Bài học quản lý thương mại điện tử từ vụ việc Temu

Quản lý sàn thương mại điện tử và hoạt động kinh doanh online thế nào để vừa phát triển thương mại trong nước, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích của doanh nghiệp nội địa cũng như người tiêu dùng là những vấn đề cơ quan quản lý cần nhanh chóng tính đến.

Temu có thật sự chất lượng như quảng cáo?

Từ đầu tháng 10 đến nay, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có tên gọi Temu đã gây “cơn sốt” với nhiều người tiêu dùng Việt. Cách mà nền tảng này thâm nhập thị trường rất không đẹp khi chưa được cấp phép, hoạt động “chui” nhưng lại rầm rộ quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội theo kiểu lấn lướt, áp đảo các đối thủ. Nhiều người lập tức cài app, đặt hàng, mua sắm, nhưng ngay sau đó đã nhận thấy không ít bất cập và bắt đầu hoài nghi.

Anh Lê Anh Huy (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Thanh toán trên Temu bắt buộc bằng thẻ visa, app mới nên em không rõ chính sách bảo mật thông tin cho khách hàng như thế nào”.

Chị Vũ Đức Hạnh (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Một số hình ảnh mình thấy trên Temu khá là bắt chước thương hiệu lớn trong khi giá lại rất rẻ”.

Chị Ngọc Trâm (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) kể: “Mình đã thử nghiệm mua 5 sản phẩm từ app Temu và nhận được 3. Trong đó, có 1 sản phẩm giá hơn 70.000đ nhưng không dùng được, phải bỏ. App quảng cáo có chính sách đổi trả nhưng mình cũng ngại. Sau thử nghiệm này, mình sẽ chọn các sàn đang hoạt động trong nước để có vấn đề gì về hàng hóa xử lý dễ hơn”.

Luật sư Hà Công Tâm, Chủ tịch Công ty Luật Onkey & Partner, nhận định: “Một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký mà đã hoạt động, lôi kéo khách hàng, áp dụng các chính sách cạnh tranh không lành mạnh là vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Các sàn TMĐT có đang hoạt động chuẩn theo quy định?

Temu không phải là hiện tượng mới. Theo như thừa nhận của Bộ Công Thương thì gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ này. Mặc dù đã có những giải pháp về mặt pháp lý và kỹ thuật để hoàn toàn có thể ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp này, tuy nhiên phản ứng của các cơ quan quản lý được cho là khá thụ động và chậm chạp.

“Về mặt kỹ thuật chúng ta áp dụng công nghệ thì đó không phải là yếu tố khó khăn. Chúng ta có hoạt động liên quan đến kiểm soát app thương mại điện tử, kiểm soát đường link, website. Tất cả những ứng dụng đó đều hoạt động trên internet nên hoàn toàn có thể kiểm soát được. Vấn đề có làm hay không? Làm ở thời điểm nào? Chúng ta hành động bị chậm khiến họ tràn vào Việt Nam”, luật sư Hà Công Tâm nhận định.

Nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực về mua sắm trực tuyến, tại Việt Nam hiện có gần 400 sàn thương mại điện tử đăng ký hoạt động. Trong đó thị phần chủ yếu thuộc về 5 tên tuổi lớn là: Shopee, Lazada,Tiki, Sendo và Tiktok Shop với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công năm 2023, doanh số đạt khoảng 156.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 78% cùng kỳ. Chính sự phát triển quá nhanh của thương mại điện tử trong thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều bất cập như: Chất lượng nhiều mặt hàng người tiêu dùng nhận được không như hình ảnh và quảng cáo, thậm chí còn bán cả hàng giả, nhái nhãn mác. Câu chuyện một thương hiệu lớn có sản phẩm bị làm giả, nhái nhãn mác bán trên một số sàn thương mại điện tử tên tuổi là ví dụ cho thấy vấn đề quản lý chất lượng, tính hợp pháp của sản phẩm hiện còn khá lỏng lẻo.

Mặt khác, những quy định ưu đãi thuế quan ban hành cách đây hàng chục năm không còn phù hợp đã dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng giữa sản phẩm rao bán trên nền tảng thương mại điện tử với sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Chưa kể đến ngân sách bị thất thu thuế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường KD và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, cho hay: “Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như thế nào đang là lỗ hổng lớn. Yếu tố thứ hai là thu thuế, theo quyết định của Thủ tướng từ năm 2010 các mặt hàng có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đang được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT làm tổn hại đến doanh nghiệp trong nước”.

