Bão Trà Mi đổ bộ khu vực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng

Sáng nay 27/10, tâm bão Trà Mi cách đất liền khoảng 70 km, gió mạnh đã giật đổ nhiều cây xanh ở Đà Nẵng, mưa to liên tục khiến TP Huế ngập sâu khoảng 0,5 m.

•  10h sáng ngày 27/10, tâm bão số 6 đi vào khu vực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Hoàn lưu bão gây mưa to và gió lớn trên đất liền

•  Thiệt hại ban đầu: Nhiều cây xanh gãy đổ ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhiều biển quảng cáo ngoài trời bị gió tốc.

•  Mưa lớn: Từ đêm qua đến sáng nay, lượng mưa trên 300 mm ở một số nơi.

•  Ngập lụt: Đô thị, khu vực ven biển Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế bị ngập diện rộng. Một số địa bàn tại Thừa Thiên Huế bị mất điện.

• 11:30: Mưa ngớt tại Đà Nắng, Thừa Thiên Huế ngập sâu tại nhiều khu vực

Tới trưa nay, mưa đã ngớt tại Đà Nẵng, người dân bắt đầu ra đường dọn dẹp sau bão. Trước đó người dân Đà Nẵng được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà từ 10h sáng nay để đảm bảo an toàn khi bão số 6 đổ bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, sáng nay Đà Nẵng đã có mưa to và gió lớn. Hàng loạt cây xanh bị gãy đổ và các công trình công cộng bị hư hại.

Trong khi đó tại Thừa Thiên Huế, Một số khu vực ven biển ở phường Thuận An (TP Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị nước biển xâm thực nghiêm trọng, gây ngập ở nhiều khu dân cư.

Gió giật cấp 8, cấp 9 khiến một số cây xanh tại TP. Huế ngã đổ.

Triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực dân cư ở sát phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An tại tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An nước ngập vào tới hiên nhà. Vùng thấp trũng và đường Kinh Dương Vương (Quốc lộ 49) nước đã dâng cao khoảng 0,2-0,3 mét, giao thông đi lại khó khăn. Một số phương tiện chết máy khi qua đoạn đường này.

Tại biển Thuận An (TP.Huế) sóng biển dâng lên ngập các quán kinh doanh. Ngập úng nhiều tuyến đường trong khu vực.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hiện nay, lũ trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế lên nhanh. Mực nước lúc 10h tại trạm Kim Long 2,06 m, trên báo động 2 là 0,06 m. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ sông Hương tiếp tục lên, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ sông vùng trũng thấp và khu đô thị.

• 11:15: Xuất hiện vết nứt dài trên đồi, Quảng Nam khẩn cấp di dời dân

Sáng 27-10, chính quyền xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam thông báo đã hoàn tất việc di dời toàn bộ 30 hộ dân với 163 nhân khẩu tại khu dân cư Nà Nổ đến nơi an toàn nhằm ứng phó với nguy cơ sạt lở.

Trước đó, trong quá trình kiểm tra tình hình sạt lở do bão Trà Mi, chính quyền xã phát hiện một vết nứt sâu 1 mét, dài 30 mét hình vòng cung trên đỉnh đồi ngay giữa khu dân cư Nà Nổ, với bán kính 10 mét. Khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở ước tính lên tới 100 m³.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền đã huy động lực lượng công an, xã đội, dân quân thường trực, cùng đoàn viên thanh niên và phụ nữ hỗ trợ, vận động bà con di dời đến khu vực Trường tiểu học Kpa - Kơ lơng.

Chính quyền huy động xe múc, nhân công múc mương chia nước trên đỉnh đồi để hãm nước chảy xuống taluy khu dân cư, tránh sạt lở.

Ngoài việc sắp xếp lương thực và thực phẩm thiết yếu, chính quyền xã còn nấu cơm cho bà con đang tạm trú tại điểm trường. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tổ chức múc mương chia nước trên đỉnh đồi nhằm hạn chế nước chảy xuống taluy khu dân cư, góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt lở.

