Bầu cử sớm ở Anh là mạo hiểm hay bứt phá?

Việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm đã khiến cả xứ sở sương mù bất ngờ, bởi các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền nhiều khả năng chịu thất bại nặng nề trước Công đảng đối lập.

Các chính đảng khởi động chiến dịch vận động tranh cử

Từ nhiều ngày qua, cả Thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc Đảng Bảo thủ và đối thủ Keir Starmer thuộc Công đảng đều nhanh chóng triển khai chiến dịch vận động tranh cử, trong đó hai chính trị gia đều cho rằng chỉ có họ mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc Đảng Bảo thủ và đối thủ Keir Starmer thuộc Công đảng đều nhanh chóng triển khai chiến dịch vận động tranh cử.

Theo Thủ tướng Sunak, nền kinh tế Anh đang vượt qua giai đoạn khó khăn và ông có kế hoạch giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Phát biểu với cử tri ở vùng England, ông Sunak cho rằng, mặc dù còn nhiều việc phải làm và sẽ mất thời gian để người dân nhận thấy lợi ích, nhưng kế hoạch này phần nào phát huy tác dụng.

Vài năm vừa qua thật khó khăn. Chúng ta đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19, dịch bệnh đã làm thay đổi nghiêm trọng lối sống của chúng ta. Và sau đó là hóa đơn năng lượng tăng đột biến do xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, với tốc độ nhanh hơn Đức, Pháp và Mỹ. Tiền lương đã tăng nhanh hơn giá cả. Kế hoạch của chúng ta đang có hiệu quả.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Nhằm thu hút cử tri lớn tuổi, Thủ tướng Rishi Sunak đã đề xuất khoản trợ cấp mới liên quan đến người cao tuổi và cắt giảm thuế khoảng 100 bảng Anh (tương đương 128 USD) cho mỗi người trong số 8 triệu người hưu trí vào năm 2025. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 300 bảng Anh mỗi năm vào cuối kỳ họp Quốc hội tiếp theo.

Ngoài ra, Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn công bố kế hoạch tái áp dụng Luật Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc, nhưng với một số quy định mới nếu Đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử tháng 7. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay, việc áp dụng Luật Nghĩa vụ bắt buộc với toàn bộ thanh niên trên 18 tuổi sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn công bố kế hoạch tái áp dụng Luật Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc.

Trong khi đó, phát biểu với cử tri tại Gillingham, phía Đông Nam England, lãnh đạo Công đảng - ông Starmer tuyên bố ông muốn đổi mới, xây dựng lại và khôi phục nước Anh. Ông tập trung vào những rào cản vô hình ngăn cản nhiều người cải thiện cuộc sống của họ.

Cụ thể, Công đảng cam kết duy trì chính sách do chính phủ Đảng Bảo thủ đưa ra vào năm 2011 nhằm ngăn chặn những người nghỉ hưu rơi vào tình trạng nghèo đói, tăng mức lương tối thiểu để người lao động đảm bảo chi phí sinh hoạt. Công đảng cũng chủ trương đầu tư vào năng lượng sạch trong nước, cắt giảm chi phí, tạo việc làm và giúp nước Anh tự chủ về an ninh năng lượng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, thông điệp “đã đến lúc phải thay đổi” của Công đảng đối lập sẽ là một thách thức khó khăn để Đảng Bảo thủ vượt qua, khi cử tri đã mệt mỏi sau 14 năm đảng này nắm quyền với 5 đời thủ tướng.

Lý do Anh bất ngờ tổ chức tổng tuyển cử sớm

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak nhiều khả năng chịu thất bại nặng nề trước Công đảng đối lập. Do đó, việc Thủ tướng Sunak tổ chức bầu cử sớm gần một năm khiến dư luận trong nước và quốc tế không khỏi bất ngờ. Được biết, theo quy định bầu cử của Anh, nếu thủ tướng không kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn, Quốc hội hiện tại sẽ tự động giải tán vào ngày 17/12/2024 và ngày muộn nhất để tổ chức tổng tuyển cử là 23/1/2025. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Anh muốn cử tri đi bỏ phiếu vào thời điểm này?

