Bất ổn chính trị tại Pháp và Đức, châu Âu chao đảo

Sự bất ổn chính trị tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu, đang làm suy yếu vai trò trụ cột của hai quốc gia này trong nỗ lực giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách đang gia tăng và sức cạnh tranh đang suy yếu của châu lục này, làm dấy lên mối lo ngại về tương lai bất ổn của Liên minh châu Âu.

Pháp và Đức trong vòng xoáy khủng hoảng 

Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách tái thiết chính phủ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây chấn động, thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang chật vật duy trì quyền lực khi liên minh cầm quyền tại nước này sụp đổ.

Vòng xoáy khủng hoảng mới tại Pháp bắt đầu khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử Quốc hội hồi tháng 6, trong đó không có đảng nào chiếm được đa số trong một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc. Sau đó, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm người đứng đầu chính phủ, làm dấy lên sự phản đối gay gắt của các đảng đối lập.

Hôm 4/12, các đảng đối lập tại Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier về đề xuất ngân sách quốc gia năm 2025. Kết quả là chính phủ Pháp đã bị lật đổ và Thủ tướng Michel Barnier, người được Tổng thống Macron bổ nhiệm cách đây ba tháng, đã bị bãi nhiệm, sau khi không thể đạt được đồng thuận về ngân sách quốc gia năm 2025.

Không thể thông qua ngân sách, mọi thứ đều bị đình trệ, không gì có thể thay đổi tại Quốc hội trước khi có một chính phủ mới được thành lập. Đây thực sự là một điều không thể biết trước, vì chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình huống như thế này.

Ông Mathieu Gallard, Giảng viên Đại học Khoa học chính trị Sciences Po, Pháp.

Chuyên gia cho rằng thách thức lớn đang nằm ở cấu trúc chính trị của Quốc hội Pháp. Không có đảng nào trong Quốc hội Pháp chiếm đa số rõ ràng, cũng không có đảng nào muốn đàm phán hoặc thỏa hiệp với nhau, trong khi hệ thống bầu cử tại Pháp có rất ít động lực để thay đổi điều đó. Tình trạng chia rẽ này khiến việc thông qua ngân sách trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết sẽ hoàn thành nhiệm kỳ hiện tại của mình cho đến năm 2027, bất chấp uy tín của ông đang suy giảm nghiêm trọng. Ông Macron sẽ phải chỉ định một thủ tướng mới. Tuy nhiên, thủ tướng mới được dự báo cũng sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tương tự như ông Michel Barnier, sẽ phải vật lộn để đưa ra tầm nhìn chính trị và kinh tế được Quốc hội chấp nhận.

Trong khi đó, nước láng giềng của Pháp là Đức - cường quốc kinh tế và chính trị khác của khối EU cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự. Thủ tướng Olaf Scholz đã mất đi sự ủng hộ từ các đối tác liên minh và giờ đây phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào cuối tháng, trước thềm bầu cử liên bang dự kiến vào tháng 2 năm tới.

Hồi tháng 11, chính phủ liên minh ba bên ở Berlin tan rã sau bất đồng kéo dài về chính sách tài khóa, dẫn đến việc Thủ tướng Olaf Scholz (thuộc Đảng Dân chủ Xã hội trung tả - SPD) sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc Đảng Dân chủ Tự do - FDP). Kết quả là FDP rút lui, để lại SPD và đối tác đảng Xanh tiếp tục nắm quyền trong chính phủ thiểu số.

Nguyên nhân làm cho liên minh ba đảng tại Đức tan vỡ là do quan điểm xây dựng ngân sách cho năm 2025 quá khác biệt. Đảng Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz muốn dùng 15 tỷ Euro công quỹ hỗ trợ công nghiệp Đức vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính là người của đảng Dân chủ tự do lại muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn âm ỉ đã diễn ra từ vài tháng nay.

Sau thỏa thuận giữa các bên với phe đối lập, Đức sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2/2025 và chính phủ mới có thể nhậm chức vào tháng 6. Cho đến lúc đó, Berlin có thể bị hạn chế trong các quyết định chính sách quan trọng.

Cuộc bầu cử sớm sắp tới sẽ cho thấy liệu Thủ tướng Scholz có thực sự bị cử tri Đức từ chối hay đó chỉ là một cuộc khủng hoảng liên minh nội bộ.

Ông Jacob Ross, Nhà nghiên cứu tại Hiệp hội chính sách đối ngoại Đức.

Theo giới quan sát, tình hình bất ổn chính trị ở Pháp và Đức là "thách thức lớn" đối với EU. Với chính phủ yếu ớt trong nước, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ chương trình nghị sự của họ tại cấp độ EU.

