Biến đổi khí hậu La Nina có dấu hiệu bất thường

Các chuyên gia nhận định rằng diễn biến thời tiết phức tạp hiện nay, đặc biệt là sự gia tăng tần suất và cường độ của bão, liên quan đến sự chuyển pha từ El Niño sang La Niña.

Cơn bão số 4 đã đổ bộ vào nước ta, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, với tâm điểm là tỉnh Quảng Trị. Cơn bão số 4 chỉ cách siêu bão số 3 hơn chục ngày, tuy cường độ không mạnh nhưng lại gây mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ lũ lớn.

Sự chuyển pha từ El Niño sang La Niña là hiện tượng tự nhiên đã có từ lâu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra tình trạng bão mạnh và lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Bắc không chỉ đến từ hiện tượng khí hậu tự nhiên này, mà còn do tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Điều này dẫn đến những diễn biến thời tiết bất thường, tạo ra những cơn bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt và sạt lở kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước và đời sống người dân.

Tình trạng bão mạnh và lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Bắc là do biến đổi khí hậu từ hiệu ứng nhà kính.

Nhận định của chuyên gia về biến đổi khí hậu

Theo dự báo, trạng thái khí quyển khi chuyển từ El Nino sang La Nina, tức từ pha nóng sang pha lạnh mạnh mẽ sẽ gây ra đột biến về thời tiết. Hiện tượng mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến La Nina năm 2020.

Hình ảnh trên rada quét của Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo trong đêm 19/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa có nơi trên 200mm, như ở Mai Hóa (Quảng Bình): 222.8mm; ở Tà Long (Quảng Trị): 363.6mm; ở Bạch Mã (Thừa Thiên Huế): 321.3mm,…

Ngoài ra, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên, Nam Bộ.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Chúng tôi đã nhận định từ đầu năm, khi hoàn lưu của El Nino chuyển sang La Nina vào cuối năm thì xu hướng bão sẽ tập trung dồn dập vào cuối mùa. Vì vậy mà hiện tại trên Biển Đông, ngay sau cơn bão số 3 là cơn bão số 4 đang hoạt động rất mạnh và ảnh hưởng đến nước ta".

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cảnh báo người dân về tình trạng biến đổi khí hậu.

Bà Thanh Ngà cũng cho biết: "Theo đó, chúng tôi nhận định cơn bão này có cường độ và quỹ đạo khá phức tạp, như cơn bão số 3 vừa qua có dấu hiệu phát triển rất nhanh, cấp độ của cơn bão phát triển chỉ trong 24h và duy trì cấp độ rất lâu, đồng thời gây ra rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở đất, đặc biệt khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã chịu thiệt hại rất lớn".

Nói về ảnh hưởng của nhiệt độ gia tăng bất thường gây ra biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến Việt Nam, bà Thanh Ngà cho biết: "Hiện tượng chuyển pha La Nina được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay, điều này sẽ làm gia tăng lượng mưa trung bình của nước ta so với mọi năm, với tháng 7 vừa rồi, chúng ta đã ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ, điều này cộng hưởng với hiện tượng La Nina trong tự nhiên góp phần gia tăng những đám mây đối lưu gây mưa, đặc biệt do thời tiết nóng lên, nước bốc hơi sẽ được lưu trữ trong những đám mây lâu hơn, dễ xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, mưa với cường độ lớn trong nhiều ngày".

"Chính vì biến đổi khí hậu như vậy mà từ giờ đến cuối năm, các hiện tượng cực đoan sẽ diễn ra nhiều hơn, do đó mà chúng ta cần phải hướng tới giảm khí thải nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Cũng vì vậy chính phủ đã đề ra chiến lược quốc gia về cắt giảm khí thải bằng 0 "Net Zero" vào năm 2030. Hướng tới mục tiêu đó, chúng ta cần phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, giảm năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Cũng do đó mà nhận thức của cộng đồng về chống biến đổi khí hậu là cực kỳ quan trọng vì biến đổi khí hậu đã tác động lên tính mạng, cuộc sống con người và đến sự phát triển của đất nước chúng ta trong tương lai".

Thượng Hải hứng chịu cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm

Biến đổi khí hậu làm cho người dân Trung Quốc lần đầu tiên phải hứng chịu nhiều cơn bão liên tiếp, với tần suất cứ 1 tuần đón 1 cơn bão.

Sáng 16/9, bão Bebinca đã đổ bộ vào thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, với sức gió giật cấp 14 tương đương 151km/h. Đây là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Thượng Hải kể từ năm 1949. Hơn 410.000 người đã được sơ tán đến nơi an toàn và hơn 800 tàu thuyền vào nơi tránh bão. Chính quyền đảo Sùng Minh, hòn đảo lớn thứ ba Trung Quốc, đã sơ tán khoảng 9.000 người trước khi bão đổ bộ.

Tính đến ngày 16/9, bão Bebinca đã làm 4 ngôi nhà bị hư hại, 1 người bị thương, hơn 10.000 cây xanh bị quật ngã, hơn 53 héc ta đất nông nghiệp bị ngập, 153 nơi xảy ra mất điện. Sân bay quốc tế Phố Đông và Hồng Kiều, hai sân bay lớn ở Thượng Hải, đã hủy 1.461 chuyến bay, hơn 577 chuyến tàu cũng tạm thời bị đình sau khi bão đổ bộ vào thành phố.

