết những thách thức của nền kinh tế phi chính thức thông qua các giải pháp kỹ thuật số, APEC có cơ hội mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trên toàn khu vực.

“12 tỷ euro trong thập kỷ tới để bảo vệ thông tin riêng tư trên khắp châu Âu. Đối với chúng tôi, các quy định và yêu cầu về bảo mật dữ liệu được thiết lập ở nhiều khu vực khác nhau là điểm khởi đầu tốt, là cơ sở, là nền tảng mà chúng tôi sẽ xây dựng để bảo vệ cộng đồng và phục vụ người dùng theo cách chúng tôi tiếp tục đổi mới, cung cấp các công cụ và tính năng trao quyền cho doanh nghiệp, hỗ trợ sự sáng tạo và đảm bảo trải nghiệm trực tuyến an toàn và thú vị cho mọi người”.

Ông Shou Zi Chew - CEO của Tiktok

Chủ đề của APEC 2024 được định hướng bởi Tầm nhìn APEC Putrajaya 2020, trong đó cam kết thúc đẩy đổi mới và số hóa, tạo ra một môi trường thuận lợi để tất cả người dân và doanh nghiệp trong APEC có thể tham gia và phát triển. Điều này không chỉ có nghĩa là áp dụng kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng mà con đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và toàn diện.

Peru kỳ vọng trở thành “Singapore” của Mỹ Latin

Đây là lần thứ 3 Peru đăng cai tổ chức diễn đàn APEC. Việc Peru đăng cai diễn đàn APEC mang đến cho đất nước này cơ hội lớn để đề xuất chương trình nghị sự làm việc thúc đẩy các lĩnh vực lợi ích quốc gia với sự ủng hộ của tất cả các thành viên, vì hiện nay khoảng hai phần ba hoạt động thương mại nước ngoài của quốc gia này được thực hiện với các thành viên. Trong nhiều năm qua, Peru cũng đã tận dụng lợi thế là thành viên APEC để tăng cường quan hệ song phương với các nền kinh tế châu Á, với kỳ vọng trở thành một “Singapore” của khu vực Mỹ Latin.

Peru muốn thông qua các cơ chế như các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư, các giao thức vệ sinh và kiểm dịch thực vật để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của nước này sang các thị trường khác. Nhiều thỏa thuận và nghị định thư này đã được hoàn thiện trong những năm Peru từng là chủ nhà APEC.

“Đất nước chúng tôi mở cửa với thế giới. Các khoản đầu tư của chúng tôi mở cửa với thế giới. Chúng tôi không chỉ nhận đầu tư từ một đối tác thương mại. Thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của chúng tôi hiện tại. Mỹ là đối tác thứ hai. Chúng tôi đã ký hiệp định thương mại tự do đầu tiên với Mỹ có hiệu lực vào năm 2009. Vì vậy, xuất khẩu và trao đổi hàng hóa của chúng tôi rất lớn và tích cực”.

Bà Ursula Desilu Leon Chempen - Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru

Peru đã hợp tác với Trung Quốc xây dựng siêu cảng biển Chancay ở gần Lima. Chính quyền địa phương dự đoán rằng siêu cảng này sẽ biến quốc gia Nam Mỹ này thành "Singapore của khu vực". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tham dự lễ khánh thành cảng Chancay trong dịp tham dự Diễn đàn kinh tế APEC tại Peru.

“Cảng Chancay đang trở thành điểm khởi đầu mới của con đường cổ Inca trong kỷ nguyên mới. Từ Chancay đến Thượng Hải, những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ là Sáng kiến Vành đai và Con đường đang bén rễ và phát triển mạnh mẽ ở Peru mà còn là sự ra đời của một hành lang đường biển - đất liền mới giữa châu Á và châu Mỹ Latinh và Caribe”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Siêu cảng Chancay nằm cách Lima 80 km về phía Bắc. Cảng này được coi là một trong những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Trung Quốc trong khu vực với khoản vốn đầu tư ban đầu là 1,3 tỷ đô la, do Công ty Vận tải biển Cosco của Trung Quốc xây dựng. Cảng này sau khi đi vào vận hành sẽ tiếp nhận các tàu chở hàng lớn nhất thế giới và giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ Peru đến Thượng Hải từ 35 ngày xuống còn 25 ngày, giúp cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu hiện đang phụ thuộc vào các tuyến đường qua kênh đào Panama hoặc Đại Tây Dương.