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang đứng trước nhiều thách thức.

Ngày bầu cử ở Anh đã được xác nhận là ngày 4/7, tức là chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa. Theo quy định, Vương quốc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử 5 năm một lần, song cuộc bầu cử cũng có thể được tiến hành bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian này, phụ thuộc vào quyết định của thủ tướng đương nhiệm. Trước đó, dù Thủ tướng Rishi Sunak nhiều lần nhận được yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước tháng 1/2025, nhưng ông đã phản đối những lời kêu gọi. Ngoài ra, đa phần người dân Anh mong đợi bầu cử sẽ diễn ra vào mùa thu. Do đó, lời kêu gọi bầu cử sớm của ông Sunak đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ, bao gồm cả một số nghị sĩ của chính Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra khi Thủ tướng Sunak quyết định bầu cử sớm. Nước Anh vừa có cuộc bầu cử địa phương, tất cả chúng tôi đều biết những gì đã xảy ra. Tôi đoán là ngài thủ tướng cho rằng ông ấy có thể kiểm soát được tình nếu tổ chức bầu cử diễn ra ngay bây giờ. Nếu để nó lâu hơn, ông ấy có thể không làm tốt được nữa.

Cô Annemieke Van Rhijn - Người dân Anh.

Giải thích cho bước đi này, Thủ tướng Sunak cho biết, quyết định chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế.

Ngoài ra, với việc quyết định tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Sunak hy vọng ông sẽ hạn chế được những chia rẽ trong đảng cầm quyền, cũng như làn sóng ra đi gần đây của các nghị sĩ Bảo thủ để “đầu quân” sang Công đảng.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, vấn đề chính mà Thủ tướng Sunak phải đối mặt là không có lựa chọn nào tốt hơn. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm của cử tri dành cho Thủ tướng Sunak đã giảm khoảng 20 điểm và xu hướng này được dự báo khó lòng cải thiện trong ngắn hạn.

Thủ tướng Sunak đã đặt phần lớn “di sản chính trị” của mình vào cam kết ngăn chặn các thuyền nhỏ của người tị nạn vượt biên sang Vương quốc Anh.

Mặt khác, Thủ tướng Sunak đã đặt phần lớn “di sản chính trị” của mình vào cam kết ngăn chặn các thuyền nhỏ của người tị nạn vượt biên sang Vương quốc Anh. Mới đây nhất, sau thời gian dài chờ đợi, nhà lãnh đạo 44 tuổi này đã thúc đẩy thành công việc thông qua đạo luật Rwanda gây tranh cãi để giải quyết một số yêu cầu bồi thường cho người nhập cư trái phép, qua đó góp phần tránh được tình cảnh gia tăng các chuyến vượt biển bằng thuyền nhỏ vào Anh cuối mùa hè.

Cùng với đó, một số tín hiệu tích cực về kinh tế cũng được xem là “ánh sáng cuối đường hầm”. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh thông báo, lạm phát đã gần chạm tới mục tiêu cực kỳ quan trọng là 2%, còn các quan chức ca ngợi tăng trưởng là “đang diễn ra mạnh mẽ”. Điều đó có nghĩa là Đảng Bảo thủ giờ đây có thể tham gia cuộc bầu cử trong bối cảnh giá lương thực và hóa đơn năng lượng ổn định, trong khi cử tri cuối cùng cũng cảm nhận được tác động của việc hai lần Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cắt giảm bảo hiểm quốc gia. Những yếu tố kể trên dường như giúp ông Sunak cảm thấy rằng nếu ông trì hoãn bầu cử, mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, một số nhà phân tích của tờ Politico nhận định, đây có thể là một chiến lược mạo hiểm đối với một nhà lãnh đạo – người được biết đến là rất cẩn trọng như ông Rishi Sunak, bởi trong các cuộc thăm dò dư luận, Công đảng đối lập đang vượt lên dẫn trước Đảng Bảo thủ của ông về số ý kiến ủng hộ. Đáng chú ý, cách đây ba tuần, trong cuộc bầu cử địa phương tại Anh, Công đảng đã có một chiến thắng áp đảo, khi giành được 1.026 ghế ủy viên hội đồng địa phương, trong khi Đảng Bảo thủ chỉ giành được 479 ghế.

