Biểu tượng rồng trong văn hóa châu Á mang ý nghĩa gì?

Theo quan niệm của người phương Đông, rồng là con vật thần thoại, tượng trưng cho sức mạnh to lớn, quyền uy, phú quý và thịnh vượng. Rồng được xem là linh vật may mắn, xua tan cái ác. Dù mang đầy tính thần thoại nhưng hình ảnh con Rồng lại gắn liền với đời sống của người phương Đông từ xưa đến nay với nhiều ý nghĩa linh thiêng, cao quý.

Hình ảnh rồng trong văn hóa dân gian 

Theo quan niệm của người phương Đông, rồng là con vật của trời đất, tượng trưng cho sức mạnh to lớn, quyền uy, phú quý và thịnh vượng. Rồng được xem là linh vật may mắn, xua tan cái ác. Nhiều nhà sử học Trung Quốc tin rằng nguồn gốc của hình ảnh rồng ở Trung Quốc có từ cách đây gần 10.000 năm và có liên quan mật thiết đến việc thờ cúng các vị thần và sự sinh tồn trong xã hội nông nghiệp.

Giáo sư Xiao Fang, Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết: “Trong mắt người Trung Quốc cổ đại, rồng có thể làm cho mưa thuận, gió hòa và đảm bảo mùa màng bội thu. Sức mạnh và sự uy nghiêm của rồng cũng tượng trưng cho việc duy trì trật tự trong thế giới con người”.

Chính vì có ý nghĩa tốt đẹp như vậy nên người dân đã tôn kính, tin tưởng và đưa hình ảnh rồng vào nhiều câu chuyện dân gian. Những huyền thoại ban đầu sau này phát triển thành tín ngưỡng văn hóa, khiến rồng trở thành linh vật thờ cúng thiêng liêng nhất của người Trung Quốc.

Các công trình kiến trúc cổ như đền chùa, cung điện không thể thiếu hình ảnh rồng. Trong các cung điện như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, rồng được gắn trên mái nhà, chạm khắc trên bậc đá, cột nhà, cửa gỗ, với hình dáng uy nghi cũng có mà nhẹ nhàng uyển chuyển cũng có. Dữ liệu công khai cho thấy chỉ riêng trong điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành đã có 14.986 hình trang trí rồng được chạm khắc. Hình ảnh rồng được coi là “thần bảo hộ” của các công trình kiến trúc, làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa linh thiêng cho các công trình kiến trúc cổ.

Các hoạt động múa rồng lại được tổ chức tại nhiều nước châu Á.

Hình ảnh rồng cũng xuất hiện trong mọi khía cạnh của đời sống con người, đặc biệt trong các lễ hội truyền thống. Mỗi dịp Tết đến Xuân về hay rằm Trung Thu, các hoạt động múa rồng lại được tổ chức tại nhiều nước châu Á. Những mô hình rồng dưới sự điều khiển của con người trở nên sinh động với những động tác uốn lượn, nhào lộn đẹp mắt. Các mô hình rồng có thể làm từ mọi chất liệu, với các màu đỏ, vàng là màu chủ đạo. Nghệ thuật múa rồng thường kết hợp với múa lân và sư tử. Ngoài dịp lễ Tết ra, hoạt động múa lân sư rồng còn được tổ chức trong các sự kiện khai trương diễn ra thường ngày tại nhiều thành phố lớn, đem đến không khí sôi động và kỳ vọng vào sự khởi đầu may mắn.

Trong dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm, lễ hội đua thuyền rồng được tổ chức rộng rãi ở Trung Quốc. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất thế giới, được tổ chức vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ nhà thơ Khuất Nguyên. Các đội đua ngồi trên những chiếc thuyền gỗ dài có trang trí hình rồng, cố gắng chèo thuyền thật nhanh về đích trong sự cổ vũ sôi động của công chúng. Ngày nay, hoạt động đua thuyền rồng không chỉ là một hoạt động văn hóa phổ biến mà đã trở thành một hoạt động thể thao dân gian mang tầm quốc tế, được tổ chức quanh năm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hình ảnh con rồng còn xuất hiện nhiều trong các đồ vật dân gian khác, như đèn lồng.

Hình ảnh con rồng còn xuất hiện nhiều trong các đồ vật dân gian khác, như đèn lồng. Trong dịp Tết âm lịch 2024, lễ hội đèn lồng khu vườn Dự Viên được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc và tại Paris, Pháp đã trưng bày rất nhiều đèn lồng hình rồng để chào mừng năm Giáp Thìn. Với tạo hình đa dạng, sống động, với màu sắc vui tươi, rực rỡ, những đèn lồng hình rồng là điểm nổi bật thu hút du khách. Đặc biệt vào ban đêm, dưới hiệu ứng của ánh sáng lung linh, những đèn lồng hình rồng đem đến cảm giác hoành tráng mà thần bí, thắp sáng không gian năm mới.

