Bức tranh toàn cảnh chính trị, quân sự thế giới năm 2023

Năm 2023, bức tranh chính trị, quân sự thế giới vẫn đan xen giữa hai gam màu sáng - tối, trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, xung đột ở các khu vực tiếp tục gia tăng cả về cường độ, phạm vi và tính chất, nhưng cũng có những tín hiệu tích cực.

Cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa Israel và Hamas

Ngày 7/10, cuộc chiến đẫm máu nhất giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine nổ ra sau khi các tay súng Hamas đột kích sang lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt giữ hơn 200 người khác làm con tin. Cuộc tấn công đã khiến người Israel bất ngờ và choáng váng. Nhằm đáp trả Hamas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát động một chiến dịch không kích quy mô lớn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: “Tôi kêu gọi người dân Israel tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị của quân đội và Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa. Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

Quân đội Israel cũng tiến vào Dải Gaza, lần đầu tiên sau nhiều năm và giao tranh ác liệt trên đường phố. Cuộc tấn công đã khiến hơn 21 nghìn người ở Dải Gaza, hầu hết là dân thường, thiệt mạng, hơn 55 nghìn người khác bị thương. Hơn 2 triệu cư dân Gaza phải sống trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn thực phẩm

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Tác động của cuộc xung đột đối với lĩnh vực y tế rất thảm khốc. 1,9 triệu người, gần như toàn bộ dân số của Dải Gaza đã phải di dời và đang tìm nơi trú ẩn ở bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy, nhưng không nơi nào, không ai an toàn ở Gaza.”

Gần 3 tháng đã trôi qua, nhưng đến nay các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas đang mở rộng ra cả các khu vực được xác định là vùng an toàn, trong khi triển vọng về một lệnh ngừng bắn đang giảm dần khi cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng cho một trận chiến lâu dài.

Cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa Israel và Hamas không chỉ khiến quan hệ Israel - Palestine trở nên phức tạp chưa từng có, mà còn làm thay đổi toàn bộ tình hình chính trị, quân sự ở khu vực Trung Đông. Chiến dịch ném bom của Israel vào Gaza đã lôi kéo một số nhóm vũ trang trong khu vực như Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen vào vòng xoáy xung đột. Những lực lượng này thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Israel và Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh khu vực khác ở Trung Đông.

Trong ba năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạn chế can thiệp vào khu vực Trung Đông để tập trung hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ phải giảm căng thẳng ở Trung Đông bằng cách thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab và Israel, đồng thời giảm thiểu xung đột với Iran.

Tuy nhiên, xung đột đã “đóng băng” tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel – Saudi Arabia; ngăn cản việc ký kết một thỏa thuận an ninh khu vực, buộc Mỹ phải đảo ngược chính sách giảm hiện diện quân sự sau khi kết thúc cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông được cho là đang tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc phát huy ảnh hưởng khi hai nước này kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức và quy trách nhiệm cho Mỹ về cuộc xung đột leo thang gây thương vong lớn cho dân thường.

Xung đột Nga - Ukraine, hòa bình vẫn còn xa vời

Tốc độ nhanh chóng của cuộc xung đột Israel – Hamas đã phần nào làm lu mờ cuộc xung đột Nga – Ukraine trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian trước đó, chiến trường của cả hai bên cũng không có nhiều thay đổi, dù Ukraine đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ của các nước phương Tây để tiến hành phản công. Trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn và hai bên không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, cuộc xung đột quy mô lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II và cuộc đối đầu sâu sắc nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh được cho là sẽ tiếp tục bước sang năm thứ 3, tác động tới an ninh, chính trị và kinh tế toàn cầu.

Cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 6 với nhiều hi vọng sau khi Kiev đã nhận được xe tăng, vũ khí và sự huấn luyện của phương Tây. Mục tiêu của Ukraine là tiến về phía Nam nhằm cắt đứt hành lang trên bộ nối đất liền Nga với bán đảo Crimea và giải phóng các vùng lãnh thổ ở miền Đông. Tuy nhiên, trong khi Ukraine còn chờ nhận được vũ khí từ các đồng minh phương Tây thì quân đội Nga đã dành thời gian trong mùa đông và mùa xuân để củng cố phòng tuyến. Hàng nghìn quả mìn cùng hệ thống hào sâu dọc chiến tuyến dài 1.000 km đã khiến chiến dịch phản công của Kiev không đạt được bước đột phá nào đáng kể dù phải chịu tổn thất nặng nề.

Đầu tháng 11, Tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, thừa nhận, cuộc chiến đã đi vào bế tắc, không bên nào có thể tiến lên. Quả thực, như vị tướng này đã nói, trong năm qua, Nga đã giành được nhiều lãnh thổ hơn Ukraine. Sau khi kiểm soát thành phố Bakhmut hồi tháng 5, mới đây Nga tiếp tục kiểm soát thị trấn chiến lược Maryinka ở phía Đông, đồng thời đang dần khép chặt vòng vây tại Avdiivka, nơi được coi là pháo đài quan trọng nhất của Ukraine. Trong khi đó, về phía Ukraine, việc quân đội nước này thiết lập đầu cầu ở bờ đông sông Dnipro thuộc tỉnh Kherson là một điểm sáng nhỏ hiếm hoi.

Trong bối cảnh ấy, “tâm lý mệt mỏi” vì cuộc xung đột ở Ukraine đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ngần ngại gửi thêm viện trợ cho Kiev.

