Bất đồng quan điểm về tài chính khí hậu tại COP29

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã bế mạc sau hai tuần đàm phán căng thẳng. Mặc dù đạt được thành quả nhất định, nhưng cách phân bổ tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu là nguồn cơn gây căng thẳng giữa các nước giàu và nghèo tại hội nghị.

Thỏa thuận mới về tài chính khí hậu 

Thỏa thuận tài chính vừa đạt được tại COP29 đề xuất các nước giàu phải cam kết trả ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để giúp các nước nghèo ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này tăng so với mức 100 tỷ USD hiện do các quốc gia giàu có cung cấp theo một cam kết sắp hết hạn, cũng như cao hơn so với mức 250 tỷ USD được đề xuất trong dự thảo thỏa thuận mà nước chủ nhà đưa ra trước đó. Số tiền này sẽ dành cho ba mục đích: giúp các quốc gia nghèo chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch; giúp thích nghi với tác động của thế giới nóng lên như mực nước biển dâng và bão; bồi thường cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương do thiệt hại từ biến đổi khí hậu.

Mặc dù đạt được thỏa thuận 300 tỷ USD, nhưng số tiền cam kết vẫn kém xa so với con số 1.300 tỷ USD mà các nước đang phát triển lâu nay khẳng định là cần thiết để giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền này là không đủ

Bà Tina Stege, Đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall.

Tuy nhiên, bà Stege cho biết đây là một khởi đầu cho hội nghị COP30 vào năm tới, sẽ được tổ chức tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, nơi các quốc gia sẽ vạch ra kế hoạch hành động vì khí hậu trong thập kỷ tiếp theo.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận tài chính khí hậu được nhất trí tại Azerbaijan chưa tiến đủ xa, song kêu gọi các quốc gia coi đây là “nền tảng” để tiếp tục xây dựng, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận phải được tôn trọng đầy đủ và đúng hạn.

Trong một tuyên bố, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng thừa nhận thỏa thuận mới là chưa hoàn hảo, song là nỗ lực của các bên.

Không quốc gia nào đạt được mọi thứ họ muốn. Và chúng ta rời Baku với một núi công việc phải làm. Vẫn còn nhiều vấn đề tưởng như không phải quá cấp thiết song nó lại chính là cuộc sống cho hàng tỷ người. Vì vậy, đây không phải là lúc để ăn mừng chiến thắng. Chúng ta cần đặt mục tiêu và tăng gấp đôi nỗ lực.

Mặc dù vậy, chúng ta đã chứng minh rằng Thỏa thuận Paris của Liên hợp quốc đang mang lại kết quả. Nhưng các chính phủ vẫn cần phải tăng tốc. Tiến trình ở Baku đã đạt được một cách khó khăn. Tôi xin tri ân tất cả những người đã làm việc suốt ngày đêm. Ngay cả khi các bạn không đạt được mọi thứ mình mong muốn, nhưng những gì các bạn mang lại sẽ giúp hàng tỷ cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn.

Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành UNFCCC.

Ngoài mục tiêu tăng số tiền tài trợ lên 300 tỷ USD, trước đó các nước tham gia hội nghị cũng đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này được đánh giá sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất. Thỏa thuận đạt được xoay quanh cách đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu một cách đáng tin cậy.

Tranh cãi về đóng góp tài chính 

Không chỉ có thỏa thuận 300 tỷ USD gây tranh cãi, tại hội nghị lần này còn có những nội dung chưa thể đi đến thống nhất, như việc phân bổ đóng góp tài chính cho mỗi nước hay việc mở rộng phạm vi đối tượng đóng góp tài chính đối với các nước phát triển nhanh như Trung Quốc.

Các quốc gia nghèo một lần nữa tỏ ra thất vọng vì được yêu cầu phải hành động nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu trong khi họ không có đủ tài chính. Và mặc dù các nước này không tạo ra khí thải nhà kính nhiều nhất, nhưng phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Chúng tôi cảm thấy thất vọng. Mức đóng góp trong thoả thuận chắc chắn thấp hơn mức chuẩn mà chúng tôi đã đấu tranh bấy lâu nay. Chúng tôi đã yêu cầu 1.300 tỷ USD, nhưng chúng tôi chỉ nhận được 300 tỷ USD.

