Các đại sứ quán có còn bất khả xâm phạm?

Từ lâu, các đại sứ quán được coi là “bất khả xâm phạm” đối với các quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần, đại sứ quán Iran ở Damascus bị ném bom, còn đại sứ quán Mexico ở Thủ đô Quito thì bị Cảnh sát Ecuador xông vào để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador. Cả hai hành động đều bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với Công ước Vienna, trong đó khẳng định quyền miễn trừ của các cơ quan ngoại giao.

Tiền lệ nguy hiểm

Các đoạn video từ bên trong đại sứ quán Mexico tại Ecuador cho thấy cánh cửa đại sứ quán bị mở ra một cách thô bạo, cảnh sát xông vào và một người đàn ông, được cho là cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đang trú ẩn trong đại sứ quán, bị Cảnh sát Ecuador lôi ra ngoài.

Đây là cuộc tấn công vào đại sứ quán của chúng tôi. Một chính phủ sẽ không làm như vậy nếu họ không nhận được sự hỗ trợ từ các chính phủ và quyền lực khác. Vì lý do này, chúng tôi sẽ đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador.

Cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đã ngồi tù 4 năm sau khi bị kết án năm 2017 về tội tham nhũng. Ông Glas hiện đang phải đối mặt với nhiều tội danh khác nhau, khiến ông phải nộp đơn xin tị nạn vào tháng 12 năm 2023 tại đại sứ quán Mexico tại Ecuador. Mexico đã chấp nhận yêu cầu này của ông Glas.

Phía Ecuador biện minh cho quyết định đưa cảnh sát xông vào đại sứ quán Mexico với lý do ông Glas không thể được tị nạn chính trị vì ông là một tội phạm bị kết án. Có một số cơ sở cho tuyên bố này. Theo Công ước của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ về Quyền tị nạn năm 1954, quy chế tị nạn chính trị không thể được cấp cho những người phạm tội bị kết án trừ khi những cáo buộc đằng sau việc kết án đó có tính chất chính trị.

Cánh cửa đại sứ quán bị mở ra một cách thô bạo, cảnh sát xông vào và một người đàn ông, được cho là cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đang trú ẩn trong đại sứ quán, bị Cảnh sát Ecuador lôi ra ngoài.

Ecuador lập luận rằng Mexico đã lạm dụng quyền miễn trừ ngoại giao, khiến nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều cảnh sát vào đại sứ quán Mexico. Tuy nhiên, ở đây cần phải có một việc quan trọng cần làm rõ.

Quyền miễn trừ ngoại giao và quyền tài phán ngoài lãnh thổ quốc gia của các cơ quan đại diện nước ngoài là những nguyên tắc nền tảng của Công ước Vienna. Tị nạn chính trị là một vấn đề riêng biệt cần được giải quyết riêng.

Điều 21 của Công ước Vienna quy định rằng các cơ quan đại diện ngoại giao được hưởng đầy đủ quyền miễn trừ và quyền tài phán ngoài lãnh thổ quốc gia, nghĩa là chính phủ sở tại không có quyền vào đại sứ quán nếu không có sự cho phép của người đứng đầu cơ quan đại diện.

Chúng tôi nhắc lại nghĩa vụ của tất cả các quốc gia là không viện dẫn các quy định của luật pháp trong nước để biện minh cho việc họ không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, những hành động của chính quyền Ecuador đối với trụ sở ngoại giao của Mexico ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế.

Ông Luis Almagro, Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ OAS.

Như vậy, nếu chính phủ Ecuador coi ông Glas không đủ điều kiện để xin tị nạn chính trị, họ có thể ngăn chặn việc di chuyển hoặc từ chối cho người xin tị nạn rời khỏi đại sứ quán và rời khỏi đất nước. Mexico cũng có cơ sở vững chắc để phản đối các biện pháp như vậy, vì theo Công ước về Quyền tị nạn năm 1954, quốc gia cấp tị nạn có quyền quyết định xem vụ việc có mang động cơ chính trị hay không.

Ông Luis Almagro, Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ OAS.

Chưa nói đến việc cựu Phó Tổng thống xin tị nạn có chính đáng hay không, nhưng việc cử đội đặc nhiệm xông vào đại sứ quán là hành vi cố ý vi phạm các chuẩn mực ngoại giao. Trong lịch sử từ lâu đã có những chính trị gia Mỹ Latinh xin tị nạn và ẩn náu nhiều năm trong các tòa nhà đại sứ quán vì chính phủ không cho phép họ rời đi an toàn - đáng chú ý nhất là nhà lãnh đạo Peru Víctor Raúl Haya de la Torre, người đã ở trong đại sứ quán Colombia ở Lima suốt 5 năm.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latinh vào những năm 1960 và 1970, cảnh sát cũng không được phép xông vào các tòa nhà đại sứ quán để bắt giữ những người xin tị nạn. Và điều này cho thấy rõ hành động của Ecuador thực sự đáng lo ngại.