• 11:05: Mưa lớn và gió giật mạnh, nhiều công trình công cộng bị hư hại

Tại thành phố Đà Nẵng, bão số 6 (bão Trà Mi) đã khiến mưa lớn và gió mạnh quật liên hồi. Đặc biệt, tại các khu vực như cầu vượt Hòa Cầm, đường Lê Đại Hành (quận Cẩm Lệ), cũng như các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa và Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), gió mạnh đã làm nhiều cây xanh gãy đổ. Sóng biển cao từ 2-3 mét đã tàn phá nhiều đoạn vỉa hè trên đường Như Nguyệt (quận Hải Châu).

Cây xanh gẫy đổ tại Đà Nẵng.

Khu vực vỉa hè ven sông Hàn cũng chịu thiệt hại nặng nề, với nhiều thiết bị bị hư hỏng, gạch lát vỉa hè bị sóng cuốn trôi ra đường, tạo nên các vùng ngập nước, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

Sóng đánh gây hư hỏng nhiều công trình công cộng ven sông Hàn - Đà Nẵng.

Hiện tại, lực lượng chức năng tại quận Hải Châu và Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng đã triển khai rào chắn và cấm tất cả các phương tiện di chuyển qua khu vực đường Như Nguyệt, đặc biệt là đoạn phía tây cầu Thuận Phước.

Xe ô tô lật ở trên cầu phía bắc hầm Hải Vân, gây ách tắt, hiện hàm đường bộ Hải Vân đã tạm đóng cửa.

• 11:05: Mưa lớn gây ngập lụt, Quảng Trị dự kiến sơ tán hàng nghìn hộ dân

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 6 từ sáng sớm 27/10 đến đêm 28/10 trên địa bàn tỉnh có có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ. 

Trong sáng 27/10, một số nơi trên địa bàn Quảng Trị có mưa rất to, tổng lượng mưa vượt 100mm như: Hải An (Hải Lăng) 159mm, Cửa Tùng (Vĩnh Linh) 153mm, La Tó (Đakrông) 113mm. Mưa lớn làm một số ngầm tràn, đập tràn bị ngập lụt như: Đakrông, Tà Rụt – A Ngo trên Quốc lộ 15D đoạn qua huyện Đakrông khiến giao thông chia cắt; đập tràn Đại Độ ở Khu phố 5, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; đập tràn Thái Lai, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cũng bị ngập.

Cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo và rào chắn các ngầm tràn, đập tràn bị ngập lụt và nghiêm cấm phương tiện, người đi qua để đảm bảo an toàn. Ngoài ra mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường ở vùng thấp trũng bị ngập cục bộ.

Nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị ngập sâu gây chia cắt.

Để ứng phó với mưa lớn, tỉnh dự kiến sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 gồm 9.012 hộ với 35.159 nhân khẩu; sơ tán dân tránh lũ quét gồm 2.393 hộ với 9.683 nhân khẩu tại 36 xã thuộc các huyện, thị: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà; sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất gồm 1.295 hộ với 5.924 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở; nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ kéo dài.

Tỉnh hiện còn khoảng 840 ha lúa rẫy, hơn 1.200 ha hoa màu, khoảng 2.268 ha nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch. Tỉnh chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

• 10:55: Khôi phục lại hoạt động bốn sân bay tại miền Trung từ chiều nay 

Cục Hàng không thông báo sẽ khôi phục hoạt động của bốn sân bay sớm hơn kế hoạch dự kiến, sau khi tiến hành đánh giá tình hình ảnh hưởng của bão Trà Mi vào lúc 10h sáng nay.

Cụ thể, trong ngày 27/10, Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) dự kiến mở cửa trở lại từ 13h; trong khi sân bay quốc tế Đà Nẵng và Phú Bài (Thừa Thiên Huế) sẽ hoạt động lại từ 16h. Sân bay Đồng Hới cũng sẽ được khôi phục hoạt động vào lúc 17h (theo giờ địa phương).

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm dừng hoạt động của bốn sân bay này đến 19h ngày 27/10 hoặc cho đến 10h sáng 28/10, nhằm đối phó với sự tác động của bão Trà Mi.

• 10:55: Sóng lớn, nước biển dâng tràn vào huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế 

Sóng lớn cùng nước biển dâng cao khoảng 0,5 m đã khiến nước tràn vào xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu vực này những ngày qua đã chịu tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khi đất liền bị biển xâm thực sâu hơn 50 m.