Ông Juan Carlos Monterrey Gomez, Bộ trưởng Môi trường Panama.

Tổng thống Azerbaijan, nước chủ nhà COP29, đã chỉ trích các nước phương Tây vẫn là những nước tiêu thụ và sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch trong khi các nước khác phải sử dụng năng lượng sạch. Theo Liên hợp quốc, 47 quốc gia nghèo nhất chỉ tạo ra 4% khí nhà kính.

Mặc dù các quốc gia đã đưa ra các kế hoạch cắt giảm khí thải, nhưng những biện pháp này hiện tại không đủ để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo các chuyên gia, các quốc gia không thể cắt giảm ô nhiễm khí thải nếu họ không đủ tài chính để loại bỏ than, dầu và khí đốt.

Một vấn đề gây lo ngại khác tại COP29 năm nay là sự trở lại của ông Donald Trump – một người hoài nghi về biến đổi khí hậu. Theo CNN, ông Trump đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ ra khỏi các nỗ lực khí hậu toàn cầu, và đã chỉ định một đại diện hoài nghi về khí hậu khác làm thư ký năng lượng trong nhiệm kỳ này.

Chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ có thể đóng góp rất ít tại COP29, mặc dù đây là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và có trách nhiệm nhất đối với biến đổi khí hậu. Nó cũng hạn chế tham vọng vào mục tiêu tài chính, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng sẽ không đóng góp.

Mỹ đã cung cấp gần 10 tỷ USD tài chính khí hậu quốc tế vào năm ngoái, ít hơn so với khoản đóng góp 31 tỷ đô la của Liên minh châu Âu.

Về việc mở rộng phạm vi đóng góp tài chính cho khí hậu, các quốc gia phát triển muốn phạm vi đóng góp tài chính không chỉ giới hạn ở các nước hiện tại mà còn bao gồm cả các nước phát triển nhanh như Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn.

Bắc Kinh phản đối điều này, nói rằng với tư cách là một quốc gia đang phát triển, họ không có cùng trách nhiệm như các quốc gia công nghiệp hóa lâu đời như Vương quốc Anh và Mỹ. Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào các lĩnh vực như xe điện và năng lượng tái tạo tại các quốc gia khác, họ thực hiện theo các điều khoản của riêng họ.

Bất đồng về nhiên liệu hoá thạch

Ngoài tranh cãi về tài chính, một nội dung khác cũng được quan tâm tại COP29 là việc liệu các quốc gia có nên khẳng định lại cam kết đưa thế giới thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch hay không. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã nhấn mạnh rằng thế giới phải giữ vững nghị quyết lịch sử được đưa ra năm ngoái nhằm "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch". Đây là một động thái quan trọng trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu (COP29) tại Azerbaijan đối mặt với những rào cản lớn liên quan đến hành động chống biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, trong khi các quốc gia được thúc giục chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, thì nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phương Tây giàu có, vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch. COP28 năm ngoái tại Dubai kết thúc với việc các quốc gia lần đầu tiên đồng ý "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng". Tuy nhiên, kể từ đó, cả việc sử dụng và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng trên toàn cầu.

Mỹ đã giảm lượng khí thải trong nước nhưng lại tăng lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và cả hai điều này thực sự không có ý nghĩa gì. Chúng ta phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, vì vậy bạn phải thực hiện cả hai: giảm lượng khí thải của chính mình và giảm lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của bạn.

Ông Niklas Hohne, đồng sáng lập công cụ theo dõi hành động khí hậu.

Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, từng phản đối các hành động đầy tham vọng tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, còn mạnh dạn hơn ở Baku khi công khai bác bỏ mọi đề cập đến dầu mỏ, than đá và khí đốt trong thỏa thuận.

Theo Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais, các cuộc đàm phán về sự nóng lên toàn cầu nên tập trung vào vấn đề cắt giảm khí thải, chứ không phải việc lựa chọn nguồn năng lượng. Ông Al-Ghais cho rằng các chính phủ trên thế giới, vốn đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp tại COP21 diễn ra ở Paris (Pháp) vào năm 2015, có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của mình mà không cần phải xa lánh dầu mỏ, vì trọng tâm của Thỏa thuận Paris là giảm lượng khí thải, chứ không phải chọn nguồn năng lượng.

