Bệnh nhân ung thư có xu hướng trẻ hóa

Thông tin công nương Kate mắc bệnh ung thư đã gây ra cú sốc với truyền thông và những người hâm mộ gia đình hoàng gia Anh, bởi cô còn khá trẻ và được biết đến là người có sức khỏe tốt, sắc đẹp và là mẫu hình lý tưởng trong mắt nhiều người. Câu chuyện của công nương Kate một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng trẻ hóa ở các bệnh nhân ung thư, khi trên toàn thế giới ngày càng có nhiều người dưới 50 tuổi mắc bệnh.

Cú sốc với người hâm mộ

Công nương Kate Middleton đã tiết lộ cuộc chiến với căn bệnh ung thư trong một đoạn video đầy cảm xúc, sau nhiều tuần liên tục kiểm tra sức khỏe. Đây được xem là một quyết định táo bạo của công nương Kate, vì việc công khai tình trạng sức khỏe là chuyện hiếm thấy, ngay cả với một người dân bình thường.

Công nương Kate Middleton tiết lộ cuộc chiến với căn bệnh ung thư.

Thông tin đã khiến nhiều người dân lo ngại về tình hình sức khỏe của các thành viên trong gia đình hoàng gia, khi trước đó, Vua Charles đệ tam và Nữ công tước Sarah Ferguson cũng được chẩn đoán mắc ung thư.

Đó là một cú sốc lớn, nhưng rõ ràng là có quá nhiều tin đồn, chúng tôi phần nào biết điều gì đó sắp xảy ra, nhưng không nghĩ nghiêm trọng đến mức như vậy. Tất cả chúng tôi đều đang cầu nguyện cho công nương cùng gia đình hoàng gia.

Anh Sam Wilmore, người dân Anh

Trang CNN dẫn lại một nguồn tin hoàng gia nói rằng công nương Kate bắt đầu hóa trị phòng ngừa vào cuối tháng 2. Cô dự kiến sẽ trở lại nhiệm vụ chính thức sau lễ Phục sinh. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết hiện cô sẽ hoãn công việc tiếp theo cho đến khi được đội ngũ y tế xác nhận.

Số ca ung thư ở người dưới 50 tuổi tăng 80% 

Theo các chuyên gia, sự nổi tiếng toàn cầu của công nương Kate và việc thừa nhận về căn bệnh ung thư của cô là lời cảnh báo về sự gia tăng đáng lo ngại về tỷ lệ mắc ung thư ở những người trẻ tuổi hiện nay. Theo nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí BMJ Oncology, số ca mắc bệnh ung thư ở những người từ 14 - 49 tuổi đã tăng gần 80% trong vòng 3 thập kỷ. Ngoài ra, hơn một triệu người dưới 50 tuổi chết vì ung thư mỗi năm và nguyên nhân một phần là từ lối sống.

Nghiên cứu do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường Đại học Y Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện và công bố trên tạp chí BMJ Oncology cho biết, số ca mắc ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu đã tăng từ 1,82 triệu vào năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019. Số người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã tăng gần 80% trong 30 năm qua.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do ung thư ở người trưởng thành ở độ tuổi 30 – 40 tuổi hoặc thậm chí trẻ hơn tăng 27%. Các căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất lần lượt là ung thư vú, khí quản, ruột và dạ dày.

Số người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã tăng gần 80% trong 30 năm qua.

Tiến sỹ Fola May, Bệnh viện Ucla Health (Mỹ): “Những người trẻ tuổi cần nhận thức rõ rằng họ cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bệnh này không chỉ có người lớn tuổi.”