Những đèn lồng hình rồng đem đến cảm giác hoành tráng mà thần bí.

Đã trở thành một nét văn hóa, mỗi năm để chào mừng năm mới, cơ quan bưu chính các nước thường ra mắt bộ tem có hình con giáp của năm đó. Năm nay là năm con rồng, Trung Quốc đã ra mắt bộ tem đặc biệt “Năm Giáp Thìn” tại Bảo tàng Nghệ thuật Thủ công Mỹ nghệ Trung Quốc.

Các hoa văn in trên tem dựa trên hình ảnh rồng cổ xưa của các triều đại, kết hợp các đặc điểm văn hóa của con giáp và đặc điểm nghệ thuật của tem, đồng thời sử dụng ngôn ngữ thiết kế trang trí phẳng để làm nổi bật di sản văn hóa.

Trung Quốc đã ra mắt bộ tem đặc biệt “Năm Giáp Thìn”.

Ngoài Trung Quốc ra, cơ quan bưu chính các nước khác như New Zeland, Pháp, Mỹ hay tổ chức Liên hợp quốc cũng ra mắt các bộ tem hình rồng để chào mừng năm mới Giáp Thìn.

Trưng bày tượng rồng tại Mỹ

Sự yêu thích đối với hình ảnh rồng ngày nay đã lan rộng trên toàn cầu. Không chỉ với người dân châu Á, mà cả ở các nước khác, chúng ta cũng đang chứng kiến sự phát triển của linh vật độc đáo này. Tại thành phố San Francisco của Mỹ đang trưng bày bộ sưu tập năm bức tượng rồng để chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với những thiết kế nghệ thuật đầy màu sắc kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ.

Bức tượng Rồng cầu vồng là một trong số 5 tượng rồng đang được trưng bày tại Mỹ.

Nghệ sĩ địa phương Steph Mufson đã thiết kế hai trong số 5 bức tượng này, bức Rồng cầu vồng và Rồng may mắn vàng. Cô đã đồng thời triển khai nhiều phương pháp công nghệ cao khác nhau bao gồm tạo mô hình 3D để tạo ra những tác phẩm bắt mắt. Nghệ sĩ Steph Mufson có niềm đam mê với văn hóa Trung Quốc và quen thuộc với Tết nguyên đán. Cô muốn góp phần bảo tồn các lễ hội và văn hóa truyền thống này. Các bức tượng của cô không chỉ để tôn vinh năm rồng mà còn làm nổi bật yếu tố gỗ trong những tác phẩm này.

Một bức tượng khác có thiết kế bằng sứ trắng và xanh, một loại sứ đặc trưng của Trung Quốc.

Một bức tượng khác có thiết kế bằng sứ trắng và xanh, một loại sứ đặc trưng của Trung Quốc. Người sáng tạo ra bức tượng này, cô Ji Qinghui, cho biết cô lấy cảm hứng từ ký ức ấp ủ về những bữa ăn gia đình ở Trung Quốc, được phục vụ trong những chiếc bát cùng màu. Những bức tượng thu hút sự chú ý của rất nhiều người trên đường phố. Những bức tượng này là một phần trong dự án “Những con giáp trong lễ diễu hành”, sẽ được trưng bày tại những địa điểm khác nhau trong thành phố San Franciso đến ngày 2/3 tới.

Trang sức vàng hình rồng hút khách tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, với truyền thống mua vàng và tặng nhau vàng dịp năm mới để đem lại may mắn, năm nay, những vật trang trí và đồ trang sức hình rồng làm bằng vàng được nhiều người tìm mua. Từ cuối tháng 12 năm ngoái, các thương hiệu trang sức lớn tại Trung Quốc đã tung ra các sản phẩm mới hình rồng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Những vật trang trí và đồ trang sức hình rồng làm bằng vàng được nhiều người tìm mua.

Nhu cầu về vàng đã tăng mạnh tại Trung Quốc vào dịp Tết Giáp Thìn. Các cửa hàng vàng luôn tấp nập khách đến mua hàng, bất chấp gần đây giá vàng tăng cao. Theo nhân viên một cửa hàng vàng tại Trung Quốc, trong số các thiết kế đa dạng tại cửa hàng này, đồ trang sức có hình con rồng của Trung Quốc rất được ưa chuộng.Nhiều khách hàng thích thú với những sản phẩm hình rồng được thiết kế tinh tế, bắt mắt với nhiều kiểu dáng phong phú.