Nhận thấy rằng Nga sẽ có lợi thế hơn Ukraine trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài với quy mô nền kinh tế và dân số lớn hơn nhiều lần, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Ukraine chuyển từ tấn công sang phòng thủ và tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ tín hiệu ngoại giao nào cho thấy cả Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Nga nỗ lực xây dựng trật tự thế giới đa cực

Nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay có lẽ là một biểu hiện cụ thể, khó tránh khỏi trong tiến trình cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Bản chất của cuộc xung đột là mâu thuẫn giữa việc Nga muốn khôi phục địa vị “siêu cường” thế giới, trước hết tại khu vực châu Âu, với nhu cầu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tham vọng của Mỹ cùng đồng minh muốn duy trì một trật tự mà Mỹ, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thiết lập tại khu vực. Đây là mâu thuẫn đối kháng không có nhượng bộ, vì vậy xung đột xảy ra như một hệ quả tất yếu.

Tháng 7/2023, Nga đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, quy tụ phái đoàn từ 49 quốc gia, trong đó có 17 nguyên thủ và nhiều quan chức cao cấp của các nước châu Phi. Đây được cho là kết quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ nhằm khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.

Với vị thế đó, Nga đã đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực, coi đó là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược với mô hình gợi ý là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Hiện nay, BRICS đã thu hút trên 40 quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia, trong đó có 23 quốc gia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập. Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 đánh dấu bước phát triển đột phá với quyết định kết nạp thêm 06 thành viên mới gồm Ai Cập, Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Mỹ ra sức duy trì trật tự thế giới đơn cực

Trong khi đó, không chấp nhận hiện thực về trật tự thế giới đa cực đang hình thành rõ nét, trong năm 2023, Mỹ ra sức duy trì trật tự thế giới đơn cực do Washington lãnh đạo. Phát biểu tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 9/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ đang xây dựng các liên minh để củng cố nền dân chủ, thúc đẩy nhân quyền và tăng cường phát triển kinh tế.

Theo hướng đó, Mỹ ra sức củng cố và mở rộng NATO. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 có ý nghĩa quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh do có sự tham dự của Phần Lan - thành viên thứ 31. Đây là hệ quả trực tiếp đầu tiên của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đối với cấu trúc an ninh châu Âu, bởi Phần Lan từng duy trì chính sách trung lập trong suốt nhiều thập kỷ từ sau Thế chiến thứ hai.

Một trong những chủ đề quan trọng hàng đầu của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 là hóa giải sự chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine và việc kết nạp Thụy Điển. Với việc kết nạp Thụy Điển làm thành viên thứ 32 của NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, Ankara không còn phản đối Stockholm và sẽ khuyến nghị Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Ngoài ra, NATO cũng nhất trí về kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh với chủ trương sẽ kết nạp Ukraine khi Kiev đáp ứng các yêu cầu cải cách và sau khi xung đột với Nga chấm dứt - điều mà Nga luôn coi là “lằn ranh đỏ”.

Tại Hội nghị NATO lần này, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), gồm: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh cũng đề xuất sáng kiến đa phương nhằm cung cấp vũ khí và trang bị hiện đại cho Ukraine và tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Việc lãnh đạo các nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng là dấu hiệu rõ ràng về chủ trương “Đông tiến” của liên minh.

Mỹ - Trung nỗ lực kiểm soát cạnh tranh chiến lược

Có thể nói, năm 2023, bức tranh chính trị, quân sự thế giới vẫn đan xen hai gam màu sáng - tối, trong đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, xung đột ở các khu vực tiếp tục gia tăng cả về cường độ, phạm vi và tính chất, nhưng cũng có những tín hiệu tích cực. Việc trong năm qua, Mỹ chủ trương kiểm soát bất đồng với Trung Quốc có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh chính trị - quân sự thế giới một năm qua.

Trong năm 2023, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều động thái để nỗ lực kiểm soát bất đồng, trong đó nổi bật nhất là cuộc gặp thượng đỉnh  diễn ra ngày 15/11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sau khoảng một năm, là cơ hội để hai bên hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là hai bên hiểu nhau một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm và thông tin sai lệch. Chúng ta cần đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột và cần được quản lý một cách có trách nhiệm. Đó là điều Mỹ muốn và dự định thực hiện.”

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới và sẽ phi thực tế khi một bên tìm cách định hình lại bên kia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. Việc bên này thay đổi bên còn lại là không thực tế, xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai.”

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung được các quan chức Mỹ coi là cơ hội để giảm bớt xích mích trong cuộc cạnh tranh được cho là nguy hiểm nhất thế giới. Các diễn biến mới khơi dậy hy vọng rằng, hai quốc gia có thể hàn gắn quan hệ sau nhiều năm bất đồng.

Năm 2023 đang dần khép lại. Bước sang năm 2024, thế giới có thể sẽ trở nên mong manh hơn do những tác động đan xen của cạnh tranh nước lớn, bất ổn địa chính trị và sự trì trệ kinh tế. Cục diện thế giới còn trở nên phức tạp khó lường hơn do hàng chục cuộc cầu cử sẽ diễn ra, có thể thay thế gần một nửa số lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, theo nhận định của giới quan sát, sẽ không có xung đột quy mô lớn và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn sẽ là xu thế chủ đạo./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.

Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.

Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cam kết thúc đẩy một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng với trọng tâm là áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tờ Wall Street Journal nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của chính trị gia 78 tuổi này ở Nhà Trắng sẽ khiến mức thuế quan của Mỹ lên cao nhất lịch sử và thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.

Có thể có nhiều lời giải thích cho thất bại của ông Trump, nhưng có một số nguyên nhân đã trở nên rõ ràng.