Ứng phó như thế nào

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu, không thể vì khó quản mà cấm, nên điều quan trọng lúc này là cần tiếp tục phát huy các giải pháp đã mang lại hiệu quả, đồng thời có những biện pháp quản lý mới, mạnh tay hơn.

Một đột phá trong quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thời gian gần đây đã bước đầu thành công là định danh người bán trên sàn và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, thu được số thuế lớn (đơn cử chỉ riêng Hà Nội từ đầu năm đến nay đã thu được 33.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử), điều mà trước đây chưa làm được.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Bằng các biện pháp quản lý, đã có 102 đơn vị xuyên biên giới đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… Mặt khác, các hoạt động quản lý thị trường trên không gian mạng cũng được tăng cường.

Bà Phạm Thị Minh Phương, Phó phòng Nghiệp vụ 3, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang làm việc rất gắt gao với các sàn, yêu cầu cung cấp thông tin liên quan. Khi phát hiện các sai phạm tổ chức kiểm tra ngay. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tìm địa chỉ kho hàng, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép”.

Trước áp lực từ dư luận, một ngày sau khi Cục Quản lý thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương công bố nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu là bất hợp pháp, đại diện sàn mới nộp đơn đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ có giải pháp chặn nền tảng này.

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm tra ngay việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu và nhấn mạnh Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

Chính phủ và các bộ ngành đã có những động thái, tuy nhiên sự xuất hiện và thâm nhập của Temu cũng cho thấy các chính sách quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đơn cử như Quyết định 78/2010 – TTg về việc miễn thuế cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu qua hình thức chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng. Sau 14 năm ban hành, quy định này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi trong khi mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua 4-5 triệu đơn hàng mỗi ngày, tương đương giá trị khoảng 800 tỷ đồng, thì đã gây ra cạnh tranh bất bình đẳng, là đòn chí mạng với doanh nghiệp trong nước đang phải tuân thủ rất nhiều quy định trong hoạt động và đóng góp cho ngân sách, an sinh.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 29/10 vừa qua, phát biểu giải trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội  khóa XV, Phó Thủ tướng chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết: Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định 78/2010. Theo đó, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi trình Quốc hội kỳ này có đưa đề xuất đánh thuế hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ vào quy định luật, nhằm tránh việc sàn thương mại lợi dụng chính sách ưu đãi của Việt Nam để xé lẻ hàng hóa né thuế, ồ ạt đưa hàng giá rẻ lũng đoạn thị trường trong nước.

Người tiêu dùng có thêm lựa chọn mỗi khi 1 nền tảng mới gia nhập, song vấn đề đáng quan tâm ở đây là cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá xem sự tham gia của sàn có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp  xử lý như thế nào, tránh tình trạng không quản được thì cấm.

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, phù hợp với một nền kinh tế rất mở như Việt Nam với gần 20 Hiệp định thương mại tự do FTA đã kí kết. Các giải pháp điều chỉnh, bổ sung  phải theo hướng vừa hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước trụ vững, phát triển và có môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dù cả nước đã có hàng triệu sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều, vì thế xuất khẩu phải tính đến bài toán nâng cao giá trị của sản phẩm đó.

Giá vàng thế giới giảm mạnh, trượt ngưỡng 2.700 USD/ounce sau khi ông Donald Trump tuyên bố tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Tính đến cuối tháng 10, thị trường chứng khoán ghi nhận gần 157.000 tài khoản mở mới trong một tháng, góp phần đưa tổng lượng tài khoản trong thị trường lên 9 triệu - con số chưa từng có trong lịch sử, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa công bố sẽ chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 50,35%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận hơn 4.000 đồng.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước và 2,89% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

VN-Index mở đầu phiên chiều 6/11 với tâm lý lạc quan tiếp tục chiếm ưu thế, khi lực mua dần gia tăng về cuối phiên giúp cho chỉ số bật tăng và đóng cửa trong sắc xanh tích cực.