Nguy cơ “sao đổi ngôi” sau cuộc bầu cử

Trải qua nhiều năm kinh tế tăng trưởng thấp và lạm phát cao, nước Anh đang nỗ lực để đạt được thành công sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 và đang dần phục hồi sau cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do đó, ngoài vấn đề người nhập cư, quốc phòng, y tế và an ninh, thì kinh tế trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử lần này. Đây cũng được xem là yếu tố quyết định “sao” có “đổi ngôi” hay không ở tòa nhà số 10 phố Downing, khi hàng triệu cử tri nước Anh đang mong mỏi về một tương lai tốt đẹp hơn hậu bầu cử.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng cầm quyền bằng cách khẳng định mình là một nhà cải cách táo bạo, nhà kỹ trị hiệu quả và người bám sát kế hoạch để cải thiện cuộc sống khó khăn của hàng triệu người dân Anh trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài. Chính phủ của ông Sunak cũng cáo buộc Công đảng đối lập sẵn sàng tăng thuế nếu lên nắm quyền. Trong khi đó, Công đảng chỉ trích chính phủ quản lý kinh tế yếu kém trong 14 năm qua, không mang lại sự ổn định để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời phê phán kế hoạch Rwanda về người nhập cư gây tốn kém ngân sách và không thực tế.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng cầm quyền.

Trước các lập luận của hai chính đảng, một số nhà quan sát cho rằng, sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa hai đảng về cơ bản là “khá nhỏ” và khó có thể mang lại kết quả đáng kể. Tuy nhiên, với việc giá cả tăng 21% trong ba năm qua và sự trì trệ trong hệ thống y tế quốc gia, Đảng Bảo thủ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri rằng nước Anh đang đi đúng hướng. Mặt khác, đông đảo người dân Anh dường như đang kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn lao sau bầu cử. Điều này giúp Công đảng có nhiều lợi thế hơn.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới tờ The Times, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Công đảng, cho rằng xứ sở sương mù cần chấm dứt tình trạng bất ổn và trì trệ đang đeo bám nền kinh tế.

Theo giới phân tích, nếu Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với đa số tuyệt đối, ông Keir Starmer, lãnh đạo đảng này, sẽ có cơ hội thay thế thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak. Tuy nhiên, sự vượt lên mạnh mẽ của một số đảng nhỏ hơn đang đe dọa nỗ lực giành thế đa số của hai đảng chính lớn để thành lập chính phủ.

Hiện Đảng Cải cách với quan điểm chống di cư và Đảng Dân chủ Tự do trung dung được đánh giá là ẩn số trong cuộc cử tháng 7, vì hai đảng này nhiều khả năng sẽ giành một phần phiếu bầu ở nhóm các cử tri còn do dự.

Lịch sử chính trường Anh từng chứng minh yếu tố bất ngờ và may mắn là điều không thể loại trừ trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào. Lần gần đây nhất là năm 2017, thủ tướng khi ấy là bà Theresa May của Đảng Bảo thủ bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử khi đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò, nhưng sau đó lại mất đa số ghế trong Quốc hội, một thất bại khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Do đó, cuộc bỏ phiếu vào ngày 4/7 tới đây được dự báo sẽ chứa đựng nhiều kịch tính và kết quả khó đoán định. Tuy nhiên, bất cứ ai trở thành chủ nhân tại ngôi nhà số 10 phố Downing sau cuộc bầu cử đều sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc kiềm chế lạm phát, đưa nền kinh tế Anh đi theo con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, các nhà phân tích đã dự đoán rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy, khi không có sự tham gia của Nga.

Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ông đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa đất nước từ chỗ đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng của năm 2023.

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường mà còn khiến người thu nhập thấp không thể mua nổi nhà.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.