Quan điểm này cũng đồng thời giống với lập trường của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và các nhà lãnh đạo châu Phi, những người ủng hộ công lý khí hậu, bao gồm cả việc tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Dầu khí là món quà của thượng đế. Các quốc gia không nên bị lên án vì sở hữu các nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch. Tôi xin thông báo Azerbaijan có kế hoạch tăng sản lượng khí đốt thêm 1/3 trong thập kỷ tới.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Trong khi đó, ông Mohamed Hamel, Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), một nhóm các quốc gia xuất khẩu khí đốt, cũng bày tỏ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Ông Hamel lưu ý rằng khi dân số thế giới tăng lên, nền kinh tế mở rộng và điều kiện sống của người dân được cải thiện, thế giới sẽ cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn, chứ không phải ít hơn.

Ông cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận tại COP29 về tài chính khí hậu quốc tế sẽ cho phép hỗ trợ các dự án khí đốt tự nhiên để giúp các quốc gia chuyển đổi khỏi nhiên liệu bẩn hơn như than đá. Tổng thư ký GECF nhận định kết quả của COP29 sẽ tạo điều kiện tài chính cho các dự án khí đốt tự nhiên và phát triển các công nghệ sạch hơn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, khẳng định điều này sẽ góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện và có trật tự để không ai bị bỏ lại phía sau.

Quan điểm của các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trái ngược với các cảnh báo của IPCC, tổ chức đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm mạnh và ngay lập tức việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tại Hội nghị COP29 lần này, 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải, nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm này.

Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức và Australia nằm trong số các nền kinh tế phát triển ký cam kết tự nguyện này. Cam kết yêu cầu các quốc gia đệ trình các kế hoạch khí hậu quốc gia vào đầu năm tới, trong đó xác nhận rằng họ sẽ không xây dựng nhà máy điện than mới mà không có biện pháp giảm khí thải, như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.

Song, bản cam kết không yêu cầu các quốc gia phải ngừng khai thác hoặc xuất khẩu than - nguồn nhiên liệu tạo ra khí thải carbon làm nóng hành tinh nhiều hơn cả dầu khí và là yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia sản xuất điện than lớn nhất thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, đã không ký vào “lời kêu gọi hành động” được đưa ra tại COP29.

Đặc phái viên về khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra, người đã ký vào sáng kiến này, cho biết điện than vẫn đang được phát triển mạnh mẽ mặc dù đã có cam kết lịch sử tại COP năm ngoái về việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất năng lượng. Ông Hoekstra nhấn mạnh cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cần được cụ thể hóa thành những hành động thực tế.

Mặc dù hội nghị COP29 lần này đạt được thành quả nhất định, nhưng chưa đem lại sự hài lòng về cách phân bổ tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy thế giới cần phải thay đổi cách tiếp cận, để các hội nghị tiếp theo không chỉ bàn về khía cạnh tài chính chung chung mà phải đưa ra được cách thức, phạm vi đóng góp tài chính, trách nhiệm đóng góp tài chính cụ thể hơn với từng quốc gia. Ngoài ra, đã đến lúc phải cải tổ cơ bản khuôn khổ hội nghị này để hội nghị đạt được hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 25/11, Nhà Trắng đã lần đầu tiên xác nhận nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp, cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa này để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã bế mạc sau hai tuần đàm phán căng thẳng. Mặc dù đạt được thành quả nhất định, nhưng cách phân bổ tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu là nguồn cơn gây căng thẳng giữa các nước giàu và nghèo tại hội nghị.

Nước Mỹ đang đối mặt với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, khi nhiều bang ghi nhận mưa lớn và tuyết rơi dày đặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ của Liên hợp quốc Valdivieso bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán trong tuần này tại Busan, Hàn Quốc, sẽ mang lại một hiệp ước hoặc một văn bản dẫn đến một hiệp ước về ô nhiễm nhựa.

Các bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới nhóm họp trong hai ngày 25 và 26/11, trong bối cảnh có dấu hiệu tiến triển trong việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah và một số áp lực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trong cả cuộc chiến tranh Trung Đông và Ukraine trước khi Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức.

Một mô hình sao Hỏa với kích thước khổng lồ được trưng bày tại Học viện Hải quân Hoàng gia Anh ở quận Greenwich, phía Nam thủ đô London, Vương quốc Anh.