Trong khi đó dọc bãi biển Thuận An, nhiều nhà dân cũng đã bị ngập nước. Nhiều cây xanh tại khu vực Đại nội Huế cũng đã bị gãy đổ do mưa lớn và gió mạnh.

Sóng lớn cùng nước biển dâng cao khoảng 0,5 m đã khiến nước tràn vào xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

• 10:45: Hơn 300.000 người đã được cảnh báo di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm 

Báo cáo từ các lực lượng cho biết, đến thời điểm này đã có 67.212 phương tiện với 307.822 người được cảnh báo và di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, cho biết tỉnh đã huy động lực lượng công an, quân đội và biên phòng hỗ trợ người dân, đồng thời cấm người dân ra ngoài khi gió lớn và sơ tán 815 hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở.

Cây xanh trong khu vực kinh thành Huế gẫy đổ. Ảnh: TTXVN

Lực lượng quân đội đã huy động 275.000 người và hơn 6.000 phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu hộ và ứng phó với thiên tai. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp với các doanh nghiệp điện lực và viễn thông để duy trì liên lạc, đảm bảo an toàn cho người dân.

10:30: Sóng lớn tràn vào đất liền, Thừa Thiên Huế sơ tán người dân ven biển Thuận An 

Sáng 27/10, do ảnh hưởng của bão số 6, sóng lớn ập vào bãi biển Thuận An, TP Huế, gây ngập lụt các tuyến đường trong khu dân cư. Nước biển dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, buộc lực lượng chức năng phải đặt biển cấm đường, ngăn người dân di chuyển qua lại để đảm bảo an toàn. Gió lớn cũng làm hàng loạt cây xanh dọc bờ biển và trên nhiều tuyến đường ở TP Huế bị bật gốc, gãy đổ.

Thiếu tá Trần Công Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, cho biết mực nước biển tại khu vực triều cường đã dâng cao từ 2-3m, sóng mạnh khiến nhiều tuyến đường tại phường Thuận An ngập sâu 30-40cm. Riêng xã Hải Dương, những khu vực trũng thấp có nơi ngập tới 1m. Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương di dời khoảng 160 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu khỏi vùng ngập sâu để tránh nguy cơ lũ quét và sạt lở.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế, vào 9 giờ sáng nay, bão số 6 có vị trí ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc, 108,3 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 65 km về phía Đông Bắc. Bão duy trì sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 10-15 km/h.

Tại khu vực biển Thuận An, gió giật mạnh nhất đạt cấp 9, TP Huế gió cấp 8, huyện A Lưới và Nam Đông ghi nhận gió từ cấp 6 đến cấp 7. Lượng mưa đo được từ tối 26/10 đến sáng nay phổ biến 80-280mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa rất cao, như đỉnh Bạch Mã đạt hơn 442mm, vườn quốc gia Bạch Mã hơn 301mm và Thủy Thanh (TX Hương Thủy) vượt 327mm.

10:25: Mưa lớn tại Quảng Nam, nguy cơ sạt lở đất cao 

Theo báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, trong 24 giờ qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-70mm. Một số khu vực ghi nhận lượng mưa cao hơn như xã Tân Hiệp (TP. Hội An) 155mm, Điện Ngọc (TX. Điện Bàn) 95,4mm, Phước Thành (Phước Sơn) 109,6mm, và Trà Giáp (Bắc Trà My) 89mm.

Hiện tại, độ ẩm đất tại các huyện như Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước đã gần đạt ngưỡng bão hòa (trên 80%) hoặc đã bão hòa, làm tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Đường ĐH3 xã Trà Cang do nguy cơ sạt lở đất đá.

Dự báo trong 6 giờ tới, tỉnh sẽ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Nguy cơ lũ quét trên sông, suối nhỏ và sạt lở đất tại các huyện miền núi như Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang và Phước Sơn là rất cao. Trong giai đoạn từ 27/10 đến 29/10, lượng mưa tại các huyện miền núi phía Tây Bắc dự kiến từ 130-300mm, có nơi trên 350mm; còn tại các khu vực phía Tây Nam và đồng bằng, lượng mưa từ 170-350mm, có nơi trên 450mm.