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm cao nhất là ở Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn so với nam giới do thể chất kém hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Y khoa JAMA Network Open năm 2023 cũng kết luận rằng sự xuất hiện của nhiều loại bệnh ung thư ở những người dưới 50 tuổi đã gia tăng từ năm 2010 đến năm 2019 ở người Mỹ trưởng thành, đặc biệt là ở phụ nữ. Phần lớn sự gia tăng là do ung thư ruột kết và trực tràng. Theo các nhà nghiên cứu, chế độ ăn uống kém lành mạnh, sử dụng rượu và thuốc lá, ít hoạt động thể chất có thể là những yếu tố làm gia tăng bệnh ung thư. Các chất độc trong môi trường sống, chẳng hạn như hạt vi nhựa, cũng có thể là một nguyên nhân góp phần. Những hạt nhỏ này có thể được tìm thấy trong mọi thứ, từ hộp đựng thực phẩm đến quần áo tổng hợp, trước khi xâm nhập vào cơ thể và đường tiêu hóa của con người. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, bệnh ung thư ở người trẻ tuổi có thể liên quan đến tiền sử gia đình hoặc một số bệnh mãn tính khác, khiến họ dễ mắc bệnh ung thư.

Dựa trên các xu hướng quan sát được, các nhà nghiên cứu ước tính rằng số ca ung thư khởi phát sớm và tử vong trên toàn cầu sẽ tăng thêm lần lượt 31% và 21% vào năm 2030, trong đó những người ở độ tuổi 40 có nguy cơ cao nhất. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tỷ lệ ung thư toàn cầu sẽ tăng đến 77%, lên khoảng 35 triệu ca vào giữa thế kỷ này.

Vaccine ung thư dự kiến ra mắt năm 2025

Dù nguy cơ mắc bệnh ung thư có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện các phương pháp điều trị và sàng lọc bệnh. Và giờ đây, sau hàng thập kỷ nỗ lực nghiên cứu, các nhà khoa học và các hãng dược phẩm lớn đang tiến gần hơn đến một bước ngoặt lịch sử, với nhiều dự đoán rằng các loại vắc xin ung thư theo công nghệ mRNA sẽ ra mắt trong năm 2025. Điểm đặc biệt của các loại vắc xin này là khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn bệnh tái phát.

Vaccine ung thư theo công nghệ mRNA khác vaccine thông thường. Trọng tâm của vaccine không phải là phòng ngừa, mà được sử dụng như loại thuốc cá nhân hóa, nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người mắc chống lại bệnh ung thư. Để có liều vaccine, chuyên gia sẽ lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của người bệnh, sắp xếp trình tự DNA và RNA, so sánh mức độ khác nhau để xác định đột biến, lấy làm kháng nguyên cho vaccine. Vì vậy vaccine mRNA cần được đặc chế. Dù công nghệ phức tạp và có phần tốn kém, nhưng cuộc chạy đua tìm ra vaccine ung thư đang rất rốt ráo, với sự tham gia của chính phủ nhiều nước và các hãng dược phẩm lớn.

Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và châu Âu mới đây lần lượt công nhận liệu pháp mRNA kết hợp với thuốc trị ung thư Keytruda của hai hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) và Merck (Đức) để điều trị bổ trợ cho bệnh nhân u ác tính, mang lại hiệu quả cao, giảm nguy cơ tái phát và tử vong. Liệu pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, và kết quả sau 3 năm theo dõi cho thấy, so với những người chỉ được sử dụng thuốc Keytruda, những bệnh nhân sử dụng liệu pháp kết hợp vaccine mRNA có nguy cơ tái phát thấp hơn 49%. Tương tự, nguy cơ tế bào ung thư di căn xa hoặc tử vong cũng thấp hơn 62%.

Vaccine ung thư dự kiến ra mắt năm 2025.

Hiện tại, Moderna lên kế hoạch đẩy mạnh nghiên cứu vaccine điều trị ung thư da và hướng tới bệnh ung thư phổi. Merck dự định nghiên cứu phương pháp này cho các bệnh ung thư có đột biến cao khác, bao gồm ung thư phổi, ung thư bàng quang và một số dạng ung thư vú.