Sự suy giảm sức ảnh hưởng của Pháp và Đức cũng sẽ tạo cơ hội cho những nước khác tăng cường vị thế. Quyền lực ở các quốc gia thành viên “cốt cán” có thể sẽ dịch chuyển sang các quốc gia đang hoạt động tốt như Hà Lan và Tây Ban Nha. Ở bên ngoài khối, Vương quốc Anh, các quốc gia vùng Baltic và Trung - Đông Âu cũng có thể hưởng lợi từ tình trạng này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng được cho là sẽ tìm cách khai thác sự bất đồng trong nội bộ EU để tiến hành các cuộc đàm phán song phương có lợi cho Washington, thay vì đối thoại với một EU thống nhất.

Thách thức về vấn đề an ninh châu Âu 

Khủng hoảng chính trị tại hai quốc gia lớn nhất châu Âu xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, khi EU đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine. Vấn đề an ninh nội địa EU trở nên đặc biệt nghiêm trọng, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Ông Trump đã từng cảnh báo rằng sẽ rút khỏi các cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và thay đổi cơ bản sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tất cả những điều này có thể gây ra hậu quả cho các quốc gia trên khắp châu Âu.

Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng và lời đe dọa về việc rút khỏi các cam kết với NATO đã làm dấy lên mối lo ngại ở châu Âu rằng Washington sẽ ít sẵn sàng hơn hoặc không có khả năng giúp bảo vệ châu Âu trong những năm tới. Điều này sẽ làm tăng áp lực tài trợ cho Ukraine, cũng như ngân sách và chi tiêu quốc phòng của các nước EU.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng thuận nên tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu, tiếp tục ủng hộ Ukraine và cần phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ vì lợi ích của chính châu Âu.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đưa ra một thông điệp rõ ràng tại đây ngày hôm nay cho Mỹ và chính quyền mới, rằng chúng ta ủng hộ Ukraine lâu dài và nhiều nhất có thể. Thông điệp phải rõ ràng và mạnh mẽ. Và thông điệp thứ hai là rõ ràng rằng châu Âu phải làm nhiều hơn nữa cho quốc phòng của chính mình để tăng cường an ninh của chính mình.

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo.

Hiện EU cần tới 500 tỷ Euro (528 tỷ USD) trong thập kỷ tới để đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài và buộc các nước thành viên EU trong Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Andrius Kubilius, cựu Thủ tướng Litva, vừa trở thành người đứng đầu lĩnh vực quốc phòng đầu tiên của Ủy ban châu Âu cho rằng, châu Âu cần một "cú đột phá lớn" về tài trợ và bổ sung năng lực quốc phòng. Ông Kubilius chỉ ra rằng, phát hành trái phiếu quốc phòng chung có thể giúp huy động được số tiền khổng lồ này. "Tất nhiên, thách thức lớn nhất sẽ là thuyết phục các quốc gia thành viên tiếp cận vấn đề quốc phòng theo một cách khác. Tôi hiểu rằng một số quốc gia đang áp dụng một cách tiếp cận rất đơn giản hoặc là cách tiếp cận truyền thống, rằng quốc phòng là một loại biểu tượng của chủ quyền, nhưng rất rõ ràng rằng, chúng ta cần xem xét từ góc độ thực tế" - ông Andrius Kubilius cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các nghĩa vụ NATO hay tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra đã làm lộ rõ sự bất đồng giữa các nước, đặc biệt là tại Pháp và Đức. Cả Pháp và Đức đều chưa đạt được thống nhất về ngân sách và chi tiêu quốc phòng nên việc đi đến quyết định toàn khối sẽ là điều vô vùng khó khăn.

Với trục Pháp - Đức đã trở nên tê liệt, năm 2025 có thể báo hiệu một kỷ nguyên mới về quốc phòng an ninh cho cả Liên minh châu Âu, khối quân sự chung NATO và cuộc xung đột Ukraine.

Động lực kinh tế suy giảm

Vấn đề kinh tế cũng là bài toán vô cùng hóc búa đối với EU. Nguy cơ suy thoái đang bao trùm nước Đức trong năm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, Pháp có thể phải đối mặt với tình trạng tê liệt hoàn toàn về kinh tế, bởi khả năng Pháp chưa thể nhanh chóng được trạng thái cân bằng chính trị và đưa ra điều chỉnh chính sách tài chính đáng tin cậy. Sự khó khăn của hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu này có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của cả khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Kinh tế Pháp và Đức đều được dự báo suy giảm. Kinh tế Pháp dự kiến chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2024 và 0,8% trong năm 2025. Trong khi đó, kinh tế Đức dự báo suy giảm 0,1% trong năm 2024  và chỉ phục hồi nhẹ lên mức 0,7% vào năm 2025.

