Bùng nổ cuộc chiến năng lượng giữa Nga và Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine đã leo thang khi Moscow và Kiev liên tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine không chỉ gây thiệt hại cho các bên tham chiến mà còn tác động mạnh đến kinh tế và môi trường chính trị toàn cầu.

Các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng”

Trong những ngày gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc không kích nhằm vào thủ đô Kiev và các cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 29/3 cho biết Nga đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, với tổng cộng 99 máy bay không người lái và tên lửa. Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết cảnh báo không kích đã vang lên trên khắp Ukraine khi 10 khu vực của nước này bị tấn công.

Theo nhà điều hành lưới điện quốc doanh Ukraine, Ukrenergo, cuộc tấn công hôm 29/3 chủ ý nhắm vào các nhà máy nhiệt điện và thủy điện trên khắp khu vực miền Trung và miền Tây.

Các cuộc không kích của Nga đã gây mất điện trên diện rộng tại nhiều địa phương,.

Các cuộc không kích của Nga đã gây mất điện trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có thành phố Kharkiv ở phía Đông, nơi 700.000 người đang phải sống trong cảnh mất điện sau khi nhà máy nhiệt điện của thành phố bị máy bay không người lái và tên lửa Nga tấn công hôm 22 tháng 3.

Đợt tấn công trên khắp lãnh thổ Ukraine này được coi là chiến dịch không kích quy mô lớn nhất của Nga từ đầu cuộc chiến, khi hàng chục nhà máy nhiệt điện và trạm biến áp điện bị hư hỏng khiến khoảng 1,2 triệu người Ukraine chìm trong bóng tối. Mất điện cũng làm gián đoạn dịch vụ cấp nước, mạng lưới tàu điện ngầm và xe buýt điện trong thành phố.

Đợt tấn công trên khắp lãnh thổ Ukraine này được coi là chiến dịch không kích quy mô lớn nhất của Nga từ đầu cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 24/3, cho biết từ ngày 21 đến 24/3, Nga đã sử dụng khoảng 190 tên lửa, 140 UAV Shahed và 700 quả bom để không kích Ukraine.

Theo người đứng đầu công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, 5/6 nhà máy của họ đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, 80% công suất phát điện bị mất sau hai tuần bị Nga tấn công và công tác sửa chữa có thể mất tới 18 tháng.

Đáng quan ngại là trong đợt tấn công này, một tên lửa của Nga đã bắn trúng đập DniproHES ở tỉnh Zaporizhia - đập thủy điện lớn nhất của Ukraine với sức chứa khoảng 3,3 tỷ m3 nước. May mắn là con đập không bị vỡ, nếu không, một thảm họa sinh thái và nhân đạo tương tự vụ vỡ đập Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson hồi tháng 6/2023 chắc chắn không thể tránh khỏi.

Đối phương đã phát động một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào ngành năng lượng Ukraine trong những tuần gần đây. Mục tiêu của Nga không chỉ là gây thiệt hại mà còn làm gián đoạn quy mô lớn trong hệ thống năng lượng của Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko.

Kênh RT dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các lực lượng của nước này đã sử dụng vũ khí tầm xa và máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở năng lượng, khu phức hợp công nghiệp - quân sự, các nút giao thông đường sắt, kho vũ khí và khu vực nơi quân đội Ukraine cùng lính đánh thuê nước ngoài hiện diện.

Vũ khí tầm xa được Nga sử dụng.

Bộ Quốc phòng Nga đánh giá các cuộc tấn công đã hoàn thành mục tiêu chính là làm gián đoạn năng lực sản xuất vũ khí và đạn dược mới của Ukraine, đồng thời phá hủy nhiều thiết bị quân sự mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp cho Kiev và gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển quân Ukraine ra tiền tuyến. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: "tất cả các mục tiêu của cuộc tấn công lớn đã hoàn thành".

Bộ Quốc phòng Nga đánh giá các cuộc tấn công đã hoàn thành mục tiêu chính là làm gián đoạn năng lực sản xuất vũ khí và đạn dược mới của Ukraine

Trong vài tháng qua, Ukraine đã phát động tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga nhằm làm giảm doanh thu từ dầu mỏ và gây gián đoạn nguồn cung cấp quân sự của Điện Kremlin. Theo ước tính của hãng tin Reuters, kể từ tháng 1, Ukraine đã điều hàng chục máy bay không người lái vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm vào ít nhất 13 nhà máy lọc dầu, làm giảm 7% công suất lọc dầu của Moscow, dù chỉ là tạm thời.

