Cạm bẫy khi đầu tư tiền ảo | Hà Nội tin mỗi chiều

Cạm bẫy khi đầu tư tiền ảo; Phát hiện cơ sở tái chế chì trái phép rộng hàng nghìn m2... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Cạm bẫy khi đầu tư tiền ảo

Công an thành phố Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng các đối tượng thông qua các ứng dụng Zalo, Telegram hoặc Facebook để mời chào người dân tham gia đầu tư tiền ảo, tiền điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng.

Thời gian gần đây, dự án có tên gọi HorusLayer quảng bá, giới thiệu về đồng tiền ảo HRX. Dự án này kêu gọi người dân mua, đầu tư tiền ảo qua website https://app.horuslayer.com/ để có thể hưởng lợi nhuận lên tới 10%/tháng.

Ngoài ra, nếu giới thiệu, tuyển thêm người tham gia, đầu tư vào website trên sẽ được hưởng hoa hồng giới thiệu trực tiếp và hoa hồng lãi suất từ người được mời tham gia. HorusLayer được giới thiệu phát triển bởi một công ty ở nước ngoài, không có trụ sở cũng như đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Luật pháp Việt Nam không công nhận tiền ảo là tài sản cũng như phương tiện thanh toán hợp pháp, do đó khi đầu tư vào tiền ảo cũng như đồng HRX, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia.

Dự án có tên gọi HorusLayer quảng bá, giới thiệu về đồng tiền ảo HRX. Ảnh: Báo đầu tư.

Công an thành phố Hà Nội cũng cảnh báo, các sàn giao dịch tiền ảo như quảng cáo, mời chào theo phương thức đa cấp với lời hứa đạt lợi nhuận cao, nhưng lại an toàn không mất vốn, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian đều có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như ứng dụng đầu tư tiền ảo có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu ứng dụng này dẫn dụ, lôi kéo, thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư. Còn nhóm những nạn nhân, người ít thì mất vài tỷ đồng, người nhiều mất tới 2 - 3 triệu USD.

Một điểm chung của các vụ lừa đảo qua sàn tiền ảo là các tên miền những sàn giao dịch này sử dụng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Sau khi đã lừa được một lượng người nhất định, các nhóm này sẽ chuyển sang một tên miền khác và cho sàn cũ ngừng hoạt động để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng. Nhiều nạn nhân đã khuynh gia bại sản, thậm chí tổn hại đến sức khỏe.

Ứng dụng đầu tư tiền ảo có tên Token Pocket. Ảnh: Báo Thái Bình.

Theo Thượng uý Trịnh Công Anh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, những cá nhân tham gia đầu tư tiền ảo và đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý.

Hiện nay tất cả các loại tiền ảo tại Việt Nam chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận. Do vậy, mọi vấn đề phát hành hay lưu hành tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đều không phù hợp pháp luật Việt Nam. Những người bỏ tiền ra mua các đồng tiền ảo sẽ không được Nhà nước bảo hộ, nên trong trường hợp có rủi ro thì nguy cơ mất trắng rất cao.

Công an thành phố Hà Nội lưu ý người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư vào các dự án tiền ảo, đặc biệt là các dự án quảng cáo lợi nhuận cao bất thường so với thị trường, cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.

Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, người dân cần liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Phát hiện cơ sở tái chế chì trái phép rộng hàng nghìn m2

Một cơ sở tái chế chì quy mô lớn hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi vừa bị phát hiện.

Một cơ sở tái chế chì quy mô lớn hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Môi trường & Cuộc sống.

Khoảng 22h đêm, khu vực nhà xưởng nằm khuất sau cánh đồng Tín, thôn Đông, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn vẫn đỏ lửa tái chế chì. Với diện tích lên đến nhiều nghìn m2, bên trong nhà xưởng chất đầy các bao tải chứa chì thải được tập kết sẵn để đưa vào lò nấu.

Trong không gian nhà xưởng xông mùi khét lẹt, đặc quánh mùi hóa chất, người làm thuê túc trực trông coi việc tái chế chì. Đa số những người lao động đang làm việc ở đây đều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Được trả công ở mức trên dưới 10 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, nhưng phải đối mặt với nguy cơ độc hại từ bụi chì.

Tro xỉ được chủ xưởng dùng san lấp mặt bằng, mở rộng khu vực lấn chiếm đất công. Nước thải đen đặc được bơm thẳng ra khu đất nông nghiệp kế bên. Ngoài lò nấu chì còn có hàng loạt nhà xưởng cùng hoạt động liên quan đến việc thu gom tái chế chất thải nguy hại khác như tái chế pin, linh kiện điện tử. Cả một khu vực hoạt động tái chế trái phép, khá quy mô và rầm rộ, nhưng không được phất hiện và chặn kịp thời.

Chì nằm trong nhóm kim loại nặng, có thể gây nhiễm độc cho người, đặc biệt là trẻ em. Theo cảnh báo của Bộ Y tế, khi nhiễm độc chì, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi tiếp xúc chì trong thời gian dài, não bộ người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời gây ra các biến chứng như tổn thương hệ thần kinh, suy thận, co giật, thậm chí nặng hơn là bất tỉnh hay tử vong. Phụ nữ có thai bị phơi nhiễm chì ở mức độ cao có thể gây sẩy thai, cũng như dị tật nhỏ. Vì mức độ độc hại nên mọi hoạt động thu gom, tái chế chì đều phải được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép, đồng thời kiểm tra giám sát theo một quy trình chặt chẽ.

Mới đây, 9 công nhân sản xuất bình ắc quy bị nhiễm độc chì trong quá trình lao động vừa phải điều trị tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp. Theo các bác sĩ, khi người bình thường tiếp xúc với bụi chì sẽ dẫn đến ngộ độc chì cấp tính, với các triệu chứng như đau bụng, hôn mê và các triệu chứng liên quan đến mạch máu.

Công nhân sản xuất bình ắc quy bị nhiễm độc chì trong quá trình lao động vừa phải điều trị tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp. Ảnh: VTV.

Nhiễm độc chì mãn tính có các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, đau nhức cơ, xương khớp, nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh nội khoa khác, nếu không phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Về lâu dài chì ngấm vào trong xương sẽ gây bệnh về ung thư xương, ảnh hưởng đến các cơ quan mạch máu, ung thư máu, dẫn đến các bệnh về cơ xương khớp, bệnh lý về tiêu hóa như cơn đau bụng chì.

Để tránh nguy cơ nhiễm độc chì nghề nghiệp, công nhân tiếp xúc với chì cần được trang bị và sử dụng đồ bảo hộ lao động, không ăn uống tại nơi làm việc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khi thấy dấu hiệu nhiễm chì cần ngừng tiếp xúc và đi điều trị. Đối với môi trường lao động có nguy cơ ô nhiễm chì cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.

Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngay sau siêu bão Yagi, ngày hôm nay 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Tích.