“Chúng tôi sẽ cạnh tranh với cảng Manzanillo (ở Mexico), trước hết là cảng Long Beach (ở California). Chúng tôi sẽ có các tuyến đường trực tiếp đến châu Á, đặc biệt là đến các cảng của Trung Quốc, thời gian sẽ giảm xuống còn 10, 15 và 20 ngày theo thời gian hiện tại, tùy thuộc vào tuyến đường. Nó cũng sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu trở thành Singapore của Mỹ Latinh, vì vậy hàng hóa của cảng sẽ đi qua Peru trên đường đến châu Á”.

Ông Raul Perez Reyes - Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Peru

Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Leon cho biết dự án cảng Chancay được kỳ vọng sẽ giúp Peru lập kỷ lục mới về du lịch nội địa vào năm tới.

Việc đăng cai hội nghị APEC sẽ giúp Peru thu hút hơn 15.000 khách du lịch quốc tế, hơn một nửa tổng lượng khách du lịch đến Peru vào năm 2024, sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và thúc đẩy ngành du lịch của đất nước một cách hiệu quả.

Bộ Ngoại thương và du lịch Peru cho biết lượng khách du lịch quốc tế từ các nước thành viên APEC sẽ vượt 1,8 triệu trong năm nay. Đến cuối năm, con số này sẽ chiếm 51,4% tổng lượng khách du lịch ở Peru.

Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại với APEC

Diễn đàn APEC lần này còn có một điểm thu hút sự chú ý khác là mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế thành viên APEC đang ngày càng được  thúc đẩy. Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế thành viên APEC chạm mốc cao kỷ lục, vượt 2,91 nghìn tỷ USD. Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa nước này với các nền kinh tế APEC trong năm 2024 chiếm 59,1% tổng thương mại Trung Quốc, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 0,5% tốc độ thương mại chung của Trung Quốc.

Hàng hóa trung gian dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các nền kinh tế APEC, tăng 8,4% lên 5,56 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm 2024. Linh kiện điện tử, phụ tùng ôtô và linh kiện máy tính ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý. Cùng với đó, hàng tiêu dùng, bao gồm hàng dệt may, trái cây cũng có mức tăng trưởng đáng kể.

Về nhập khẩu của Trung Quốc, hơn 80% hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế thành viên APEC vào nước này bao gồm hàng hóa trung gian như máy móc, sản phẩm năng lượng và quặng kim loại.

Các chuyên gia cho biết lợi thế chung của Trung Quốc trong sản xuất và cam kết phát triển chất lượng cao đang mang lại nhiều cơ hội phát triển về thương mại và kinh tế cho các nền kinh tế APEC, qua đó thúc đẩy hội nhập khu vực và thịnh vượng hơn.

“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang là tâm điểm của nền kinh tế thế giới và ngày càng trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế. Vì vậy, khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. APEC, với tư cách là tổ chức lớn nhất đại diện cho các thành viên từ khu vực này, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính liên tục của tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là thời điểm toàn cầu đang tồn tại nhiều thách thức”.

Ông Jayant Menon - Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas-Yusof Ishak

Lợi thế chính của APEC là tập hợp cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đóng vai trò là diễn đàn liên kết các nước, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và Nga.  Vì vậy, việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại với các nền kinh tế APEC có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, với xung đột địa chính trị ở nhiều nơi ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế APEC nói riêng, việc tổ chức các cuộc họp cấp cao của diễn đàn APEC tại Peru và đạt được các thỏa thuận cho thấy sự đồng thuận giữa các nền kinh tế thành viên, nhằm vượt qua các thách thức, hướng tới một tương lai tăng trưởng bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,9% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại so với quý trước đó.

Hàng trăm người dân Philippines đã phải sơ tán để tránh bão Man-Yi đang tiến về nước này.

Truyền thông Mỹ cho biết, tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ sớm công bố quyết định đề cử nhân sự vào các vị trí quản lý kinh tế then chốt trong nội các mới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề xuất thành lập một cơ chế trao đổi quốc tế để đưa ra các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy sự tích hợp giữa Trí tuệ Nhân tạo (AI) và các ngành sản xuất.

Nga đã thông báo với Áo rằng sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine vào hôm nay (16/11), báo hiệu việc cung cấp khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) sắp kết thúc.

Lãnh đạo vùng Valencia, Tây Ban Nha, hôm qua đã có bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại khu vực này, thừa nhận sai sót trong xử lý khủng hoảng lũ lụt. Thảm kịch xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại Valencia đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.