Trong 48 đến 72 giờ tới, mưa sẽ giảm dần với lượng mưa còn 10-30mm, nhưng vẫn có nơi trên 50mm.

Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to; nhiều điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt cao.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, tại huyện miền núi này trước diễn biến phức tạp của bão số 6, địa phương huy động lực lượng tổ chức sơ tán 168 hộ/663 nhân khẩu thuộc xã Ga Ry đến nơi an toàn. Đồng thời, 10 hộ với 44 nhân khẩu tại thôn H’júh (xã Ch'Ơm) cũng được sơ tán khẩn cấp do bị uy hiếp bởi sạt lở đất, xuất hiện vết nứt sụt trên đỉnh đồi... Bên cạnh đó, huyện huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch lúa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư.

Tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cũng đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt gãy nền, tường nhà bất thường. Qua rà soát, địa phương phát hiện nhiều khu vực phòng làm việc chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện bị đe dọa bởi sạt lở, một số dãy tường và nền nhà có dấu hiệu sụt lún, nứt gãy rất nguy hiểm.

Theo Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, nhiều khoa, phòng làm việc, điều trị của đơn vị bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu nhiều công trình phụ trợ. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ khiến vị trí nền nhà kho chính Khoa Dược của trung tâm bị sụt lún, nứt gãy diện rộng bất thường (khoảng 100m²); khu dịch vụ Kỹ thuật mổ - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh (khoảng 300m²) nhiều chỗ bị nứt tường diện rộng, thấm dột, ẩm mốc... Đặc biệt, bên trong phòng mổ bị bong và rớt các tấm gạch men ốp tường, cũng như sụt lún nền nhà bất thường, có nguy cơ tiềm ẩn sập nền và tường nhà, đe dọa đến an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và tài sản công của đơn vị.

Bác sĩ Zơrâm Báo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, với hiện trạng cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác an toàn phẫu thuật. Nguy cơ tiềm ẩn gây nhiễm trùng hậu phẫu, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh; không đảm bảo an toàn tính mạng cho ê-kíp phẫu thuật và bệnh nhân.

Trước tình trạng trên, huyện Tây Giang đang rà soát toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để có biện pháp xử lý tạm thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh và đội ngũ y bác sĩ của đơn vị. Trước mắt, huyện huy động lực lượng hỗ trợ, chủ động phương án di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, cũng như phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn y tế.

10:15: Gió giật mạnh, một số khu vực tại Thừa Thiên Huế bị mất điện 

Hoàn lưu bão số 6 gây ra gió giật mạnh, mưa lớn và tình trạng cúp điện ở nhiều khu vực, đặc biệt là các xã ven biển, vùng đầm phá và khu vực thấp trũng. Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), cho biết xã đã bị mất điện, gió giật mạnh kèm theo mưa lớn. Chính quyền đã nhanh chóng di dời hơn 10 hộ dân đến nơi an toàn.

Tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền), ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã, thông tin rằng tính đến 8 giờ 10 phút sáng ngày 27/10, địa bàn đã bị mất điện, gió và mưa tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, tình hình chưa đến mức phải di dời dân, ngoại trừ khu vực TĐC Tân Bình, nơi có khoảng 50 hộ dân với 157 nhân khẩu có thể sẽ phải sơ tán nếu mưa bão tiếp tục tăng cường.

Bảng hiệu bị quật ngã do hoàn lưu bão số 6.

Theo ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Điền, tính đến 9 giờ sáng, "rốn lũ" Quảng Điền đang chịu ảnh hưởng của mưa và gió mạnh, nhưng chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Các khu vực xung yếu đã chủ động triển khai phương án phòng chống để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 6.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, chia sẻ rằng xã vốn thường xuyên đối mặt với mưa lũ nên luôn tuân thủ nghiêm ngặt các phương án phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Công tác ứng trực của các lực lượng trên toàn tỉnh đang được triển khai chặt chẽ, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất ngờ từ cơn bão.