Chính quyền thành phố Thượng Hải đã huy động 2.500 đội cứu hộ bao gồm 56.000 nhân viên cứu hộ, được hỗ trợ bởi hơn 80 xe bơm nước di động và 400 kho vật liệu để kịp thời ứng cứu người dân.

Tờ New York Times đưa tin, chỉ 3 ngày sau khi cơn bão Bebinca quét qua Thượng Hải, Trung tâm tài chính của Trung Quốc lại chuẩn bị phải hứng chịu một cơn bão khác là Pulasan, dự kiến sẽ đổ bộ vào thành phố vào sáng ngày mai.

Trước đó, bão Pulasan đã đổ bộ vào miền nam Nhật Bản, khiến các nhà chức trách địa phương phải ban hành cảnh báo lở đất ở Okinawa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo phía nam của nước này.

Theo dự báo của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ, khi bão Pulasan di chuyển theo hướng tây bắc về phía Trung Quốc, nó có sức gió duy trì tối đa khoảng 74km một giờ. Cơn bão di chuyển chậm dự kiến sẽ đổ bộ vào Thượng Hải, mang theo gió mạnh và lượng mưa lên tới 50mm mỗi giờ ở một số khu vực. Đài quan sát Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo thời tiết khắc nghiệt và cảnh báo về khả năng xảy ra lũ lụt và lở đất nguy hiểm.

Các nước chịu ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường

Những trận mưa cực lớn đang trở nên phổ biến và dữ dội hơn ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, châu Á, Trung và Đông Bắc Mỹ, và một số vùng Nam Mỹ, châu Phi và Australia.

Bão Boris đã đổ lượng mưa gấp năm lần lượng mưa trung bình của tháng 9 xuống một số khu vực của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Rumani và Slovakia trong bốn ngày, nhấn chìm toàn bộ các khu phố và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán, làm chết ít nhất 18 người và một số người mất tích. Trong khi mưa đang giảm dần ở một số khu vực, mực nước ở những khu vực khác dự kiến vẫn chưa đạt đỉnh trong vài ngày nữa.

Các khu vực biên giới giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề. Mưa lớn và mực nước dâng cao đã làm sập một số cây cầu, buộc người dân phải đi sơ tán và để lại phía sau cảnh tượng hoang tàn. Hơn 12.000 người đã được sơ tán tại Cộng hòa Séc. 250 nghìn hộ gia đình ở Séc đã không có điện vào cuối tuần.

Tại thị trấn Klodzko, Ba Lan, nước sông dâng cao đã chạm tới gầm cây cầu Sắt, Nước sông lên cao tới 6,65 mét, cao hơn nhiều so với mức báo động là 2,4 mét. Nước sông đã vượt qua mức kỷ lục trong trận lũ lớn năm 1997, từng phá hủy một phần thị trấn và cướp đi sinh mạng của 56 người ở Ba Lan. Một người đã chết đuối và 1.600 người đã được sơ tán ở Klodzko.

Các khu vực biên giới giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều cơn mưa lớn hơn vì không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn. Các yếu tố khác do con người như quy hoạch phòng chống lũ lụt và sử dụng đất cũng là những yếu tố quan trọng gây ra lũ lụt.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thời tiết thay đổi đột ngột từ hạn hán nghiêm trọng sang mưa lớn đang trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu. Các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết mà EU phải đối mặt trong những thập kỷ tới có thể được chia thành các nhóm như sau:

- Nhiệt độ không khí trung bình sẽ tăng đều đặn trên khắp châu Âu.

- Lượng mưa dự kiến sẽ thay đổi đáng kể trên khắp châu lục này, trong đó mưa lớn ở phía Bắc, cực đoan hơn ở Trung Âu và nguy cơ hạn hán cao hơn ở phía Nam.

- Cường độ bão dự kiến sẽ tăng trên khắp châu Âu, nhưng tần suất thay đổi được dự kiến sẽ khác nhau giữa các khu vực.

- Lượng tuyết rơi dự kiến sẽ giảm ở miền Trung và miền Nam châu Âu, trong khi sẽ có những thay đổi hỗn hợp ở miền Bắc châu Âu.

- Các vùng ven biển: Mực nước biển sẽ dâng cao ở tất cả các khu vực ngoại trừ Biển Baltic phía Bắc.

- Nhiệt độ bề mặt biển dự kiến sẽ tăng ở tất cả các vùng biển châu Âu, kèm theo sự gia tăng các đợt nắng nóng trên biển. Các vùng biển của châu Âu cũng dự kiến sẽ có nồng độ axit cao hơn.

Biến đổi khí hậu đã tác động và gây ra những hậu quả to lớn cho không chỉ Việt Nam nói riêng mà cả thế giới nói chung. Theo dự đoán của các chuyên gia, hiện tượng thời tiết bất thường sẽ còn kéo dài đến cuối năm. Chính vì vậy, người dân cần chuẩn bị tâm thế cùng những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đón nhận mọi sự biến đổi của khí hậu có thể mang đến trong những tháng sắp tới đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2024, GS.TS - Nhà giáo ưu tú Phùng Hữu Phú cống hiến tận tâm cho Hà Nội. Với ông, Hà Nội luôn là một tình yêu lớn.

Hà Nội được vinh danh là "Điểm đến thành phố ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2024" trong lễ trao giải World Culinary Awards tại Dubai, UAE.

Ngày 10/10, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yook Suk Yeol.

Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, quận Ba Đình có thêm một công trình "dân vận khéo".

Chiều nay, 10/10, quận Bắc Từ Liêm tổ chức lễ gắn biển công trình xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.