Việc cử đội đặc nhiệm xông vào đại sứ quán là hành vi cố ý vi phạm các chuẩn mực ngoại giao.

Mỹ Latinh từng chứng kiến nhiều bất ổn chính trị và đảo chính quân sự, nên việc tuân thủ các luật xung quanh quyền tị nạn chính trị và quyền miễn trừ ngoại giao là cần thiết. Việc vi phạm Công ước Vienna theo cách Ecuador làm có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tị nạn chính trị ở Mỹ Latinh lâu nay giống như một chiếc phao cứu sinh, cho phép các nhà lãnh đạo bị phế truất thoát khỏi nguy hiểm. Làm suy yếu các cấu trúc ngoại giao hỗ trợ người xin tị nạn cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm những bất đồng trong khu vực. Mexico cắt đứt quan hệ với Ecuador sau cuộc đột kích vào đại sứ quán. Nicaragua đã chính thức cắt đứt mọi quan hệ với Ecuador. Chính phủ Nicaragua đã công bố quyết định này và tuyên bố sự phản đối mạnh mẽ, dứt khoát và không thể thay đổi đối với việc chính quyền Ecuador tấn công cơ quan ngoại giao của Mexico. Nhiều quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Venezuela và các quốc gia khác cũng đã lên án hành động của Ecuador.

Cấu trúc ngoại giao lung lay

Theo các quan chức Iran, một cuộc không kích của Israel đã san phẳng lãnh sự quán Iran ở Syria và giết chết hai tướng Iran cùng 5 sĩ quan. Cuộc tấn công thể hiện sự leo thang trong việc Israel nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự Iran. Điều đáng nói là nhà riêng của đại sứ Iran lại nằm trong tòa nhà lãnh sự bị không kích.

Tổng thư ký lên án vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở Damascus cũng như các trường hợp thương vong được báo cáo. Ông tái khẳng định rằng nguyên tắc bất khả xâm phạm của cơ sở ngoại giao, lãnh sự và nhân sự phải được tôn trọng trong mọi trường hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Guterres cũng nhắc nhở tất cả các bên tuân thủ mọi nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế.

Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn Liên hợp quốc.

Iran tuyên bố sẽ trả thù Israel vì cuộc không kích giết chết 2 tướng lĩnh và 5 cố vấn quân sự của nước này tại khu đại sứ quán nước này ở Damascus, làm tăng nguy cơ leo thang thêm xung đột ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các nước phương Tây, nơi các nhà lãnh đạo thường tuyên bố duy trì “trật tự dựa trên luật lệ”, lại tỏ ra miễn cưỡng lên án hành động này. Điều đáng chú ý là ba nền dân chủ tự do trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp đều từ chối lên án cuộc tấn công vào đại sứ quán Iran khi vấn đề được đưa ra thảo luận.

Iran tuyên bố sẽ trả thù Israel vì cuộc không kích giết chết 2 tướng lĩnh và 5 cố vấn quân sự của nước này tại khu đại sứ quán nước này ở Damascus, làm tăng nguy cơ leo thang thêm xung đột ở Trung Đông.

Israel tuy không chính thức thừa nhận trách nhiệm nhưng lập luận rằng nơi ở của đại sứ Iran không thực sự là địa điểm ngoại giao mà là “một tòa nhà quân sự cải trang thành tòa nhà dân sự”. Như vậy, đối với Israel đó là một mục tiêu hoàn toàn hợp pháp. Nhưng trên thực tế, phần lớn các đại sứ quán - đặc biệt là của các nước lớn – đều có số lượng đáng kể nhân viên quân sự và tình báo. Nếu viện lý do đó mà cho rằng các đại sứ quán nên tước quyền miễn trừ ngoại giao và trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công vũ trang sẽ khiến toàn bộ Công ước Vienna sụp đổ. Và cùng với đó, cấu trúc làm cơ sở cho các tương tác ngoại giao chính thức trên toàn thế giới cũng sẽ tan tành theo.

