Cần xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường BĐS
Những khu đô thị bị bỏ hoang cả chục năm trời, nhưng để mua được, người có nhu cầu thực phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Nhiều thửa đất đấu giá, rồi dịch vụ, nay trở thành vũng trâu đằm.
Trong khi đó, ngày 19/8/2024, phiên đấu giá khu đất thuộc xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, gây sốc dư luận. Trên 500 người với hơn 1.500 hồ sơ tham gia, cuộc đấu diễn ra xuyên đêm và giá trúng cao nhất được trả lên tới 133,3 triệu đồng/m2. Nhiều thửa đất thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 10/8, phiên đấu giá 68 thửa đất ở Thanh Cao - Thanh Oai cũng thiết lập nhiều kỷ lục. 1.500 người tham gia với hơn 4.200 hồ sơ, giá trúng bị đẩy cao gấp gần 3 lần giá thị trường, lên tới hơn 103 triệu đồng/m2. Đến hạn nộp tiền, 80% người trúng đấu giá đã bỏ cọc sau khi thực hiện thành công chiêu trò “kích sóng đất nền”.
Giá nhà, giá chung cư ở Hà Nội đang bị đẩy lên một mức cao chưa từng có. Người dân khó tiếp cận nhà ở. Doanh nghiệp khó bán được hàng. Thị trường BĐS đứng trước nguy cơ đóng băng. Vấn đề này đang làm đau đầu cơ quan quản lý và đang trở nên nóng hơn bao giờ hết tại nghị trường Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: “Tình trạng đầu cơ đẩy giá đất lên cao, khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”.
Ông Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Có vấn đề về lợi ích nhóm, có chăng là vấn đề có dấu hiệu lũng đoạn thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng của một nhóm lợi ích? Cái này chúng ta chưa chỉ ra được. Chúng ta phải mạnh dạn chỉ rõ ra thì chúng ta mới có được cái giải pháp cụ thể, căn cơ”.
Ông Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm cũng không kém gì đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hiện nay chúng ta có Bộ luật Hình sự quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Hiện nay hành vi thao túng đối với thị trường bất động sản thì diễn ra rất tinh vi và dẫn đến tình trạng là bong bóng và giá trên trời”.
Dưới góc độ pháp lý, Luật kinh doanh BĐS và các quy định liên quan không quy định rõ hành vi “nhiễu loạn thị trường BĐS”. Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định tội danh nào trực tiếp, để xử lý hình sự thường phải viện dẫn sang các tội danh như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng. Trong khi đó, thủ đoạn thao túng, nhiễu loạn thị trường BĐS gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội không kém gì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Đã đến lúc không thể coi đây là hoạt động kinh tế đơn thuần mà phải nhìn nhận đó là tội phạm kinh tế.
Ông Lê Văn Long - Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán VPS, cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm coi hành vi thao túng thị trường bất động sản sẽ coi là tội phạm kinh tế, tương tự như hành vi lũng đoạn trong thị trường chứng khoán. Bởi chúng ta thấy mức độ tương đồng cũng như sự nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế, tới thị trường”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Trong thị trường chứng khoán chúng ta đã có những động thái xử lý những tình trạng như vậy. Rõ ràng trên thị trường bất động sản chúng ta cũng phải xử lý hành vi như vậy. Thậm chí trong luật an ninh mạng chúng ta đã có quy định lạm dụng hệ thống mạng và các phương tiện công nghệ thông tin để gây nhiễu loạn, tung tin thất thiệt cũng có thể phạm tội và chúng ta có thể xử được”.
Không chỉ gây hậu quả về kinh tế, hành vi thao túng thị trường bất động sản còn để lại hệ lụy khôn lường đối với đời sống xã hội. Mặt bằng giá bị đẩy lên cao một cách vô lý là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng. Từ đây làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự. Nếu không kiểm soát đươc tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng chỉ trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực.
Xác định rõ việc thao túng, nhiễu loạn thị trường bất động sản là hành vi cụ thể thế nào? Chế tài nào trong luật để xử lý? Đó là những vấn đề rất đáng quan tâm mà các nhà làm luật cần khẩn trương hoàn thiện. Nếu chúng ta có một hệ thống quy phạm đủ mạnh, các sai phạm sẽ chắc chắn giảm đi. Hơn nữa, đã xác định rõ trong luật, thì khi xử lý cũng tránh được sai sót, tránh được việc cố ép hình sự hóa quan hệ tranh chấp kinh doanh, dân sự.
32/66 dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý kéo dài tại TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực đất đai.
Hà Nội đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thủ đô.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn gửi 9 ngân hàng để yêu cầu triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ với hạn mức tín dụng là 145.000 tỷ đồng và sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản trong năm 2025 sẽ chứng kiến sự đổi ngôi khi phân khúc bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn gửi 9 ngân hàng để yêu cầu triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ với hạn mức tín dụng là 145.000 tỷ đồng và sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Cử tri đề nghị UBND Thành phố xem xét đưa khu dân cư Nhuệ Giang tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm ra khỏi quy hoạch dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thành phố. Dự án đã được phê duyệt từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn không triển khai, khiến đời sống của hơn 300 hộ tại đây bị ảnh hưởng.
0