Theo dữ liệu do S&P Global và Ngân hàng thương mại Hamburg công bố hôm 3/12, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 46,0 vào tháng 10 xuống còn 45,2 vào tháng 11, duy trì dưới ngưỡng quan trọng 50 điểm, ngưỡng phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp.

Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đức, Pháp và Italy đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất về PMI sản xuất vào tháng 11. Các nhà kinh tế nhận định rằng không có dấu hiệu cải thiện ngắn hạn nào đối với PMI sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chỉ số PMI suy giảm cho thấy sự thu hẹp kinh tế đang diễn ra ở khu vực này, nhất là trong các lĩnh vực đơn đặt hàng nhà máy mới, sản xuất, hoạt động mua hàng và mức tồn kho trên toàn bộ lĩnh vực sản xuất của khu vực. Dễ thấy nhất là ngành ô tô châu Âu đang vật lộn với những thay đổi trên thị trường xe điện và sức cạnh tranh suy giảm trên thị trường toàn cầu.

Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất đánh thuế 10% đối với hàng hóa từ châu Âu. Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ rất quan trọng với tổng giá trị thương mại và đầu tư song phương đạt kỷ lục 1,2 nghìn tỷ Euro (1,29 nghìn tỷ USD) vào năm 2021. Các nhà lãnh đạo EU lo ngại việc áp đặt thêm thuế có thể gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế của châu Âu, vốn đang đối diện với nhiều thách thức.

Để ứng phó các thách thức về kinh tế, lãnh đạo EU sẽ cần những biện pháp linh hoạt, tăng cường sự độc lập và duy trì đoàn kết châu Âu. Mới đây, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành gói chính sách thắt lưng buộc bụng mùa thu của khối. Theo đó, khu vực đồng euro sẽ áp dụng chính sách tài khóa chặt chẽ hơn vào năm 2025 và khối này sẽ triển khai các thủ tục hỗ trợ thâm hụt quá mức cho tám quốc gia thành viên, trong đó có Pháp, Italy thực hiện hành động hiệu quả để giảm thâm hụt trong một khoảng thời gian nhất định, nếu không họ có thể bị phạt.

EU quy định thâm hụt ngân sách hàng năm của một quốc gia thành viên EU không được vượt quá 3% GDP và nợ công không được vượt quá 60% GDP. Hiện nay, thâm hụt ngân sách của Pháp đang vượt quá 6% GDP, trong khi nợ công đang vượt quá 115% GDP.

Có thể thấy, những bất ổn chính trị tại EU đang tạo ra một khoảng trống chính trị lớn ở “châu lục già” và sẽ càng khó khăn cho EU trong việc thích ứng với những diễn biến phức tạp đang đặt ra. Trước mắt, việc nhanh chóng ổn định tình hình chính trị ở Paris và Berlin, đồng thời củng cố đoàn kết thống nhất nội bộ khối, tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong những tháng tới sẽ là “chìa khóa” để EU vượt qua với những thách thức, bởi nếu không, liên minh này sẽ tiếp tục đứng giữa “ngã ba đường” với tương lai kinh tế phụ thuộc vào các cuộc đàm phán chính trị và những áp lực địa chính trị bên ngoài.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cơ quan điều tra Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov ở thủ đô Moscow. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm là một công dân Uzbekistan sinh năm 1995.

Sân bay bận rộn nhất thế giới Hartsfield-Jackson ở Atlanta, Mỹ, đã tổ chức sự kiện chào đón Giáng sinh với việc thắp sáng cây thông và biểu diễn hòa nhạc để lan tỏa niềm vui kỳ nghỉ tới hàng triệu hành khách trong mùa lễ này.

Thủ đô Paris của nước Pháp đã mở cửa trở lại sân băng trong nhà khổng lồ để những người yêu thích trượt băng có thể vui chơi trong mùa Giáng sinh này. Với diện tích 3.000m², đây là sân băng trong nhà tạm thời lớn nhất thế giới.

Tài xế, người đang đợi để đưa Trung tướng Kirillov đến cuộc họp, đã thoát chết trong vụ nổ khiến vị tướng và phụ tá của ông thiệt mạng ở Moscow, Nga,

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Ukraine - hiện đang cố thủ tại một vùng đất biệt lập ở khu vực Kursk của Nga, đồng thời gia tăng áp lực ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine.

Amazon đã hoàn thành việc thử nghiệm máy bay không người lái giao hàng ở Italia - quốc gia châu Âu đầu tiên nơi gã khổng lồ thương mại điện tử có kế hoạch giới thiệu loại hình dịch vụ này.