Bạo lực gia tăng, Haiti đối mặt tương lai đầy bất ổn

Người dân Haiti hoang mang trong bối cảnh bạo lực băng nhóm tiếp diễn và chưa có giải pháp cụ thể để ổn định đất nước. Băng nhóm có vũ trang tiếp tục kiểm soát sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng khiến trật tự xã hội trên bờ vực sụp đổ.

Thủ tướng Haiti từ chức

Thủ tướng Haiti Henry cho biết trong một bài phát biểu vào cuối ngày 12 tháng 3 rằng chính phủ của ông sẽ rời bỏ quyền lực sau khi thành lập một hội đồng chuyển tiếp.

Chính phủ của tôi sẽ rời đi ngay sau lễ nhậm chức của hội đồng. Chúng tôi sẽ là một chính phủ tạm quyền cho đến khi họ bổ nhiệm thủ tướng và nội các mới. Haiti cần hòa bình. Haiti cần sự ổn định.

Ông Ariel Henry, Thủ tướng Haiti.

Cố vấn của Thủ tướng Henry, ông Jean Junior Joseph trước đó đã xác nhận việc thủ tướng từ chức và nhấn mạnh ông Henry sẽ giữ vai trò của mình cho đến khi thành lập chính phủ lâm thời mới.

Cộng đồng Caribe và thị trường chung CARICOM hôm 12/3 đã đồng ý thành lập một hội đồng chuyển tiếp để đặt nền móng cho các cuộc bầu cử ở Haiti sau cuộc họp của khối khu vực ở Jamaica.

Người dân Haiti hoang mang trong bối cảnh bạo lực băng nhóm tiếp diễn và chưa có giải pháp ổn định đất nước. Điều kiện an ninh tại Haiti rất đáng lo ngại khi băng nhóm có vũ trang tiếp tục kiểm soát sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng. Một số người hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Henry, nhưng vấn đề được dư luận quan tâm nhiều hơn là củng cố lực lượng cảnh sát và lập lại trật tự.

Cảnh sát Haiti được triển khai bảo đảm an ninh khi người biểu tình phản đối Thủ tướng Ariel Henry gây bạo loạn tại Thủ đô Port-au-Prince, ngày 7-2-2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ghi nhận thông báo từ chức của Thủ tướng Haiti và kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm hướng tới các thỏa thuận cho phép khôi phục các thể chế dân chủ của quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này.

Theo kế hoạch, hội đồng chuyển tiếp đại diện cho nhiều thành phần khác nhau của xã hội Haiti sẽ chịu trách nhiệm bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và thành lập một hội đồng bầu cử lâm thời. Thời gian biểu cho việc thành lập hội đồng và các cuộc bầu cử tiếp theo phụ thuộc vào việc tái lập an ninh trong nước.

Ông Ariel Henry, sinh ngày 6 tháng 11 năm 1949, là một bác sĩ giải phẫu thần kinh từng được đào tạo và làm việc ở Montpelier, miền Nam nước Pháp. Đầu những năm 2000, ông tham gia chính trường Haiti. Từ năm 2015, ông được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau đó là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội và lao động, nhưng phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức sau khi rời khỏi đảng Inite. Thời gian sau đó, ông gần như biến mất khỏi chính trường, chỉ làm việc tại trường Đại học Y của Haiti cho đến khi được bổ nhiệm làm thủ tướng ngay khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát năm 2021. Tuy nhiên, các băng nhóm tranh giành quyền lực chính trị và người dân Haiti gây áp lực đòi ông Henry phải từ chức bởi ông trở thành thủ tướng không qua bầu cử. Cuộc bầu cử lẽ ra phải được tổ chức năm ngoái, khi ông hết nhiệm kỳ, nhưng ông Henry nói  rằng tình trạng bất an của đất nước sẽ ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu. Quyết định của ông khiến những người biểu tình thêm phẫn nộ .

Bạo lực bùng phát dữ dội tại Haiti  

Cuộc bạo loạn bùng phát từ ngày 29/2, khi ông Henry đang ở thăm Kenya để kêu gọi nước này triển khai một phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti.

Chính phủ Haiti đã phải  tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi các nhóm vũ trang tấn công nhà tù lớn nhất đất nước ở thủ đô Port-au-Prince, khiến khoảng 4.000 tù nhân trốn thoát. Trong số này có những thủ lĩnh băng đảng nổi tiếng và những kẻ bị buộc tội ám sát Tổng thống tiền nhiệm Jovenel Moïse. Ngay sau đó, Chính phủ Haiti đã thiết lập lệnh giới nghiêm kéo dài 72 giờ và ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, các băng nhóm tiếp tục tấn công học viện cảnh sát ở thủ đô. Trong vài ngày qua, hơn 300.000 người ở thủ đô phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực băng đảng.

Làn sóng bạo lực nhắm vào các đồn cảnh sát, sân bay quốc tế và nhà tù quốc gia Haiti, là điều chưa từng có trong những năm gần đây.

Hiện nay, việc tiếp cận thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nước và các cơ sở vệ sinh cũng như hỗ trợ tâm lý là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất đối với người dân ở Port-au-Prince. Người đứng đầu tổ chức nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để giúp đỡ Haiti.

Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng và dứt khoát để ngăn chặn Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Kể từ đầu năm, con số đáng kinh ngạc là 1.193 người đã thiệt mạng và 692 người khác bị thương do bạo lực băng đảng tại Haiti.