Vào mùa đông năm 2022-2023, Nga đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine

Vào mùa đông năm 2022-2023, Nga đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện thường xuyên. Theo các chuyên gia, các đợt tấn công này diễn ra khi mùa đông đến, nhằm khiến các nước phương Tây ủng hộ Ukraine phải chi nhiều tiền hơn để giúp người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm, từ đó giảm nguồn lực hỗ trợ cho Kiev. Đã có những dự đoán rằng Nga có thể lặp lại chiến lược ấy trong mùa đông năm 2023-2024, nhưng trên thực tế, trong mùa đông vừa rồi, Nga lại tập trung tấn công tổ hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine và phải đến mùa xuân mới tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng. Theo giới quan sát, sự thay đổi này nhằm giúp Moscow có thêm thời gian để lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một cuộc tấn công lớn vào ngành năng lượng Ukraine với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu.

Tôi không nghi ngờ gì tất cả cuộc tấn công của Nga nhằm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine đều có sự phối hợp với các chuyên gia năng lượng. Chúng tôi hiểu cách họ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công và chúng tôi biết cách để phản ứng nhằm ngăn tình trạng mất điện.

Ông Volodymyr Kudrytskyi - người đứng đầu Công ty vận hành lưới điện Ukrenergo, Ukraine.

Trong khi đó, ông Frederico Borsari, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA, Mỹ), liên kết các cuộc tấn công của Nga với tình trạng thiếu đạn dược ở Ukraine. Theo chuyên gia này, Moscow muốn làm gián đoạn hệ thống phòng không và thách thức nguồn cung cấp điện của Ukraine cho các hoạt động quân sự khác.

Tác động đến kinh tế và chính trị toàn cầu

Chiến tranh năng lượng Nga - Ukraine đã tác động đến nguồn cung năng lượng của hai bên và được dự đoán sẽ gây hậu quả nặng nề hơn khi mùa hè đến. Ông Roman Nitsovych, Giám đốc nghiên cứu của Dixi Group, một trung tâm phân tích năng lượng có trụ sở tại Kiev, cảnh báo Ukraine sẽ mất điện thường xuyên trong thời gian tới vì mùa hè thường là thời điểm bảo trì các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện - những nơi vừa hứng chịu đòn tấn công từ Nga. Ngược lại, với phía Nga, khoảng 60%, tương đương 18 nhà máy lọc dầu của Nga, có thể gặp rủi ro nếu Ukraine tiếp tục tấn công. Ở cấp độ toàn cầu, cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine có thể tác động mạnh đến kinh tế và môi trường chính trị. Trong bối cảnh ấy, Mỹ đã kêu gọi Ukraine ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga vì lo ngại giá năng lượng tăng cao và các cuộc trả đũa nghiêm trọng hơn từ Moscow.

Giá dầu đã tăng vài điểm phần trăm sau mỗi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga, khi thị trường lo lắng về nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu đã tăng khoảng 15% vào năm 2024, lên khoảng 85 USD một thùng.

Đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 15% vào năm 2024, lên khoảng 85 USD một thùng. Những lo ngại về một mức giá cao hơn có thể làm tăng chi phí xăng dầu đối với người tiêu dùng Mỹ và do đó làm tăng lạm phát trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2024, dường như đã khiến Nhà Trắng gây áp lực buộc Kiev ngừng nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden được cho là cũng lo ngại rằng hành động trả đũa của Nga có thể gây thiệt hại cho các cơ sở năng lượng khác, chẳng hạn như đường ống dẫn vào châu Âu, và khiến giá năng lượng toàn cầu tăng thêm.

Không giống như Ukraine, Nga là nước sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow đã thu về gần 640 tỷ euro (694 tỷ USD) từ các sản phẩm năng lượng, với 68% trong số đó từ dầu mỏ, 21% từ khí đốt tự nhiên và 11% từ than đá.

Nga là nước sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với hàng xuất khẩu Nga đến nay không bao gồm các sản phẩm chủ chốt của ngành năng lượng Nga như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiên liệu uranium cho các nhà máy hạt nhân, hay khí đốt qua đường ống. Lý do là bởi các nước phương Tây chưa sẵn sàng trả một mức giá cao ngất ngưởng cho hoá đơn năng lượng nếu một kế hoạch cắt giảm nhiên liệu hóa thạch Nga được kích hoạt.

Trong bối cảnh 2024 là năm bầu cử ở Mỹ, đây là một rủi ro lớn. Giá nhiên liệu tăng cao hơn, đặc biệt nếu là do Ukraine, sẽ tác động tiêu cực đến cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Biden.