Các nhà phân tích cho rằng, thái độ của một số quốc gia tương đối nương nhẹ đối với các hành vi xâm phạm đại sứ quán của Israel cho thấy sự hiểu biết về tầm quan trọng của các quy tắc và quyền miễn trừ ngoại giao là chưa đầy đủ. Khi những thách thức toàn cầu gia tăng, các đại sứ quán và đại diện của họ trở nên quan trọng hơn. Nếu việc bảo vệ các cơ sở ngoại giao chỉ là thứ yếu so với các lợi ích chính trị, thì điều đó sẽ gây bất lợi lớn cho việc quản lý quan hệ quốc tế. Hoạt động ngoại giao sẽ trở nên khó khăn hơn

Hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Gaza đầy rủi ro

Nếu như Công ước Vienna bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao, thì các hoạt động nhân đạo quốc tế được bảo vệ bởi Công ước Geneva. Thế nhưng công ước này cũng không được tôn trọng khi mới đây, 7 nhân viên cứu trợ thuộc Tổ chức từ thiện viện trợ lương thực World Central Kitchen đã thiệt mạng ở Gaza khi đoàn xe của họ bị máy bay không người lái của Israel tấn công. Họ chỉ là một vài trong số 200 người hoạt động nhân đạo đã chết trong chiến dịch tấn công của Israel vào Dải Gaza. Hầu hết trong số đó là người Palestine. Sự việc này cho thấy cả nhân viên cứu trợ cũng như người dân nhận hỗ trợ nhân đạo tại Gaza đang phải đối mặt với rủi ro về tính mạng. 

Sự an toàn và tự do đi lại của các nhân viên cứu trợ nhân đạo là điều cần thiết để cho phép viện trợ đến được với những người cần giúp đỡ. Điều này được thực hiện bằng cách “giảm xung đột”, trong đó, các tổ chức cung cấp cho lực lượng vũ trang thông tin chi tiết về vị trí và kế hoạch di chuyển của nhân viên, cũng như liên lạc theo thời gian thực trong các hoạt động nhân đạo để đảm bảo an toàn cho họ. 

Sự an toàn và tự do đi lại của các nhân viên cứu trợ nhân đạo là điều cần thiết để cho phép viện trợ đến được với những người cần giúp đỡ.

World Central Kitchen cũng làm như vậy nhưng bi kịch vẫn xảy ra. Đầu bếp nổi tiếng Jose Andres nói trong một cuộc phỏng vấn đầy cảm xúc rằng Israel đã nhắm mục tiêu “một cách có hệ thống, từng ô tô một” trong vụ không kích khiến 7 nhân viên cứu trợ lương thực thiệt mạng ở Gaza. Ông Andres bác bỏ khẳng định của Israel và Mỹ rằng cuộc tấn công không phải chủ ý.

World Central Kitchen đã đình chỉ hoạt động tại Gaza sau vụ tấn công. 7 nhân viên đã dỡ 100 tấn hàng viện trợ từ một con tàu trước khi họ thiệt mạng. World Central Kitchen đi tiên phong trong hành lang hậu cần hàng hải này từ Síp đến cầu cảng phía Nam thành phố Gaza khi đường bộ vào Dải Gaza bị Israel hạn chế nghiêm trọng, bất chấp lo ngại về nạn đói ngày càng tăng. Sau cuộc tấn công, một con tàu khác của World Central Kitchen đã quay trở lại Síp mà không được dỡ hàng. 

World Central Kitchen đã đình chỉ hoạt động tại Gaza sau vụ tấn công.

Hiện tại, viện trợ bằng đường biển đã bị đình chỉ. Các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức cung cấp khoảng 80% viện trợ ở Gaza, đã đình chỉ các hoạt động vào ban đêm sau cuộc tấn công. Một số tổ chức nhân đạo đã tạm dừng hoạt động hoàn toàn vì tình hình trở nên quá nguy hiểm đối với nhân viên của họ. Các tổ chức khác đang đánh giá lại quy trình. Tất cả khiến người dân Palestine ở Gaza ngày càng tuyệt vọng hơn.

Ngay cả chiến tranh cũng phải tuân theo những luật lệ riêng. Việc tiếp cận an toàn hàng cứu trợ nhân đạo cho dân thường gặp khó khăn đã được quy định trong Công ước Geneva. Mặc dù vậy, các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ ở các khu vực xung đột đang trở nên thường xuyên hơn. Bản thân cuộc tấn công vào Gaza cho thấy “luật pháp quốc tế” không còn là tối cao và áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người. Trong khi đó, các cuộc tấn công vào đại sứ quán Mexico và Iran cũng nhấn mạnh thêm thực tế là luật pháp quốc tế đang bị vi phạm nghiêm trọng, cần phải bị lên án mạnh mẽ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.