Một công ty khác là CureVac (Đức) đang phát triển vaccine mRNA để trị ung thư buồng trứng, đại trực tràng và tuyến tụy. Hồi năm ngoái, tạp chí Nature cho biết hãng BioNTech (Đức) hợp tác với chính phủ Anh đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng của một loại vắc xin nhắm vào bệnh ung thư tuyến tụy.

Mới đây nhất, các nhà khoa học từ Đại học Oxford, Viện Francis Crick và Đại học College London (Anh) cũng đang sử dụng công nghệ tương tự để tạo ra LungVax - một loại vaccine kích hoạt hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn ung thư phổi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 2 vừa qua tuyên bố, các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu vaccine chống ung thư và thuốc thế hệ mới.

Tôi xin nói thêm rằng chúng ta đã tiến gần đến việc tạo ra vaccine ung thư, vaccine ngừa ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm được sử dụng vaccine ung thư và thuốc thế hệ mới một cách hiệu quả như các phương pháp trị liệu cá nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hiện tại, phần lớn vaccine ung thư đều được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, thường kết hợp với các biện pháp can thiệp khác như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Theo các chuyên gia, từ những thành công trong bào chế vắc xin ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA, thế giới có thể kỳ vọng về một kỷ nguyên điều trị và phòng ngừa ung thư, nơi mà cả người bệnh, đội ngũ y bác sỹ và thân nhân sẽ bớt đi những gánh nặng biến chứng, nâng cao chất lượng sống trong giai đoạn chiến đấu với bệnh.

Cô gái mang nụ cười cho bệnh nhi ung thư ở Iraq

Năm 2008, khi mới 10 tuổi, Sabrin Abdul-Zahra được chẩn đoán mắc ung thư. Sau 3 năm kiên trì điều trị, Sabrin đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Giờ đây, cô gái trẻ đã cùng với 4 tình nguyện viên khác quay lại Bệnh viện nhi Basra, nơi mình từng trị bệnh để giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn.

Mỗi tuần 4 lần, Sabrin và nhóm tình nguyện đến bệnh viện để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giúp các em tìm lại nụ cười, niềm vui trong cuộc sống.

Cô gái mang nụ cười cho bệnh nhi ung thư ở Iraq.

Vẽ tranh là một trong những hoạt động mà nhóm tình nguyện của Sabrin thường khuyến khích các bệnh nhi, nhằm giúp các em có thể bày tỏ cảm xúc. Nếu được các em đồng ý, những tác phẩm này sau đó sẽ được mang đi bán để gây quỹ từ thiện tổ chức các hoạt động vui chơi tiếp theo cho chính các bệnh nhi ở đây. Ngoài việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, nhóm tình nguyện của Sabrin còn thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân, tổ chức từ thiện nhằm quyên góp giúp đỡ thêm cho bệnh viện, cũng như gia đình các bệnh nhi.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iraq, từng được coi là một trong những hệ thống tốt nhất ở Trung Đông, tuy nhiên hiện nay đang xuống cấp bởi hàng thập kỷ xung đột và bất ổn sau cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong những năm gần đây, đã gây thêm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì thế những hành động đẹp như của Sabrin đã truyền cảm hứng và động lực để các bệnh nhi ở đây chiến đấu với bệnh tật.

Trải qua gần ba thế kỷ từ khi loài người biết về ung thư, thế giới đã và đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc giành giật sự sống cho từng bệnh nhân ung thư. Các liệu pháp chữa trị mới đang được nghiên cứu và kiểm định cận lâm sàng, lâm sàng một cách gắt gao, nhằm sớm tìm ra biện pháp chống ung thư tối ưu. Trong thời gian chờ đợi, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện lối sống lành mạnh, tinh thần mạnh mẽ, hạn chế tiêu thụ rượu, thuốc lá và tăng cường thể dục thể thao, để làm giảm nguy cơ ung thư khởi phát sớm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.