Ngày 22/3, khi được yêu cầu xác nhận thông tin cho rằng Mỹ đang kêu gọi Ukraine ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga vì lo ngại điều này sẽ đẩy giá dầu tăng cao, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “tôi sẽ không nói chi tiết cụ thể trong bài báo đó. Điều duy nhất tôi muốn nói với các bạn là những gì tôi đã nói trước đây. Chúng tôi không khuyến khích hay cho phép quân đội Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bên trong nước Nga”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby.

Về phía EU, Ukraine cho biết chưa có nhà lãnh đạo châu Âu nào phàn nàn về sự biến động của thị trường năng lượng, nhưng dù điều đó có đúng hay không thì có một thực tế là khi thị trường dầu mỏ có vấn đề thì các chính trị gia cũng sẽ lo lắng. Và với việc các kho chứa khí đốt tự nhiên rất cần thiết cho châu Âu hiện đang bị tên lửa Nga tấn công để trả đũa các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga, thì điều đó sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Còn đối với Ukraine, nước này đang chịu thiệt đơn thiệt kép sau các cuộc không kích của Nga vào hạ tầng năng lượng. Một số nguồn tin cho biết hệ thống hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị phá hủy tới hơn 50%. Nếu những cuộc tấn công đồng loạt như vậy vào các nhà máy điện diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí là chỉ cần 2-3 đợt nữa, Kiev sẽ mất khả năng cung cấp năng lượng để sử dụng trong mùa lạnh.

Hệ thống hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị phá hủy tới hơn 50%.

Đáng chú ý, trong các cuộc tấn công mới nhất, Nga đang nhắm mục tiêu vào các nhà máy nhiệt điện và thủy điện chứ không phải các trạm biến áp như năm 2022, khiến hạ tầng cơ sở điện của Ukraine thiệt hại tới 30%. Bộ Năng lượng Ukraine mới đây cho biết nhập khẩu điện của nước này đã tăng gần gấp ba lần, trong khi xuất khẩu điện gần như tê liệt sau hàng loạt cuộc tấn công của Nga.

Việc Nga tăng cường các cuộc tấn công và mối lo ngại rằng nguồn lực để Ukraine ngăn chặn các cuộc không kích ấy có thể cạn kiệt, gần như chắc chắn sẽ giáng một đòn nữa vào nền kinh tế thời chiến đang suy yếu của Kiev. Các quan chức Ukraine đang nỗ lực thu hút đầu tư và đưa hàng triệu người Ukraine sống ở nước ngoài trở về bằng cách quảng bá về khả năng phòng không được cải thiện của nước này. Tuy nhiên, các cuộc không kích mới của Nga đã khiến những tuyên bố ấy không khỏi bị hoài nghi.

Sau một đêm như thế này, tôi đặc biệt lo lắng liệu lực lượng phòng không của chúng tôi có đủ đạn dược để hạ gục những mối đe dọa xuất hiện hàng đêm hay không.

Nhà lập pháp Kira Rudik.

Không chỉ vậy, Ukraine còn đang trong tình thế bất lợi. Không chỉ bị Nhà Trắng gây áp lực ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, đến nay, Kiev vẫn chưa nhận được từ Quốc hội Mỹ vũ khí và nguồn tài chính mà họ cần để tồn tại, do tình trạng rối loạn chính trị tại Mỹ. Khi nước này theo đuổi các biện pháp nhằm xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình, những hành động tương tự như tấn công vào cơ sở lọc dầu của Nga có nguy cơ khiến Kiev bị Nhà Trắng xa lánh. Trong bối cảnh ấy, tương lai của Ukraine có thể phụ thuộc vào sự cân bằng trong cách Tổng thống Zelensky lựa chọn để quản lý những lợi ích xung đột. Đây chắc chắn không phải việc dễ dàng.

Nga đã tăng cường các cuộc không kích nhằm vào thủ đô Kiev và các cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/3 thừa nhận rằng Mỹ không tán thành việc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu ở Nga. Đáng chú ý, ông Zelensky cho rằng việc khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraine - như những tuyên bố trước đây của phía Ukraine, không còn là điều kiện tiên quyết để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy “công thức hòa bình” của riêng mình. Những phát biểu này của ông Zelensky dường như báo hiệu sự thay đổi điều kiện đàm phán của Kiev với Moscow.

Về phần mình, Điện Kremlin nhấn mạnh họ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa và chỉ trích việc thiếu đột phá ngoại giao là do chính quyền Ukraine từ chối chấp nhận thực tế trên thực địa. Cuộc đàm phán gần nhất giữa Moscow và Kiev được tổ chức tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ, vào mùa xuân năm 2022, nhưng đã sụp đổ khi mỗi bên cáo buộc nhau đưa ra yêu cầu phi thực tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.