10:00: Đà Nẵng mưa lớn, nhiều cây xanh gãy đổ 

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 26 đến sáng 27/10/2024, tại thành phố Đà Nẵng có mưa to, gió lớn, nước biển dâng cao. Trên nhiều tuyến đường xuất hiện tình trạng cây đổ, biển quảng cáo gãy, giao thông bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 26 đến sáng 27/10/2024, tại thành phố Đà Nẵng có mưa to, gió lớn, nước biển dâng cao. Ảnh: TTXVN

Lực lượng chức năng đang chủ động triển khai khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng 27/10 cho tới khi có thông báo mới.

09:45: Gió bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12 trên vùng biển Quảng Trị tới Quảng Nam 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 6, các đảo ven biển miền Trung đã ghi nhận gió mạnh và mưa lớn. Cụ thể, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió cấp 6, giật cấp 7; khu vực Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) gió cấp 7; và Bà Nà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 6, giật cấp 13. Từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, mưa to với lượng phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 250mm.

Lúc 7 giờ sáng ngày 27/10, tâm bão nằm ở vĩ độ 16,8 Bắc; kinh độ 108,6 Đông, trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, với gió mạnh cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây với vận tốc 15-20 km/h. Đến sáng ngày 28/10, bão sẽ đổi hướng Tây Nam rồi chuyển Đông Đông Nam với vận tốc 5-10 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ Trung Trung Bộ.

Dự kiến đến 29/10, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục di chuyển về phía Đông trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, trong khi đến ngày 30/10, áp thấp này sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp trên biển phía Đông Nam Hoàng Sa. Trong thời gian này, vùng biển Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, lúc cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m. Các khu vực biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đối mặt với gió cấp 6-7, gần tâm bão cấp 8-10, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5m.

Từ ngày 27/10 đến 28/10, dự báo mưa lớn diện rộng sẽ bao phủ khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam với lượng mưa 200-400mm, có nơi trên 600mm. Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên cũng sẽ hứng chịu mưa lớn, có nơi lên đến 250mm. Nguy cơ sạt lở cao do tác động của sóng lớn và nước dâng tại khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Trên đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

09:30: Thừa Thiên Huế bắt đầu mưa to, nước dâng cao

Mưa lớn kèm gió mạnh khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường Lê Quý Đôn và Lý Thường Kiệt, TP Huế, bị gãy đổ. Để đảm bảo lưu thông không bị gián đoạn, nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã nhanh chóng cắt tỉa và dọn dẹp hiện trường.

Tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An nước ngập vào tới hiên nhà.

Trước đó, trận mưa kéo dài từ đêm qua đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến đường tại khu đô thị mới An Vân Dương chìm trong nước.

Ở phường Thuận An, nằm sát phá Tam Giang, triều cường dâng cao làm nước tràn vào các khu dân cư, gây ngập từ 0,3 đến 0,5 m.

 09:15: Đà Nẵng thành lập Ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 6

Do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), từ đêm 26 đến sáng 27/10 tại thành phố Đà Nẵng có mưa to, gió lớn, nước biển dâng cao. Trên nhiều tuyến đường xuất hiện tình trạng cây đổ, biển quảng cáo gãy, giao thông bị ảnh hưởng. Lực lượng chức năng đang chủ động triển khai khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Sáng 27/10, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 6 năm 2024 và mưa lớn do bão gây ra, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ của Ban là chỉ huy phòng, chống, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do bão số 6 và mưa lũ gây ra trên địa bàn thành phố; thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 6 do Thủ tướng Chính phủ thành lập (nếu có); thời gian làm việc bắt đầu từ 7 giờ ngày 27/10 đến 10 giờ ngày 28/10.

Cũng trong sáng 27/10, Thiếu tá Trần Viết Hợi, Phó Tiểu đoàn trưởng - Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có thông báo về bão số 6. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng điều 4 xe thiết giáp của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 để chuẩn bị làm nhiệm vụ. Trong đó, 3 xe cơ động đến trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, 1 xe cơ động đến UBND quận Liên Chiểu. Các xe thiết giáp này có thể hoạt động trong mưa bão với sức gió 120km/giờ, đồng thời có thể lội nước với chiều sâu 0,8m. Mỗi xe có thể chở được từ 15 người trở xuống, phù hợp với công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân trong vùng ngập lụt, thiên tai.

