BV Bạch Mai: kéo dài thời gian khám chữa bệnh đến 21h
Bệnh viện tuyến trung ương quá tải
Xe cấp cứu liên tục ra vào tại khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Vào ca trực, các y, bác sĩ tại đây gần như không lúc nào được nghỉ ngơi vì phải nỗ lực giành sự sống cho rất nhiều người bệnh.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có gần 1.000 ca cấp cứu bệnh nhân nặng từ các địa phương chuyển lên, bởi vậy, y, bác sĩ đều phải tăng ca, tăng kíp, quan tâm đến hàng trăm người bệnh từ vấn đề chuyên môn, chạy chữa, đến những việc như vệ sinh cá nhân.
Tình trạng quá tải từ những chiếc giường bệnh hay ghế cho người nhà người bệnh đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc ở Bệnh viện Bạch Mai. Những khu trọ gần bệnh viện cũng luôn đông đúc, bởi người nhà bệnh nhân có nhu cầu thuê để lưu trú gần viện.
Cứ có ca tử vong và ngộ độc thực phẩm hàng loạt là các địa phương chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bởi nơi đây là tuyến cuối cấp cứu các ca bệnh nặng. Như đợt tiếp nhận 10 bệnh nhân bị ngộ độc tiết canh dê tại đám cưới ở Thái Bình mới đây, sau hai ngày điều trị tích cực, 9 bệnh nhân bình phục và xuất viện, trong đó có bệnh nhân 13 tuổi.
Khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm cấp cứu hàng trăm ca bị ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó hầu hết ở độ tuổi học sinh. Bệnh nhân đều có chung biểu hiện loạn thần, ảo giác, thậm chí có những bệnh nhân tổn thương phổi và thần kinh, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng hoặc tử vong.
Khoa Cấp cứu A9 và khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai chỉ là hai trong số ba mươi chuyên khoa của Bệnh viện Bạch Mai đang hàng ngày khám, điều trị, cấp cứu cho gần 4.000 bệnh nhân nội trú, trong khi giường kế hoạch được Bộ Y tế giao là 3.600 người bệnh.
Ngoài ra, mỗi ngày, toàn bệnh viện còn khám bệnh ngoại trú cho gần 8.000 bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới 10.500 người bệnh.
Những giải pháp giúp giảm tải bệnh nhân
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết Bệnh viện đã và đang triển khai biện pháp nhằm giảm tải bệnh nhân tới khám và điều trị trong các khung giờ cao điểm.
Thay vì để người dân tập trung khám bệnh vào một khung giờ như thường quy, thì tới đây, Bệnh viện sẽ chia thành nhiều khung giờ khám chữa bệnh.
Bệnh viện sẽ tăng thêm khung giờ khám bệnh từ 17 giờ cho đến 21 giờ; có những chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia làm việc vào khung giờ đó.
Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Bộ Y tế lấy người bệnh làm trung tâm, Bệnh viện đã động viên cán bộ nhân viên chia ca, chia kíp để làm việc và bố trí lại cách làm việc trong bệnh viện.
Cụ thể, hệ thống xét nghiệm chiếu chụp sẽ ưu tiên cho người bệnh ngoại trú trước, để người bệnh có kết quả sớm chuyển các bác sĩ kết luận. Đối với bệnh nhân nội trú, Bệnh viện sẽ chuyển sang chiếu chụp vào buổi chiều và ca đêm, thậm chí đến 21, 22 giờ đêm. Riêng những ca cấp cứu thì có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào.
Đặc biệt là vào thứ Bảy, Chủ nhật, Bệnh viện đã bố trí các ca trực để những bệnh nhân nội trú được chụp chiếu và xét nghiệm, từ đó các bác sĩ sẽ sớm có các kết quả phục vụ kết luận, hội chẩn và đề ra phương pháp điều trị. Nhờ vậy sẽ nâng cao chất lượng điều trị, giảm thời gian nằm viện, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Bệnh viện cũng đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, giúp người bệnh đăng ký khám bệnh trực tuyến và lựa chọn các khung giờ rất đơn giản và dễ dàng thông qua App và hệ thống trực tổng đài.
Tính đến thời điểm này, trung bình mỗi ngày hệ thống đã tiếp nhận khoảng 2.000 đến 2.500 cuộc gọi đặt lịch hẹn khám; đồng thời tư vấn cho người dân lựa chọn các khung giờ phù hợp để tới khám bệnh.
Thông qua việc đăng ký khám chữa bệnh qua App, người bệnh gửi thông tin trước, các thông tin về người bệnh đã có sẵn sẽ giúp các bác sĩ có thể xem trước hồ sơ, chẩn đoán sớm cho người bệnh; đồng thời, nhiều xét nghiệm, chụp chiếu sẽ không phải làm lại nữa, giúp tiết kiệm cho người bệnh, cho ngân sách rất lớn.
Sau buổi tiệc liên hoan Trung thu, có 55 em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT huyện Xín Mần nghi bị ngộ độc và phải nhập viện để điều trị.
Sở Y tế TP. HCM huy động các bệnh viện hỗ trợ 30.000 túi thuốc cho các tỉnh, thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3.
Mới đây, Bệnh viện chuyên khoa & Trung tâm nghiên cứu King Faisal (KFSHRC) của Ả-rập Xê-út đã thực hiện thành công ca ghép tim hoàn toàn bằng robot cho một bệnh nhân 16 tuổi bị suy tim giai đoạn 4.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đã sơ duyệt vaccine của hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic là vaccine đầu tiên phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs và 500 túi đựng nước nhằm bảo vệ sức khoẻ của hàng trăm nghìn người dân trên khắp các tỉnh của miền Bắc Việt Nam sau sự tàn phá nặng nề mà bão Yagi gây ra.
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 5400 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt.
0