Nhiều người quan niệm rằng đầu năm Giáp Thìn, sở hữu vàng hình rồng sẽ gặp may mắn. Dữ liệu được các nền tảng mua sắm tiết lộ cho thấy lượng tìm kiếm các sản phẩm liên quan đến con rồng trên các nền tảng mua sắm tăng vọt, người tiêu dùng sốt sắng “săn vận may rồng”. Chỉ riêng trong tuần đầu tháng 1, lượng tìm kiếm từ khóa sản phẩm liên quan đến “con giáp rồng” đã tăng 640 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự nhiệt tình “săn vận may rồng” của người tiêu dùng. Doanh số bán đồ trang sức và đồ trang trí bằng vàng hình rồng đều đạt mức cao. Dữ liệu của Taobao cho thấy mặt dây chuyền hình rồng là phổ biến nhất, với số lượt tìm kiếm tăng 400% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là phong bao lì xì vàng năm Rồng, hạt hình rồng gắn trên dây đeo tay màu đỏ. Số liệu của Taobao cũng cho thấy nhóm khách hàng mua vàng nhiều nhất là người tuổi rồng.

Nhu cầu về vàng đã tăng mạnh tại Trung Quốc vào dịp Tết Giáp Thìn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn đưa ra bộ tiền xu kỷ niệm với thiết kế vẽ hình những con rồng trong Bức tường Cửu Long (một bức bình phong có phù điêu chín con rồng Trung Quốc thường thấy trong các cung điện và ngự hoa viên), thể hiện sự trang trọng và uy nghiêm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn đưa ra bộ tiền xu kỷ niệm với thiết kế vẽ hình những con rồng.

Ngoài các nhà sản xuất trong nước, nhiều hãng đúc tiền nước ngoài cũng đưa ra các sản phẩm lấy chủ đề năm con rồng. Nhà sản xuất vàng Perth Mint ở Australia đã trưng bày đồng xu Lunar ở Triển lãm tiền xu quốc tế Bắc Kinh. Bộ tiền xu này cũng có chín kiểu, dựa trên Bức tường Cửu Long của Bảo tàng Cố cung.

Những nhân vật tuổi rồng nổi tiếng thế giới

Với những đặc điểm gắn liền với sự cao đẹp, tốt lành, niềm vui, hạnh phúc và may mắn của hình ảnh rồng trong truyền thuyết, nhiều người mong muốn được sinh con tuổi rồng. Trên thế giới cũng có nhiều nhân vật nổi tiếng sinh năm rồng đều rất thành công, từ những nhà chính trị đến tỷ phú, vận động viên hay nghệ sĩ. Những người này với sự thông minh, giỏi giang, đã trở thành những nhân vật quyền lực hàng đầu thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 (tuổi Nhâm Thìn) tại Leningrad (nay là St. Petersburg).  Ông Putin từng tốt nghiệp ngành Luật, là Tiến sĩ kinh tế, giữ chức Giám đốc cơ quan an ninh Liên Bang. Năm 2000, ông được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga sau một năm làm phó tổng thống. Tính đến tháng 5 năm 2024, ông Putin đã có 4 nhiệm kỳ làm tổng thống. Trong suốt thời gian cầm quyền, Tổng thống Putin đã có những thành tựu đáng kể trong cuộc cuộc cải tổ nước Nga. Ông không chỉ phục hồi được nền kinh tế Nga mà còn đưa nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc hàng đầu thế giới.

Tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ của Tập đoàn Amazon.

Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực thương mại, tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ của Tập đoàn Amazon, của Mỹ cũng là một người sinh năm rồng. Ông sinh năm 1964, tuổi Giáp Thìn. Năm 1994, Jeff Bezos khởi nghiệp khi xây dựng Amazon như một cửa hàng sách trực tuyến, sau đó mở rộng thêm ra các sản phẩm, dịch vụ thương mại điện tử khác. Dưới sự lãnh đạo của ông, Amazon hiện là trang web bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, và với khả năng hạ giá thành sản phẩm không giới hạn của mình, Amazon hiện cũng là đối thủ đáng gờm của nhiều gã khổng lồ khác trong lĩnh vực bán lẻ. Hiện tại Jeff Bezos được biết đến là người giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản lên tới 128 tỷ USD (theo thống kê của Forbes năm 2022).

Tỷ phú Jack Ma người Trung Quốc - ông chủ Tập đoàn Alibaba.

Cùng tuổi Giáp Thìn với ông Jeff Bezos, Jack Ma người Trung Quốc cũng trở thành một tỷ phú với sự thành công của Tập đoàn Alibaba. Sinh năm 1964 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông là người lập ra trang web thương mại đầu tiên của Trung Quốc. Sau đó, ông thành lập trang web Alibaba.com, hiện nay có giá trị lên đến 26 tỷ USD. Với con mắt kinh doanh và tư duy toàn cầu hóa, Jack Ma đã phát triển nhanh chóng và trở thành một tỷ phú của Trung Quốc cũng như của thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.