Sáng 27/10, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng thông báo cho người dân và du khách có nhu cầu sơ tán liên hệ đến số hotline 0909.119.119 (Công ty Vitraco) để được di chuyển miễn phí. Theo đó, việc hỗ trợ di chuyển miễn phí sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 28/10. Dịch vụ cứu hộ giao thông 119 của Công ty sẽ hỗ trợ miễn phí cứu hộ giao thông ô tô, xe máy khẩn cấp; đội xe vận chuyển du lịch của Công ty hỗ trợ di chuyển cho du khách và bà con khi có nhu cầu tránh bão khẩn cấp phạm vi nội thành Đà Nẵng.

• 12:45: Trưa nay 27/10, sau hơn 2 giờ quần thảo ven biển và đi vào Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, bão Trà Mi đã suy yếu

Dự báo thời tiết mưa bão

Ngày và đêm nay - 27/10 đỉnh điểm mưa lớn, gió giật mạnh ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam do bão số 6 đổ bộ vào đất liền.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 6 đang tiến sát vùng biển Đà Nẵng. Hồi 6 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16.8 độ Vĩ Bắc; 108.6 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 95km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sáng 27/10 có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Dự báo từ sáng đến trưa nay, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam và tiếp tục suy yếu. Từ trưa chiều nay, sau khi đổ bộ đất liền, bão chuyển hướng di chuyển theo hướng đông nam quay ngược ra biển với tốc độ khoảng 10-15km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão quật đổ cây xanh tại một số tuyến đường ở Đà Nẵng.

Đến 4h sáng mai (28/10), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ với cường độ giảm xuống còn cấp 6-7, giật cấp 9. Những ngày sau đó, bão di chuyển chậm theo hướng đông, ngược ra biển và tiếp tục suy yếu.

Về diễn biến mưa, đêm qua và sáng nay, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và phía Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 26/10 đến 3h ngày 27/10 cục bộ có nơi trên 80mm như: Cửa Tùng (Quảng Trị) 116.8mm, vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 105.4mm, Hòa Bắc (Tp. Đà Nẵng) 85.8mm,…

Nhiều tỉnh miền Trung mưa to, sóng lớn do bão

Từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Từ sáng sớm nay đến đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm.

Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ đồng hồ

Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-180mm, có nơi trên 250mm.

Hiện tại, khu vực đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6-7, có lúc cấp 8, giật cấp 9; đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn có gió giật mạnh cấp 7.

Ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và giông mạnh.

Dự báo tác động của bão số 6

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sáng 27/10 có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh.

Nước dâng do bão vùng ven bờ: từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ sáng sớm ngày 27/10 đến đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).

Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-180mm, có nơi trên 250mm.

Bão Kong-rey mạnh lên

Cục Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) cho biết, cơn bão nhiệt đới Kong-rey di chuyển về phía tây trong cuối tuần, chuyển hướng tây tây bắc vào thứ Hai (28/10) và tây bắc bắc trong suốt thời gian còn lại của giai đoạn dự báo.

Theo PAGASA, bão Kong-rey được dự báo sẽ dần mạnh lên và có thể đạt đến cấp bão nhiệt đới dữ dội vào ngày 27/10 và cấp bão cuồng phong vào ngày 28/10. Bão Kong-rey có thể vào đảo Luzon (Philippines), áp sát Biển Đông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ 8 dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo kế hoạch, sáng 24/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Có 17 bị cáo phải ra hầu tòa trong vụ án này về các tội: Nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Chiều nay 23/12, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 10, có tên quốc tế là Pabuk.

Ngày 23/12, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, Đồn Biên phòng Cô Tô (Bộ đội Biên phòng tỉnh) vừa cứu thành công 13 ngư dân trên một tàu cá bị chìm, đưa về bờ an toàn.

Những ngày này, không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi tại TP.HCM; các nhà thờ và xóm đạo được trang hoàng rực rỡ, ấn tượng, thể hiện niềm hân hoan của đồng bào Công giáo đón mừng Thiên chúa giáng sinh.

Sáng 23/12, HĐND quận Hai Bà Trưng khóa XX đã khai mạc kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024, kế hoạch năm 2025 và xem xét, quyết định một số nội dung về an sinh xã hội, về sự phát triển của quận trong thời gian tới.