Ông Volker Turk - Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stéphane Dujarric cảnh báo nếu bạo lực tiếp diễn ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti thì khoảng 3.000 phụ nữ mang thai sẽ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

Thủ lĩnh băng đảng muốn lật đổ chính phủ Haiti

Jimmy Chérizier, một cựu cảnh sát, là một trong những thủ lĩnh băng đảng khét tiếng tại Haiti. Hắn đã kêu gọi các nhóm vũ trang phối hợp tấn công lật đổ Thủ tướng Henry, gây ra những vụ bạo loạn vừa qua ở thủ đô Port- au –prince. Cherizier cầm đầu liên minh gồm 9 băng đảng và phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc và Mỹ.

Jimmy Chérizier (46 tuổi), có biệt danh là “Thịt nướng”, trước đây là sĩ quan của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Haiti. Mới đây, hắn đã lên tiếng cảnh báo: “Nếu Thủ tướng Ariel Henry không từ chức, nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ ông ấy, đất nước chúng ta sẽ hướng thẳng đến một cuộc nội chiến dẫn tới diệt chủng”.

Trùm băng đảng Jimmy Chérizier đang đe dọa lật đổ chính quyền Haiti (Ảnh: Guardian)

Từng là một sĩ quan cảnh sát, Cherizier bị Liên hợp quốc cáo buộc đã đóng vai trò trong nhiều vụ thảm sát, bao gồm cả vụ sát hại hơn 70 người vào năm 2018, khi hơn 400 ngôi nhà ở khu La Saline tại thủ đô bị đốt cháy. Cherizier, người gốc vùng Delmas của Port-au-Prince, tiếp tục tuyên bố thành lập một liên minh gồm 9 băng nhóm được gọi là “Gia đình và Đồng minh G9” vào năm 2020 ở khu vực thủ đô. Quyền lực trong tay Cherizier và G9 lớn tới mức chưa từng có tiền lệ.

Năm 2021, sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, Thủ tướng Ariel Henry khi lên nắm quyền bắt đầu vận động sự ủng hộ của quốc tế cho sứ mệnh "nhanh chóng" do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm giúp đánh bại các băng đảng đang có ảnh hưởng ngày càng lớn ở thủ đô. Khi đó, ở Port-au-Prince, các băng nhóm tiếp tục liên kết với nhóm G9 của Cherisier và một liên minh khác được gọi là G-Pep, mà theo các nhà phân tích tội phạm có tổ chức thì các liên minh này có liên kết ngầm với các đảng đối lập ở Haiti. Những đảng nào tranh thủ được sự ủng hộ của các băng đảng sẽ có quyền lực lớn.

Các nhóm nghiên cứu tội phạm cảnh báo rằng các băng đảng ở Haiti ngày càng độc lập về mặt kinh tế, cho phép chúng tích lũy kho vũ khí lớn được buôn bán chủ yếu từ Mỹ, đồng thời vận hành cơ sở hạ tầng như trường học, phòng khám và trạm kiểm soát.

Cherizier là một trong năm thủ lĩnh băng đảng phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và Mỹ. Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt này vẫn chưa rõ ràng. Các băng đảng hiện kiểm soát phần lớn thủ đô.

Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ Haiti

Thủ đô của Haiti ngày càng lún sâu vào bạo lực băng đảng khiến một số quốc gia như Mỹ, Đức và EU phải sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Port-au Prince.  Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi tài trợ cho lực lượng an ninh đa quốc gia hỗ trợ Haiti.

Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu Chính phủ Haiti và tất cả các bên liên quan lập tức triển khai các biện pháp thúc đẩy tiến trình chính trị hướng đến bầu cử. Ông Guterres cũng kêu gọi hành động quốc tế khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia đang rất cần thiết để giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Caribe này.

Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ Haiti.

CARICOM, một liên minh của các quốc gia Caribe, đã triệu tập các đặc phái viên từ Mỹ, Pháp, Canada và Liên  hợp quốc tới tham dự cuộc họp trong ngày 11/3 tại Jamaica để thảo luận về tình trạng bạo lực đang hoành hành tại Haiti. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD cho lực lượng an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm giúp Cảnh sát Haiti chống lại các băng nhóm và 33 triệu USD viện trợ nhân đạo, nâng mức đóng góp đề xuất của Mỹ cho lực lượng này lên 300 triệu USD.

Jamaica tuyên bố “không cho phép” dòng người tị nạn ở Haiti tràn vào nước này. Cộng hòa Dominicana, quốc gia duy nhất có đường biên giới trên bộ với Haiti, đang lên kế hoạch sơ tán nhân viên các cơ quan đại diện và công dân. Tổng thống Cộng hoà Dominicana Luis Abinader bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng tại nước láng giềng Haiti gia tăng đến mức cực độ. Cuộc khủng hoảng ở Haiti không chỉ là thách thức nhân đạo, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đối với sự ổn định và an ninh của Cộng hoà Dominicana, quốc gia có đường biên giới chung trên đất liền dài 390 km với Haiti.

Trong bối cảnh bạo lực, khủng hoảng chính trị và nhiều năm hạn hán, khoảng 5,5 triệu người Haiti (tương đương 50% dân số nước này) cần hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài. Liên hợp quốc ước tính cần huy động khoảng 674 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này, nhưng đến nay mới chỉ huy động được 2,5% tổng số tiền.

Haiiti còn phải đối mặt với một tương lại đầy bất ổn với hàng loạt thách thức đặt ra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.

2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.